Kỷ nguyên mới - vận hội để phụ nữ Việt Nam phát huy tâm huyết, trí tuệ, tài năng, khát vọng cống hiến
- Thứ sáu - 27/12/2024 08:30
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong bài tham luận với chủ đề "Một số vấn đề chung về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", GS. TS. Phùng Hữu Phú - Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, nhấn mạnh đến 8 yêu cầu khách quan, bức thiết đặt ra khi bước vào kỷ nguyên mới, cụ thể là:
(1) Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, thống nhất cao về tư tưởng, quyết tâm hành động là khâu mở đường đi vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; (2) Quyết liệt khắc phục các điểm nghẽn về thể chế, về tổ chức bộ máy, khai phóng đổi mới sáng tạo và mọi tiềm năng phát triển; (3) Đẩy mạnh cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo đòn bẩy đưa đất nước cất cánh, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta; (4) Cần kiệm, chống lãng phí, sử dụng tối ưu các nguồn lực; (5) Phát huy tối đa các động lực, nhất là sức mạnh của toàn dân, toàn quân, của con người Việt Nam để phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc; (6) Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy sức mạnh mềm Việt Nam, nâng tầm đối ngoại, ngoại giao Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; (7) Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; (8) Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch vững mạnh toàn diện là nhân tố hàng đầu quyết định thành công của công cuộc kiến tạo kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
"Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mở ra vận hội chưa từng có để nhân dân Việt Nam, để phụ nữ Việt Nam có thể phát huy cao nhất tâm huyết, trí tuệ, tài năng, khát vọng cống hiến vì sự thịnh vượng của đất nước, vì hạnh phúc của gia đình và cá nhân mình. Trong kỷ nguyên mới, vai trò của Hội LHPN Việt Nam càng quan trọng hơn và có điều kiện để phát huy mạnh mẽ, hiệu quả hơn", GS. TS. Phùng Hữu Phú khẳng định.
Trao đổi xung quanh vấn đề "Kỷ nguyên mới và sứ mệnh lịch sử của phụ nữ Việt Nam", TS. Nhà báo Nhị Lê, Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, nhận định: "Dân tộc đang trông đợi và trao sứ mệnh mới cho phụ nữ nước nhà!".
Theo TS. Nhị Lê, trong lòng dân tộc, các thế hệ con cháu của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, với vị thế và sức mạnh của mình, bằng trí tuệ, khí phách, bản lĩnh, đoàn kết thống nhất cùng toàn thể dân tộc góp phần hoạch định tương lai, chuẩn bị lực lượng, hành động quyết liệt, vì sự thành công của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, vì phẩm giá và danh dự của phụ nữ nước nhà.
"Các cấp Hội Phụ nữ Việt Nam xứng đáng là mái nhà chung tập hợp và nhân lên khát vọng phát triển, sức mạnh vô tận của phụ nữ Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài, trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, vì Việt Nam thịnh vượng; là diễn đàn dân chủ và tin cậy để phụ nữ nước nhà sẻ chia buồn vui, san sẻ gánh nặng gia đình và xã hội; đặc biệt là môi trường để mỗi chị em chúng ta tự thể hiện mình và tự khẳng định mình, tiếp tục xứng đáng là nửa dân tộc trước toàn thể dân tộc và tự hào với bè bạn khắp năm châu", TS. Nhị Lê chia sẻ.
Gắn bó nhiều năm trong lĩnh vực viễn thông, bà Nguyễn Trần Ngọc Linh - Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu, Tổng Công ty viễn thông Quân đội Viettel - cho biết, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, chuyển đổi số đã trở thành xu hướng tất yếu để thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, quá trình này không chỉ ảnh hưởng đến các lĩnh vực kinh doanh, sản xuất và giáo dục, mà còn tác động sâu sắc đến cuộc sống và vai trò của phụ nữ. Đặc biệt, chuyển đổi số đặt phụ nữ Việt Nam vào tình thế phải đối mặt với các rào cản như khoảng cách số, định kiến giới, và áp lực cân bằng giữa công việc, cuộc sống gia đình, và việc nâng cao kỹ năng công nghệ.
Chính vì vậy, để giúp phụ nữ vượt qua thách thức trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số, bà Ngọc Linh cho rằng, cần triển khai các giải pháp cụ thể và toàn diện như: Đào tạo kỹ năng số và công nghệ; Chính sách hỗ trợ và thúc đẩy bình đẳng giới; Tăng cường nhận thức và thay đổi văn hóa xã hội; Phát triển hệ sinh thái hỗ trợ phụ nữ; Ứng dụng công nghệ trong quản lý thời gian và công việc; Bảo vệ an ninh mạng và quyền riêng tư; Tăng cường vai trò lãnh đạo của phụ nữ; Hỗ trợ giáo dục và kỹ năng cho phụ nữ tại vùng khó khăn.
Trên cơ sở này, để phát triển nguồn nhân lực nữ trong kỷ nguyên mới, PGS. TS. Trần Quang Tiến đưa ra các giải pháp: (1) Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần ban hành các chiến lược, kế hoạch chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia, trong đó xác định rõ các mục tiêu, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả nguồn nhân lực nữ trong từng giai đoạn; (2) Đẩy mạnh quy mô, nâng cao hiệu quả giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề cho phụ nữ; (3) Cải thiện mạnh mẽ hơn hệ thống chính sách, pháp luật, môi trường kinh doanh cũng như các bộ phận khác của hệ sinh thái để thúc đẩy phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh doanh và chuyển đổi chính thức các hộ kinh doanh cá thể; (4) Ưu tiên triển khai chính sách hỗ trợ các nhóm lao động nữ làm việc khu vực phi chính thức, phụ nữ yếu thế và phụ nữ ở khu vực nông thôn, dân tộc thiểu số; (5) Tiếp tục thực hiện các hoạt động nhằm thay đổi các khuôn mẫu, định kiến và phân biệt đối xử về giới trong xã hội để phụ nữ thực sự được giải phóng áp lực công việc gia đình, được trao cơ hội bình đẳng để phát huy hết tiềm năng, thế mạnh.
Bàn về việc "Phát huy tinh thần làm chủ của phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", theo ThS. Ngọ Văn Khuyến - Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận Trung ương - tinh thần làm chủ của của phụ nữ được thể hiện ở 3 điếm mấu chốt, đó là làm chủ tư duy, làm chủ hành động và làm chủ cuộc sống.
ThS. Ngọ Văn Khuyến cho rằng, để khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong kỷ nguyên mới, cần chú ý 3 yếu tố cơ bản:
Phát huy phụ nữ nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm công dân; tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức "Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang"; khắc phục biểu hiện an phận, thực dụng, suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận phụ nữ.
Phát huy phụ nữ chủ động, tự tin tham gia các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là trong lĩnh vực chính trị.
Phát huy phụ nữ tham gia các phong trào thi đua yêu nước; tích cực, chủ động tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.
[[ Tham dự Hội thảo "Phát huy vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc" có tổng số 1.116 đại biểu từ các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội LHPN Việt Nam các cấp, Viện Nghiên cứu, cơ sở giáo dục, các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan thông tấn báo chí. Trong đó, tham dự Hội thảo trực tiếp tại Hà Nội có 165 đại biểu; tham dự trực tuyến tại 62 điểm cầu các tỉnh/thành trên cả nước là 951 đại biểu. Hội thảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; nghiên cứu, trao đổi các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến vai trò của phụ nữ trong kỷ nguyên mới; gợi mở các giải pháp đối với tổ chức Hội LHPN Việt Nam chuẩn bị hành trang cho phụ nữ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đặc biệt, Hội thảo thu hút đông đảo các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia đến từ các Ban, bộ, ngành, cơ quan với nhiều bài viết, tham luận có giá trị lý luận khoa học và thực tiễn cao, được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tâm huyết.]]