HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Phụ nữ Phú Yên kỷ niệm 1977 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 107 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3

Phụ nữ Phú Yên kỷ niệm 1977 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và 107 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
logo Hoi
Phong trào đấu tranh của Phụ nữ Việt Nam gắn liền lịch sử 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trải qua hàng ngàn năm dưới ách thống trị, kìm hãm của giai cấp phong kiến phương Bắc và phong kiến bản địa, trước tình cảnh nước mất, nhà tan, thân phận, nhân phẩm người phụ nữ bị chà đạp, quyền sống bị tước đoạt. Không chịu nổi sự bất công tàn bạo ấy, cách đây vừa tròn 1977 năm hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị phát động toàn quận Giao Chỉ, tập hợp các Lạc hầu, Lạc tướng, kêu gọi quân sĩ và nhân dân nổi lên chống giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà đã được nhân dân khắp nơi ủng hộ, tạo thành sức mạnh to lớn đánh đuổi quân xâm lược, chấm dứt một giai đoạn thống trị của phong kiến nước ngoài. Hai Bà lên làm vua, được suy tôn là Trưng Vương, đóng đô ở Mê Linh, lập nên một vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ với nhiều chính sách an dân, miễn thuế khoá…duy trì việc nước yên bình, chính trị ổn định trong gần 3 năm.
Chúng ta vô cùng tự hào và kính phục vì hiếm có nơi nào trên thế giới mà cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân chống ngoại xâm và cũng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam do phụ nữ  lãnh đạo. Hình ảnh Hai Bà cưỡi voi phất cờ khởi nghĩa đã đi vào lịch sử như biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của phụ nữ Việt Nam. Trải qua hàng nghìn năm, sự nghiệp và danh tiếng của Hai Bà còn mãi trường tồn cùng đất nước, được các thế hệ phụ nữ Việt Nam không ngừng phát huy, nối tiếp.
Tiếp bước truyền thống của Bà Trưng, Bà Triệu anh hùng, các tầng lớp phụ nữ  qua các giai đoạn lịch sử đã đóng góp xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tổ chức tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam đã có những nữ Đảng viên ưu tú như: Nguyễn Thị Minh Khai, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Xân… Khắp ba miền Bắc – Trung – Nam nhiều chị em sớm giác ngộ cách mạng, dám vượt qua mọi lễ giáo phong kiến, dư luận xã hội, cải trang đóng giả nam giới để hoạt động cách mạng. Trong các nhà máy, đồn điền nhiều chị đã trở thành cán bộ cốt cán của Đảng. Trong các tổ chức quần chúng như Công Hội đỏ, Nông hội đỏ, các nhóm tương tế, học nghề, học chữ quốc ngữ đều có chị em phụ nữ tham gia.
            Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng sản Đông dương ra đời, mở ra một bước ngoặt quyết định cho phong trào phụ nữ Việt Nam. Đảng đã sớm đánh giá đúng vị trí vai trò và khả năng của phụ nữ  đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng, đã đề cập đến vấn đề “Nam nữ bình quyền” và khẳng định “Sự nghiệp giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp và giải phóng phụ nữ”. Phụ nữ Việt Nam đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi vĩ đại giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc xứng đáng với 8 chữ vàng mà Đảng, Bác Hồ đã trao tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ Việt Nam lại vinh dự đón nhận danh hiệu “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng” và “Năng động sáng tạo” vì sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.
Nhìn lại lịch sử hào hùng của phụ nữ Việt Nam cũng là dịp để chúng ta ôn lại một thế kỷ đấu tranh không mệt mỏi vì bình đẳng và tự do của phụ nữ trên khắp hành tinh. Cách đây 107 năm, Đại hội phụ nữ quốc tế lần thứ 2 về lao động nữ họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với khẩu hiệu: Ngày làm việc 8 giờ; việc làm ngang nhau; bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Từ đó ngày 8/3 đã trở thành ngày truyền thống của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam, càng thêm tự hào về thành tích chung ấy có sự đóng góp không nhỏ của các thế hệ phụ nữ Phú Yên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ và tạo điều kiện của chính quyền, các cấp, các ngành trong tỉnh, Hội LHPN Phú Yên không ngừng phấn đấu và ngày càng trưởng thành qua các giai đoạn lịch sử. Hội đã tổ chức, tập hợp, tuyên truyền giáo dục, giác ngộ và vận động các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh, đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ chính quyền cách mạng; Cùng với quân và dân trong tỉnh đập tan chiến dịch Atlăng của địch, góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Trong cuộc trường chinh kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ vừa là hậu phương lớn vừa tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần quan trọng cùng toàn dân tộc đi đến thắng lợi vĩ đại, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975. Trong công cuộc kiến thiết quê hương, thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, phụ nữ Phú Yên luôn thể hiện vai trò và đóng góp quan trọng cùng với những thành tựu của tỉnh.
Đặc biệt, trong nhiệm kỳ (2011 – 2016) vừa qua, các cấp Hội đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn sinh động của phong trào phụ nữ. Tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tổ chức triển khai Phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với Chỉ thị số 03-CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Cuộc vận động xây dựng gia đình “ 5 không 3 sạch” với nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo phù hợp với các đối tượng phụ nữ đảm bảo tính liên hiệp của Hội.
Công tác tuyên truyền được Hội chú trọng, nhất là giáo dục truyền thống yêu nước và phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam gắn với 4 chuẩn mực “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” được Hội tổ chức với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú. Mạng lưới cộng tác viên, tuyên viên viên được củng cố, kiện toàn, chất lượng và số lượng được nâng lên rõ rệt. Công tác tuyên truyên triển khai mạnh mẽ qua các phương tiện thông tin đại chúng như chương trình Truyền hình phụ nữ, Phát thanh phụ nữ, chuyên mục phụ nữ trên Báo Phú Yên, trang Thông tin điện tử Hội LHPN tỉnh, Tờ tin phụ nữ Phú Yên thu hút đông đảo người dân và phụ nữ theo dõi.
Các cấp Hội xác định nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ đòn bẩy của hội. Phong trào “Hỗ trợ PN phát triển kinh tế”, giúp PNN làm chủ hộ thoát nghèo được duy trì và phát triển. Vận động xây dựng 192 nhà Đại đoàn kết, Mái ấm tình thương. Xây dựng mô hình “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm” với hơn 600 hũ gạo tình thương, heo đất, quả dừa, ống tre tiết kiệm… đã vận động được 1.447.642.000đ, 22.692 kg gạo hỗ trợ cho phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Tích cực khai thác các nguồn vốn tín dụng cho hội viên vay phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, với tổng doanh số cho vay l.135,2 tỷ đồng. Điểm nổi bật 100% cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở xây duwgnj 315 đại chỉ an sinh xã hội giúp đỡ thường xuyên 181 trẻ em và 134 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 500 triệu đồng, hàng trăm kg gạo và các vật dụng sinh hoạt khác. Thông qua các hoạt động trên, đã giúp: 42.485 hộ phụ nữ nghèo, trong đó có 2.526 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo.
Với phương châm lấy gia đình làm trung tâm, các cấp Hội cụ thể hóa thành nhiều mô hình thiết thực, phù hợp với các tầng lớp phụ nữ như: CLB gia đình hạnh phúc, CLB xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, Gia đình không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội… thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia, phát huy vai trò tích cực của phụ nữ và xã hội trong xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.
  Công tác giám sát, phản biện xã hội, phát hiện vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ có nhiều tiến bộ, thể hiện rõ hơn chức năng đại diện của Hội. Triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Qua đó, chức năng đại diện cho quyền bình đẳng, dân chủ, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ được thực hiện tốt hơn.
Chất lượng hoạt động Hội ngày càng được nâng cao, tỷ lệ thu hút hội viên đạt 83%, trong đó hội viên nòng cốt chiếm 20,34%; tỷ lệ cơ sở vững mạnh, khá chiếm 95%, xóa không còn cơ sở yếu. Công tác tham mưu giới thiệu, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt sử dụng cán bộ có bước phát triển, qua bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021 có 16,66% nữ tham gia đại biểu Quốc hội, 28% nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh, 20,3% cấp huyện, 24,6% cấp xã.
Ghi nhận những thành tích nổi bật của phong trào phụ nữ tỉnh nhiệm kỳ qua, Chủ tịch Nước đã trao tặng phần thưởng cao quý Huân chương Độc lập hạng nhì, Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc, nhiều năm được Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và nhiều bằng khen.
Năm 2017, là năm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước, của dân tộc, của tỉnh và của tổ chức Hội, đặc biệt là năm diễn ra Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh phát huy vai trò, tiềm năng, sáng tạo đóng góp cho phong trào phụ nữ và hoạt động của Hội, thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tích cực tham gia xây dựng tỉnh Phú Yên phát triển nhanh, bền vững, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vì sự tiến bộ, hạnh phúc, bình đẳng và phát triển của phụ nữ./.
Ban Biên tập
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây