Lắng nghe để tăng quyền năng cho phụ nữ
- Thứ năm - 16/03/2017 09:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đó là những trao đổi tâm huyết của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với đại biểu dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII tại lễ tôn vinh “Tự hào Phụ nữ Việt Nam” tối 7/3/2017 vừa qua.
Tham dự và giao lưu với đại biểu phụ nữ trong chương trình “Tự hào Phụ nữ Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rất ấn tượng với những gương mặt nữ tài năng, trí tuệ, tiêu biểu được Hội LHPN Việt Nam tôn vinh. Với 30 phút giao lưu cùng đại biểu nữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn trao đổi, trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu phụ nữ. Thực hiện mục tiêu bình đẳng giới mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà thay mặt phụ nữ và Hội LHPN Việt Nam mong Thủ tướng Chính phủ phất ngọn cờ đầu trong lĩnh vực bình đẳng giới trong Chính phủ và trong các bộ ngành TW để đóng góp nhiều hơn, thay đổi rõ ràng hơn cho sự nghiệp bình đẳng giới. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: Tôi tiếp thu nguyện vọng của đồng chí Thu Hà, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam để xây dựng chương trình hành động cụ thể hơn, nhất là chương trình phát triển bền vững để xây dựng đất nước chúng ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như ước nguyện của Bác Hồ. Đặc biệt là quan tâm đến phụ nữ để tạo cho chị em có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, bình đẳng. Chính phủ cam kết phối hợp chặt chẽ, định kỳ với Hội LHPN Việt Nam để lắng nghe những đề xuất chính sách, những nguyện vọng; thảo luận để đưa ra các mô hình, cách làm, nguồn lực và đặc biệt là sự quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Trả lời về các giải pháp thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Thủ tướng cho biết:Chính phủ xác định bình đẳng giới là chương trình rất quan trọng của đất nước. Việc thực hiện bình đẳng giới của Chính phủ theo lộ trình cụ thể. Đó là, xây dựng Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới cùng với tổng kết 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới để bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và kết hợp với Hội LHPN Việt Nam để triển khai Chiến lược; Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới; Bố trí nguồn lực và lồng ghép tốt các chương trình; Tăng cường kiểm tra, đánh giá, nhất là cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới; Tiếp tục quán triệt, giáo dục, tuyên truyền để mọi cấp, mọi ngành hiểu được những nội dung căn bản của bình đẳng giới. Thủ tướng tin tưởng rằng, với việc thực hiện tốt các nội dung trên, chương trình bình đẳng giới của Việt Nam sẽ được thực hiện tốt hơn, mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn. Trao đổi về vấn đề tỷ lệ phụ nữ tham gia trong lãnh đạo nhà nước, chính quyền của Ni sư Thích Đàm Thành, Thủ tướng khẳng định: Tôi tiếp thu ý kiến này. Mặc dù tỷ lệ Đại biểu Quốc hội của Việt Nam hiện nay là trên 27%, là một tỷ lệ cao của thế giới, khu vực. Chúng tôi đồng ý là tỷ lệ cán trong khối chính quyền, trong lãnh đạo, trong phụ nữ, trong Quốc hội nói chung là thấp. Chúng ta sẽ phấn đấu, coi đó là một tiêu chí quan trọng nâng tỷ lệ cán bộ lãnh đạo nữ lên trong khối của cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng, cơ quan Chính phủ. Thủ tướng lắng nghe, tiếp thu và rất chia sẻ với huấn luyện viên bắn súng Nguyễn Thị Nhung về những khó khăn của vận động viên bắn súng nữ. Với Thủ tướng, để vận động viên nữ có điều kiện luyện tập, có chính sách bồi dưỡng để phục hồi sức lao động và đặc biệt là chính sách lao động lâu dài cho vận động viên chuyên ngành khi hết tuổi là những vấn đề rất cần quan tâm. Thủ tướng khẳng định, từ những phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, đặc biệt thông qua Hội LHPN Việt Nam chúng ta hình thành nên quy định, chính sách mới, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ chúng ta có điều kiện đóng góp xây dựng xã hội chúng ta văn minh, bình đẳng. Quan tâm đến vấn đề bạo lực gia đình, Thủ tướng khẳng định: Đấy là vấn đề rất lớn của xã hội. Chúng ta phải giáo dục cho mọi thành viên của xã hội sớm chấm dứt, hạn chế tối đa bạo lực gia đình. Không những tuyên truyền giáo dục tốt mà cần phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nghiêm trọng.
Phấn đấu đến năm 2020 có 35% doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủTrả lời các câu hỏi về vấn đề phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ, Thủ tướng khẳng định: Phát triển doanh nghiệp đi liền với chương trình khởi nghiệp, đặc biệt phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam là vấn đề lớn. Và khởi nghiệp đang là vấn đề nóng bỏng, hiện nay Chính phủ đang kêu gọi phát triển 1.000.000 doanh nghiệp cho đất nước, trong đó có 35% doanh nghiệp do nữ làm chủ. Chính phủ cũng đang hoàn thiện để trình Quốc hội các Luật về phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ vào phiên họp sắp tới. Trong đó chú trọng đến các chủ doanh nghiệp do nữ làm chủ. Thủ tướng đã làm việc với Hội LHPN Việt Nam về chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, gắn với chương trình khởi nghiệp cho phụ nữ và Thủ tướng sẽ trực tiếp duyệt chương trình. Trong đó, có đề cập đến các vấn đề về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức…Chương trình sẽ hỗ trợ các biện pháp cụ thể để phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa do nữ làm chủ. Theo Thủ tướng, chương trình khởi nghiệp đặt ra cho tất cả các giới, nhưng với tỷ lệ lao động gần 50%, lao động nữ phải được đặc biệt quan tâm hơn nữa. Nhà nước phải cố gắng hơn nữa cho sự phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phụ nữ. Phấn đấu đến năm 2020 có 35% doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp do nữ làm chủ. Thủ tướng cũng mong muốn chị em phụ nữ sẽ học tập, nghiên cứu bằng nhiều hình thức và giới thiệu chương trình khởi nghiệp để có nhiều doanh nghiệp nữ được thành lập. Ấn tượng với mong muốn chị em phụ nữ có vốn làm kinh tế để không phải xa nhà, xa chồng, xa con của bà Trần Thị Mừng – Tổ trưởng tổ phụ nữ ấp Rọc Năng, xã Hưng Yên, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng nói: “ly nông bất ly hương” là vấn đề đáng chú ý. Chính vì vậy, phải phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, dịch vụ ở nông thôn để chị em có nhiều công ăn việc làm, không phải xa gia đình là mục tiêu mà Chính phủ. Với suy nghĩ, phụ nữ giỏi bếp núc hơn những công việc về kỹ thuật và xây dựng, Đại biểu Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch tập đoàn BRG có 15.600 lao động đề nghị Thủ tướng hỗ trợ để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nữ dễ dàng tiếp cận với thông tin về quy trình, thủ tục cấp phép, tư vấn xây dựng. Trả lời về vấn đề này Thủ tướng cho biết: Tôi nghĩ phụ nữ không chỉ giỏi bếp núc, mà có nhiều chị rất giỏi trong lĩnh vực xây dựng, cả khoa học công nghệ, kinh doanh và kỹ thuật xây dựng. Chúng ta đang trong quá trình công nghiệp hóa đi với liền đô thị hóa nên yêu cầu về quy hoạch, thiết kế, xây dựng công trình đặt ra rất lớn. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xây dựng, các cơ quan chức năng sẵn sàng cung cấp, tư vấn, ký hợp đồng, đưa ra những đồ án, quy hoạch, kiến trúc, thiết kế cụ thể để phục vụ các nhà đầu tư tốt nhất, nhanh nhất. Do đó, bất cứ đơn vị tư vấn nào có tư cách pháp nhân đầy đủ đều hỗ trợ, tư vấn được cho doanh nghiệp về quy trình, thủ tục xây dựng nhanh nhất, thuận tiện nhất. Đồng thời Thủ tướng khẳng định: Chính phủ xin đảm nhận công khai, minh bạch cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư. |