HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Đại biểu dân cử với hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới

Đại biểu dân cử với hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới
Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là chìa khóa thúc đẩy sự phát triển bền vững và tiến bộ của xã hội. Mới đây, hội thảo “Đại biểu dân cử với hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới” do Tổ chức Nhân dân Australia vì y tế, giáo dục và phát triển hải ngoại tại Việt Nam (APHEDA Việt Nam) phối hợp với Hội LHPN tỉnh Phú Yên tổ chức tiếp tục nhấn mạnh về vấn đề này.

Hội thảo thu hút sự tham gia đông đảo của các Thường trực đại biểu HĐND tỉnh, ĐBQH, Chủ tịch Hội LHPN 3 tỉnh Hải Dương, Bắc Kạn, Phú Yên. Tại đây, các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tới.

BÀ HOÀNG THỊ LỆ HẰNG, GIÁM ĐỐC QUỐC GIA APHEDA VIỆT NAM: Tăng tỉ lệ nữ ứng cử viên đại hội đảng và đại biểu HĐND các cấp

Trong hoạt động của dự án “Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính” do tổ chức APHEDA tài trợ, chúng tôi chú tâm vào việc nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính, nhất là các nữ đại biểu HĐND cấp xã, thúc đẩy vai trò hoạt động của mạng lưới cấp xã, CLB của nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh và nhóm điều phối của cấp huyện. Hội thảo lần này là dịp chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để tăng cường tiếng nói của nữ đại biểu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, tăng tỉ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo 3 tỉnh.

Sau một thời gian triển khai, dự án mang lại nhiều kết quả rõ rệt. Ở cấp xã, tăng cường tiếng nói đại diện trong việc đề đạt, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, củng cố, tăng cường lòng tin của các cử tri đối với nữ đại biểu. Còn ở cấp tỉnh, CLB nữ đại biểu HĐND đã góp phần cùng với lãnh đạo tỉnh, chính quyền địa phương lồng ghép chỉ số về giới trong việc học nghề, tạo việc làm cho lao động nữ hoặc là vận động làm thế nào để tăng tỉ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo…

Thời gian tới, ngoài việc tập trung tăng cường năng lực cho nữ đại biểu HĐND, chúng tôi sẽ vận động tăng tỉ lệ nữ tham gia quản lý lãnh đạo, lồng ghép các chỉ số chuyên sâu về giới cụ thể hơn. Dự án sẽ tập trung nhiều hơn vào việc vận động bầu cử, tăng số lượng, chất lượng nữ tham gia ứng cử cho đại hội đảng các cấp và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026…

BÀ PHƯƠNG THỊ THANH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH BẮC KẠN, ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XII, XIII, XIV: Nâng cao chất lượng sinh hoạt CLB nữ đại biểu dân cử cấp tỉnh

CLB Nữ đại biểu HĐND tỉnh Bắc Kạn khóa IX nhiệm kỳ 2016-2021 có 19 thành viên. Từ khi thành lập đến nay, CLB đã tạo môi trường để các nữ đại biểu gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác, thực hiện nhiệm vụ người đại biểu dân cử.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh tổ chức 12 kỳ họp theo quy định, trong các kỳ họp các nữ đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực tham gia thảo luận, tranh luận với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, mang tính phản biện sâu sắc, đề xuất một số kiến nghị, giải pháp cụ thể sát thực, giúp cho việc quyết định của HĐND tỉnh đúng đắn, khả thi.

Các nữ đại biểu ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng của mình thông qua các hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, chất vấn, giám sát. Tuy nhiên, việc thực hiện chức năng của nữ đại biểu còn một số hạn chế, cần triển khai giải pháp để nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động CLB nữ đại biểu dân cử như: xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung để tổ chức sinh hoạt, phát huy vai trò các thành viên trong CLB.

Điều mà chúng ta cần quan tâm, đó là sự phối hợp giữa các sở, ban ngành trong việc thúc đẩy bình đẳng giới ở địa phương; các nữ đại biểu nâng cao vị trí, vai trò trong việc thực hiện nhiệm vụ; các thành viên cần chú trọng lựa chọn các chuyên đề sinh hoạt, nhất là sự chia sẻ lồng ghép giới trong quyết định chính sách của HĐND, trong hoạt động giám sát; cơ quan có thẩm quyền, CLB nữ cần quan tâm nhiều hơn đến việc xây dựng đội ngũ nữ ứng cử viên trong nhiệm kỳ tới…

PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH HẢI DƯƠNG NGUYỄN THANH MAI: Xây dựng nghị quyết, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giới

Từ khi thành lập CLB Nữ đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Hải Dương nhiệm kỳ 2016-2021 như là một ngôi nhà chung tạo sự gần gũi, kết nối giữa các nữ đại biểu dân cử. CLB đã tạo môi trường bổ ích, lành mạnh để các nữ đại biểu Quốc hội, HĐND tỉnh Hải Dương gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong công tác, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm, nhiệt huyết trong thực hiện nhiệm vụ.

CLB đã tổ chức sinh hoạt với một số chủ đề như: “Nâng cao chất lượng các ý kiến tham gia phát biểu tại kỳ họp”, “Việc đảm bảo ngân sách cho hoạt động bình đẳng giới trong dự toán ngân sách hàng năm”. Qua đó giúp các nữ đại biểu nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh… để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Để hoạt động của CLB đạt hiệu quả, chất lượng hơn nữa, theo tôi cần tăng cường các buổi sinh hoạt chuyên đề; bản thân các nữ đại biểu cần trau dồi kiến thức để nâng cao trình độ về mọi mặt nhằm đóng góp, hiến kế cho Quốc hội, HĐND tỉnh hoàn thành chức trách trong việc ban hành chính sách pháp luật và giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan nhà nước và người dân.

Đồng thời, các nữ đại biểu cần quan tâm hơn tới vấn đề giới, lồng ghép giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình xây dựng nghị quyết, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về giới; tích cực hướng dẫn, giới thiệu cán bộ nữ để tăng cường sự tham gia trong đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo.

Đề xuất các giải pháp hữu hiệu để đảm bảo cơ cấu cán bộ nữ trong thời gian tới; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ nữ; chủ động giám sát và tham gia giám sát, kiểm tra, đánh giá các chính sách liên quan đến công tác cán bộ nữ, tích cực tuyên truyền giáo dục bình đẳng giới…

CHỦ TỊCH HỘI LHPN TỈNH PHÚ YÊN ĐẶNG THỊ HỒNG NGA: Tăng cường kỹ năng cho các nữ đại biểu HĐND cấp xã

Trong khuôn khổ hoạt động của dự án, mạng lưới nữ đại biểu HĐND cấp xã tại 2 huyện Đồng Xuân và Phú Hòa được thành lập vào cuối năm 2017 có 131 nữ đại biểu ở 20 xã, thị trấn tham gia. Để mạng lưới đi vào hoạt động hiệu quả, các đơn vị đã xây dựng quy chế hoạt động, tổ chức sinh hoạt định kỳ 3 tháng 1 lần.

Ngoài ra, các nữ đại biểu còn được tập huấn nâng cao kỹ năng tham gia thảo luận, trình bày, chất vấn, giám sát, hướng dẫn thảo luận nhóm, góp ý rút kinh nghiệm trong tham vấn ban hành Nghị quyết HĐND… Đồng thời được các chuyên gia hướng dẫn thực hành góp ý rút kinh nghiệm trong tổ chức giám sát, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của cử tri. Nhờ đó, các nữ đại biểu HĐND cấp xã trong dự án có thêm nhiều kiến thức, kỹ năng thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu dân cử.

Để nâng cao chất lượng mạng lưới nữ đại biểu HĐND cấp xã, theo tôi cần tiếp tục tổ chức các hoạt động tập huấn nâng cao năng lực, tập trung nâng cao các kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm cho nữ đại biểu. Đồng thời duy trì sinh hoạt mạng lưới; trước các kỳ họp, các tổ nữ đại biểu ở xã gặp gỡ trao đổi thông tin, hỗ trợ những vấn đề, nhu cầu đại biểu quan tâm để có sự đồng thuận khi đưa ra kỳ họp.

Thông qua mạng lưới, họ thường xuyên kết nối trao đổi kỹ năng, cung cấp thông tin liên quan đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo điều kiện để cùng chung tiếng nói về các vấn đề liên quan đến chính sách phụ nữ, trẻ em…

Hội thảo lần này là dịp chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp để tăng cường tiếng nói của nữ đại biểu trong việc thúc đẩy bình đẳng giới, tăng tỉ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo 3 tỉnh Hải Dương, Bắc Kạn và Phú Yên.

NGỌC DUNG (ghi)

Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây