Sức lan tỏa từ phong trào “Dân vận khéo”
- Thứ tư - 21/08/2019 09:06
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thời gian qua, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong các cấp Hội Phụ nữ đã lan tỏa rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2009-2019, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tập trung chỉ đạo, tổ chức phong trào này trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị gắn với phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và các nhiệm vụ của Hội.
Từ thực hành tiết kiệm theo gương Bác
Một trong những mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu của các cấp Hội là mô hình “Dân vận khéo” gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mà trọng tâm là thực hành tiết kiệm theo gương Bác.
Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được triển khai rộng khắp như: “Hũ gạo tình thương”, “Cho đi là còn mãi”, “Quỹ tấm lòng vàng”, “Ba tiết kiệm”, “Quả dừa tiết kiệm”, “Heo đất tiết kiệm”, “Hộp tiền tiết kiệm giúp em đến trường”, “Trái tim đồng cảm”, “Nồi cháo tình thương”, “Bếp ăn từ thiện giúp bệnh nhân nghèo”, chuyển giao vật dụng cũ, tiết kiệm giấy loại hay treo ảnh Bác ở nơi trang trọng nhất tại gia đình...
Đến nay, 100% cơ sở Hội đã xây dựng 763 mô hình thực hành tiết kiệm theo gương Bác. Chẳng hạn như mô hình “Hũ gạo tình thương” của các chi hội phụ nữ ở khu phố Bắc Lý (thị trấn Củng Sơn), thôn Tân Lương (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa); “Vườn an sinh xã hội giúp phụ nữ và trẻ em nghèo” ở xã An Thạch (huyện Tuy An); “Quả dừa tiết kiệm” (TX Sông Cầu); “Bếp ăn từ thiện giúp bệnh nhân nghèo” (huyện Tây Hòa)... Qua đó tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ cho hàng ngàn phụ nữ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Chị Trần Thị Thanh Thênh (31 tuổi, ở thôn Phú Thịnh, xã An Thạch) là một trong số phụ nữ này.
Chị Thênh chia sẻ: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân tôi bị bệnh hiểm nghèo lại không có việc làm ổn định. Nhờ Hội LHPN xã An Thạch cho mượn 2 triệu đồng từ mô hình “Vườn an sinh xã hội giúp phụ nữ và trẻ em nghèo”, tôi thêm ít tiền dành dụm mua máy ép nước mía để kinh doanh. Công việc này phù hợp với sức khỏe bản thân, giúp tôi dần ổn định cuộc sống”.
Hay như các chị Đặng Thị Nhung ở thôn Quang Thuận (xã An Thạch), Biện Thị Diệu ở thôn Vĩnh Xuân (xã An Lĩnh, huyện Tuy An) đều thuộc diện hộ nghèo được Hội LHPN xã hỗ trợ từ 8,5-10 triệu đồng để chăn nuôi bò, gà… Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình các chị bớt được phần nào khó khăn.
Đến tập hợp thu hút hội viên
Các cấp Hội LHPN đã khéo léo vận dụng mô hình “Dân vận khéo” trong công tác tập hợp thu hút hội viên đến với tổ chức Hội. Với phương châm “Lấy hạnh phúc và lợi ích của phụ nữ làm mục tiêu cho hoạt động Hội” và “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động Hội”, mỗi cơ sở Hội đặt ra chỉ tiêu phấn đấu có ít nhất 1 mô hình tập hợp thu hút hội viên phù hợp tình hình, đặc điểm của địa phương.
Đến nay, 100% cơ sở Hội đã triển khai thực hiện, nhiều mô hình tập hợp hội viên mang lại hiệu quả cao như: các mô hình “3 được” (được thể hiện, được kiến thức, được biểu dương) ở xã Xuân Sơn Bắc (huyện Đồng Xuân), “Thể dục nhịp điệu” ở xã An Nghiệp (huyện Tuy An); “Kỷ niệm ngày chị sinh” ở các huyện Đồng Xuân, Sông Hinh, Đông Hòa; mô hình “Kết nghĩa giữa chi hội người có đạo với chi hội người không có đạo”; “Kết nghĩa giữa chi hội phụ nữ Kinh với chi hội phụ nữ dân tộc thiểu số” (huyện Sơn Hòa)…
Nhờ vậy mà chất lượng hoạt động Hội ngày càng nâng lên; tỉ lệ cơ sở Hội xếp loại xuất sắc, vững mạnh, khá chiếm 95-99%; cơ sở Hội xếp loại trung bình chiếm 0,89%, không còn cơ sở Hội xếp loại yếu. Tổng số hội viên toàn tỉnh hàng năm tăng lên, hiện nay là 155.563 người, chiếm 67,74% so với tổng số phụ nữ từ 18 tuổi đến già.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Trần Thị Binh cho biết: Việc xây dựng những mô hình “Dân vận khéo” của Hội LHPN các cấp thông qua những việc làm cụ thể, thiết thực gần gũi với đời sống của chị em ở cơ sở luôn được cấp ủy, chính quyền ở các địa phương ghi nhận, đánh giá cao.
Các mô hình này từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, sức mạnh trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư, phát huy khối đại đoàn kết, tích cực tham gia thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
THU HUYÊN