HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Giúp phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội

Giúp phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ kỹ năng vận động phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội với cán bộ Hội các địa phương - Ảnh: NGỌC DUNG

Hội LHPN tỉnh đang tập trung triển khai đề án Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027 (Đề án 938) gắn với thực hiện chủ đề Năm An toàn cho phụ nữ và trẻ em (PNVTE). Qua đó nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc tham gia giải quyết các vấn đề bức xúc của xã hội liên quan đến PNVTE.

 Nâng cao năng lực cán bộ Hội

Hội LHPN tỉnh vừa tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện Đề án 938 cho đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách 9 huyện, thị xã, thành phố và chủ tịch Hội LHPN của 112 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, Hội LHPN tỉnh hướng dẫn cho cán bộ Hội các cấp cách thức triển khai Đề án 938 gắn với thực hiện chủ đề Năm An toàn cho PNVTE; cách nhân rộng mô hình Nhóm cha mẹ có con từ 0-8 tuổi; kỹ năng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc hiện nay tại các địa phương.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Hội còn chia sẻ một số kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường…

Ngoài ra, cán bộ Hội các cấp còn được lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Phú Yên hướng dẫn mô hình truyền thông trực tiếp về an toàn vệ sinh thực phẩm và trang bị một số kiến thức về tác hại tồn dư hóa chất bảo vệ thực phẩm, chất cấm, kháng sinh trong thực phẩm đối với sức khỏe con người; tình trạng ô nhiễm thực phẩm hiện nay và cách lựa chọn thực phẩm an toàn.

Chị Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) -một học viên của lớp tập huấn thổ lộ: “Nhờ tham gia lớp tập huấn này, tôi biết thêm nhiều kiến thức bổ ích để về địa phương tuyên truyền cho chị em hội viên”.

Theo chị Bé, Xuân Quang 2 là một trong những xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Đồng Xuân. Đa phần chị em mải lo làm ăn, ít để ý đến việc chăm sóc sức khỏe bản thân; kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tập trung tuyên truyền những vấn đề này cho chị em phụ nữ khi triển khai Đề án 938.

Ngoài mở các lớp tập huấn cho đội ngũ tuyên truyền viên và cán bộ Hội để nâng cao năng lực triển khai Đề án 938, hàng năm, Hội LHPN tỉnh còn ký kết hợp đồng trách nhiệm với các sở, ngành liên quan tổ chức các hội thi, hội nghị truyền thông, các buổi đối thoại, tư vấn... về các vấn đề xã hội có liên quan thiết thân với phụ nữ.

“Gắn với chủ đề Năm An toàn cho PNVTE, năm nay, Hội tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, trách nhiệm đảm bảo an toàn cho PNVTE; tập huấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng cho PNVTE. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn phối hợp với chuyên gia có kiến thức chuyên sâu về từng lĩnh vực trong quá trình tổ chức các hoạt động đảm bảo an toàn cho PNVTE.

Đồng thời giám sát, phản biện, đề xuất chính sách, bảo vệ PNVTE; đẩy mạnh thực hiện mục tiêu Đề án 938. Không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với PNVTE mà Hội không lên tiếng kịp thời…”, bà Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh nói.

Giải quyết các vấn đề thiết thân

Hiện nay, các vấn đề xã hội liên quan đến PNVTE như: tình trạng bạo lực học đường, tai nạn thương tích, bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, các tệ nạn xã hội ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tình trạng mất an toàn thực phẩm; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi... vẫn còn diễn ra, đòi hỏi Hội LHPN và các ngành có liên quan cần vào cuộc mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn.

Đây cũng là những vấn đề được các cấp Hội tập trung thực hiện thống nhất từ Trung ương đến cơ sở với chủ đề Năm An toàn cho PNVTE.

Bà Trần Thị Binh cho biết: Tùy theo tình hình thực tế, các cấp Hội chủ động xác định vấn đề của địa phương, đơn vị để lựa chọn nội dung phù hợp, xây dựng kế hoạch và triển khai với chỉ tiêu đặt ra là mỗi cơ sở Hội có ít nhất 1 mô hình/hoạt động hiệu quả về an toàn cho PNVTE.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh Nay Hờ Nhơn chia sẻ: “Hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện Sông Hinh vẫn còn diễn ra. Điều này khiến Hội LHPN cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền hết sức trăn trở.

Vì vậy, năm nay chúng tôi tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Mới đây, Hội LHPN huyện đã phối hợp với Hội LHPN tỉnh thành lập CLB Phụ nữ dân tộc thiểu số nói không với tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở xã Ea Bar.

Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình này ở các xã còn lại trong huyện. Thông qua mô hình này, chúng tôi tập trung tuyên truyền cho phụ nữ có con sắp đến tuổi kết hôn, trẻ vị thành niên, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số nắm bắt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực hôn nhân và gia đình; tác hại và hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Chúng tôi rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, ngành, đoàn thể giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số có thêm động lực để đẩy lùi hủ tục này”.

Để chung tay giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến PNVTE ở địa phương, bà Nguyễn Thị Tạo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hòa cho biết: Ngoài việc tích cực triển khai Đề án 938 gắn với thực hiện chủ đề Năm An toàn cho PNVTE, sắp tới Hội LHPN huyện sẽ phối hợp Huyện đoàn, Công an và Phòng VH-TT huyện tổ chức hội thi tìm hiểu về Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em, về phòng chống tội phạm… cho hội viên, phụ nữ ở các xã, thị trấn tham gia. Qua đó góp phần xây dựng cuộc sống ngày càng văn minh hơn, hạnh phúc hơn.

NGỌC QUỲNH

Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây