HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Chương trình hành động số 09-CTr/TU, ngày 18/8/2021 của Tỉnh ủy

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG

CỦA TỈNH ỦY

về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành
ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030

-----


Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động về đầu tư phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, phấn đấu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh vào năm 2030, như sau:

 

Phần thứ nhất
TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN DU LỊCH PHÚ YÊN
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020


I- NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

- Qua 05 năm triển khai thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU, ngày 26/4/2016 của Tỉnh ủy về đầu tư phát triển đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh giai đoạn 2016-2020, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc. Nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển du lịch có sự chuyển biến tích cực; các chủ trương, chính sách phát triển du lịch từng bước được cụ thể hóa thực hiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch và kinh tế-xã hội địa phương.

- Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được tăng cường; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm đầu tư và thu hút đầu tư phát triển; sản phẩm du lịch ngày càng phong phú, đa dạng về các loại hình.

- Cơ sở lưu trú du lịch tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay toàn tỉnh có 380 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch, với 6.160 buồng, số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 6.330 người; có 8 khu di tích, danh thắng được công nhận điểm du lịch địa phương; Di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Nhạn và Di tích danh lam thắng cảnh Gành Đá Đĩa được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt; Vịnh Xuân Đài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Vịnh Xuân Đài đến năm 2030.

- Lượng khách du lịch ngày càng tăng, tổng lượng khách du lịch năm 2019 đạt 1,83 triệu lượt, gấp hơn 2 lần so với năm 2015 (trong đó khách quốc tế hơn 45.000 lượt), tổng doanh thu hoạt động du lịch năm 2019 hơn 1.940 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với năm 2015. Đến năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tổng lượng khách du lịch giảm còn 884.300 lượt (trong đó khách quốc tế 7.385 lượt), tổng doanh thu hoạt động du lịch đạt hơn 678 tỷ đồng. Đóng góp trực tiếp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015 -2020 khoảng 3,7%.

II- HẠN CHẾ VÀ NGUYÊN NHÂN

1- Hạn chế

- Kết cấu hạ tầng du lịch còn hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông đường bộ ven biển, giao thông đường thủy. Số lượng cơ sở lưu trú du lịch từ 3 - 5 sao còn ít, không đạt so với chỉ tiêu đề ra.

- Chưa xây dựng được thương hiệu du lịch để tạo lợi thế cạnh tranh. Sản phẩm du lịch chưa có nét đặc trưng riêng; thiếu các sản phẩm du lịch cao cấp; chất lượng dịch vụ còn thấp, thiếu sức cạnh tranh, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách du lịch; dịch vụ tại các điểm đến còn hạn chế, thiếu các dịch vụ vui chơi, giải trí trên biển, các hoạt động giải trí về đêm.

- Công tác quản lý tổng thể các khu, điểm du lịch chưa tốt; bảo tồn và phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa đạt hiệu quả cao; chưa khai thác, phát huy được hết giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để phục vụ phát triển du lịch.

- Liên kết phát triển du lịch (cả trong và ngoài tỉnh) còn hạn chế. Chưa khai thác, phát huy hiệu quả lợi thế tuyến du lịch hành lang Đông – Tây.

- Nguồn nhân lực du lịch tuy được cải thiện, nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng.
- Lượt khách du lịch quốc tế đến Phú Yên còn ít; ngày lưu trú bình quân của khách du lịch còn thấp.
- Việc bảo vệ môi trường và tài nguyên đa dạng sinh học trong quá trình phát triển du lịch chưa được chú trọng đúng mức.

2- Nguyên nhân

- Một số cấp uỷ, chính quyền chưa kịp thời cụ thể hoá, xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện các chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch; công tác phối hợp giữa các ngành, địa phương trong phát triển du lịch còn lúng túng, chưa hiệu quả.

- Bố trí ngân sách và huy động xã hội hóa đầu tư phát triển ngành du lịch còn hạn chế. Hỗ trợ đầu tư, giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án du lịch còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.

- Ý thức trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng, người dân trong công tác phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và tài nguyên đa dạng sinh học tại các khu, điểm du lịch chưa cao.

- Chưa quan tâm giải quyết hài hoà lợi ích của nhà đầu tư và người dân khu vực dự án du lịch. Kiểm tra, xử lý các dự án chậm triển khai hoặc không triển khai còn thiếu cương quyết.

- Chính sách về đất đai, đầu tư còn nhiều chồng chéo gây cản trở, chậm trễ việc đầu tư của doanh nghiệp.
- Tình hình thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch.

 

Phần thứ hai
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025


I- MỤC TIÊU

1- Mục tiêu tổng quát

- Phát triển du lịch Phú Yên theo hướng hội nhập, chất lượng, bền vững; từng bước tăng tỷ trọng đóng góp của du lịch vào cơ cấu GRDP của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển; tạo nền tảng đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh.

- Tiếp tục xây dựng thương hiệu du lịch Phú Yên là điểm đến xanh, sạch, an toàn, hấp dẫn, thân thiện; là một trong những mắt xích quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung bộ.


2- Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2021-2025: Duy trì tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân trên 14%/năm, trong đó khách quốc tế tăng khoảng 15-20%/năm; doanh thu du lịch tăng trưởng bình quân trên 14%/năm; công suất sử dụng buồng trung bình hàng năm đạt khoảng 61%; số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch tăng trưởng bình quân 4%/năm.

- Đến năm 2025:

+ Tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh khoảng 5-7%.

+ Có trên 4.000.000 lượt khách du lịch đến tỉnh, trong đó có hơn 50.000 lượt khách quốc tế. Ngày lưu trú bình quân khoảng từ 2 - 2,5 ngày/lượt khách.

+ Có khoảng 600 cơ sở lưu trú du lịch với 12.600 buồng, trong đó có khoảng 20 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao (trong đó, có một số cơ sở mang thương hiệu quốc tế).

+ Số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 8.100 người, có từ 80 - 90% lao động được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành.

+ Doanh thu du lịch khoảng 6.000 tỷ đồng, chi tiêu bình quân khách du lịch 1,5 triệu đồng/lượt khách.

- Phấn đấu đến năm 2030, du lịch Phú Yên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn:

+ Tỷ trọng đóng góp của hoạt động du lịch vào GRDP của tỉnh từ 10% trở lên.

+ Có 6.000.000 lượt khách đến tỉnh, trong đó có 600.000 lượt khách quốc tế. Ngày lưu trú bình quân khoảng 2,5 - 3 ngày/lượt khách.

+ Có khoảng 800 cơ sở lưu trú du lịch với 20.800 buồng, trong đó có khoảng 30 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao (trong đó, có một số cơ sở mang thương hiệu quốc tế).

+ Số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch khoảng 12.700 người, có từ 90% lao động trở lên được bồi dưỡng, đào tạo về nghiệp vụ chuyên ngành.

+ Doanh thu du lịch khoảng 12.600 tỷ đồng, chi tiêu bình quân khách du lịch l2,1 triệu đồng/lượt khách.

+ Vịnh Xuân Đài cơ bản đáp ứng các tiêu chí và trở thành Khu du lịch quốc gia.

- Xây dựng môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện; phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường và tài nguyên đa dạng sinh học; huy động người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, hướng đến phát triển du lịch bền vững.

II- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng về phát triển du lịch; nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch

- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, đảm bảo nhất quán từ tỉnh đến cơ sở về mục tiêu, quan điểm phát triển du lịch của tỉnh. Tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội về vị trí, vai trò của du lịch đối với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

- Có cơ chế, chính sách đột phá, khuyến khích phát triển du lịch; đổi mới mạnh mẽ tư duy, tạo điều kiện phát huy sự năng động, sáng tạo của doanh nghiệp và cộng đồng dân cư đối với phát triển của du lịch.

- Phát động phong trào mỗi người dân Phú Yên là một hướng dẫn viên du lịch; vận động nhân dân chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học tại các điểm, khu du lịch.

2- Tập trung lập quy hoạch và huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ du lịch
- Tập trung lãnh đạo huy động mọi nguồn lực về tài chính (ngân sách nhà nước và xã hội hóa), tài nguyên, tri thức, con người và các nguồn lực khác phục vụ phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Nâng cao chất lượng công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện các quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch phát triển tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040. Tập trung huy động các nguồn lực xã hội cùng với ngân sách nhà nước triển khai lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại một số khu vực trọng điểm như: Vịnh Xuân Đài, Bãi Môn - Mũi Điện - Vũng Rô, Cao nguyên Vân Hoà và quy hoạch chi tiết, phân khu chức năng tại các khu di tích, danh thắng.

- Đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Công viên địa chất tỉnh Phú Yên, phấn đấu đến năm 2024 được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu, làm điểm nhấn phục vụ phát triển du lịch.

- Lập quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng thiết yếu để hình thành các khu du lịch ẩm thực mang thương hiệu, đặc trưng Phú Yên tại các khu vực trên địa bàn TP Tuy Hòa, Đầm Ô Loan, Vịnh Xuân Đài, Đầm Cù Mông, Vũng Rô…

- Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương, chủ động tạo quỹ đất sạch để kêu gọi, thu hút đầu tư phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ.

- Ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng theo hướng có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch.

- Lập danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2021 - 2025. Tăng cường kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch có quy mô lớn để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Ưu tiên thu hút đầu tư hình thành một số khu du lịch tạo điểm nhấn của Phú Yên mang tầm quốc gia và quốc tế tại Vịnh Xuân Đài, Gành Đá Đĩa, Vịnh Vũng Rô, Cao nguyên Vân Hoà...

- Huy động các nguồn lực đầu tư, nhất là các nguồn lực xã hội hóa để từng bước phát triển kết cấu hạ tầng giao thông ven biển, các tuyến đường giao thông quanh Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Biển Hồ..., hạ tầng giao thông đường thủy; một số tuyến đường đến: Long Thủy, Phú Thường, Hòn Yến, Bãi Bàng, Bãi Ôm, Từ Nham, Bãi Nồm, các suối nước nóng, Vực Song, Vực Hòm... và đến các điểm di tích lịch sử-văn hóa, danh thắng có tiềm năng phát triển du lịch.

- Tạo điều kiện, thúc đẩy đầu tư nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa đạt công suất 5 triệu khách/năm; tăng các chuyến bay từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đến Phú Yên cũng như mở thêm các tuyến bay mới từ Phú Yên đi một số tỉnh, thành phố lớn trong nước và hướng tới một số nước có thị trường phù hợp; cải tạo, nâng cấp Ga đường sắt Tuy Hoà và tăng thời gian dừng tàu để phát triển loại hình du lịch bằng tàu hỏa. Phối hợp thúc đẩy xây dựng đường cao tốc từ Phú Yên lên Tây Nguyên; tiếp tục nâng cấp Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, Quốc lộ 19C; đầu tư các điểm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ.

- Xúc tiến kêu gọi đầu tư phương tiện vận chuyển khách du lịch, xây dựng bến tàu du lịch, bến thuyền tại khu vực Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Sông Chùa, Vũng Rô… phục vụ phát triển du lịch biển đảo; tiếp tục đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cảnh quan tại khu vực bãi biển TP Tuy Hòa... Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển giao thông công cộng, nhất là các tuyến xe buýt liên huyện.

- Nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, nhất là vốn từ các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chú trọng đầu tư theo hình thức công-tư (PPP); tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương thực hiện lồng ghép các chương trình, các dự án có liên quan để hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch; tăng cường xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch. Tu bổ, tôn tạo, chú trọng tạo điểm nhấn tại các di tích lịch sử, danh thắng, các làng nghề, trong tổ chức lễ hội và hoạt động văn hóa dân gian. Triển khai xây dựng Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 làm cơ sở thu hút các dự án đầu tư.

- Tập trung hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thúc đẩy các dự án du lịch lớn đã và đang nghiên cứu triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động như: Các dự án du lịch tại Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Gành Đá Đĩa, Đèo Cả - Vũng Rô và các dự án du lịch ven biển TP Tuy Hòa...

3- Thực hiện cơ chế, chính sách phục vụ phát triển du lịch

- Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nghiên cứu xây dựng và tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các chính sách cải thiện, nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến du lịch nhằm góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Có chính sách thúc đẩy thu hút đầu tư các sản phẩm du lịch chủ lực và một số khu vực trọng điểm du lịch của tỉnh; hỗ trợ cung cấp thông tin và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính có liên quan nhằm kêu gọi và thu hút đầu tư phát triển du lịch.

- Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ, hướng dẫn người dân trực tiếp tham gia vào hoạt động du lịch và hưởng lợi từ du lịch; đồng thời quản lý tốt hoạt động các loại hình du lịch tự phát, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân hoạt động kinh doanh du lịch đúng quy định.

- Có chính sách tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, xúc tiến quảng bá và đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch. Thực hiện tốt cơ chế, chính sách giải quyết vấn đề về an sinh xã hội.

4- Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; xây dựng một số sản phẩm du lịch mang đặc trưng của Phú Yên

- Xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, đặc trưng, có khả năng cạnh tranh cao, phù hợp với nhu cầu thị trường, dựa trên nền tảng các giá trị về tự nhiên, di tích lịch sử, danh thắng, truyền thống văn hóa của địa phương.

- Tập trung phát triển du lịch biển đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, lấy du lịch sinh thái, du lịch biển đảo làm mũi nhọn; kết hợp hình thành và phát triển một số loại hình du lịch chuyên đề; phát triển sản phẩm du lịch theo hướng xanh, sạch, bền vững và chất lượng.

- Lập đề án xã hội hóa công tác quản lý, khai thác các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để kêu gọi đầu tư tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di tích phục vụ phát triển du lịch. Huy động nhiều nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch chủ yếu, hình thành một số sản phẩm du lịch cao cấp, mang tính đặc trưng của từng khu vực, địa bàn.

- Đầu tư xây dựng điểm du lịch văn hoá tại các khu di tích, khu, điểm du lịch gắn với hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian như: Hò bá trạo, hò khoan, hát tuồng, hô bài chòi; biểu diễn nhạc cụ dân tộc: đàn đá, trống đôi - cồng ba - chiêng năm…; nâng cao chất lượng các lễ hội truyền thống như: Hội thơ Nguyên tiêu núi Nhạn, Lễ hội Cầu Ngư, Hội đua ngựa gò Thì Thùng...

- Hỗ trợ đầu tư các phòng trưng bày tại các khu, điểm du lịch, làng nghề; khuyến khích sản xuất những mặt hàng lưu niệm, đặc sản của địa phương có thương hiệu, tiện lợi trong việc giới thiệu và mua sắm của khách du lịch.

- Đầu tư hình thành điểm du lịch sinh thái cộng đồng tại làng rau Ngọc Lãng, điểm du lịch văn hóa cộng đồng tại buôn Lê Diêm, buôn Xí Thoại, thôn Xây Dựng; điểm du lịch làng nghề tại: Làng đan lát Vinh Ba, làng bánh tráng Hòa Đa, làng đan thúng chai, làng gốm Quảng Đức, làng chiếu Cói Phú Tân, các làng nghề nước mắm, làng chài ven biển và vùng đồng bào các dân tộc thiểu số có tiềm năng. Hình thành điểm du lịch tâm linh tại một số cơ sở tôn giáo có thế mạnh để thu hút khách du lịch.

- Xúc tiến kêu gọi các dự án đầu tư sản phẩm du lịch cao cấp (du lịch tàu biển, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi có thưởng…); phát triển các loại hình du lịch thể thao trên biển, trên cát…; thu hút đầu tư sân golf và đầu tư các dịch vụ du lịch ban đêm (kinh tế đêm) phù hợp với lợi thế và điều kiện của tỉnh nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, thu hút du khách.

- Tăng cường công tác quản lý và hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch văn hóa ẩm thực tại khu vực TP Tuy Hoà, thị xã Sông Cầu, thị xã Đông Hòa, huyện Tuy An và một số địa phương khác.

- Hình thành các tuyến du lịch nối liền giữa miền biển, đảo với các tỉnh Tây Nguyên; hình thành mạng lưới không gian du lịch Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên; phát triển lữ hành quốc tế, đa dạng các hình thức du lịch lữ hành nội địa.

5- Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch và mở rộng hợp tác quốc tế

- Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ hoạt động chuyển đổi số ngành du lịch; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch và kết nối dữ liệu với các ngành khác. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, quản lý tài nguyên, môi trường du lịch và hỗ trợ du khách; nâng cao năng lực cơ quan hoạt động xúc tiến, quảng bá. Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các chương trình, nghị quyết, đề án của Trung ương, của tỉnh về chuyển đổi số.

- Tiếp tục triển khai thực hiện chiến lược marketing du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2025 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung:

+ Đổi mới công tác quảng bá xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả; tập trung số hoá các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, con người, ẩm thực, các sản phẩm du lịch để quảng bá, thu hút khách. Phát huy hiệu quả công tác quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, mạng xã hội, website, quảng bá trực quan, các ấn phẩm du lịch.

+ Cơ cấu lại thị trường khách du lịch, theo hướng thu hút thị trường nội địa các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; thu hút khách các thị trường quốc tế như: Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Đông Âu, Bắc Âu, Tây Âu, Ấn Độ, Trung Đông... Trong đó chú trọng vào các nước đã được miễn visa, quy mô thị trường lớn.

+ Tập trung xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Phú Yên; tổ chức cuộc thi sáng tác slogan du lịch Phú Yên và video clip ảnh đẹp du lịch Phú Yên.

+ Tổ chức sự kiện có quy mô lớn hằng năm mang thương hiệu của Phú Yên như: Festival thuyền buồm, Festival cá ngừ đại dương, Lễ hội thả diều…

+ Xây dựng ứng dụng du lịch trên thiết bị di động thông minh để cung cấp thông tin điểm đến du lịch Phú Yên cho khách du lịch.

+ Tổ chức hội nghị, hội thảo, diễn đàn chuyên đề về xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch; đăng cai tổ chức và tham gia các sự kiện du lịch trong và ngoài nước; liên kết xây dựng thương hiệu và quảng bá điểm đến tại các thị trường du lịch có tiềm năng trong nước và nước ngoài.

+ Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nam bộ và Tây Nguyên; liên kết các ngành, lĩnh vực như hàng không, thương mại, thông tin truyền thông để xúc tiến, quảng bá du lịch.

- Đẩy mạnh hội nhập, đa dạng hóa hợp tác quốc tế để thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài phục vụ phát triển du lịch; xúc tiến ký kết hợp tác phát triển du lịch với các địa phương ở nước ngoài kết nghĩa với Phú Yên; tăng cường tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa du lịch, công tác truyền thông, xúc tiến quảng bá và phát triển thương hiệu với các đối tác nước ngoài.

- Tập trung kêu gọi, thu hút những tập đoàn, doanh nghiệp du lịch quốc tế lớn, có tiềm lực mạnh, để từng bước tạo dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh du lịch Phú Yên mang tầm quốc tế.

6- Đào tạo phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch

- Điều tra, đánh giá nguồn nhân lực phục vụ du lịch của tỉnh, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại và bổ sung nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030.

- Có chính sách khuyến khích thúc đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực du lịch; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, đồng thời với thu hút nguồn nhân lực bên ngoài, nhất là sinh viên các trường du lịch có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cao trong lĩnh vực du lịch; hình thành đội ngũ hướng dẫn viên du lịch người địa phương; đào tạo các kỹ năng cần thiết cho người dân tham gia hoạt động du lịch cộng đồng. Bố trí kinh phí thỏa đáng đầu tư cho du lịch; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch…

- Tạo điều kiện để các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh liên kết với các trường đào tạo chuyên ngành du lịch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng về du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý và lực lượng làm công tác du lịch trên địa bàn tỉnh. Quan tâm cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo chuyên ngành về du lịch trong và ngoài nước.

7- Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch

- Tăng cường công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền và các ngành chức năng trong hoạt động du lịch; có sự phân công, phân cấp rõ ràng giữa các cơ quan, đơn vị và địa phương trong công tác quản lý nhà nước về du lịch. Thường xuyên quan tâm kiện toàn, bố trí hợp lý cán bộ, công chức làm công tác quản lý du lịch cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo đủ khả năng thực hiện các mục tiêu và yêu cầu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh và Hiệp hội Du lịch tỉnh trong phát triển du lịch.

- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, tạo điểm đến an toàn và thân thiện, thu hút du khách, phát triển du lịch.

- Quản lý đồng bộ việc đầu tư kết cấu hạ tầng, bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học và quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch đảm bảo hài hòa về kiến trúc, cảnh quan và môi trường. Thực hiện tốt công tác quản lý cấp phép đầu tư và sau cấp phép đầu tư; kịp thời giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; kiên quyết xử lý thu hồi các dự án chậm triển khai, không có khả năng thực hiện, vi phạm pháp luật, cam kết đầu tư, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư mới có đủ năng lực, điều kiện thực hiện dự án.

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý di tích, danh thắng, quản lý hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường du lịch, quản lý hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch. Phát triển du lịch gắn kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường trên cơ sở triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Tỉnh ủy về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu xây dựng tỉnh Phú Yên đến năm 2025 trở thành điểm đến xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hoạt động kinh doanh du lịch, an toàn thực phẩm, niêm yết giá, các hoạt động có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường…, để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

III- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM TẬP TRUNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TRONG NĂM 2021-2022

1- Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

2- Thực hiện Chuyên đề thực trạng và định hướng phát triển du lịch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong Quy hoạch tỉnh; tích hợp định hướng phát triển du lịch vào quy hoạch tỉnh theo Luật quy hoạch.

3- Nghiên cứu các chính sách, tạo điều kiện để thúc đẩy các dự án du lịch lớn đã và đang nghiên cứu triển khai, sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động theo lộ trình; thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai dự án du lịch. Tập trung huy động nguồn lực (ngân sách nhà nước và xã hội hoá) đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển du lịch; lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết tại các khu vực trọng điểm phát triển du lịch. Đẩy nhanh tiến độ tổ chức lập quy hoạch sử dụng đất cấp huyện; điều chỉnh các quy hoạch xây dựng, đô thị phù hợp với định hướng phát triển, tạo điều kiện để thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

4- Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch. Thành lập tổ tư vấn phát triển du lịch (mời các chuyên gia trong và ngoài tỉnh) để tham mưu cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển du lịch của tỉnh.

5- Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Phần thứ ba

 

TỔ CHỨC THỰC HIỆN


1- Các cấp ủy tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện phù hợp với cấp, ngành mình để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả.

2- Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo HĐND tỉnh nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách để thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch theo Chương trình hành động này và giám sát việc thực hiện.

3- Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Chương trình hành động của Tỉnh ủy trong cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp triển khai thực hiện phù hợp, hiệu quả.

4- Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tham mưu tổ chức việc học tập, quán triệt Chương trình hành động ở cấp tỉnh và hướng dẫn việc tổ chức học tập, quán triệt ở các cấp; chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng Chương trình hành động của Tỉnh uỷ.

5- Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; chỉ đạo các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu Chương trình đã đề ra; định kỳ tham mưu Tỉnh ủy tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện.

PHỤ LỤC 1: CÁC CHỈ TIÊU DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2016-2020 

PHỤ LỤC 3: DANH MỤC MỘT SỐ ĐỀ TÀI, DỰ ÁN, ĐỀ ÁN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây