Chuyện những người đàn bà “xóm biển bò gù”

  •   Thứ hai - 08/01/2018 10:01
  •   3925
  •  0
Chị Phan Thị Thu lên máy đàm liên lạc, hỏi thăm tin tức chồng con và bạn thuyền
ngoài biển khơi - Ảnh: PHƯƠNG OANH

Bên trong dáng vẻ mảnh mai, yếu đuối của những người phụ nữ làng biển là một ý chí mạnh mẽ giúp các chị trở thành những “thuyền trưởng” tài ba, vững tay lái đưa “con tàu” gia đình vượt sóng gió của thời cuộc làm ăn, đi đến bến bờ no ấm, hạnh phúc.

 Đam mê làm giàu từ biển

“Chuyến biển ấy, trên đường vào bờ, anh em gọi cho hay tàu nhà mình câu được 70 con cá. Từ lúc nghe tin, tôi vui mừng, lâng lâng như kẻ mộng du. Đêm khuya, đường sá vắng tanh, tôi một mình lững thững đi dọc con đường xuống cảng. Bụng dạ nôn nao mong trời mau sáng để tàu cập bờ, tận mắt nhìn cảnh hầm cá được mở ra”. Đó là một ký ức đẹp mà chị Phan Thị Thu, vợ của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Nhã, chủ tàu cá PY90189TS, nhà ở gần bến cá phường 6(TP Tuy Hòa) không bao giờ quên.

Chị Thu cho hay đó là chuyến biển “no” nhất trong mùa biển bội thu 4 năm trước, cũng là năm biển thắng lớn nhất kể từ khi vợ chồng chị bước vào câu cá ngừ đại dương (nghề bò gù). Lần đó, từ phần chia 50% trên tổng thu của chuyến biển trả cho tổn nghề, chị nhận được 240 triệu đồng. Chỉ riêng phần chia cho mỗi lao động trên tàu, chồng và con trai lớn của chị đã đưa về gần 50 triệu đồng. Gom toàn bộ số tiền, tham khảo ý chồng, chị quyết định vay, mượn thêm tiền đầu tư đóng mới một con tàu 400CV, giao cho đứa con trai lớn 24 tuổi cầm lái.

Từ lúc nhà có hai tàu, mỗi chuyến biển, chỉ riêng chuyện đi tìm thợ bạn, chị đã thấy vất vả gấp nhiều lần. Chưa nói chuyện sắm sửa đồ ăn, thức uống, lấy dầu, đá lạnh... hàng trăm thứ phải chạy tiền, phải tính toán cân đối. “Cả xóm biển này, hễ nhà nào là chủ nghề, có tàu, đàn bà đều phải lo như vậy. Chồng, con quanh năm mình trần cháy nắng trên biển, chuyện tiền nong, sổ sách, tính toán cân đối, một tay người đàn bà, phải kỹ càng mới tránh nguy cơ nợ nần, phá sản”, chị Thu bộc bạch.

Cũng như chị Thu, từ hai bàn tay trắng đến lúc có trong tay hai chiếc tàu trên 400CV với khối tài sản cả chục tỉđồng, chị Trần Thị Gái ở làng biển Đà Diễn (phường 6) vẫn giản dị, cặm cụi theo cung cách con nhà biển chính gốc. Nghe tin tàu của chồng sắp về đến cửa biển, chị ra bến từ sớm, liên hệ các chủ đại lý thu mua. Tàu cập cảng, chị theo dõi việc chuyển cá vào trại, cân đong, chia tiền lãi, chia phần bồi dưỡng cho người đi bạn. Tấm lưới chồng đi biển đem về, chị vẫn tự tay đem giũ, giặt sạch rồi vá lành những mành bị rách.

Nhớ lại lần đầu đóng con tàu công suất lớn để hành nghề xa bờ, chị Gái kể từ khoản dư tích góp sau nhiều năm hùn hạp làm ăn, năm 2004, chị bàn với chồng đóng một con tàu 260CV, thực hiện ước mơ làm chủ tàu cá. Để kinh tế gia đình không bị hẫng hụt và có thêm khoản tiền sắm ngư cụ, chị động viên chồng con cứ yên tâm vươn khơi bám biển đánh bắt. Một mình, chị lần hồi tìm đến những lão ngư dày dạn nghề biển để tìm hiểu tỉ mỉ về chuyện đóng tàu. Xưởng nào đóng tốt, loại gỗ nào cho từng phần trên con tàu, thiết kế theo mẫu tàu nào phù hợp, mua máy tàu ở đâu..., chị đều nắm chắc. Chồng đang đi biển, ở nhà chị xem được ngày, được tháng và cho thợ đóng tàu.

Rồi đến khi lên đà, lắp máy, xảm, sơn... vẫn một mình chị. Mất 4 tháng trời ngày đêm bám xưởng, lúc con tàu hạ thủy, người chị gầy rạc như xác ve nhưng trong lòng sung sướng, phấn chấn, mừng đến quên ăn, quên ngủ. Nhờ may mắn, sau 3 năm liên tục được mùacá, chị lại dành dụm, tích góp, vừa sửa nhà, vừa nâng máy tàu cũ, lại tiếp tục đóng chiếc tàu thứ hai 420CV giao cho con trai lớn cầm lái.

Cho đến bây giờ, những chiếc tàu vẫn là phương tiện giúp chủ của nó “có của ăn, của để” bậc nhất trong làng. Thế nhưng, ít ai hiểu, nó mang cả niềm khao khát và ý chí mạnh mẽ của người phụ nữ vốn hiền hậu, mềm yếu này. Chị Gái cho biết nhiều thời điểm đòi hỏi chị phải nhạy bén, sáng suốt lựa chọn các phương án để con tàu mình làm ra đảm bảo an toàn và hoạt động tốt.

“Biển cả, sóng to gió lớn hiểm họa khó lường. Một chi tiết trên tàu, dù nhỏ nhất cũng phải đảm bảo chất lượng, phải thật an toàn. Chẳng hạn, khi thợ lắp ván tàu, nếu mình thấy họ vô miếng gỗ mỏng, chưa đạt, ngay lập tức phải yêu cầu họ thay miếng gỗ khác. Hoặc, ngay cả chuyện đóng bu lông, ốc vít, hồ, xảm như thế nào, mình cũng phải rành để nhắc nhở họ”, chị Gái chia sẻ.

Đồng hành cùng những chuyến khơi xa

Không những giỏi việc hậu cần, những người phụ nữ “xóm biển bò gù” còn thành thạo cách dò các đài thông tin duyên hải nghe gió, bão rồi lên máy đàm liên lạc ra biển báo cho chồng con mình biết hướng để đưa tàu chạy tránh gió bão.

Hàng chục năm nay, chị Thu đã có thói quen mỗi ngày hai lần, sáng và chiều lên máy đàm gọi ra biển nói chuyện với chồng con cùng những tàu anh em trong tập đoàn. Nhờ thói quen đó, chị đã có lần giúp được anh em bạn thuyền của chồng mình thoát nguy hiểm giữa mùa giông bão. Chị Thu kể hôm đó, nhà có giỗ, chị cặm cụi trong bếp làm mâm cơm cúng giỗ. Nấu nướng xong, nhìn đồng hồ đã thấy 10 giờ 30, tức qua giờ lên máy đàm 30 phút. Đoán chừng anh em đã xuống máy, chị định bỏ qua một phiên không liên lạc.

Thế nhưng bụng dạ không yên, vậy là chị lại lên phòng, bật máy. “Vừa vặn nút mở máy, tôi đã nghe có giọng giục giã, hoảng hốt từ ngoài biển “Bữa nay sao chị Bốn Thu không mở đàm, giờ làm sao gọi thợ bày cách sửa máy để kịp chạy tránh bão?”. Nghe đến đó, tôi lên tiếng trấn an anh em ngay và nhờ người chạy gọi ngay thợ máy thủy đến tư vấn sửa máy. Đến 4 giờ chiều thì tàu khắc phục được sự cố và đã chạy kịp tránh bão”, chị Thu nhớ lại.

Anh Nguyễn Vũ, thuyền trưởng con tàu bị nạn cho biết, nghe tin bão đến, anh vừa tăng tốc cho tàu chạy bão thì máy bị hỏng, tàu đứng khựng, tròng trành, gió bão mỗi lúc một lớn. “Nếu bữa đó chị Thu không lên máy đàm, tôi và anh em lao động trên tàu mình đã không thể trở về sau bão”, anh Vũ nói.

Nhiều người đàn ông đi biển lâu năm cũng không giấu được lòng ngưỡng mộ, nể phục vì sự thông minh, nhanh nhạy của chị em làng biển Đà Diễn đối với nghề. Ông Phan Thuẩn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá TP Tuy Hòa, thường nói rằng, ngày ngày, nhiều chị em vẫn đồng hành cùng chồng trên biển theo cách của mình. “Họ ra bến, nghe ngóng thông tin các tàu đã về bến. Những tàu đánh bắt nhiều cá đã trở về từ vùng biển nào, các chị còn kết hợp tra thông tin dự báo ngư trường trên mạng. Từ đó, họ dự đoán vị trí ngư trường nhiều cá rồi lên máy đàm gọi ra chỉ hướng cho chồng, con đưa tàu đến vùng đó đánh bắt. Thực tế, những phụ nữ giỏi giang như vậy trong nhà đều có của ăn, của để. Thắng lợi của những con tàu giữa biển khơi có hơn một nửa công sức của những bóng hồng nơi xóm biển”, ông Thuẩn khẳng định.

PHƯƠNG OANH

Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 8

Tổng lượt truy cập: 3,945,336

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây