Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách

  •   Thứ tư - 17/08/2016 14:42
  •   2803
  •  0
     
bd
Ngày 22/3, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID) phối hợp tổ chức Hội thảo “Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế: Cơ hội và thách thức để lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững”.

Đây là sự kiện nhằm đánh giá lại những kết quả Việt Nam đạt được trong xây dựng hệ thống chính sách và pháp luật về việc làm bền vững và bình đẳng giới. Đồng thời xác định những thách thức của việc thực thi các quy định này trong thực tiễn, đóng góp vào hệ thống pháp luật về lao động để có tính nhạy cảm giới cao hơn nhằm đáp ứng yêu cầu của TPP và các hiệp định thương mại.

Tại Hội thảo, Bộ LĐTB&XH đánh giá tổng kết Dự án “Lồng ghép bình đẳng giới trong pháp luật và chính sách hướng tới việc làm bền vững ở Việt Nam” giữa Bộ LĐTB&XH và AECID thực hiện từ năm 2012 đến 2016.

Theo Báo cáo, thời gian qua, Dự án đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tăng cường lồng ghép bình đẳng giới và việc làm bền vững thông qua việc rà soát, nghiên cứu và thực thi các chương trình và chiến lược quốc gia trong lĩnh vực lao động và xã hội.

Dự án đóng góp tích cực và hiệu quả đối với việc lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (2014) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014) thông qua các nghiên cứu, đối thoại chính sách, hỗ trợ kỹ thuật và tham vấn các bên liên quan trong quá trình xây dựng các văn bản này. Dự án cũng thực hiện một số mô hình thí điểm áp dụng nguyên tắc việc làm bền vững và bình đẳng giới trong thực hiện chính sách trong lĩnh vực lao động, dạy nghề để rút ra các bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc hoàn thiện chính sách.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Hồng Lan khẳng định: Vấn đề giới là rất quan trọng và tiếp tục là ưu tiên của ngành, bình đẳng giới mới tính thực chất không nằm riêng rẽ mà tiếp tục được lồng ghép trong các chính sách.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, điều quan trọng hơn là cần giám sát tốt để đảm bảo hiệu lực thực thi trong thực tế. Hệ thống các cơ quan quản lý lao động ở địa phương, hiệu quả của chính quyền địa phương mới là yếu tố đảm bảo cho việc hiện thực hóa trên thực tế quyền bằng đẳng giữa phụ nữ và nam giới.

Đánh giá tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, năm 2015 đánh dấu bước ngoặt trong việc Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với việc tham gia cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), Hiệp định thương mại Việt Nam-EU, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), và một loạt các hiệp định thương mại tự do khác. Trong năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã phê chuẩn và cam kết thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững do Liên Hiệp Quốc đề ra, trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, tạo việc làm bền vững và đạt được bình đẳng giới.

Để đạt được các mục tiêu này, đồng nghĩa với việc giải quyết thành công các thách thức đặt ra từ hội nhập. Sau năm 2015, hội nhập quốc tế sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm, dịch chuyển lao động… nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thách thức, đặc biệt đối với phụ nữ trong việc chịu ảnh hưởng của việc biến động kinh tế. Thách thức này đòi hỏi phải lồng ghép giới vào các chính sách pháp luật và xây dựng hệ thống an sinh xã hội. Trên thực tế, Việt Nam đã lồng ghép bình đẳng giới trong quy trình xây dựng Luật Bảo hiểm Xã hội (2014) và Luật Giáo dục nghề nghiệp (2014). Trong khi Luật Bảo hiểm xã hội đã bổ sung chế độ thai sản với nam giới, cải thiện các chính sách cho phụ nữ thì Luật Giáo dục nghề nghiệp tạo cơ hội để các học viên nam và nữ được bình đẳng hơn trong hưởng thụ các chính sách giáo dục.

Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, đào tạo nghề hiện nay vẫn là khâu yếu. Các chương trình nghề chưa đáp ứng tốt nhu cầu của người sử dụng lao động. Khu vực phi chính thức, trong đó hộ cá thể; kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực chính thức, tiếp cận hạn chế các chương trình đào tạo nghề. Việc tiếp cận của nhóm phụ nữ, dân tộc thiểu số khó khăn hơn các nhóm khác. Do đó, trong thời gian tới tăng tính thị trường của hệ thống cung cấp dịch vụ công về đào tạo nghề, tăng tính cạnh tranh, cho phép và tạo điều kiện thuận lợi để khu vực tư nhân tham gia vào các chương trình nghề đang được tài trợ bởi ngân sách là một giải pháp cần được xem xét và cân nhắc.
Theo thanhtra.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 8

Tổng lượt truy cập: 3,945,636

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây