HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Người phụ nữ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ở làng chài Phú Lạc

Người phụ nữ “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” ở làng chài Phú Lạc
Chị Thải tự hào nói về nguồn lợi thủy sản ở vùng biển Hòa Hiệp quê mình
- Ảnh: PHƯƠNG OANH

Nhìn thấy chị quanh năm lo toan, đôn đáo với chuyện xóm, chuyện làng, chẳng phải trách nhiệm của mình, mọi người vừa quý, vừa thương, bảo chị hay làm chuyện bao đồng rước cái khổ vào thân. Chị cười hề hà: “Hễ làm được điều mình ưa, mình muốn thì đâu thấy khổ”. Nghe giọng nói, tiếng cười rồi nhìn gương mặt sáng ngời niềm vui của chị, tôi biết chị thật lòng. Chị tên Nguyễn Thị Thải ở làng biển Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam (huyện Đông Hòa).

 Người con của biển

“Ba mẹ tui sinh tới mười mấy người con, tui là thứ thải. Ông bà bảo, tới lượt sinh tui ra đã không còn nghĩ được cái tên nào cho đẹp nên lấy thứ, gọi luôn cho dễ nhớ. Vậy là tôi tên Nguyễn Thị Thải”, chị cười giòn, mở đầu câu chuyện.

Với một gia đình không vốn liếng, không tài sản, chuyện kiếm cái ăn cho hàng chục đứa con thực sự là nỗi khốn khó. May nhà ở cạnh biển, ba mẹ chị đã lấy nghề thuyền chài để mưu sinh, nuôi con. Mười mấy anh em trong gia đình chị Thải đã nhọc nhằn bám theo bờ chân sóng, hít thở cái vị mặn mòi, tanh tao của biển mà lớn lên. Rồi chị lấy chồng, chồng chị cũng ra đời trong đống lưới chài nên từ nhỏ đã biết tát nước, kéo lưới đến chai tay. Lớn lên, anh là người bơi thuyền, lặn biển, đánh bắt cá giỏi nhất, nhì trong làng, hiếm người sánh kịp. Chị tâm sự, cùng với công ơn sinh thành của cha mẹ, chị luôn nặng lòng biết ơn cưu mang của bà mẹ biển. “Nếu không có nguồn sống từ biển, mình không có được cơ thể khỏe mạnh và cuộc sống tự tại, yên vui như bây giờ”, chị Thải nói.

Với người phụ nữ này, có lẽ bởi khí chất hào sảng, bao dung của biển cả đã thấm đẫm trong máu thịt, chị hồn nhiên sống và cần mẫn làm ăn, hồn nhiên giúp đỡ những người xung quanh mình bằng tấm lòng hồn hậu, nhân ái.

Nghe nhà hàng xóm có chuyện chẳng lành, chị rón rén tìm hiểu rồi tìm cách khuyên giải: “Đang giận quá hãy ra quán uống ly nước, ấm trà cho nhẹ lòng, hết giận rồi về. Đừng nóng nảy mà mất khôn, lỡ có chuyện gì là gia đình sẻ nghé, tan đàn, con cái ảnh hưởng”. Hay nhà nọ với nhà kia có xích mích, không nhìn nhau, mâu thuẫn kéo dài, chị tìm cách kết nối, rỉ rả tâm tình: “Nhịn nhau một chút, hỏi nhau một câu, lòng sẽ nhẹ tênh. Cũng là bà con lối xóm “tối lửa tắt đèn!”. Trong lòng đừng hờn trách, giận dỗi ai hết, cuộc sống phơi phới, bệnh tật sẽ không “ghé” đến”. Nghe chị thiết tha phân giải, nhìn cách sống, tâm trạng vui tươi, thảnh thơi của chị, mọi người thấy có lý, có tình. Cơn giận hạ nhiệt, hàng xóm qua cơn khủng hoảng, trở lại yên vui.

Ngày mưa bão năm trước, đưa con gái đi sinh cháu ở bệnh viện, chị thấy một người phụ nữ trẻ bụng mang dạ chữa một mình lầm lũi vào bệnh viện sinh con. Hỏi mới biết, vợ chồng họ sống xa quê nhưng gần tới ngày sinh nở, cha của đứa bé đánh gây thương tích người khác đã bị bắt giam. Ngặt, người mẹ trẻ vào bệnh viện mà trong người không có một đồng, lại sinh đôi. Hai đứa trẻ thiếu sữa, thiếu người ẵm bồng nên khóc cả đêm. Một tuần nuôi con gái sinh ở bệnh viện là chừng ấy ngày chị làm bà ngoại thêm cho cả những đứa trẻ vắng cha. Chị thức trắng đêm, hết ru cháu của mình, lại bế bồng, chăm chút những đứa cháu sinh đôi thiếu cha. Chị đi xin, gom áo, tã cho các cháu rồi nấu cơm, giặt giũ cả cho người mẹ trẻ kém may mắn ấy. Ngày xuất viện, chị trút túi mình được mấy trăm ngàn, lại đi vận động những “người hàng xóm” bệnh viện hỗ trợ người ba chục, năm chục. Gom gần 2 triệu, chị cuộn lại, nhét vào túi của mẹ hai cháu bé. “Không nhiều nhưng có cái ăn để mẹ có sữa cho con bú qua những ngày kiêng cử”, chị nhẹ nhàng.

Nghe hỏi “Sao phải nhọc lòng chuyện người dưng? Chị làm phước có sợ bị người khác ngờ vực lòng tốt?”. Chị cười hạnh phúc: “May nhiều người hiểu tấm lòng của mình. Mà nếu có rủi, mình cũng không sợ người khác nghĩ mình xấu, chỉ sợ mình sống không tốt sẽ mang cái hậu xấu, ảnh hưởng cuộc đời con cháu mình”, chị bộc bạch.

Chung tay giữ biển

Trên bức tường trong phòng khách của nhà chị Thải, chúng tôi thấy có rất nhiều bằng, giấy khen về thành tích tham gia bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo mà vợ chồng chị được trao tặng. Nghe hỏi chuyện, chị hồn hậu bảo: “Ở làng này ai cũng vậy, bảo vệ biển như giữ “nồi cơm” nhà mình mà!”.

Dẫn chúng tôi ra bãi biển phía sau nhà, chị Thải chỉ tay về phía những ụ đá lớn, nổi lên giữa biển, rành rẽ giới thiệu, đó là Hòn Khô. Nó được coi như “mỏ vàng”. Nhiều loài cá ngon có tiếng như cá mú, cá thu, bò vàng thường tập trung về đấy để trú ngụ, sinh sản. “Cứ 4 giờ sáng, đàn ông lên ghe ra biển. Ghe chạy quanh Hòn Khô thả mẻ lưới, một lát sau là vớt được cả giỏ cá to. Cá đưa về bờ, tiền bán cá đem đi mua gạo, thêm mớ rau, chén mắm là đủ sống cả nhà”, Chị Thải tự hào bộc bạch.

Thế nhưng, hơn 10 năm trước, ngư dân Hòa Hiệp bắt đầu lao đao khi nạn đánh cá bằng thuốc nổ rộ lên ở Hòn Khô. Có đêm, trong bờ nghe phía biển nổ hai ba tiếng ùm... ùm. Mờ sáng, chị Thải cùng chồng chạy ra bãi, lấy ghe đi thẳng ra Hòn Khô đã thấy cá chết, nổi dày mặt biển. Nhiều con cá vốn là đặc sản ngon, có tiếng một thời ở đây đã dần mất dạng. Những chuyến ghe đi đánh bắt trở về không còn “no” cá như ngày trước.

Theo đại úy Lê Văn Chạy, cán bộ vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam, Hòn Khô bây giờ đã yên bình hơn. “Đó là thành quả kiên cường đấu tranh với nạn đánh bắt hủy diệt biển của người dân Hòa Hiệp, trong đó có sự góp sức quan trọng của vợ chồng chị Thải”, đại úy Lê Văn Chạy khẳng định.

Những câu chuyện ấn tượng về người phụ nữ hay lo chuyện bao đồng này vẫn được mọi người nhắc với niềm tin yêu. Đại úy Chạy kể, một lần vừa mua cá xong, đang định đem lên chợ bán, chị Thải nghe có người nói, thấy có cá chết ngoài Hòn Khô. Linh tính giúp chị suy đoán “chiếc ghe nào đó thả thuốc nổ xong đã bỏ đi để tránh bị theo dõi? Thế nào họ cũng quay trở lại vớt cá!”. Vậy là, chưa vội đưa cá đi bán, chị chạy tìm anh em Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam cho hay tin. Ngay sáng hôm ấy, các tổ tàu thuyền an toàn của ngư dân Hòa Hiệp đã cùng bộ đội biên phòng ra biển tuần tra, mật phục, đến giữa trưa thì bắt trọn chiếc ghe phạm tội khi chúng quay lại vớt cá.

Với chị Thải, điều khiến chị vui hơn là bây giờ, mỗi người dân ở làng biển của chị đều rất tích cực trong việc bảo vệ môi trường biển. Nhớ ngày đầu Đồn Biên phòng Hòa Hiệp Nam về địa bàn, mời họp dân, phát động đấu tranh với tội phạm đánh bắt bằng thuốc nổ, chồng đang đi biển, chị ở nhà hăng hái đến dự họp. Vào họp, nhiều người rụt rè, dửng dưng: “Đấu tranh là chuyện của bộ đội biên phòng, mình sao dám!”. Riêng chị thẳng thắn, bộc trực nói: “Tui nghĩ bà con mình phải ủng hộ bộ đội biên phòng. Giữ biển là giữ nồi cơm của mình. Nhà tui ở sát biển, hôm nào ngoài Hòn Khô có tiếng nổ là ruột tui xót. Thuốc nổ mà thả xuống biển thì từ cành san hô, cá lớn, cá nhỏ, con li ti đến trứng cá nữa, chẳng thứ gì còn, lấy gì đời con, đời cháu mình sinh sống”.

Quý chị tính xởi lởi, hay sẵn lòng giúp đỡ mọi người nên hàng xóm thường ghé chơi. Sẵn, chị mời anh em bộ đội biên phòng đến nhà rồi kết nối để mọi người quen biết mà chuyện trò, chia sẻ vui buồn. Dần dà thân quen, bà con không ngại ngùng trao đổi nhiều thông tin. Khi đi biển, thấy những ghe thuyền làm ăn bất thường, bà con gọi báo tin ngay cho bộ đội biên phòng.

Chị tâm sự, biển hào phóng cho nhiều thế hệ gia đình chị nguồn sống dồi dào, nuôi nấng để chị có được hình hài khỏe mạnh, cuộc sống no đủ. Vậy nên, “bảo vệ biển là trách nhiệm, là cách đền đáp với những gì mình đã được ban tặng. Dẫu bản thân có nhọc, gia đình có thiệt thòi chút ít, tui cũng không nề hà mà ngược lại sẽ thấy vui, hạnh phúc lắm”, chị Thải nói với niềm tri ân.

PHƯƠNG OANH

Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây