Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (05/10/1930 – 05/10/2020)
- Thứ năm - 24/09/2020 10:50
- In ra
- Đóng cửa sổ này
ngày 17/9/2020, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy ban hành Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Phú Yên (05/10/1930 – 05/10/2020), Trang Thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu toàn văn Đề cương.
1. Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên ra đời - Khởi nguồn thắng lợi của cách mạng Phú Yên
Vào nửa cuối những năm 20 của thế kỷ XX, với sự hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi tính chất cuộc đấu tranh của nhân dân ta chống thực dân, phong kiến. Xu hướng cách mạng vô sản phát triển, giữ vai trò nòng cốt, trở thành dòng chủ lưu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong quá trình vận động của cách mạng theo con đường vô sản, những tiền đề về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng của giai cấp công nhân đã chín muồi. Chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 6/1929 đến tháng 01/1930) ở Việt Nam xuất hiện 3 tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, tuy nhiên, các tổ chức này lại tranh giành ảnh hưởng trong quần chúng, công kích lẫn nhau gây trở ngại lớn cho phong trào cách mạng. Trước tình hình đó, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đại diện Quốc tế Cộng sản, đã triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930, ở Hương Cảng (Trung Quốc), thành lập một Đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tại Phú Yên, đến cuối năm 1929, cuộc vận động thành lập tổ chức cộng sản có nhiều chuyển biến tích cực, gắn liền với quá trình hoạt động của một tập thể chiến sỹ cách mạng, trong đó tiêu biểu nhất là đồng chí Phan Lưu Thanh. Đồng chí Phan Lưu Thanh sinh năm 1906, quê ở huyện Đồng Xuân là một thanh niên yêu nước sống trong cảnh đất nước lầm than, đã tích cực tham gia các tổ chức yêu nước lúc bấy giờ như: Hưng nghiệp hội xã, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên... Cuối năm 1929, đồng chí Phan Lưu Thanh vào Sài Gòn học lái ô tô ở Trường cơ khí Chu Văn Hai. Tại đây, đồng chí được hai đảng viên cộng sản là Nguyễn Chương và Tư Rèn (công nhân xưởng đóng tàu Ba Son) tuyên truyền giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa cộng sản. Sau đó, đồng chí được giao nhiệm vụ về Phú Yên hoạt động gây dựng cơ sở. Về Phú Yên, đồng chí Phan Lưu Thanh tìm người tin cậy để tuyên truyền giác ngộ chủ nghĩa cộng sản và người được chọn đầu tiên là Phan Văn Lan - cháu ruột của đồng chí Phan Lưu Thanh. Đồng chí Phan Lưu Thanh đã giao cho đồng chí Phan Văn Lan nhiệm vụ in sao nội dung truyền đơn mang từ Sài Gòn về. Ở Sông Cầu, đồng chí Phan Lưu Thanh còn giác ngộ lý tưởng chủ nghĩa cộng sản cho đồng chí Bùi Xuân Cảnh. Sau khi được giác ngộ, đồng chí Bùi Xuân Cảnh đã bố trí đồng chí Phan Lưu Thanh về nhà người bà con của mình ở gần cầu Thị Thạc in khoảng 1.000 tờ truyền đơn và may cờ đỏ búa liềm. Nhân ngày Quốc tế lao động 01/5/1930, đồng chí Phan Lưu Thanh đã tổ chức rải truyền đơn tại Tỉnh lỵ Sông Cầu. Nội dung của truyền đơn là kêu gọi thợ thuyền, dân cày và binh lính đứng lên chống bất công, đòi cải thiện đời sống, đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới, chống đế quốc, phong kiến. Đồng thời, tổ chức treo cờ búa liềm có ghi “An Nam Cộng sản kỳ” ở nhà công sứ Pháp và ở bên cạnh Đồn khố xanh Sông Cầu. Các hoạt động do đồng chí Phan Lưu Thanh tổ chức ở Sông Cầu gây tiếng vang lớn trong các tầng lớp nhân dân. Bọn thống trị hốt hoảng, thừa nhận trên báo Tiếng Dân ở Huế: “Cộng sản hoạt động ở Sông Cầu”. Tiếp nối sự kiện ngày 01/5, ngày 01/8/1930, một lần nữa cờ đỏ búa liềm lại được treo ở sân quần vợt sau lưng Quang Ích hội (Bưu điện Sông Cầu ngày nay),Trường Tiểu học Sông Cầu, Đồn khố xanh; truyền đơn được rải từ cầu Thị Thạc vào trung tâm Tỉnh lỵ Sông Cầu.
Với việc tổ chức những hoạt động cách mạng có ý nghĩa lịch sử, đồng chí Phan Lưu Thanh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam tại Chi bộ Thị Nghè - Sài Gòn vào tháng 8/1930 và được Chi bộ cử về hoạt động ở La Hai, Đồng Xuân, Phú Yên. Tại đây, qua liên lạc, móc nối, đồng chí đã tập hợp được một số thanh niên tiến bộ trước đây từng tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Phú Yên (chấm dứt hoạt động từ cuối năm 1929 do bị địch khủng bố) tổ chức tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, treo cờ đỏ búa liềm, rải truyền đơn ở La Hai, Tuy An, Tuy Hòa, tỉnh lỵ Sông Cầu… Những hoạt động đó đã gây được ảnh hưởng trong quần chúng, tạo điều kiện cho quần chúng công nông tiếp cận với chủ trương của Đảng, khích lệ tinh thần yêu nước trong một số thanh niên, học sinh có ý thức dân tộc giác ngộ lý tưởng cộng sản. Qua tuyên truyền, giác ngộ và trải nghiệm thực tiễn hoạt động cách mạng, đồng chí Phan Lưu Thanh đã kết nạp một số đồng chí ưu tú vào Đảng như Bùi Xuân Cảnh, Việt Hồng (Phan Ngọc Bích), Nguyễn Thạnh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Nguyễn Thị Hảo.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong tỉnh, những người cộng sản ở Phú Yên nhận thấy cần phải thành lập ngay tổ chức cộng sản mà trước mắt là thành lập chi bộ cộng sản để lãnh đạo quần chúng nhân dân đấu tranh. Do đó, không chờ vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, dựa trên cơ sở số lượng đảng viên đã phát triển được, ngày 05/10/1930, tại nhà của đồng chí Phan Lưu Thanh ở xóm Đồng Bé, thôn Phước Long, xã Xuân Long (Đồng Xuân), đã tổ chức cuộc họp toàn thể đảng viên bàn việc thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Phan Lưu Thanh, Bùi Xuân Cảnh, Phan Ngọc Bích, Nguyễn Thạnh, Nguyễn Phục Hưng, Nguyễn Hữu Tánh, Nguyễn Diệp, Phan Cao Lâm và Nguyễn Thị Hảo.
Sau khi tiến hành các thủ tục theo quy định của Đảng, trong không khí trang nghiêm và thiêng liêng, đồng chí Phan Lưu Thanh tuyên bố thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản. Tại Hội nghị, đồng chí Phan Lưu Thanh được các đồng chí dự họp tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ.
Sự ra đời của Chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam đầu tiên đã mở ra một thời kỳ mới cho phong trào cách mạng ở Phú Yên, đáp ứng được được nguyện vọng bức thiết của giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và nhân dân lao động trong tỉnh. Từ đây, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Phú Yên được sự soi đường dẫn lối bởi tổ chức của những người Cộng sản - Đó là nhân tố quyết định cho sự thắng lợi của phong trào cách mạng ở Phú Yên sau này.
2. Những thành tựu nổi bật của Đảng bộ tỉnh Phú Yên trong 90 năm qua (1930 - 2020)
2.1. Trong thời kỳ 1930 - 1975
Từ ngày có Đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh của nhân dân Phú Yên chống thực dân, phong kiến phát triển mạnh mẽ và giành được những thắng lợi to lớn. Sau 15 năm chuẩn bị, trải qua 3 cao trào cách mạng do Đảng phát động: Cao trào cách mạng 1930-1931 ủng hộ phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh và phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Ngãi; cao trào cách mạng 1936-1939 đòi dân sinh, dân chủ, đòi hoà bình cơm áo và chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc; và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945, tháng 8 năm 1945, nhân dân Phú Yên đã cùng với nhân dân cả nước vùng lên làm một cuộc bão táp cách mạng cuốn trôi chế độ thực dân, phát xít nô dịch dân tộc ta gần 1 thế kỷ và đạp đổ chế độ quân chủ phong kiến cai trị nhân dân ta hàng ngàn năm và bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Sau khởi nghĩa tháng Tám thắng lợi, nhân dân Phú Yên bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới, xây dựng chính quyền cách mạng của nhân dân. Tuy nhiên, công cuộc xây dựng vừa mới được bắt đầu thì họa ngoại xâm lại ập đến: Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Vì độc lập tự do, vì tương lai của quê hương, đất nước, thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục bước vào một cuộc chiến đấu mới chống lại sự xâm lược của thực dân Pháp có sự hà hơi, tiếp sức của của các nước đế quốc, đặc biệt là Mỹ, làm nên những chiến thắng quan trọng, tiêu biểu như: trận đánh địch từ Đèo Cả tràn ra các xã Hòa Xuân, Hòa Bình, Hòa Thành, thị trấn Phú Lâm (năm 1947), trận Sông Ba – Trường Lạc (1950), tham gia đánh bại chiến dịch Át Lăng của thực dân Pháp trên phần đất Phú Yên (1954)..., góp phần cùng với cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta vừa kết thúc, nhưng niềm vui chưa kịp đến thì cuộc trường chinh chống Mỹ cứu nước lại bắt đầu. Trải qua 21 năm chiến đấu ròng rã (1954 - 1975), Đảng bộ và nhân dân Phú Yên phải chịu đựng không biết bao nhiêu mất mát, hy sinh. Mỹ - ngụy cực kỳ tàn bạo, dã man nhưng nhân dân Phú Yên quyết không sợ, liên tục đứng lên đấu tranh chống lại các chiến lược chiến tranh phản cách mạng của chúng. Trong suốt 21 năm trường, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên luôn phát huy tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã đoàn kết trên dưới một lòng, chiến đấu kiên cường, sẵn sàng hy sinh tất cả cho sự sống còn của quê hương, đất nước, lập nên nhiều chiến công vẻ vang, như: Đồng khởi Hòa Thịnh (12/1960), giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ (10/1961), mở bến Vũng Rô tiếp nhận 04 chuyến tàu không số chở trên 200 tấn vũ khí đạn dược của Trung ương chi viện cho chiến trường Nam Trung Bộ (từ tháng 11/1964 đến tháng 2/1965), chiến thắng tại địa đạo Gò Thì Thùng - An Xuân (mùa hè 1966), tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chặn đánh địch rút chạy từ Tây Nguyên về đồng bằng trên đường số 5 (4/1975)… góp phần cùng nhân dân cả nước “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mở ra một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên độc lập tự do, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
2.2. Thời kỳ từ năm 1975 đến nay
Sau ngày đất nước được thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên bắt tay vào khắc phục hậu quả của chiến tranh và xây dựng lại quê hương. Có thể nói, kết quả bước đầu đạt được là quan trọng, nhưng nhìn chung, đến năm 1986, sau 10 năm được giải phóng, tình hình của tỉnh vẫn hết sức khó khăn, khủng hoảng kinh tế - xã hội chưa được giải quyết. Đứng trước tình hình đó, vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới, được thông qua tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12/1986), Phú Yên tiến hành xoá bỏ tư duy cũ, cơ chế cũ, chuyển nền kinh tế từ kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, có sự quản lý của Nhà nước. Đây là sự chuyển biến có ý nghĩa chính trị - xã hội cực kỳ quan trọng, làm tiền đề cho sự phát triển sau này. Đến nay, sau 34 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và đặc biệt là sau 31 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (01/7/1989)[1], Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên đã phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua các khó khăn, thử thách và giành được những thành tựu quan trọng.
Về kinh tế: Nền kinh tế của tỉnh sau hơn 30 năm xây dựng và phát triển đã có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn duy trì ở mức khá, đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 14%, là tiền đề để Phú Yên từng bước tạo lập các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu GRDP; giá trị GRDP bình quân đầu người liên tục tăng: GRDP bình quân đầu người năm 1990 mới chỉ đạt 3,43 triệu đồng/người, năm 2010 đạt 15,6 triệu đồng/người, đến cuối năm 2019 đạt 45,77 triệu đồng/người, tăng 2,9 lần so với năm 2010 và tăng 13 lần so với năm 1990.
Kết cấu hạ tầng giao thông ngày càng được hoàn thiện và có sự phát triển vượt bậc, mạng lưới giao thông được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao, bảo đảm thông suốt quanh năm, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Nhất là đã hoàn thành việc xây dựng và đưa vào sử dụng cầu Hùng Vương, hầm đường bộ Đèo Cả và hầm đường bộ đèo Cù Mông… Các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, tuyến giao thông liên xã cũng được đầu tư nâng cấp nhựa hóa và bê tông hóa, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh lân cận. Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu phục vụ nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu. Về điện, nước, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin được cải thiện mạnh mẽ và mở rộng đến các xã, thôn, buôn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Về thu ngân sách: Với xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp; công nghiệp, dịch vụ nhỏ lẻ hầu như chưa có gì nên công tác thu ngân sách trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới đạt được rất thấp và vô cùng khó khăn. Năm 1990, thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt 29,274 tỷ đồng, nhưng với nỗ lực của toàn Đảng bộ, toàn dân trong tỉnh và sự đóng góp của nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tạo được nguồn thu ngân sách tăng khá theo từng năm, tỷ lệ tăng bình quân đạt 21,8%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 7.033 tỷ đồng năm 2019, tăng hơn 240 lần so với năm 1990.
Về giáo dục - đào tạo: Hệ thống giáo dục của tỉnh từng bước được hoàn chỉnh; quy mô giáo dục được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, mạng lưới trường, lớp học được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, lầu hóa và phân bố rộng khắp; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bổ sung đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao... Công tác giáo dục ở khu vực miền núi không ngừng phát triển. Giáo dục - đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và hướng nghiệp, dạy nghề tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và các tỉnh lân cận.
Về y tế: Hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế từ tỉnh đến huyện được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 01 Trung tâm da liễu; 09 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; tổng số giường bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện đạt 2.189 giường bệnh, chiếm tỷ lệ 24 giường bệnh/1vạn dân. Đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Công tác bảo đảm an sinh xã hội được tỉnh quan tâm thực hiện nên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 9% nhưng đến hết năm 2019 giảm còn 3,93%. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời; duy trì và phát triển Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh các hoạt động Uống nước nhớ nguồn, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công. Công tác giải quyết việc làm được tỉnh chú trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức và nguồn vốn khác nhau. Tính từ giai đoạn 2011 đến nay, đã giải quyết việc làm cho khoảng 24 nghìn lao động/năm.
Sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, phát thanh, truyền hình có sự chuyển biến tích cực. Các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được quan tâm. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Phú Yên đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, phát huy dân chủ ở cơ sở được triển khai sâu rộng trong nhân dân. Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng ngày càng phát triển, thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới. Một số tiến bộ kỹ thuật, mô hình mới đã được nghiên cứu và triển khai rộng rãi vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Tỉnh đã tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ và khả năng cạnh tranh.
Công tác quốc phòng - an ninh được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, bảo đảm đúng sự chỉ đạo của Trung ương. Toàn tỉnh hiện có 2.123 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; 408 chi, đảng bộ cơ sở; 13 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy, với tổng số gần 43.300 đảng viên; 100% thôn, buôn, khu phố và các trường học từ mầm non công lập trở lên đều có chi bộ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được những kết quả quan trọng; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác cán bộ của tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đến việc thực hiện chính sách cán bộ.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp có nhiều tiến bộ. Công tác giám sát, tiếp xúc cử tri từng bước được đổi mới theo hướng dân chủ, công khai, thiết thực, hiệu quả. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc; vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội.
Có thể khẳng định, những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực mà Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đạt được trong những năm qua là hết sức to lớn, tạo tiền đề quan trọng để Phú Yên tiếp tục phát triển, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh nhà trong những giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, Phú Yên vẫn còn nhiều tồn tại và khó khăn trong quá trình xây dựng và phát triển như: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh thiếu tính bền vững; quy mô kinh tế nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; cơ cấu các nguồn thu ngân sách chưa ổn định; chưa tạo được nguồn thu mới, ổn định từ hoạt động sản xuất kinh doanh; chưa tự cân đối ngân sách, còn phụ thuộc nhiều vào Trung ương; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa tốt; kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; lĩnh vực giáo dục và y tế có mặt còn hạn chế; trình độ và tiềm lực khoa học, công nghệ còn thấp...
Kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên, tự hào với những thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng tiến công, đoàn kết một lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, ra sức đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, thiết thực chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nêu cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, củng cố niềm tin và phát huy sức mạnh đoàn kết của nhân dân, phấn đấu xây dựng quê hương Phú Yên ngày càng giàu mạnh, góp phần cùng toàn Đảng và nhân dân cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.
BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY PHÚ YÊN