HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Hội chứng con vua - lỗi của bố hay mẹ? 

Hội chứng con vua - lỗi của bố hay mẹ? 
Ảnh minh họa
Cậu bé 10 tuổi vẫn được mẹ xúc từng thìa cơm. Cô con gái 12 tuổi được bố chở đến trường và xách cặp theo vào tận lớp học. 17 tuổi chưa thể tự nấu cơm, luộc rau… có rất nhiều câu chuyện - tưởng bình thường như vậy nhưng lại rất đáng lo ngại. Một thế hệ “con vua” đang được hình thành. Lỗi tại ai?

Muôn kiểu chiều con
Nếu trước đây, ông bà ta quan niệm “đông con-nhiều của” nên thường sinh rất nhiều thì hiện nay, mỗi gia đình chỉ có từ 1 đến 2 con. Điều đó đồng nghĩa với việc cha mẹ có thời gian chăm lo cho con cái nhiều hơn. Lẽ ra, với điều kiện “đầu tư” tốt như vậy, những đứa trẻ phải phát triển toàn diện. Nhưng không, những đứa con thời hiện đại thường “khiếm khuyết” kỹ năng sống, thậm chí hư hỏng.
Bữa cơm nhà chị Hà (Chương Mỹ, Hà Nội) thường kéo dài hơn 1 tiếng. Lý do là vì cô con gái thứ 2, năm nay học lớp 4 vẫn đòi mẹ xúc từng miếng và nịnh nọt đủ kiểu mới nuốt được 1 miếng. Miệng ngậm miếng cơm, cô bé đứng dậy sà vào lòng bố ngồi. Cứ thế, bố bế, mẹ xúc, cô bé liên tục đòi hỏi “Ăn xong miếng này, mẹ phải cho con uống 1 ít nước ngọt” rồi “Tối bố mẹ phải cho con đi siêu thị”. Vì muốn con ăn - tất nhiên - chị Hà đồng ý hết, thậm chí còn phải nói ngon ngọt vì sợ con đổi ý.
Ăn xong, cô bé nhanh chân chạy sang phòng khách bật tivi và nằm dài ra ghế xem hoạt hình, mặc kệ cho chị Hà bảo “Dọn bát đĩa giúp mẹ đã”.
Vợ chồng anh Quang (Mỹ Đình, Hà Nội) có mỗi mình Tuấn. Anh là chủ một doanh nghiệp nhỏ, làm ăn khấm khá lại có mỗi cậu con trai nên cả nhà, từ ông bà đến bố mẹ đều chiều chuộng hết mực, muốn gì được nấy. Từ khi con trai còn nhỏ, vợ chồng anh Quang đã thuê riêng một người vú nuôi chăm sóc. Sáng dậy, Tuấn chỉ việc vào nhà tắm, vú nuôi sẽ đánh răng, rửa mặt cho cậu bé. Sau đó, cậu ngồi vào bàn ăn. Công việc của cậu chỉ là há miệng đón thìa cháo từ tay vú nuôi. Ông bà nội thương thằng cháu đích tôn phải …nhai, rồi dạ dày làm việc vất vả nên một mực bắt cô vú nuôi phải xay nhuyễn cháo và thức ăn để cháu dễ nuốt, dù lúc đó cậu bé đã gần 2 tuổi. Mỗi khi ra ngoài, sợ con bị bẩn nên vợ chồng anh Quang thường cho con đi bằng ô tô hoặc cho con ngồi xe đẩy và không cho chơi với đám trẻ trong khu phố vì sợ lây bệnh. Cậu bé chỉ cần cau mày “A” một tiếng là cả nhà đã hiểu ý và lập tức đáp ứng đòi hỏi của cậu.
Tuấn lớn lên trong nhung lụa bao bọc như thế nên 18 tuổi cậu vẫn trắng bóc, soi kính hiển vi cũng không tìm thấy một vết sứt sẹo nào trên da. Anh Quang làm riêng cho con một cái thẻ, mỗi tháng chuyển vào tài khoản cả chục triệu đồng, chưa kể đôi lúc, Tuấn còn xin thêm vì … ngại đi rút thẻ. Vợ chồng anh Quang thường lấy đó làm tự hào: “Đẹp trai thì phải có nhiều tiền. Con trai ra đường mà không có tiền thì chẳng dám làm gì, nói gì” và thẳng thừng tuyên bố “Con chỉ cần tập trung học hành, không cần làm gì cả. Muốn gì cứ nói với bố, sẽ có hết”.
Thấy bọn trẻ bây giờ được bố mẹ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”, hẳn thế hệ 8x trở về trước không khỏi chạnh lòng!
Bé không vin - lớn gãy cành
“Uốn cây từ thuở còn non/Dạy con từ thuở con còn ngây thơ” - câu ca dao xưa đúng với mọi hoàn cảnh. Cưng chiều con cái - bản chất là một tình cảm thiêng liêng bởi bố mẹ nào cũng muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con. Nhưng chính sự cưng chiều quá mức, bao bọc quá mức đó đã dẫn tới những bi kịch đau lòng.
Nhiều người hay phàn nàn về việc bọn trẻ bây giờ không biết làm gì, thậm chí không kiểm soát nổi cảm xúc của bản thân hoặc nhanh chóng thất bại trước sức ép từ cuộc sống.
Vợ chồng anh Quang mấy tuần nay rầu rĩ vì cậu quý tử đẹp trai dọa bỏ nhà đi bụi nếu bố mẹ không chịu mua cho chiếc xe hơi để đi học. Anh Quang có giải thích: “Đợt này làm ăn khó khăn, bố chưa có tiền. Hơn nữa, con chưa có bằng lái. Bây giờ tập trung thi đại học đã” thì Tuấn phản pháo trống không: “Không đại học gì hết! Chính bố đã tuyên bố con muốn gì cũng được, giờ sao không mua xe cho con đi?”. Tìm hiểu thêm, anh chị mới biết trước giờ cậu con trai quý giá toàn dùng tiền thuê bạn bè làm bài tập để dành thời gian đi bar. Thậm chí, Tuấn còn tụ tập dùng “tem giấy” cùng nhóm bạn. Đến bây giờ, vợ chồng anh Quang mới bắt đầu thấy hối hận, “há miệng mắc quai”.
Một số bậc phụ huynh vì quá lo cho tương lai của con mà định hướng con chỉ tập trung vào học tập, bỏ qua các lĩnh vực khác, biến con trở thành một đứa trẻ “khiếm khuyết” về kỹ năng sống thông thường, ngay cả kỹ năng tự phục vụ. Nhiều ông bố bà mẹ đã bất lực thốt lên rằng: “Lúc mình ốm, mệt nhoài mà con vẫn ung dung ngồi lướt facebook chờ bố mẹ phục vụ ăn uống, đưa đón. Thất vọng muốn khóc, ân hận vì đã biến con thành cây tầm gửi”.
Sự chiều chộng con một cách thái quá, sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện khiến trẻ tự cho rằng mình có những đặc quyền, đặc lợi riêng. Khi được đáp ứng mọi yêu cầu, trẻ dễ trở thành người ích kỷ, tham lam. Và thật khó khăn khi chúng tự bước vào đời. Cha mẹ thương con không đúng cách đã vô tình hình thành nên một lớp trẻ “cậu ấm, cô chiêu” chỉ biết hưởng thụ mà không hề muốn lao động.
Cũng có trường hợp vì bao bọc con quá kỹ trong môi trường “vô trùng” nên hễ gió máy một chút là con lăn ra ốm; ăn đồ lạ là đau bụng, dị ứng.
Có thể, các bậc phụ huynh sẽ nói rằng “Vì yêu con, thương con”. Xin đừng ngụy biện! Đó rõ ràng là một tình yêu sai cách. “Bé không vin” thì ắt “lớn gãy cành”.
Để con được…khổ
Là cha mẹ, việc nuôi dạy con vô cùng quan trọng. Yêu thương không đồng nghĩa với việc bao bọc con quá kỹ hay làm thỏa mãn mọi yêu cầu của con. Những đứa trẻ trong câu chuyện bên trên, xét cho cùng - là nạn nhân của chính bố mẹ. Bởi, khi bố mẹ, ông bà làm hết các việc thì cũng đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội được học hỏi, được thử làm để hoàn thiện kỹ năng của trẻ.
Không trực tiếp làm việc, trẻ không biết làm và không có kinh nghiệm giải quyết tình huống khi bước ra cuộc sống. Trẻ không được tiếp xúc với môi trường xung quanh, với những biến đổi của thời tiết thì sao có sức đề kháng? Không chạy nhảy chơi đùa với bạn bè thì không thể có kỹ năng giao tiếp, không phân biệt được tốt xấu. Sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ thì sao trẻ biết giá trị của đồng tiền và sức lao động, sao trẻ biết tự lập và sẻ chia, biết phấn đấu vươn lên?
Hãy cho con được…khổ! Đừng biến con thành cái rốn của vũ trụ, yêu thương, cưng chiều như ông hoàng bà hoàng rồi lại trút toàn bộ thất vọng, bực dọc lên con khi “sản phẩm” của mình không được như mong muốn.
Với mỗi lứa tuổi cần có sự quan tâm và chiều chuộng đúng mực. Phải hiểu rõ trẻ cần gì và điều gì là thực sự phù hợp với con mình. Chính các bậc cha mẹ phải luôn sáng suốt để phân định rõ ràng giữa việc cần, đủ và thừa thãi, để yêu con đúng cách.
Tình thương yêu và cách giáo dục đúng hướng của cha mẹ chính là “bệ phóng” để con cái trưởng thành.

 
PN&PL (HM)

Nguồn tin: hoilhpn.org.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây