HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


"Nữ kiện tướng chiến hào" Dương Thị Cẩm Vân

"Nữ kiện tướng chiến hào" Dương Thị Cẩm Vân

PNVN Năm 1966, tại Đại hội chiến sĩ thi đua quân khu, nữ anh hùng Dương Thị Cẩm Vân được phong tặng danh hiệu “Nữ kiện tướng chiến hào”.
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên anh hùng Dương Thị Cẩm Vân sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1960, lúc đó mới 13 tuổi, chị đã vào Đội thiếu niên tiền phong và được phân công làm giao liên ấp. Tuy còn nhỏ nhưng mọi công việc được giao chị đều hoàn thành tốt nên được tập thể rất tín nhiệm.

Năm 16 tuổi, mặc dù mới học hết lớp 5 và chưa có điều kiện học qua lớp sư phạm nhưng do yêu cầu của địa phương cần có giáo viên dạy học cho các cháu ở độ tuổi vào trường nên chị được tập thể giao đứng lớp. Trong quá trình giảng dạy, chị tự đúc kết kinh nghiệm, nâng dần kỹ năng nên chỉ trong một năm miệt mài phấn đấu đã trở thành giáo viên dạy giỏi và được kết nạp vào Đoàn thanh niên Lao động Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1963, cấp trên tiếp tục chỉ đạo mở cuộc vận động, tổ chức quần chúng nhân dân đấu tranh trực diện, đòi yêu sách, chống càng quét, bắn phá giết người vô tội, chị đã tình nguyện làm lực lượng xung kích và được phân công làm bộ phận nòng cốt dẫn đầu đoàn biểu tình. Khi đoàn biểu tình kéo đến Tắc Vân (quận Quản Long) địch tổ chức bao vây rồi thẳng tay đàn áp, chị là một trong những người bị tra tấn nhiều nhất, nhưng trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của đoàn biểu tình và áp lực của quần chúng tại chỗ buộc địch phải nhượng bộ thả hết đoàn biểu tình. Trở về lòng căm thù giặc trong chị càng nung nấu, sôi sục. Được gia đình động viên chị quyết định xin được cầm súng trực tiếp chiến đấu giết giặc.
 

dng-th-cm-vn-kin-tng-chin-ho-ngi-lin-tc-6-thng-lin-bm-chin-ho-bao-vy-ch-chi-khu-m-di-c-mau-1969.jpg
Dương Thị Cẩm Vân, Kiện tướng chiến hào – người đã liên tục 6 tháng liền bám chiến hào, bao vây địch ở Chi khu Đầm Dơi, Cà Mau (1969).

Sau nhiều lần bày tỏ nguyện vọng chị mới được cấp trên chấp thuận bổ sung vào lực lượng du kích xã và được cấp một khẩu súng trường. Chị siêng năng học tập, rèn luyện ngày đêm nên chẳng bao lâu đã nắm vững và sử dụng thành thạo khẩu súng của mình để diệt giặc. Và điều mong đợi của chị bấy lâu đã đến khi có lệnh tổ chức đợt bao vây Chi khu Đầm Dơi.

Chi khu Đầm Dơi là cứ điểm đầu não của địch, là điểm tiền tiêu án ngữ phía Nam Cà Mau đồng thời, là bàn đạp triển khai đánh phá vùng căn cứ cách mạng của huyện Đầm Dơi và các vùng lân cận. Chi khu Đầm Dơi được xây dựng hết sức kiên cố, bên trong có hệ thống công sự hầm ngầm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài có 7 tiền đồn bao quanh làm lá chắn bảo vệ. Vào thời điểm này chúng có bộ máy hành chính và hơn 300 quân đóng giữ.

Chủ trương của ta là tập trung đánh vào hậu cần địch. Để bao vây Chi khu Đầm Dơi, Đảng bộ huyện chỉ đạo sử dụng toàn bộ lực lượng của huyện và huy động 5 xã, mỗi xã 40 du kích túc trực bao vây và 300 dân công hỏa tuyến luân phiên đào chiến hào phục vụ cho đợt bao vây.

Lực lượng ta chia thành 5 mũi, từ 5 hướng phát triển chiến hào từ ngoài vào vây ép địch, chia cắt bên ngoài, khống chế hoàn toàn đường thủy, bộ.

Là nữ nhưng chị luôn là người đi đầu trong mọi công việc, từ việc vận chuyển cơm nước tiếp tế các đoàn thể từ phía sau, đến việc giúp dân công đào chiến hào. Khi chiến hào phát triển qua các đoạn trống trải địch dễ phát hiện, chị xung phong đào trước, bất kỳ công việc gì, dù khó khăn đến mấy chị cũng luôn hoàn thành với hiệu suất cao nhất và thời gian sớm nhất.
 

n-kin-tng-chin-ho-dng-th-cm-vn-ngi-th-2-t-tri-qua-tip-chuyn-vi-phng-vin-bo-ch-nm-1968.jpg
Nữ Kiện tướng chiến hào Dương Thị Cẩm Vân (người thứ 2 từ trái qua) tiếp chuyện với phóng viên báo chí năm 1968.

Khi chiến hào còn cách Chi khu Đầm Dơi khoảng 100m, địch bị cô lập và thấy nguy cơ bị tiêu diệt nên điên cuồng đánh phá quyết liệt bằng không quân, pháo binh và tổ chức phản kích liên tục. Địch phản kích, ta kiên quyết giữ trận địa, giữ vững chiến hào. Cho dù khó khăn, ác liệt nhưng chị cũng không chùn bước, ngược lại, địch càng đánh chị càng tỏ ra bình tĩnh, gan dạ hơn.

Suốt 100 ngày, đêm chị không rời chiến hào, cùng anh em, đồng đội túc trực, nòng súng luôn hướng về quân thù, mắt dõi theo từng hành động của chúng, không có hành động nào của địch qua mắt được chị. Thời tiết khắc nghiệt, mưa gió thất thường, chiến hào ngập nước, sình lầy, vì phải tiếp xúc với nước suốt ngày đêm nên khắp cả người, đặc biệt là đôi chân, đôi tay đều bị nước ăn sưng tấy, lở loét, đau đớn vô cùng nhưng chị không hề than vãn, kiên quyết ở lại cùng anh em giữ chiến hào, giữ chốt và cùng đơn vị bắn tỉa địch.

Chiều ngày 20/3/1966, có 4 tên địch từ đồn mò ra, tổ của chị bắn tỉa diệt gọn 4 tên. Riêng chị diệt 3 tên, trong đó có một phát chị bắn xuyên táo diệt 2 tên.

Ngày 26/3/1966, sau nhiều lần phản kích thất bại và bị đánh tơi bời, lực lượng địch từng bước bị tiêu hao và mất sức chiến đấu. Địch dùng một lực lượng lớn, một đại đội tổ chức phản kích, mục đích nhằm phá vỡ trận địa của chị và đồng đội.

Trước tình hình đó, chị xung phong nhận nhiệm vụ rời chiến hào dưới làn đạn của địch, bí mật lợi dụng địa hình luồn lách, áp sát bên sườn đội hình địch và bất ngờ nổ súng diệt ngay tại chỗ 2 tên, địch tưởng là lực lượng chi viện đã đến nên không dám xung phong vào trận địa nữa.

Lúc 21 giờ ngày 28/3/1966, tại trận địa, chị được Chi bộ kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam và được cử giữ chức Trung đội trưởng, phụ trách mũi chiến hào.

Đêm 9/4/1966, lực lượng du kích xã Quách Văn Phẩm bao vây Chi khu Đầm Dơi do chị trực tiếp chỉ huy và được sự phối hợp của một bộ phận Tiểu đoàn 303 tổ chức công đồn diệt gọn tiền đồn số 3, diệt tại chỗ 8 tên, bắt sống 3 tù binh, thu được 10 khẩu súng.

Cao điểm 100 ngày đêm bao vây Chi khu Đầm Dơi kết thúc thắng lợi.

Với khí thế cách mạng sôi nổi và ráo riết chuẩn bị cho tổng tấn công, nổi vậy mùa Xuân năm 1968, chị được điều động khẩn về Đại đội Đoàn 195 Quân khu 9 phục vụ chiến đấu. Về đơn vị mới, chị được giao nhiệm vụ làm cán bộ đại đội đoàn 195. Sau lần phục vụ chiến đấu trở về, địch dùng máy bay đánh phản kích, chị đã xuống hầm trú ẩn, thấy hầm kiên cố nên nhường lại cho đồng đội và sang hầm khác nhưng chẳng may trong đợt rải thảm, một quả bom rơi trúng hầm chị. Chị hy sinh ngày 6/5/1968, tại ấp Nhân Ái, xã Vĩnh Viễn, huyện Châu Thành (Cần Thơ).

tng-i-n-anh-hng-lc-lng-v-trang-nhn-dn-dng-th-cm-vn-c-xy-dng-ti-ng-ba-sng-m-di-nhm-gio-dc-truyn-thng-cho-th-h-tr.jpg
Tượng đài Nữ anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Thị Cẩm Vân được xây dựng tại ngã ba sông Đầm Dơi nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Trong quá trình hoạt động cách mạng, chị tham gia 130 trận đánh, cùng đơn vị tiêu diệt và làm bị thương 150 tên địch, thu 120 súng các loại. Riêng bản thân chị diệt 57 tên, bắt sống 8 tên và bắn rơi một máy bay.

Năm 1966, tại Đại hội chiến sĩ thi đua quân khu, chị được phong tặng danh hiệu “Nữ kiện tướng chiến hào”. Ngày 28/4/2000, chị được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nguồn tin: phunuvietnam.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây