HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình từ mô hình vườn – ao – chuồng

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình từ  mô hình vườn – ao – chuồng
         Suy nghĩ với cách làm truyền thống, trồng mía mì, chăn nuôi bò chỉ đủ trang trải cuộc sống gia đình, không thể làm giàu được. Chị Lê Thị Kim Gấm, sinh năm 1981, hội viên phụ nữ thôn Phong Hậu, xã Hòa Hội đã chuyển đổi hướng làm ăn, phát triển kinh tế sang đầu tư chăn nuôi theo hướng thực phẩm sạch, kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm.
          Khởi nghiệp của gia đình chị Gấm bắt đầu từ đầu tư cải tạo 2 ha đất, thuê máy đào hồ, làm hệ thống ống tưới nước. Về trồng trọt, chị trồng 700 cây ăn trái như dừa xiêm, bưởi da xanh, mít, xoài, vú sữa, mãng cầu thái… Với toan tính lấy ngắn nuôi dài chị trồng 500m2 rau sạch các loại để có thu nhập trang trải cuộc sống thường xuyên hàng ngày. Sau 5 năm canh tác, vườn cây trái phát triển rất tốt, sai quả và cho thu nhập ổn định.
Phú Hòa MO HINH V A C CHỊ GÂM
Vườn cây mãng cầu thái phát triển tốt, sai quả của Chị Lê Thị Kim Gấm

          Về chăn nuôi, chị Gấm xây dựng chuồng trại nuôi Bò lai sinh sản, heo rừng lai, gà nòi (gà đá), dê, cá, ốc, trùn quế… theo vòng tròn V-A-C khép kín. Hiện tại trang trại có 7 con bò giống, 20 con heo lai, 500 con gà, ao nuôi cá chình nước ngọt, ốc bươu đen hàng nghìn con. Tận dụng phân, chất thải của gia súc, gia cầm để nuôi trùn quế. Trùn quế đã giúp xử lý chất thải chăn nuôi, để có phân hữu cơ bón cho vườn cây ăn quả, giảm ô nhiễm môi trường. Trùn quế làm thức ăn cho gà, cá, ốc và bán cho khách hàng có nhu cầu. Theo quy trình này tuy hơi tốn thời gian và công lao động nhưng đem lại một môi trường sản xuất sạch, sản phẩm sạch, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đồng thời giảm chi phí đầu tư trong trồng trọt và chăn nuôi góp phần tăng thu nhập. Đặc biệt chị Gấm hạn chế tối đa và tiến tới không sử dụng phân vô cơ; xử lý tất cả nguồn phân, chất thải thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, sử dụng các sản phẩm tự chế biến từ ớt, gừng, sả… để xua đuổi côn trùng, nên tạo được lòng tin của khách hàng khi dùng sản phẩm từ trang trại của chị.
          Ngoài làm mô hình V-A-C, để tăng thêm thu nhập gia đình, chị Gấm dành thời gian mua bán các loại tôm, cá, lươn, chình nước ngọt. Nhận dịch vụ nấu ăn tại vườn nhà cho khách tham quan du lịch. Hiện tại anh chị đã xây dựng 3 căn nhà chòi để khách nghỉ trưa, ăn uống tại vườn. Tuy rằng mô hình của gia đình chỉ mới hoạt động được 5 năm, nhưng đã đem lại nguồn thu nhập ổn định hàng năm sau khi trừ chi phí và sinh hoạt gia đình trên 200 triệu đồng. Mỗi năm, nguồn thu có xu hướng tăng lên bền vững.
          Vừa qua chị Lê Thị Kim Gấm cũng đã được Trung ương Hội phụ nữ tặng giải nhất cuộc thi ý tưởng phụ nữ khởi sự kinh doanh, phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế. Năm 2022, được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Phú Yên tặng Bằng khen vì đã thành tích xuất sắc 5 năm thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” và được đề cử vào danh sách Nông dân sản xuất giỏi cấp huyện năm 2022, 2023.
                                                                             
                                                                                                HỘI LHPN XÃ HÒA HỘI
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây