Phát huy vai trò tổ chức Hội trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên
- Thứ tư - 30/10/2024 08:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã phát huy vai trò tổ chức Hội trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Phú Yên. Đặc biệt, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Hội LHPN tỉnh được UBND tỉnh giao chủ trì thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" giai đoạn 2021 – 2025, tại 3 huyện miền núi Đồng Xuân, Sông Hinh, Sơn Hòa và thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa.
Trên cơ sở chỉ đạo, định hướng của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú, vừa cụ thể, vừa thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tổ chức hội nghị triển khai các nội dung của Dự án; tập huấn hướng dẫn thành lập, vận hành các mô hình cho sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện và cấp xã; kỹ năng giám sát, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội LHPN các cấp về kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Vận hành và ra mắt 71 Tổ truyền thông cộng đồng với 695 thành viên; đồng thời tổ chức truyền thông thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà tại 100% xã có dự án và tổ truyền thông cộng đồng có 4.500 người tham gia. Tổ chức 80 buổi nói chuyện chuyên đề pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về bình đẳng giới, phòng, chống mua bán người, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; kỹ năng làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ vị thành niên; tổ chức 5 lớp tập huấn trang bị kiến thức về bình đẳng giới, nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số; kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ Hội cơ sở; già làng, trưởng thôn/buôn, người có uy tín trong thôn, hội viên nòng cốt.
Ra mắt 18 mô hình "Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng"; 13 Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi"; xây dựng nhiều sản phẩm truyền thông đa dạng phong phú hỗ trợ tuyên truyền trực quan tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: xây dựng clip phát sóng trên truyền hình PTP Phú Yên, sổ tay tuyên truyền, tờ gấp, áp phích; phát động 14 chiến dịch truyền thông Bình đẳng giới, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới và lễ phát động chiến dịch Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; 34 hội nghị Đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn, buôn với chủ đề: “Trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại trẻ em” có 3.845 cán bộ, hội viên, phụ nữ và người dân tham gia; tổ chức Liên hoan "Các mô hình tổ truyền thông cộng đồng", Hội thi “Ngôi sao thủ lĩnh” cấp huyện và cấp tỉnh...
Qua 2 năm triển khai thực hiện, các mô hình, hoạt động của Dự án là kênh tuyên truyền hiệu quả, trực tiếp truyền tải những thông tin, kiến thức đến người dân, trong đó chú trọng tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, tảo hôn và hôn nhân cận huyết và vận động xóa bỏ tập tục lạc hậu trong đồng bào các DTTS; đồng thời, vừa là kênh nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, phát hiện những vấn đề đặt ra liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái phản ánh đến các cấp Hội và chính quyền địa phương được cấp uỷ, chính quyền địa phương đánh giá cao. Qua đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về giới và bình đẳng giới; thay đổi "nếp nghĩ, cách làm" góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục có hại của người đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; nâng cao nhận thức về chăm sóc phụ nữ sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em cho phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ bảo vệ và ngăn chặn, xử lý kịp thời các vụ bạo lực gia đình mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em.
Bên cạnh đó, để thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào DTTS và miền núi, các cấp Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở chú trọng đề xuất với cấp ủy Đảng các cấp đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nữ có đủ trình độ, năng lực, có phẩm chất đạo đức, có uy tín để đưa vào quy hoạch và bổ sung quy hoạch cán bộ. Hằng năm, Hội giới thiệu khoảng từ 20 - 30 hội viên ưu tú là người dân tộc thiểu số được kết nạp đảng. Hiện nay, đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện đã tăng lên về số lượng ở tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, từ cấp huyện đến cấp cơ sở; trình độ năng lực, nhất là lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực thực tiễn từng bước được nâng cao. 100% Chủ tịch Hội cơ sở dân tộc thiểu số đạt chuẩn chức danh về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền vận động thực hiện bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa đạt hiệu quả cao, do một số phong tục, tập quán lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số chậm loại bỏ; tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí hạn chế, nhiều phụ nữ còn mù chữ, tình trạng tảo hôn còn xảy ra một số địa phương; tình trạng người đàn ông trong gia đình hay uống rượu say, bỏ bê công việc, đặt gánh nặng trách nhiệm gia đình lên vai người phụ nữ còn khá phổ biến, tình trạng thách cưới, ma chay, hiếu hỉ tốn kém vẫn còn tồn tại ở một số địa phương, dân tộc, gây nhiều hệ lụy tiêu cực, tước đi cơ hội học tập, phát triển bản thân của nhiều phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, một bộ phận phụ nữ DTTS có tư tưởng an phận, tự ti, còn ngại tham gia các hoạt động xã hội.
Để phát huy vai trò tổ chức Hội trong công tác thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là vùng thực hiện Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em", cần tập trung một số nội dung sau:
Một là, Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chia sẻ, vận động về kết quả, tác động từ Dự án 8, những mô hình, cách làm hiệu quả, sáng tạo trong triển khai dự án và những vấn đề xã hội cấp thiết đang đặt ra đối với phụ nữ, trẻ em tại vùng đồng bào DTTS và miền núi … thông qua các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, chiến dịch truyền thông và trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và địa phương.
Hai là, Làm tốt công tác phối hợp, phát huy vai trò của người có uy tín, chức sắc, chức việc các tôn giáo, cá nhân tiêu biểu trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình.
Ba là, Các cấp Hội Phụ nữ, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi chủ động phát hiện, tạo nguồn, giới thiệu cán bộ Hội, cán bộ nữ là người DTTS giới thiêu cho các cấp ủy Đảng bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ dân tộc thiểu số đảm bảo chất lượng đáp ứng được yêu cầu nhân lực thời kỳ mới.
Nguyễn Thị Phương Liên
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh