HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Giao thông xanh và tiềm năng ứng dụng trong du lịch tại Phú Yên

Giao thông xanh và tiềm năng ứng dụng trong du lịch tại Phú Yên

Hệ thống giao thông sử dụng các nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu hiện nay gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như sự ấm lên toàn cầu, làm suy thoái môi trường, các vấn đề về sức khỏe, và là nguồn phát thải khí nhà kính. Thực tế, lĩnh vực giao thông phát thải 23% khí nhà kính toàn cầu từ việc đốt cháy nhiên liệu. Trong đó, phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 75% lượng phát thải trong lĩnh vực giao thông. Theo thống kê trên 90% các phương tiện giao thông đường bộ sử dụng xăng, dầu, chiếm khoảng 60% tổng tiêu thụ dầu trên toàn thế giới. Phát triển giao thông xanh đang là xu hướng tất yếu hiện nay nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.

Hình 1. Dịch vụ cho thuê xe đạp TNGO (Nguồn: vietnamnet.vn). Hình 2. Ứng dụng quản lý cho thuê xe đạp công cộng có tích hợp hiển thị các trạm xe, mở khóa, truy xuất dữ liệu các chuyến đi, lịch sử giao dịch
(Nguồn vietnamnet.vn)

 

Giao thông xanh là khái niệm giao thông sử dụng phương tiện giao thông ít gây ô nhiễm và thân thiện với môi trường nhằm hướng tới một hệ thống giao thông hội tụ các điều kiện: Thông suốt, trật tự, an toàn, tiêu hao ít năng lượng và ít ô nhiễm môi trường.

Các phương tiện giao thông xanh bao gồm các phương tiện không cơ giới và cơ giới như: Đi bộ, xe đạp, chia sẻ xe hơi (carpools), các phương tiện giao thông sử dụng các năng lượng mặt trời, gió, nước, điện, khí nén CNG,… như xe đạp điện, xe máy, xe hơi điện,… xe hơi hỗn hợp chạy bằng điện và xăng hoặc dầu, xe chạy bằng khí nén CNG, các phương tiện công cộng hỗn hợp.

Lợi ích của giao thông xanh

  • Giảm ô nhiễm môi trường: Các phương tiện giao thông xanh tiến tới phát thải ít đến không phát thải (zero emissions), phát triển giao thông xanh sẽ giảm đáng kể phát thải khí nhà kính, giảm nguồn gây ô nhiễm môi trường;

  • Tiết kiệm chi phí: Sử dụng phương tiện giao thông xanh sẽ giảm chi phí liên quan đến chi phí xăng dầu;

  • Đóng góp xây dựng nền kinh tế bền vững: Tăng cường sử dụng các phương tiện giao thông xanh sẽ góp phần phát triển sản xuất và phân phối các phương tiện giao thông xanh, tạo thêm nguồn việc làm mới, và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch;

  • Cải thiện sức khỏe: Nhiên liệu hóa thạch như xăng, dầu đang sử dụng trong các phương tiện giao thông có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, như gia tăng các căn bệnh về phổi, ung thư. Trong khi các phương tiện giao thông xanh giúp phát triển lối sống xanh, có lợi cho sức khỏe.

Hình 3. Các tuyến giao thông xanh nội thị TP Tuy Hòa

 

Phát triển giao thông xanh trên thế giới và ở Việt Nam

Trên thế giới đã có nhiều TP phát triển các phương tiện giao thông xanh, tích hợp nhiều phương tiện di chuyển xanh, thân thiện với môi trường, tạo nên các TP sạch và đáng sống hơn. Một số ví dụ tiêu biểu như TP Copenhagen (Đan Mạch), Stockholm (Thụy Điển), Singapore (Singapore), Curitiba (Brazil), Amsterdam (Hà Lan), San Francisco (Hoa Kỳ),… TP Copenhagen xây dựng mục tiêu 75% các di chuyển thực hiện đi bộ, xe đạp, hoặc phương tiện công cộng, 50% các chuyến di chuyển đến trường học và công sở bằng xe đạp,… Nhiều TP trên thế giới đã phát triển rất mạnh mẽ hạ tầng cho người đi xe đạp và phương tiên giao thông công cộng, như các tuyến giao thông xanh, ưu tiên cho người đi xe đạp, nút giao thông chuyển tiếp phương tiện, cảm biến mưa tăng thời gian đèn xanh cho người đi xe đạp,… Nhiều TP ở Nhật Bản, Hàn Quốc đã phổ biến mô hình cho thuê xe đạp với giá rẻ, tiện lợi. Nhiều nước phát triển đang dần thay thế ô tô sử dụng xăng sang ô tô điện hoặc sử dụng pin mặt trời,…

Tại Việt Nam, ứng dụng giao thông xanh vẫn còn khá mới mẻ. Cùng với trào lưu trên thế giới, xu hướng tiêu dùng đã có chuyển biến sang sử dụng phương tiện giao thông xanh như xe đạp, xe đạp điện, xe máy, ô tô điện,… Tuy nhiên, số lượng và tần suất sử dụng vẫn chưa nhiều do thiếu kết nối các hạ tầng giao thông phù hợp cho người sử dụng giao thông xanh.

Những năm gần đây, TP Hà Nội đã có những nỗ lực nhằm xây dựng hệ thống giao thông công cộng xanh, giảm ô nhiễm môi trường. Năm 2009, Công ty cổ phần Đồng Xuân triển khai nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm sử dụng phương tiện giao thông sạch (xe ô tô điện) phục vụ khách du lịch tham quan khu vực phố cổ và chung quanh hồ Hoàn Kiếm. Từ năm 2014, TP Hà Nội đã đưa vào thí điểm dự án cho thuê xe đạp công cộng với 250 xe ở khu vực quận Hoàn Kiếm. Tuy nhiên, dự án này đã không thành công do thiếu hạ tầng kết nối. Cuối năm 2021, Hà Nội đã đưa vào vận hành ba tuyến buýt điện đầu tiên, và tuyến tàu điện trên cao Cát Linh – Hà Đông. Các tuyến xe buýt và tàu điện là loại hình vận tải công cộng khối lượng lớn, sử dụng nhiên liệu điện sạch, an toàn, được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường.

Tại TP HCM, từ năm 2016, Sở Giao thông vận tải đã phối hợp với các doanh nghiệp vận tải hành khách đầu tư và đưa vào sử dụng 1.680 xe buýt mới trên 52 tuyến đường để thay thế cho các xe buýt cũ đã xuống cấp và thải nhiều khí độc gây ô nhiễm không khí. Trong số này, có 500 xe buýt sử dụng nhiên liệu CNG thân thiện với môi trường, chiếm 20% trên tổng số 2.595 xe buýt công cộng của TP. So với các xe buýt sử dụng dầu diesel thì lượng khí thải độc hại từ những xe CNG giảm từ 53-63%, không có bụi và khói đen, tiết kiệm 30-40% nhiên liệu. Từ tháng 12/2021, Tập đoàn Trí Nam đã triển khai mô hình thuê xe đạp công cộng với khoảng 500 xe đạp ở 43 điểm đỗ xe ở khu vực trung tâm. Quản lý vận hành dịch vụ thuê xe thông qua app TNGO có chức năng hiển thị trạm xe gần nhất, quét mã QR để mở khóa xe đạp, thống kê chi tiết chuyến đi, và dễ dàng kiểm tra lịch sử giao dịch. Mô hình này dự kiến sẽ tiếp tục triển khai ở Hà Nội, Đà Nẵng, và Vũng Tàu.

Hình 4. Các tuyến giao thông xanh ngoại thị từ TP. Tuy Hòa đến Mũi Điện (Đông Hòa), Hòn Yến (Tuy An), và Đập Đồng Cam (Phú Hòa)

 

Tiềm năng phát triển giao thông xanh trong du lịch tại Phú Yên

Tại Phú Yên, tiềm năng phát triển giao thông xanh là rất lớn. Các đô thị trong tỉnh có phạm vi di chuyển khoảng cách vừa tầm cho người sử dụng xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện. Không khí và môi trường cảnh quan còn rất trong lành, phù hợp cho người sử dụng các phương tiện giao thông xanh. Cư dân TP Tuy Hòa và các huyện ven biển đã hình thành thói quen từ rất lâu như đạp xe đi biển, đạp xe tập thể dục, kết hợp đạp xe, đi bộ leo núi vào buổi sáng và chiều.

Phát triển giao thông xanh đã có tiềm năng lớn trong đời sống của người dân Tuy Hòa nói riêng và tỉnh Phú Yên nói chung nhờ vào lợi thế kích thước đô thị, môi trường khí hậu, cảnh quan, và không khí trong lành. Việc đẩy mạnh giao thông xanh trong du lịch sẽ tạo thêm một phương tiện di chuyển linh hoạt, tiện lợi cho du khách khi đến Phú Yên, cũng như quảng bá hình ảnh du lịch của tỉnh nhà.

1. Đề xuất các tuyến giao thông xanh

Khu vực TP Tuy Hòa và vùng phụ cận, đề xuất phát triển một số tuyến giao thông kết nối các điểm du lịch, tham quan với khoảng cách di chuyển phù hợp cho xe đạp, xe đạp điện, và xe máy điện, cụ thể:

  • Tuyến nội thị TP. Tuy Hòa phục vụ sinh viên, du khách, cư dân của TP:

    • Tuyến nội thị dành cho sinh viên: Kết nối Cơ sở A, B trường ĐH Xây Dựng Miền Trung, Đại học Phú Yên, và các điểm tiện ích lân cận như chợ Phường 7, trung tâm thương mại Vincom, bệnh viện Tỉnh;

    • Tuyến du lịch trải nghiệm cho du khách: Kết nối các điểm du lịch ven biển như Quảng trường 1/4 cà phê Sala, Gozo, tháp Nghinh Phong, cùng với các địa điểm tham quan, giải trí, mua sắm như công viên Thanh Niên (Hồ Sơn), chợ Tuy Hòa, Núi Nhạn và các công trình văn hóa xung quanh, Làng hoa Ngọc Lãng.

  • – Tuyến du lịch trải nghiệm:

    • Tuyến Tuy Hòa – Mũi Điện (31,5km): Là tuyến du lịch khám phá văn hóa lịch sử vùng đất Phú Yên, bắt đầu từ Quảng trường ¼ đi theo cung đường ven biển Phước Tân – Bãi Ngà. Trên tuyến, du khách có thể ghé thăm bãi biển Xóm Rớ, chợ cá Phú Lạc, Mũi Điện, Vịnh Vũng Rô, và di tích Tàu không số. Đồng thời, du khách có thể sử dụng các dịch vụ tại Vịnh Vũng Rô như lặn biển ngắm san hô, thưởng thức hải sản trên bè nổi, tắm biển ở Bãi Môn;

    • Tuyến Tuy Hòa – Hòn Yến (21km): tuyến du lịch tham quan, khám phá văn hóa vùng biển ở Tuy Hòa và vùng phụ cận. Tuyến du lịch có khoảng cách phù hợp với các các loại hình xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện. Từ quảng trường ¼ du khách sẽ đi theo đường Độc Lập ven biển, chiêm ngưỡng không gian cảnh quan và hệ thống công viên ven biển TP Tuy Hòa, có thể dừng chân ở Cafe Gozo, tháp Nghinh Phong, bãi biển Long Thủy và tham quan di tích lịch sử – văn hóa cấp Tỉnh – Lăng Long Thủy, chùa Thanh Lương, và ngắm san hô ở Hòn Yến.

  • Tuyến du lịch học tập cho cộng đồng sinh viên, đoàn viên thanh niên Tuy Hòa – Đập Đồng Cam (33km): Tuyến du lịch gắn với học tập về nguồn để sinh viên, đoàn viên thanh niên tìm hiểu về công trình Đập Đồng Cam và hệ thống kênh mương tưới tiêu cho cánh đồng Tuy Hòa, nền tảng phát triển nông nghiệp TP Tuy Hòa. Đập Đồng Cam là công trình thủy lợi lớn nhất của tỉnh Phú Yên, được thiết kế năm 1917 bởi các kỹ sư người Pháp, khởi công năm 1924, và Hòan thành năm 1932. Tuyến du lịch sẽ giúp người tham quan nghiên cứu về kỹ thuật thông qua các hạng mục công trình thủy lợi dọc theo kênh chính và tại đập Đồng Cam.

2. Xác định các vị trí đặt trạm sạc và đặt xe

Đối với các tuyến nội thị, để kích thích việc sử dụng phương tiện giao thông xanh của người dân, sinh viên, và các du khách. Các trạm đặt xe được xác định ở các khu vực tập trung đông người, đầu mối giao thông chính, và các trường đại học có số lượng sinh viên theo học lớn. Đồng thời các khoảng cách trạm đặt xe cũng không quá gần, để tiết kiệm chi phí lắp đặt và vận hành trạm.

Đề xuất một số vị trí đặt trạm cụ thể tại Quảng trường 1 tháng 4, công viên Thanh Niên, ga Tuy Hòa, ĐH Phú Yên, và Cơ sở B – ĐH Xây dựng Miền Trung.

Đối với các tuyến ngoại thị, các vị trí đặt trạm sẽ kết nối điểm đầu và điểm cuối, cụ thể là vị trí đặt trạm sạc tại Hòn Yến, Mũi Điện, và Đập Đồng Cam. Các trạm ngoại thị trong giai đoạn đầu trước mắt chỉ đặt các trạm sạc do số lượt đi phát sinh từ trạm về TP chưa lớn, nên chủ yếu để phục vụ du khách đến cần sạc pin để di chuyển về TP. Sau thời gian vận hành, sẽ quan sát nhu cầu sử dụng và có kế hoạch nâng cấp thành trạm đặt xe nếu cần thiết.

Hình 5. Hình ảnh minh họa các trạm sạc và đặt xe
(nguồn: https://www.giuliobarbieri.it/)

 

3. Hình thức các trạm sạc và đặt xe

Hiện nay phổ biến có hai hình thức các trạm đặt xe: Trạm mở không có mái che và trạm có mái che. Tùy vào đánh giá yêu cầu của vị trí mà có thể quyết định trạm có mái hoặc không mái. Mái che cho các trạm có thể sử dụng nhiều vật liệu khác nhau như gỗ, ngói, tôn, bê tông, mái tích hợp với tấm panel năng lượng mặt trời, …

Kết luận và kiến nghị

Với lợi thế là một đô thị đồng bằng ven biển có không gian cảnh quan đẹp, trong lành, khoảng cách đô thị không quá lớn, TP Tuy Hòa và các vùng phụ cận có tiềm năng rất lớn trong phát triển giao thông xanh phục vụ đời sống và du lịch, đặc biệt là các phương tiện cá nhân như xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện. Việc phát triển sử dụng các phương tiện giao thông xanh sẽ đóng góp tích cực trong tạo dựng hình ảnh cho TP Tuy Hòa là đô thị xanh, sạch, thân thiện với môi trường, đồng thời sẽ góp phần giảm lượng phát thải khí nhà kính từ phương tiện giao thông.

Để chương trình giao thông xanh được phát triển thuận lợi và đi vào đời sống nhân dân, học đường, và du khách, việc đầu tư các cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường là rất cần thiết, cụ thể: Các tuyến đường cần ưu tiên phân luồng cho người đi xe đạp, xe đạp điện, tăng cường trồng cây xanh dọc các tuyến đường, tăng cường các điểm đậu xe an toàn, các trạm sạc điện cho các phương tiện giao thông xanh. Đồng thời, TP cũng cần có chính sách phát triển và khuyến khích cư dân, các công nhân viên chức, và sinh viên sử dụng nhiều hơn các phương tiện giao thông xanh, hình thành một điểm đặc trưng trong văn hóa đời sống của TP.

TS. KTS. Lê Đàm Ngọc Tú
Trường ĐH Xây Dựng Miền Trung
(Bài đăng trên 
Tạp chí Kiến trúc số 05-2022)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây