Tư tưởng của Bác Hồ về vai trò của phụ nữ trong xã hội
- Thứ năm - 17/10/2024 11:22
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Theo Người: Phụ nữ không chỉ là phần nửa xã hội, mà “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”...“Phụ nữ ta chẳng tầm thường, đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời”, “Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng”.
Tư tưởng nhất quán xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ nhằm mục đích cao nhất là giải phóng con người và ra sức tranh đấu để đòi lại những quyền thiêng liêng của con người. Trong đó, Người đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ và đấu tranh bảo vệ quyền bình đẳng cho họ. Những tư tưởng của Người về vấn đề giải phóng phụ nữ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bác không chỉ nêu lên vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội mà còn là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ. Người chỉ rõ: công tác phụ nữ trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, một trong những nội dung quan trọng là phải đấu tranh giành quyền bình đẳng cho phụ nữ. “Đảng và Chính phủ ta luôn luôn chú ý nâng cao địa vị của phụ nữ. Hiến pháp định rõ “nam nữ bình đẳng” và luật lấy vợ lấy chồng, v.v. đều nhằm mục đích ấy”. Người nhắc nhở các cấp, các ngành… phải kính trọng phụ nữ, quan tâm đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của nữ giới”.
Những lời dạy của Bác thể hiện sự quan tâm sâu sắc, đồng thời cũng tỏ rõ tình cảm của mình dành cho “nửa thế giới”. Người luôn đấu tranh để cho phụ nữ được hưởng quyền bình đẳng với nam giới. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình. Bác đã chỉ ra “Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man”. Bác luôn trân trọng, thương yêu và coi “Phụ nữ Việt Nam là chị em của tôi”. Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ.
Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 - Quê hương của chị Hai năm tấn, sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Bác nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau. Lênin dạy chúng ta: phụ nữ là một nửa xã hội. Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng cả. Phụ nữ thì phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”.
Tư tưởng của Người về phụ nữ được xuất phát từ tình cảm đặc biệt đối với những người phụ nữ nói chung và từ thực trạng bất bình đẳng của phụ nữ dưới chế độ phong kiến, sự cai trị thâm độc của thực dân Pháp đối với nước ta cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Bác Hồ luôn đánh giá cao vai trò to lớn của phụ nữ Việt Nam. Với Người, việc giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình đẳng là một mục tiêu lớn của cách mạng do đảng cách mạng lãnh đạo.
Với cách nhìn toàn diện, Bác không chỉ quan tâm đến việc giải phóng phụ nữ mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của họ đối với cách mạng. Và hơn ai hết, chính Bác là người tiếp thêm sức mạnh để họ vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc, cứu nước, cứu mình. Bác Hồ nhấn mạnh rằng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại; “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội”, cũng tương tự “Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số nhân dân ta”; Người còn chỉ rõ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”. Vì vậy, theo Người, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Bác Hồ phân tích có lý, có tình, rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ. Người khẳng định “Mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, phụ nữ đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đặc biệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, phong trào phụ nữ Việt Nam ngày càng phát triển, lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ cách mạng. Phát huy truyền thống con cháu Bà Trưng, Bà Triệu, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã được rèn luyện, trưởng thành từ phong trào rộng lớn của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ. Ở bất kỳ nơi đâu, trong bất kỳ công việc nào, người phụ nữ đều hoàn thành nhiệm vụ với một sức bền bỉ, dẻo dai, sự sáng tạo và lòng dũng cảm phi thường”. Các cuộc kháng chiến ái quốc, Phụ nữ Việt Nam không những trực tiếp cầm súng mà còn phải gánh vác việc nhà để chồng, con yên tâm đi ra trận. Ruộng đồng, vườn tược, nhà cửa, chăm sóc nuôi dạy con cái, phụng dưỡng mẹ, cha... đều đặt trên đôi “vai gầy” của các chị, các mẹ, các em... Tám chữ vàng cao quý: “Anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang” mà Người trao tặng, là đánh giá cao của Người và sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến đấu, trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, nhiều phụ nữ là lãnh đạo từ cơ sở đến Trung ương, trong số đó, nhiều người là cán bộ giỏi “ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách, mệnh lệnh như một số cán bộ nam”. Vì vậy Bác nhắc nhở Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành phải đặc biệt chú ý, cất nhắc phụ nữ vào đúng những vị trí, chức vụ phù hợp với khả năng để chị em có điều kiện phát huy năng lực của mình. Người thẳng thắn phê bình một số cán bộ chưa đánh giá đúng về vai trò, vị trí của phụ nữ, đó là “căn bệnh hết sức nguy hiểm”, là một tàn dư tồi tệ nhất của chế độ cũ, phải kịp thời sửa chữa.
Tuy Bác Hồ không viết những tác phẩm lớn về vấn đề giải phóng phụ nữ, nhưng từng nơi, từng lúc những câu nói của Người về bình đẳng nam nữ thật giản dị và dễ hiểu. Người nói: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng to và khó”.
Từ những phân tích về sự bất bình đẳng nam nữ, Bác Hồ cũng nêu lên các con đường có thể giải phóng phụ nữ và gợi ý từng đối tượng cụ thể. Đối với cán bộ lãnh đạo, Bác phê phán những tư tưởng mang nặng định kiến giới, coi thường phụ nữ. Bác khuyên “Phải thông cảm sâu sắc với quần chúng, và ra sức giúp đỡ chị em giải quyết những thắc mắc khó khăn”. Đối với các đoàn thể phải có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục pháp luật để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Đối với chính bản thân người phụ nữ, phải tự đấu tranh vì quyền lợi của mình, không có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Bác khuyên chị em phụ nữ cố gắng học tập văn hóa, chính trị, nghề nghiệp. Nếu không học thì không tiến bộ. Trong công tác và cuộc sống hàng ngày, Bác Hồ rất coi trọng đào tạo đội ngũ cán bộ và quan tâm, chăm sóc đến cuộc sống của người phụ nữ.
Trong Di chúc, Người biểu dương tinh thần chiến đấu, hy sinh và căn dặn toàn dân phải quan tâm, chăm sóc phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Khắc sâu lời dạy và thực hiện tâm nguyện của Bác “một nửa thế giới” cần được giải phóng, bình đẳng về mọi mặt, ưu tiên phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2024), khắc ghi lời dạy và những tình cảm lớn lao của Bác đối với Phụ nữ Việt Nam, là dịp để cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị, chị em phụ nữ tỏ lòng biết ơn với Người. Để từ đó nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình; phát huy cao độ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tinh thần đổi mới sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để mục tiêu “Đến năm 2025, là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY