Đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế
- Thứ ba - 09/05/2023 14:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh đặc biệt coi trọng công tác hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đẩy mạnh thực hiện Đề án 939
Thực hiện đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã có những hoạt động cụ thể, thiết thực, từng bước thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo, giúp hội viên, phụ nữ khởi nghiệp.
Hội LHPN tỉnh đã phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên chuyển đổi hành động, thực hiện tốt chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo bằng nhiều hình thức như: Mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật hướng đến nền kinh tế xanh, kinh tế số; huy động vốn tín dụng tiết kiệm và tranh thủ các nguồn vốn khác tạo việc làm cho hội viên phát triển kinh tế.
Trong 5 năm (2017-2022), Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình liên tịch với Liên minh HTX tỉnh thành lập 16 HTX có nữ lãnh đạo, quản lý; 4 tổ phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh; ký kết thỏa thuận với Bưu điện tỉnh nhằm khai thác các dịch vụ bưu điện hỗ trợ 50 phụ nữ khởi nghiệp làm đại lý bán hàng để có thêm thu nhập. Các hội LHPN cơ sở đã giúp 413 phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh thành công; giới thiệu, tư vấn, kết nối cho 835 phụ nữ có ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp tham gia các lớp đào tạo nghề, đào tạo kiến thức khởi nghiệp do các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và các ngành tổ chức.
Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện Đề án 939 là một trong những hoạt động giúp các cấp hội thường xuyên quan tâm chăm lo cho hội viên nói chung, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nói riêng giúp họ ổn định cuộc sống. Để triển khai hiệu quả đề án, hội LHPN phối hợp với chính quyền địa phương cũng như chủ động tổ chức thực hiện các chính sách liên quan đến phụ nữ, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, dạy nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ giảm nghèo, chương trình vay vốn, tín dụng tiết kiệm… Hoạt động này nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện, nâng cao đời sống mọi mặt.
Kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp
Nhận thấy việc hỗ trợ tìm đầu ra, tiêu thụ các sản phẩm của phụ nữ khởi nghiệp là nhu cầu cần thiết, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 939, khích lệ tinh thần khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ, vì vậy, nhiều hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp đã được hội LHPN các cấp triển khai.
Năm 2022, Phiên chợ xanh - kết nối tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức đã giúp các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh có cơ hội tiếp cận khách hàng. Nhiều sản phẩm độc đáo, đặc trưng của các vùng quê Phú Yên đã được trưng bày tại Phiên chợ xanh để quảng bá, kết nối giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ chị em khởi nghiệp. Phiên chợ đã thu hút đông đảo khách hàng đến thưởng thức, mua bán.
Sau thành công Phiên chợ xanh, điểm trưng bày và bán các sản phẩm của Câu lạc bộ (CLB) Phụ nữ khởi nghiệp TP Tuy Hòa (86 Phan Đình Phùng, phường 1, TP Tuy Hòa) đã được thành lập. Sau gần 1 năm hoạt động, đến nay, nhiều người dân đã biết đến địa chỉ này. Hiện điểm này trưng bày và bán 17 sản phẩm do các thành viên CLB sản xuất kinh doanh và các sản phẩm OCOP của tỉnh. Hàng tháng, quý, điểm trưng bày tổ chức sinh hoạt nhóm, các buổi truyền thông, tập huấn kiến thức nâng cao kỹ năng kinh doanh để tạo sự gắn kết, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm do các thành viên sản xuất.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ khởi nghiệp TP Tuy Hòa cho biết: “Trước đây, Hội LHPN tỉnh tổ chức các phiên chợ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm khởi nghiệp, nhưng sau khi kết thúc phiên chợ, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm không biết tìm ở đâu. Nay có điểm bán hàng này nên nhiều người dân tìm đến, số lượng khách cũng tăng dần lên. Ngoài ra, nhờ mặt hàng sẵn có nên thành viên CLB còn tham gia các kỳ hội chợ trên khắp cả nước. Vừa qua, CLB giới thiệu sản phẩm tại Khánh Hòa, Hà Giang, sắp tới sẽ đi Đà Nẵng. Qua các phiên chợ, hội chợ, nhiều người biết đến sản phẩm và chúng tôi bán được nhiều hàng hơn, mở được các đại lý và nhà phân phối. Thời gian tới, tôi mong muốn Hội LHPN tỉnh có thêm nhiều hoạt động kết nối, giới thiệu, quảng bá để sản phẩm của phụ nữ có nhiều cơ hội đến tay người tiêu dùng”.
Đẩy mạnh quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, Hội LHPN tỉnh cũng đã lập trang fanpage Phiên chợ xanh - Phụ nữ Phú Yên. Khách hàng khi vào fanpage có thể vào tìm mua những sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh như: Lá trà dung được chị em thu hái từ rừng La Hiên, xã Phú Mỡ hay các sản phẩm tinh bột nghệ, bánh tráng dừa Xuân Sơn Bắc, dầu phộng Xuân Phước, nước rửa chén sinh học Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), sản phẩm mây tre của xã An Định, huyện Tuy An… Việc kết nối có hiệu quả đã khẳng định những đóng góp tích cực của Hội LHPN tỉnh trong hỗ trợ phụ nữ sản xuất an toàn và kết nối tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Để phong trào phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế ngày càng lan tỏa, thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên; huy động vốn tín dụng, tiết kiệm và tranh thủ các nguồn vốn khác tạo việc làm cho hội viên; tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức giúp hội viên có khả năng hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của bản thân. Bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh |
THÁI HÀ