HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH PHÚ YÊN

https://hoilhpn.phuyen.gov.vn


Tương trợ phụ nữ thoát nghèo

Tương trợ phụ nữ thoát nghèo
Trong những năm qua, các mô hình tổ, nhóm tương trợ phụ nữ tiết kiệm do các cấp Hội LHPN Phú Yên phát động không chỉ giúp nhiều phụ nữ khó khăn trong tỉnh ổn định đời sống, mà còn phát huy sức mạnh nội lực, tinh thần tương thân tương ái trong hội viên phụ nữ ở các địa phương.
Hỗ trợ kịp thời
Cuộc sống gia đình khó khăn, ngoài việc được Hội LHPN xã Xuân Quang 2 tạo điều kiện cho vay vốn ngân hàng, chị Võ Thị Kim Yến ở thôn Triêm Đức 2 (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân), còn được chị em trong nhóm phụ nữ tương trợ ở thôn tạo điều kiện cho mượn vốn làm ăn. Từ số tiền 6,5 triệu đồng của nhóm phụ nữ tiết kiệm, chị Yến mua gà về nuôi. Nhờ biết cách chăn nuôi, đàn gà ngày càng phát triển, chị Yến có thêm nguồn thu nhập trang trải sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống gia đình đỡ thắt ngặt. Thấy được hiệu quả của việc tương trợ nhau cùng làm ăn, không chỉ chị Yến, mà nhiều chị em khác trong thôn cũng tích cực tham gia nhóm tiết kiệm.
Chị Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN xã Xuân Quang 2, cho biết: Xuân Quang 2 là xã còn nhiều khó khăn, để giúp phụ nữ xã xóa đói giảm nghèo, tổ chức hội ngày càng phát triển vững mạnh, thời gian qua, Hội LHPN xã đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ chị em xã nhà vươn lên làm kinh tế. Hiện tại, các chi hội trong xã đều thành lập mô hình nhóm phụ nữ tiết kiệm.
banh trang
Riêng ở thôn Triêm Đức 2 có 5 nhóm, mỗi nhóm có từ 12-13 chị tham gia, có nhóm góp 100.000 đồng/chị/tháng, có nhóm góp 500.000 đồng/chị/tháng. Sau khi đóng tiền, các nhóm sẽ xét cho chị em khó khăn mượn vốn trước theo hình thức xoay vòng. Từ nguồn vốn này, chị em đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ... cải thiện đời sống gia đình. Có thể nói, bên cạnh việc chủ động tạo ra nguồn vốn để hỗ trợ kịp thời chị em giải quyết khó khăn, các mô hình tiết kiệm này còn tạo cho các thành viên tham gia có thói quen tiết kiệm rất hiệu quả.
Để góp phần nâng cao chất lượng đời sống phụ nữ địa phương, Ban Chủ nhiệm CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch” thôn Mỹ Phú (xã Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa) cũng vận động chị em trong thôn góp quỹ làm ăn. Chị Nguyễn Thị Xây, Chủ nhiệm CLB phấn khởi cho hay: “Số quỹ này giúp trên 40 lượt phụ nữ khó khăn vay vốn với lãi suất thấp để chăn nuôi, buôn bán. Bình quân mỗi chị được vay 10 triệu đồng trong vòng 6 tháng, nếu chị em nào kinh tế còn khó khăn, CLB sẽ cho vay tiếp lần 2, lần 3 để tiếp tục đầu tư làm ăn. Nhờ đó, kinh tế gia đình nhiều chị em khó khăn trong CLB như Huỳnh Thị Út, Nguyễn Thị Hằng, Nguyễn Thị Cửu... ngày càng cải thiện”. Nói về những đồng vốn nghĩa tình này, chị Huỳnh Thị Út thổ lộ: “Tôi rất biết ơn các chị em trong CLB. Nhờ số tiền góp vốn của chị em mà cuộc sống gia đình tôi đã ổn định hơn trước”.
Không chỉ phụ nữ các xã Xuân Quang 2, Hòa Mỹ Tây hưởng ứng mô hình phụ nữ góp vốn xoay vòng này mà từ nhiều năm nay, mô hình này được đông đảo hội viên, phụ nữ trên địa bàn tỉnh hưởng ứng mạnh mẽ. Mô hình tổ, nhóm phụ nữ tương trợ không chỉ giúp hội viên cải thiện thu nhập mà còn hạn chế tình trạng vay nặng lãi.
 Phát huy sức mạnh nội lực
Với đặc thù là huyện miền núi, đa số người dân Sơn Hòa đều làm nông, nhưng những năm qua, thiên tai, hạn hán kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất nông nghiệp cũng như cuộc sống của người dân. Một số hộ phụ nữ nghèo không có đất sản xuất, không có thu nhập ổn định, có nhu cầu vay vốn nhưng không có tài sản đảm bảo và không chứng minh được thu nhập nên gặp khó khăn khi làm thủ tục vay vốn ngân hàng. “Trước tình trạng đó, Hội LHPN huyện Sơn Hòa đã tích cực chỉ đạo hội LHPN các xã, thị trấn chú trọng việc phát huy nội lực trong chị em để hỗ trợ nhau làm kinh tế vươn lên thoát nghèo như: huy động nguồn vốn trong hội viên, phụ nữ thông qua việc thành lập và duy trì nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng, tổ hùn vốn để xoay vòng vốn với lãi suất thấp phát triển sản xuất, chăn nuôi, hay như nhóm phụ nữ vần đổi công giúp nhau trong lao động, sản xuất”, Chủ tịch Hội LHPN huyện Sơn Hòa Nguyễn Thị Tạo chia sẻ.
Nói về chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết: Hàng năm, các cấp hội tiến hành khảo sát, phân loại đối tượng và xác định nguyên nhân đói nghèo để có cách hỗ trợ chị em phù hợp. Phần lớn nguyên nhân là thiếu nguồn vốn, thiếu kiến thức, thiếu đất canh tác... Vì vậy, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho chị em vay các nguồn vốn ưu đãi; phối hợp với các ngành chức năng mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các chị em vay vốn; Hội LHPN tỉnh còn chỉ đạo hội LHPN các địa phương thành lập các tổ, nhóm tiết kiệm, giúp cây con giống, nhận giúp hộ nghèo có địa chỉ cụ thể cải thiện đời sống, phát huy tinh thần tương thân tương ái trong hội viên phụ nữ. Năm qua, từ phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, toàn tỉnh đã vận động 4.318 chị có kinh tế khá giúp đỡ 1.990 chị khó khăn với số tiền trên 4 tỉ đồng, 66 chỉ vàng y, hơn 13 tấn lúa giống, 3.261 con giống, 13 cặp bò cày và vần đổi 6.052 ngày công lao động. Riêng trong quý I/2020, các cấp hội đã vận động 1.048 chị có điều kiện kinh tế khá hơn giúp 415 chị có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế với số tiền trên 930 triệu đồng, 1 chỉ vàng y, hơn 3 tấn lúa, 1.902 ngày công và 79 con giống. Qua đó, nhiều chị em được tạo điều kiện nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống.
NGỌC QUỲNH
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây