HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Chủ tịch Hồ Chí Minh với đạo lý vì dân trong bầu cử

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng thân dân, thương dân, vì dân được cụ thể hóa bằng hệ thống những phương thức khoa học cách mạng, bảo đảm cho “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1) và quyền hành ấy được thực hiện theo phương thức “ủy thác” thông qua bầu cử

Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư tưởng thân dân, thương dân, vì dân được cụ thể hóa bằng hệ thống những phương thức khoa học cách mạng, bảo đảm cho “quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(1) và quyền hành ấy được thực hiện theo phương thức “ủy thác” thông qua bầu cử. Do đó, mỗi đại biểu được dân tín nhiệm, được dân bầu, dân cử vào chức vụ ở các cơ quan quyền lực đều phải mang trong mình phẩm chất như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định khi Người được bầu và giữ chức Chủ tịch nước: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận”(2). Đấy là thực chất, là nguyên tắc của mối quan hệ giữa dân với “đầy tớ”, là định hướng phẩm chất để dân tuyển chọn khi bầu cử, đồng thời cũng là tiêu chí, là ý thức trách nhiệm của mỗi công dân khi tham gia đề cử, ứng cử và được bầu vào Quốc hội, vào cơ quan quyền lực các cấp. Tất cả đều phải vì dân mà đấu tranh thực hiện những ham muốn đến tột bậc như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(3). Nói như vậy, làm đúng như vậy nghĩa là, đất nước đòi hỏi những người tham gia bầu cử và được dân ủy thác phải làm đúng như vậy, tất cả đều phải chứng minh đầy đủ bản chất của nhà nước dân chủ.

Sau bầu cử là hệ thống các cơ quan nhà nước được lập ra. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của quá trình tổ chức quản lý, đặc biệt đối với những nước từ trình độ thấp đi lên như nước ta lại tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, chưa hề có kinh nghiệm lịch sử, vừa làm, vừa học, mọi việc đều có thể thành công hoặc thất bại. Cho nên, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường quan tâm, đòi hỏi chính quyền các cấp - những người đã được dân bầu, dân cử phải trung kiên, phải không ngừng học tập để nắm vững những đặc điểm đó, nắm vững quy luật, nhờ đó mà vững vàng lập trường giai cấp công nhân, để ý chí vì dân không gì lay chuyển, để vì thế mà vượt qua hết thảy mọi khó khăn, trở ngại, thể hiện sâu sắc phẩm chất mà dân tin cậy, mong đợi. Trong thư gửi chính quyền các cấp ở địa phương, Người xác định mọi công việc đều rất khó nhưng vì dân nên phải làm cho kỳ được: “Khó thì khó thật, nhưng chúng ta quyết tâm; chúng ta vừa làm, vừa học, nhất là chúng ta cố mà theo cho đúng chính sách của Chính phủ, thì nhất định chúng ta vượt qua hết thảy những sự khó khăn đó” (4).

Rõ ràng khi đất nước đã độc lập, chế độ dân chủ đã được xác lập, mọi hoạt động của xã hội phải thông qua những chính sách cụ thể vì đó là ý dân, là sự tập trung trí tuệ của dân. Vì thế, “cố mà theo cho đúng chính sách của chính phủ”, nghĩa là cố mà thực hiện ý chí của dân, nghiêm túc với đạo lý vì dân. Đó là đạo lý trọng dân của những người cách mạng, những người thật sự toàn tâm, toàn ý làm “đầy tớ trung thành của nhân dân”; hay nói cách khác, phải ghi nhớ rằng, “đầy tớ” cho dân, vì dân là bổn phận của những người được dân ủy thác. Trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng tháng 10-1945, Người nhắc nhở: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật” (5).

Làm “công bộc”, chọn người làm “công bộc” theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có nghĩa từ thực tế, qua thực tế, dân sẽ lựa chọn những đại biểu cho mình - những đại biểu biết thể hiện bổn phận làm “tôi tớ” cho dân với ý nghĩa đầy đủ nhất, đó là những đại biểu biết nói - dám nói, biết làm - dám làm, biết chịu trách nhiệm và dám chịu trách nhiệm, tất cả vì lợi ích của dân mà hành động: “Việc gì có lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh”(6).

Làm mọi việc có lợi cho dân là mục đích ứng cử, là lý do tồn tại của những đại biểu được nhân dân lựa chọn. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm lợi cho dân phải được hiểu theo quan điểm biện chứng. Dân có quyền lực, “công bộc” có quyền được phục vụ, dân đòi hỏi chính quyền - những “công bộc” phải phụng sự, nhưng chính quyền đó lại là của dân, bao gồm những “công bộc” của dân cho nên dân phải chăm lo xây dựng và bảo vệ. Với tinh thần ấy, chính quyền các cấp phải hiểu được rằng, nguồn lực trong dân được cấu thành bởi nhiều yếu tố cách mạng; dân không chỉ mạnh lên khi họ được đầy đủ về vật chất mà còn mạnh hơn khi trình độ chính trị, văn hóa, kiến thức cách mạng, trình độ dân trí không ngừng được nâng cao do họ thường xuyên được bồi dưỡng, đào tạo, nhờ đó mà trình độ của các “công bộc” - chính quyền các cấp cũng được xây dựng, củng cố và phát triển toàn diện. Do đó, chính quyền các cấp phải có kế hoạch thật tốt để đáp ứng những nhu cầu chân chính và thiết thực. Đấy cũng là công việc có lợi nhất cho dân, cho nước; là nhiệm vụ, là trách nhiệm lớn lao thể hiện tinh thần vì dân để dân thừa nhận “công bộc” và yên tâm về chính quyền của mình. Đó là phương thức văn minh nhất trong việc gắn bó chính quyền với nhân dân để tạo ra lực lượng to lớn nhất - lực lượng mà chính quyền cần phải có là nhân dân cũng như nhân dân cần có chính quyền trong sạch, vững mạnh, để duy trì và phát triển nền dân chủ. Về mối quan hệ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng. Nếu không có Chính phủ thì nhân dân không ai dẫn đường”(7). Có được mối quan hệ như thế thì “công bộc” mạnh, có được “công bộc” tốt thì dân được dẫn đi những con đường tốt nhất. Do đó, mọi việc dù khó khăn đến đâu cũng không sợ, cũng vững bước vượt qua. Nguyện vọng của dân - mục đích của bầu cử là để xây dựng, duy trì và phát triển một trật tự xã hội văn minh như thế. Cho nên dân phải làm chủ trong ứng cử, đề cử và bầu cử theo tinh thần đó.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất sâu sát, quan tâm chăm lo giáo dục, đào tạo những thế hệ cán bộ chính quyền của dân giữ vững và phát triển chất lượng làm “tôi tớ”. Đi từ gốc, người thường hướng dẫn dân mình trong bầu cử phải biết chọn những đại biểu có phẩm chất như vậy. Năm 1946, lần đầu tiên kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, Người căn dặn phải “lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, và gánh vác việc nước... Những người trúng cử, sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng”(8). Tất cả đều phải ghi nhớ điều đó để có quan điểm đúng, động cơ đúng khi tham gia bầu cử. Theo đó, phải ghi nhớ rằng, bản chất của nền dân chủ quy định, cho nên sẽ có người trúng cử, người chưa trúng cử song tất cả đều nói lên rằng, “họ tỏ lòng hăng hái với nước, với dân”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, người trúng cứ sẽ ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào, còn người chưa được trúng cử cũng “không nên ngã lòng. Mình đã tỏ lòng hăng hái với nước, với dân, thì luôn luôn phải giữ lòng hăng hái đó”(9). Đạo lý vì dân trong bầu cử là như vậy, là cơ sở để tỏ lòng mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào trong mọi tình huống, nó luôn là động lực cách mạng đúng đắn, sự tồn tại bền vững của kết quả bầu cử theo lập trường của giai cấp công nhân, sự bền vững về bản chất của nền dân chủ cũng cơ bản nhờ vào tinh thần gìn giữ và phát triển đạo lý ấy. Đồng thời, tự nó có vai trò kiểm chứng, thức tỉnh mọi tha hóa. Đấy là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều trăn trở. Người đặc biệt lưu ý một số đại biểu được dân bầu, dân cử, có “chân” trong chính quyền lại tỏ thái độ không tốt với dân, “cậy thế mình ở trong ban này, ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”(10). Đó là biểu hiện của sự nhầm lẫn, hoặc cố tình nhầm lẫn giữa “công bộc” với quyền lực, là phản bội đạo lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh cực lực lên án và lấy đó làm gương để nhắc nhở nhân dân phải kỹ càng, tỏ trách nhiệm cao để sáng suốt lựa chọn trong bầu cử; phải biết, phải bàn, phải bầu, phải giám sát, kiểm tra để duy trì và phát triển chất lượng bầu cử, chất lượng dân chủ trong hiện thực.

Ngày nay, nhất là trong thời kỳ đổi mới, nhờ những kết quả thành công trong bầu cử, đa số những đại biểu được dân cử, được dân ủy thác hợp thành trong hệ thống chính quyền các cấp về cơ bản vững vàng phẩm chất đạo lý vì dân, nhờ đó mà nguồn lực dân chủ ngày càng phát triển mạnh, tạo thế cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tuy nhiên, vẫn có những đại biểu do dân bầu, dân cử, dân ủy thác làm việc ở chức nọ, chức kia, ban nọ, ban kia đã bộc lộ động cơ không trong sáng, không minh bạch về phẩm chất trong bầu cử hoặc tha hóa, cậy thế với dân, rơi vào tệ quan liêu, hách dịch, tham nhũng, lãng phí với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp. Họ nằm trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên tha hóa, biến chất và chính họ là một trong những nguyên nhân hợp thành làm cho bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra tiếp tục tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp như nguy cơ “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch với những thủ đoạn mới, phương tiện mới để phá ta. Những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những khó khăn trong xây dựng Đảng đều có sự góp mặt của họ, làm cho niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Đảng, vào chế độ bị giảm sút, gây nhiều suy ngẫm, buộc cử tri phải lưu ý, quan tâm nhiều đến giải pháp khắc phục. Việc Đảng Cộng sản Việt Nam ban hành những nghị quyết về xây dựng Đảng đều phản ánh đúng đắn những đòi hỏi đó; trong đó, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, phấn khởi đón nhận và được tiếp tục xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng của những năm tiếp theo như Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định. Đó là hướng đi hợp lòng dân, đáp ứng những đòi hỏi cấp bách của dân, bởi nó là tiền đề của mọi lợi ích cho dân, vì dân.

Với sự kiện thành công tốt đẹp của Đại hội lần thứ XII, khí thế cách mạng lên cao hợp thành khí thế bầu cử là những điều kiện tốt góp phần thúc đẩy quá trình lựa chọn đề cử, ứng cử và bầu cử Quốc hội sắp tới. Tất cả đều là điều kiện tốt để dân tiếp cận tốt hơn mọi công việc của đất nước, để duy trì, nâng cao đạo lý vì dân trong các mối quan hệ. Đồng thời, đó cũng là những nội dung sinh hoạt để mọi đại biểu do dân cử ra, bầu ra thấm nhuần hơn về đạo lý, thực sự sống trong lòng dân, nhờ đấy mà ham muốn làm “công bộc” cho dân trong hoàn cảnh nào cũng thành hiện thực bởi họ có dân ủng hộ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quả quyết: “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong”(11).

Rõ ràng, đạo lý vì dân trong bầu cử theo tinh thần Chủ tịch Hồ Chí Minh là tiêu chí cách mạng với ý nghĩa đầy đủ nhất, rất cần được nhận thức sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân để cuộc bầu cử Quốc hội lần này tiếp tục thật sự là ngày hội cách mạng của toàn thể nhân dân./.

--------------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.5, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 698

(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.161

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 20

(5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 56 - 57

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 56

(8) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 145, 146

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 57

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 212

Trần Công Dương

Ths, Đại học Y Thái Nguyên

Tâm Trang (st)

Theo Tạp chí Cộng sản

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây