HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Phú Yên (01/7/1989-01/7/2019)

TÀI LIỆU TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 30 NĂM
NGÀY TÁI LẬP TỈNH PHÚ YÊN (01/7/1989 - 01/7/2019)
 
I. TÌNH HÌNH PHÚ YÊN TRƯỚC VÀ SAU NGÀY TÁI LẬP
Sau ngày đất nước được thống nhất, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước trong thời kỳ mới, ngày 29/9/1975, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 245-NQ/TW về việc bỏ cấp khu, hợp nhất một số tỉnh ở miền Nam. Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, ngày 03/11/1975, tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa được hợp nhất lấy tên là tỉnh Phú Khánh.
Đến năm 1989, sau hơn 13 năm hợp nhất, Đảng bộ Phú Khánh đã lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đoàn kết, ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh; khắc phục hậu quả thiên tai liên tiếp, từng bước ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm và thành tích, trong thời kỳ hợp nhất tỉnh, tình hình phát triển kinh tế - xã hội cũng bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần phải khắc phục. Trước tình hình đó, tại Hội nghị Tỉnh ủy Phú Khánh lần thứ 13 (khóa IV), trên tinh thần đường lối đổi mới của Đảng, đã nhìn thẳng vào sự thật, nêu vấn đề chia tỉnh là một yêu cầu khách quan, phù hợp với khả năng và trình độ của cán bộ, điều kiện tự nhiên, đặc điểm kinh tế, cũng như tâm lý và lịch sử của nhân dân Phú Yên và Khánh Hòa. Hội nghị đã thống nhất kiến nghị Bộ Chính trị cho chia tỉnh Phú Khánh thành hai tỉnh như trước đây, để tạo điều kiện tốt hơn trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của thời kỳ đổi mới.
Ngày 04/3/1989, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 83-NQ/TW về việc phân chia tỉnh Phú Khánh thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Ngày 30/6/1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết chia tách và tái lập một số tỉnh, thành phố trong cả nước. Theo đó, tỉnh Phú Khánh được chia thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Kể từ đây, tỉnh Phú Yên được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/1989. Sự kiện này trở thành một dấu mốc quan trọng, mở ra một thời kỳ phát triển mới của tỉnh nhà.
 Tỉnh Phú Yên được tái lập trong bối cảnh tình hình thế giới đầy biến động và đất nước vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tỉnh phải đối mặt với nhiều thử thách lớn. Điểm xuất phát kinh tế của tỉnh rất thấp, tỷ trọng nông nghiệp chiếm hơn 60% trong cơ cấu nền kinh tế, với khoảng 80% hộ dân sống bằng kinh tế nông nghiệp. Tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn tỉnh lúc này chỉ đạt hơn 425 tỷ đồng. Công nghiệp, thương mại, dịch vụ quy mô nhỏ, trang thiết bị cũ kỹ, lạc hậu, khối lượng sản phẩm ít, chủ yếu phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Kết cầu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội yếu kém, giao thông chưa phát triển. Ngoài quốc lộ 1A đã xuống cấp, các tuyến đường bộ còn lại chủ yếu là đường đất, đá, đi lại khó khăn, xe ô tô chỉ mới đến được 70% xã, nhiều địa bàn vào mùa mưa thường bị chia cắt dài ngày. Hạ tầng cảng biển, ga hàng không chưa có; ga xe lửa, bến xe cũng tạm bợ, chưa đáp ứng nhu cầu phục vụ hàng khách.
Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực vừa thiếu, vừa yếu, một bộ phận cán bộ không muốn về Phú Yên công tác. Khó khăn lớn nhất là việc di dời toàn bộ các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể từ Nha Trang về thị xã Tuy Hòa - đô thị trong một thời gian dài không được đầu tư, thiếu điện, thiếu nước sinh hoạt, đường sá xuống cấp… Do đó, trong những ngày đầu tái lập, nhiều cơ quan của tỉnh phải mượn tạm trụ sở của Thị ủy, của chính quyền thị xã Tuy Hòa hoặc đóng tạm ở nhà dân. Phương tiện để làm việc vừa thiếu, vừa xuống cấp trầm trọng và hàng loạt vấn đề khó khăn bức xúc về kinh tế, xã hội, tư tưởng cán bộ và nhân dân đặt ra cần giải quyết.
Sau ngày tái lập, tỉnh Phú Yên có một số thuận lợi cơ bản như: Lương thực sản xuất đủ ăn và đã có dư bán ra ngoài tỉnh; đất nông nghiệp, đất rừng, mặt biển chưa khai thác còn lớn; có nguồn lao động dồi dào; việc tái lập tỉnh là sự kiện được nhân dân đồng tình ủng hộ, được Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ... là tiền đề, cơ sở chính trị vững chắc giúp cho Đảng bộ tỉnh đề ra kế hoạch cùng những giải pháp thiết thực, sát hợp với tình hình để bắt tay xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quyết tâm xây dựng Phú Yên thành tỉnh giàu đẹp.
II. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA TỈNH PHÚ YÊN QUA 30 NĂM TÁI LẬP
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Phú Yên phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua các khó khăn, thử thách và giành được những thành tựu quan trọng.

1. Về phát triển kinh tế
1.1. Tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Nền kinh tế của tỉnh sau 30 năm xây dựng và phát triển đã có bước phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế qua từng giai đoạn luôn duy trì ở mức khá, đặc biệt có năm tăng trưởng kinh tế đạt trên 14%, là tiền đề để Phú Yên từng bước tạo lập các yếu tố bảo đảm phát triển bền vững, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh, nhằm góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tỉnh nhà.
Đến năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 24.925 tỷ đồng, tốc độ tăng GRDP năm 2018 là 8,2%. Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 1990-2018 đạt 9%/năm, trong đó: ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4,5%/năm; ngành công nghiệp - xây dựng tăng 14,6%/năm và ngành dịch vụ tăng 12%/năm.
Nền kinh tế tỉnh tăng cả về lượng và chất, trong đó, giá trị tăng thêm của nền kinh tế từ khi tái lập tỉnh đến cuối năm 2018 (theo giá so sánh 2010) tăng gấp 11,04 lần, từ 2.257 tỷ đồng năm 1990 lên 24.925 tỷ đồng năm 2018, trong đó, nông nghiệp tăng 3,42 lần; công nghiệp - xây dựng tăng 45,49 lần; dịch vụ tăng 24,18 lần. Giá trị GRDP bình quân đầu người liên tục tăng: GRDP bình quân đầu người năm 1990 mới chỉ đạt 3,43 triệu đồng/người, năm 2010 đạt 15,6 triệu đồng/người, đến năm 2018 đạt 39,7 triệu đồng/người, tăng 2,5 lần so với năm 2010 và tăng 11,6 lần so với năm 1990.
Cơ cấu kinh tế của tỉnh cơ bản chuyển dịch đúng hướng, với tỷ trọng công nghiệp và xây dựng từ 11,9% năm 1990 lên 29,84% vào năm 2018 (tăng 17,4 điểm phần trăm); khu vực dịch vụ từ 31,9% năm 1990, năm 2010 là 36,4% lên 42,8% vào năm 2018 (tăng 11,4 điểm phần trăm so với năm 1990) và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 56,3% năm 1990, giảm xuống còn 28,7% năm 2010 và 23,56% vào năm 2018 (giảm 32,7 điểm phần trăm so với năm 1990).
1.2. Về huy động vốn đầu tư phát triển
Trong 30 năm qua, tỉnh luôn chú trọng đổi mới các cơ chế chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh thu hút, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng như giao thông, công nghiệp, dịch vụ - du lịch, y tế, giáo dục... Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng theo từng năm, năm 1990 đạt 150 tỷ đồng (100% vốn ngân sách nhà nước) đến cuối năm 2018 đạt 15.822 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách nhà nước 3.757 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách nhà nước 11.600 tỷ đồng và vốn FDI 465 tỷ đồng); lũy kế vốn đầu tư toàn xã hội đến năm 2018 đạt 126.970 tỷ đồng.
1.3. Về phát triển kết cấu hạ tầng
  • Hạ tầng giao thông ngày được hoàn thiện và có sự phát triển vượt bậc, mạng lưới giao thông được trải đều khắp các địa bàn trong tỉnh, có tính kết nối cao, bảo đảm thông suốt quanh năm, phục vụ thiết thực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của tỉnh. Từ khi tái lập đến nay, Phú Yên đã đầu tư nâng cấp, cải tạo một số công trình trên tuyến quốc lộ 1A và các tuyến quốc lộ nối với các tỉnh Tây Nguyên, bảo đảm hoạt động thông suốt; đặc biệt, trong thời kỳ này có một số tuyến đường trọng điểm hình thành như: Tuyến trục dọc phía Tây và được nâng câp thành quốc lộ 19C, tuyến ven biển từ thị xã Sông Cầu đến Vũng Rô, nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ ĐT 645 thành quốc lộ 29 kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, nâng cấp quốc lộ 25, xây dựng mới các cầu: Đà Rằng, Sông Ba, Hùng Vương... Đồng thời, xây dựng và đưa vào sử dụng hầm đường bộ Đèo Cả và hầm đường bộ đèo Cù Mông, góp phần tăng tính kết nối để phát triển vùng. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, tuyến giao thông liên xã được đầu tư nâng cấp nhựa hóa và bê tông hóa, đặc biệt là với chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đến nay đã kiên cố hóa được hơn 1.660km, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế giữa các vùng trong tỉnh, giữa tỉnh Phú Yên với các tỉnh lân cận. Hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, cải tạo, nâng cấp, đáp ứng yêu cầu phát triển.
  • Về cảng biển, cảng cá: Cảng Vũng Rô được đầu tư xây dựng với quy mô đang khai thác cho tàu 3.000 tấn, công suất trung bình 300.000 tấn/năm và thời điểm khai thác cao nhất 500.000 tấn/năm... Cảng Vũng Rô là điểm đầu của quốc lộ 29 nối Phú Yên với Đắk Lắk thông với Campuchia qua cửa khẩu ĐăkRuê, sẽ là điểm đến của các loại hàng hóa từ Tây Nguyên và các tỉnh lân cận Phú Yên đi các khu vực khác trong và ngoài nước. Toàn tỉnh có 28 cơ sở đóng, sửa chữa tàu cá đáp ứng phần lớn nhu cầu đóng, sửa tàu vỏ gỗ tại chỗ cho ngư dân; có 16 tàu dịch vụ thu mua trên biển đã đăng ký đủ điều kiện tham gia hoạt động dịch vụ, trong đó có 02 tàu kết hợp thu mua thủy sản với cung cấp xăng dầu trên biển (hoạt động ở vùng biển ven bờ).
  • Hạ tầng thủy lợi được tập trung đầu tư đồng bộ và phát triển theo hướng đa mục tiêu phục vụ nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp, du lịch và bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao năng lực tưới tiêu, với tổng diện tích cây trồng năm 2018 được tưới là 66.571 ha; trong đó, diện tích lúa được tưới ổn định ở 2 vụ là 49.991 ha và nhiều công trình thủy lợi đầu tư cho tưới cây công nghiệp, hoa màu.
  • Về phát triển đô thị: Qua 30 năm đầu tư và xây dựng, đô thị Phú Yên đã có nhiều thay đổi, từ một tỉnh chỉ có 01 thị xã, đến nay Phú Yên có 01 thành phố (đô thị loại II) và 01 thị xã (đô thị loại III); huyện Đông Hòa đang hoàn thành các tiêu chí để lên thị xã vào năm 2020... Dân số thành thị từ 120.277 người vào năm 1989 đến nay đạt khoảng 267.000 người.
  • Về điện, nước, bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin được cải thiện mạnh mẽ và mở rộng đến các xã, thôn, buôn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
1.4. Về công tác xúc tiến thu hút đầu tư
Ngay từ khi tái lập tỉnh, Phú Yên đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để tạo động lực thúc đẩy phát triển; tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút và mời gọi các nhà đầu tư có uy tín, thương hiệu tạo nên sức cạnh tranh, trong đó coi trọng hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ, giải quyết ngay các khó khăn cho doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh. Tỉnh đã thành lập Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại - du lịch vào năm 2007 nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong xúc tiến, hỗ trợ đầu tư và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; lãnh đạo tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn thăm và làm việc với một số công ty, tập đoàn lớn ở các địa phương trong và ngoài nước để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư vào địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, đã tổ chức nhiều đoàn quảng bá, xúc tiến đầu tư tại các nước như: Pháp, Ý, Hungary, Lào, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đồng thời, tỉnh cũng đã tổ chức thành công nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư vào tỉnh, để lại ấn tượng tốt đẹp, tạo làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.
Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng theo từng năm. Nếu năm 1996 toàn tỉnh chỉ có 01 dự án FDI với tổng vốn 94,5 tỷ đồng thì đến nay trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 38 dự án FDI với số vốn đăng ký 1,56 tỷ USD và 401 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 62.634 tỷ đồng, trong đó có 231 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ lệ 57,6%. Một số dự án đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả cao, như: Nhà máy đường KCP, Công ty cổ phần An Hưng, khu sản xuất giống thủy sản Xuân Hải, khách sạn Cendeluxe, khu du lịch Núi Thơm, khách sạn Kaya, khách sạn Sài Gòn - Phú Yên, Rosa Alba Resort; các khu đô thị: FBS, Hưng Phú, trung tâm thương mại Vincom,... đã góp phần tạo việc làm ổn định cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách, cải thiện chất lượng dịch vụ lưu trú phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước đến Phú Yên. Năm 2018, các dự án đầu tư đã đóng góp 32,6% giá trị tổng sản phẩm và 35,7% ngân sách nhà nước trên địa bàn.
1.5. Về phát triển ngành nông - lâm - thủy sản
Kinh tế nông nghiệp của tỉnh có nhiều bước phát triển, góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế và đời sống nhân dân. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức. Cơ cấu nội bộ ngành tiếp tục chuyển dịch tích cực, trồng trọt giảm nhẹ, chăn nuôi và thủy sản tăng theo từng năm, tạo điều kiện cho phát triển ngành nông - lâm - ngư nghiệp theo hướng ổn định, toàn diện. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Phú Yên, hiện đã thu hút đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư là 545 tỷ đồng, góp phần từng bước tạo ra các nông sản sạch có tính cạnh tranh cao.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, tỉnh đã tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện có hiệu quả chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển những cây trồng có năng suất chất lượng cao, trở thành đặc sản của địa phương như hồ tiêu, dừa, dứa, cam, mía... và hình thành một số vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày phục vụ chế biến như: sắn, mía (huyện Sơn Hòa, Sông Hinh và Đồng Xuân); dứa (huyện Phú Hòa); hồ tiêu (huyện Tây Hòa); đồng thời, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển tăng trên cả 3 mặt: diện tích, năng suất và giá trị sản xuất/diện tích đất. Chăn nuôi phát triển cả về chất và lượng, đang từng bước phát triển ổn định, chất lượng đàn ngày càng nâng cao; tổng sản lượng thịt hơi các loại tăng từ 9.876 tấn năm 1990 lên hơn 23.000 tấn năm 2018. Sản xuất thủy sản trên địa bàn phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, giá trị sản xuất toàn ngành giai đoạn 1990-2018 tăng 12,2%/năm; tổng diện tích nuôi trồng tăng từ 104,4 ha năm 1990 lên 2.650 ha năm 2018; tổng sản lượng khai thác thủy sản tăng từ 12.035 tấn năm 1990 lên 60.100 tấn năm 2018, trong đó khai thác cá ngừ đại dương chiếm 7-8% trong tổng sản lượng khai thác và Phú Yên được xem là cái nôi của nghề câu cá ngừ đại dương của cả nước.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh đạt bình quân 15,83 tiêu chí/xã; có 47 xã đã được công nhận đạt chuẩn, có 3/9 đơn vị hành chính cấp huyện có 100% số xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (thành phố Tuy Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Phú Hòa).
1.6. Về công nghiệp - xây dựng
Sản xuất công nghiệp - xây dựng trong thời gian qua phát triển khá. Tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân đạt 14,6%/năm (theo giá so sánh năm 2010). Một số dự án công nghiệp chế biến được quan tâm mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ; một số dự án đã hoàn thành đưa vào sản xuất, hình thành một số sản phẩm chủ lực có quy mô, công suất lớn, tăng giá trị chế biến và chiếm tỷ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh như: nhân hạt điều, may mặc, đường kết tinh các loại, thủy sản các loại, tinh bột sắn, điện, bia, phân bón, dược phẩm,... Đặc biệt những năm gần đây lĩnh vực năng lượng tái tạo được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thu hút đầu tư, hiện nay có 06 dự án điện mặt trời, với tổng công suất 463,4 MW đang được triển khai.
Năm 2004, tỉnh cho phép thành lập 03 cụm công nghiệp, với quy mô 24,7 ha, đến nay đã hình thành 01 khu kinh tế, 05 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp, với tổng diện tích trên 21.381 ha, thu hút 138 dự án, với tổng vốn đăng ký 11.816,31 tỷ đồng và 25,91 triệu USD, trong đó các cụm công nghiệp thu hút được 43 dự án, với tổng vốn 1.876 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.

1.7. Về hoạt động dịch vụ, du lịch
Dịch vụ kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế, chất lượng các dịch vụ được nâng lên. Cơ sở hạ tầng thương mại từng bước được đầu tư và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 01 trung tâm thương mại, 03 siêu thị, 141 chợ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, giao thương hàng hóa của người dân. Công tác quản lý thị trường được thực hiện thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời các hoạt động kinh doanh vi phạm pháp luật. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 1989-2018 tăng bình quân 22,8%/năm, trong đó năm 2018 ước đạt 31.027 tỷ đồng (năm 1989 chỉ đạt 89,962 tỷ đồng). Kim ngạch xuất khẩu có tăng nhưng chưa cao, năm 2018 đạt 146,5 triệu USD, tăng 9,03 lần so với năm 1991.
Dịch vụ vận tải có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng phục vụ. Cơ sở hạ tầng giao thông, bến xe được đầu tư nâng cấp và xây mới. Hình thành và phát triển, duy trì ổn định hai đường bay hiện có tại Cảng hàng không Tuy Hòa (tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Tuy Hòa 14 chuyến/tuần, tuyến Hà Nội - Tuy Hòa 8-14 chuyến/tuần), với lượng hành khách qua Cảng hằng năm đều tăng so với cùng kỳ. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chuẩn bị các điều kiện liên quan để mở tuyến bay quốc tế từ Nga đến Phú Yên.
Hoạt động du lịch phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất. Từ một ngành kinh tế thứ yếu, đến nay hoạt động du lịch đang chuyển mình thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Với mục tiêu khai thác lợi thế về du lịch biển và du lịch sinh thái kết hợp với du lịch văn hóa - lịch sử, Phú Yên đã và đang hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng; đồng thời, khai thác hiệu quả các khu du lịch đã có như: Gành Đá Đĩa, Nhà thờ Mằng Lăng, Vũng Rô, Mũi Điện, Tháp Nhạn, vịnh Xuân Đài, đầm Ô Loan...; tích cực kêu gọi nhà đầu tư vào những khu du lịch mới như: Khu du lịch sinh thái Bãi Ôm, Tổ hợp khách sạn, Resort Việt Mỹ A&V, khu du lịch vui chơi nghỉ dưỡng Seaside Resort, Vịnh Hòa Emerald Bay Resort,.... Những năm qua, Phú Yên đã thu hút được một lượng lớn khách trong nước cũng như nước ngoài đến tham quan tại tỉnh. Năm 2018, lượng khách du lịch đến tỉnh hơn 1,6 triệu lượt, đạt 111% kế hoạch đề ra và tăng 14,6% so với cùng kỳ; doanh thu từ các hoạt động du lịch tăng từ 4,910 tỷ đồng năm 1994 lên 1.556 tỷ đồng năm 2018.
1.8. Về thu ngân sách
Với xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp; công nghiệp, dịch vụ nhỏ lẻ hầu như chưa có gì nên công tác thu ngân sách sau ngày tái lập tỉnh đạt được rất thấp và vô cùng khó khăn. Năm 1990, thu ngân sách của tỉnh chỉ đạt 29,274 tỷ đồng. Nhưng với nỗ lực của Đảng bộ, nhân dân trong tỉnh và sự đóng góp của nhà đầu tư, doanh nghiệp đã tạo được nguồn thu ngân sách tăng khá theo từng năm, tỷ lệ tăng bình quân đạt 21,8%/năm. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 4.575 tỷ đồng năm 2018, tăng hơn 156 lần so với năm 1990.
2. Về văn hóa, xã hội
2.1. Về giáo dục - đào tạo
Hệ thống giáo dục của tỉnh từng bước được hoàn chỉnh; quy mô giáo dục được mở rộng; cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng cường, mạng lưới trường, lớp học được đầu tư xây dựng, nâng cấp theo hướng kiên cố hóa, lầu hóa và phân bố rộng khắp; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được bổ sung đủ về số lượng, cân đối về cơ cấu, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng cao... Công tác giáo dục ở khu vực miền núi không ngừng phát triển; đến nay, các xã, thôn, buôn đều có cơ sở nhà trẻ - mẫu giáo, trường tiểu học; liên xã có trường trung học cơ sở và ở huyện có trường trung học phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường bán trú dân nuôi. Hiện toàn tỉnh có 404 trường học các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông, trong đó có 158/404 trường đạt chuẩn (tỷ lệ 39,1%). Đội ngũ nhà giáo các cấp về cơ bản đều đạt chuẩn và trên chuẩn; cán bộ quản lý giáo dục được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng được yêu cầu.
Hệ thống giáo dục - đào tạo bậc đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và hướng nghiệp, dạy nghề tiếp tục phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và các tỉnh lân cận; từ một tỉnh chỉ có 01 cơ sở đào tạo bậc cao đẳng (Cao đẳng sư phạm Phú Yên), đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 trường đại học, 03 trường cao đẳng, 01 Phân viện Ngân hàng, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh, 01 Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp tỉnh, 07 trung tâm giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp cấp huyện và 01 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên.
2.2. Về y tế
Hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế từ tỉnh đến huyện được sắp xếp lại theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; mạng lưới y tế cơ sở cấp xã được củng cố và nâng cấp theo chuẩn quốc gia, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 05 bệnh viện tuyến tỉnh, 01 Trung tâm da liễu; 09 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn có trạm y tế; tổng số giường bệnh tuyến tỉnh và tuyến huyện đạt 2.189 giường bệnh, chiếm tỷ lệ 24 giường bệnh/1vạn dân, tăng 7,3 giường/1vạn dân so với năm 1989 (16,7 giường bệnh/1vạn dân). Đội ngũ y bác sỹ tiếp tục được tăng cường cả về số lượng và trình độ chuyên môn, năm 1989 toàn tỉnh có 116 bác sỹ đến năm 2018 tăng lên 465 bác sỹ. Năm 1990 tỷ lệ bác sỹ trên 1 vạn dân là 1,81 bác sỹ/1vạn dân, đến nay đạt 6 bác sỹ/1vạn dân; 100% số thôn có nhân viên y tế; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 100% trạm y tế có bác sĩ. Đến năm 2018, số xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 đạt 91,96% (103/112 xã, phường).
2.3. Về công tác bảo đảm an sinh xã hội
Công tác an sinh xã hội luôn được tỉnh quan tâm thực hiện nên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2010 là 9%, theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều đến hết năm 2018 còn 5,85% so với tổng số hộ toàn tỉnh. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng được thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời; duy trì và phát triển Quỹ Đền ơn đáp nghĩa; đẩy mạnh các hoạt động Uống nước nhớ nguồn, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đều được công nhận làm tốt công tác thương binh liệt sỹ và người có công.
Công tác giải quyết việc làm được tỉnh chú trọng và thực hiện bằng nhiều hình thức và nguồn vốn khác nhau. Từ năm 1990 đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lượt lao động, trong đó giai đoạn 2011 đến nay, giải quyết việc làm cho khoảng 24 nghìn lao động/năm. Công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt quan tâm, qua đó số lượng và chất lượng lao động qua đào tạo được nâng lên; tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên theo từng năm, năm 2010 là 38% đến năm 2018 đạt 64,05% tổng số lao động đang làm việc, trong đó lao động qua đào tạo nghề là 47,02%. Tỷ lệ người tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động đang tham gia hoạt động kinh tế thường xuyên đạt 18,1%. Đến cuối năm 2018 số người tham gia bảo hiểm y tế toàn tỉnh đạt tỷ lệ 85,6% dân số.
2.4. Về hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ
Sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, phát thanh, truyền hình có sự chuyển biến tích cực. Các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được quan tâm. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Phú Yên đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa. Toàn tỉnh hiện có 01 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp quốc gia, 51 di tích cấp tỉnh. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa mới ở khu dân cư, phát huy dân chủ ở cơ sở được triển khai sâu rộng trong nhân dân. Toàn tỉnh có 9/9 đơn vị cấp huyện xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao; 112/112 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa cấp xã; 100% số xã thu được sóng từ Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Yên. Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng ngày càng phát triển, thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ.
Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nhiều đổi mới. Một số tiến bộ kỹ thuật, mô hình mới đã được nghiên cứu và triển khai rộng rãi vào thực tiễn sản xuất và đời sống. Đa số các đề tài, dự án tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, phục vụ cho phát triển nông thôn, miền núi (chiếm gần 65%). Tỉnh tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh nhằm nâng cao năng lực khoa học công nghệ và khả năng cạnh tranh.
2.6. Trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh
Công tác quốc phòng địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được củng cố vững chắc. Các cấp ủy, chính quyền đã quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đi đôi với củng cố quốc phòng, an ninh; thường xuyên chăm lo, xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
2.7. Về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, bảo đảm đúng sự chỉ đạo của Trung ương. Đảng bộ tỉnh hiện có 13 đảng bộ trực thuộc; 463 tổ chức cơ sở đảng; 100% thôn, buôn, khu phố và các trường học từ mầm non công lập trở lên đều có chi bộ. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được những kết quả quan trọng; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, triển khai việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở tổ chức triển khai có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển biến sâu sắc về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Công tác cán bộ của tỉnh được quan tâm chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, bảo đảm công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định từ việc đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm đến thực hiện chính sách cán bộ.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp có nhiều tiến bộ. Công tác giám sát, tiếp xúc cử tri từng bước được đổi mới theo hướng dân chủ, công khai, thiết thực, hiệu quả. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đổi mới và hội nhập.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tiếp tục được đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, góp phần tích cực vào việc hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố vững chắc; vai trò làm chủ của nhân dân ngày càng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội.
Có thể khẳng định rằng, những thành tựu trên tất cả các lĩnh vực mà Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đạt được trong 30 năm qua là hết sức to lớn, tạo tiền đề quan trọng để Phú Yên tiếp tục phát triển, đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập. Tuy nhiên, sau 30 năm xây dựng và phát triển, Phú Yên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn như: Tăng trưởng kinh tế của tỉnh thiếu tính bền vững; quy mô kinh tế nhỏ, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp; cơ cấu các nguồn thu ngân sách chưa ổn định; chưa tạo được nguồn thu mới, ổn định từ hoạt động sản xuất kinh doanh; chưa tự cân đối ngân sách, còn phụ thuộc nhiều vào Trung ương; công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa tốt; kết cấu hạ tầng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; lĩnh vực giáo dục và y tế có mặt còn hạn chế; trình độ và tiềm lực khoa học, công nghệ còn thấp...
III. PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC, TIẾP TỤC ĐỔI MỚI MẠNH MẼ VÀ TOÀN DIỆN, ĐƯA TỈNH PHÚ YÊN PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG
 Phú Yên có được như ngày hôm nay là nhờ sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân tỉnh nhà trong việc khắc phục khó khăn, phấn đấu thực hiện các chủ trương, giải pháp đột phá được đề ra tại các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh trong 30 năm qua.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra mục tiêu tổng quát là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy dân chủ và sức mạnh đoàn kết toàn dân; tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, đưa Phú Yên phát triển nhanh, bền vững và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân”; đồng thời xác định 18 nhóm chỉ tiêu chủ yếu để phấn đấu thực hiện. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời ban hành 6 chương trình hành động, 3 nghị quyết và nhiều chỉ thị, kế hoạch cụ thể hóa việc thực hiện và đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Để thực hiện tốt các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, hướng đến xây dựng Phú Yên thành một tỉnh giàu mạnh, đòi hỏi toàn Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, trong đó cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa đồng bộ việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có, đồng thời huy động, sử dụng hiệu quả tối đa các nguồn lực bên ngoài để đầu tư phát triển. Đẩy mạnh xúc tiến, kêu gọi, thu hút đầu tư, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, du lịch. Quyết liệt thực hiện việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bảo đảm thực chất, hướng đến mục tiêu tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân. 
Hai là, trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị: Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên; làm tốt công tác tư tưởng, tạo sự đồng thuận cao đối với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6, khóa XII. Tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI và khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 4511-QĐ/TU, ngày 19/3/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trên tinh thần “không có vùng cấm”.
 Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các quy định của Đảng về nêu gương của lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu; thực hiện quyết liệt, tạo chuyển biến đột phá, mạnh mẽ hơn nữa trong công tác cải cách hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; kiên quyết xử lý đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức, viên chức trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực.
Bốn là, chủ động thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất và năng lực; kịp thời củng cố, kiện toàn lãnh đạo các đơn vị, địa phương gắn với tiếp tục thực hiện chặt chẽ, hiệu quả chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XII), nhằm chuẩn bị tốt công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025.
------------------------------
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây