Có một cán bộ hội phụ nữ yêu thơ
- Chủ nhật - 10/03/2024 22:51
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Biết chị đã hơn 20 năm nhưng thi thoảng tôi vẫn ngạc nhiên về chị. Đó là khi tôi gặp những bài thơ ăm ắp hoài niệm, đầy nữ tính từ một tâm hồn giàu cảm xúc. Những bài thơ được biết đến với bút danh Thụy Bình. Chị là Trần Thị Binh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Phú Yên.
Không phải nhà thơ nhưng bao năm qua, chị đã coi thơ là bầu bạn.
Soi nghiêng cõi nhớ quê nhà
Là dòng sông cũ lụa là bến xuân
Tơ trời nhả nắng vàng sân
Vướng vào khóm trúc tần ngần Giêng hai
...
Cõi đời vô ngã, nắng mưa
Quay về neo đậu giao thừa chốn quê.
Đó là một đoạn trong bài thơ Mùa xuân ở phía quê nhà của chị Thụy Bình. Tác phẩm góp mặt trong tập Thơ Nguyên tiêu 2024, do Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên tuyển chọn và ấn hành. Thụy Bình nói rằng chị không chủ ý gửi tác phẩm tham gia Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên. Thì ra, tất cả đều là duyên, cũng như việc chị đến với thơ, bị quyến rũ bởi thơ từ khi còn là một cô bé.
“Ba mẹ tôi rất thích thơ và thuộc nhiều thơ. Ba tôi thường đọc thơ Tố Hữu. Tôi nghe ba đọc rồi thuộc lòng một số bài thơ của nhà thơ Tố Hữu từ khi chưa biết chữ”, chị Thụy Bình vui vẻ kể.
Dù chưa hiểu được ý nghĩa từ những câu thơ chói ngời lý tưởng cách mạng nhưng dường như tâm hồn non nớt của cô bé Trần Thị Binh đã chạm vào ánh sáng của thơ. Chính ba chị - một cán bộ cách mạng quê ở huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) đi tập kết ra Bắc và mẹ chị - một phụ nữ chịu thương chịu khó quê ở Nghệ An - đã lan tỏa tình yêu thơ đến chị. Và một nhịp cầu được bắc lên, từ đó...
Lên cấp hai, chị Thụy Bình nắn nót viết thơ vào trang vở học trò. Đó là những bài thơ về trường lớp, bạn bè - những bài thơ trong veo, có vần có điệu và... có chút ngô nghê. Lên cấp ba, trang thơ của chị càng nhiều thêm, nhất là khoảng thời gian chuẩn bị chia tay với mái trường trung học... Cảm xúc dâng trào, và chị gửi vào thơ, nhờ thơ nói hộ.
Xa nhà, lên Đà Lạt học đại học, chị Thụy Bình trải nỗi nhớ gia đình, nhớ quê hương vào thơ. Tác phẩm của chị được chọn đăng trong tập san, tạp chí của sinh viên Trường đại học Đà Lạt. Đọc thơ và thấy ưng ý, tiến sĩ - nhà thơ Phạm Quốc Ca bèn gửi thơ cho báo.
Và cô sinh viên Khoa Ngữ Văn, Trường đại học Đà Lạt bén duyên với Tuổi hồng, Hoa học trò, Mực tím, Langbian... Truyền cảm hứng sáng tác văn chương cho chị Thụy Bình và một số sinh viên khác ở Trường đại học Đà Lạt chính là những người thầy tài hoa ở ngôi trường này.
Sáng tác, chỉnh sửa xong, chị Thụy Bình nắn nót chép thơ lên trang giấy, gửi đi. Lá thư của cô sinh viên mang theo niềm hy vọng. Rồi khấp khởi chờ. Đến khi nhận được báo biếu, mới biết rằng thơ của mình được đăng. Đi cùng niềm hạnh phúc có thơ đăng trên báo, tạp chí là... niềm vui nhận nhuận bút.
Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, đời sống còn nhiều khó khăn. Thụy Bình nhớ, nhuận bút bài thơ đầu tiên được đăng trên báo Tuổi hồng là 15.000 đồng, bằng một nửa tiền sinh hoạt của chị trong một tháng. Vì vậy, mỗi khi có thơ được đăng báo hay tạp chí, niềm vui nhân đôi.
Tốt nghiệp đại học, chị Thụy Bình về công tác tại Hội LHPN Phú Yên. Chị làm việc ở Ban Tuyên huấn của hội trong một thời gian dài. Đến năm 2016, chị được bầu làm Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Trên những hành trình của người cán bộ hội tận tâm, văn chương luôn song hành. Chị có riêng một quyển sổ chép những bài thơ, tản văn hay của nhiều tác giả.
Sau những ngày tất bật với công việc, chị làm thơ. Đi công tác xa nhà, ban đêm, chị gõ những câu thơ chợt hiện lên trong tâm trí trên điện thoại di động. Sáng sớm hôm sau, thức dậy, chị gọt giũa câu từ. Những lúc vui hay khi buồn, chị đều trải lòng vào thơ.
“Thơ là người bạn trong tất cả những cảm xúc của tôi”, Thụy Bình thổ lộ. Người bạn đời của chị - nhà báo Nguyễn Hồng Ánh, Trưởng văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên - hiểu và ủng hộ niềm đam mê của vợ.
Đếm mùa qua ô cửa
Chị Thụy Bình thường sáng tác thơ về quê hương, gia đình... Những câu thơ ăm ắp hoài niệm, bật ra từ một tâm hồn giàu cảm xúc, yêu vẻ đẹp dung dị, mộc mạc và nặng lòng với quê nhà. Thơ của chị đầy nữ tính.
Cỏ lau trắng xóa triền sông
Nhẹ tênh như thể hư không giữa trời.
Ngõ vườn khẽ một tiếng rơi,
Vờ như lá hát ở nơi hẹn hò.
Bây giờ,
Thư tình nguội hóa tàn tro.
Nỗi buồn mây khói ai đo mà dài.
Đông về ngang cửa nhà ai,
Nồng nàn dạ thảo đan cài giấc đêm.
(Ngàn thu đi vội qua thềm)
Còn đây là bài thơ chị viết tặng hai con Vệ Linh, Vệ Loan nhân kỷ niệm ngày sinh:
Tháng mười của con,
Là trăng,
Ánh vàng rót mật chị Hằng dạo chơi.
Tiếng con òa khóc chào đời,
Lẫn trong mắt mẹ rạng ngời yêu thương!
Tháng mười của con,
Là sương.
Long lanh như mắt giữa vườn tinh khôi.
Ngày mong tháng đợi lâu rồi,
Con về bên mẹ bồi hồi, nôn nao!
Tháng mười,
Vàng nắng mùa thu.
Con đến bên mẹ,
Khúc ru ơn đời!
(Tháng mười của con)
Có lúc, bạn đọc gặp một Thụy Bình đa cảm trước bước chân thời gian, như trong bài thơ Đếm mùa qua ô cửa:
Có những ngày đông không nắng,
Thèm nghe một tiếng chim ri.
Thinh không trầm dấu lặng,
Xanh rêu, tiếc thuở xuân thì…
...
Có những con đường đầy lá,
Ngày qua tháng lại bao lần,
Chiều nay chợt nghe rất lạ,
Bổng trầm xào xạc thanh ngân.
(Đếm mùa qua ô cửa)
Bài thơ này đã được ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương - một người đam mê thơ ca - phổ nhạc. Ông Mạnh Thắng chia sẻ: “Dân gian có câu “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ”, hàm ý rằng thời gian trôi vùn vụt, không chờ đợi ai...
Nhưng khi bắt gặp bài thơ Đếm mùa qua ô cửa của Thụy Bình, tôi chợt thấy một thời gian rất khác. Cũng là đếm thời gian đi qua ô cửa đó, nhưng không phải đếm những sự vụt mất mà là những giây phút lắng đọng, sống chậm lại, “tua” lại những thời khắc mình đã trải qua trong năm.
Ở đó có đầy đủ âm thanh, màu sắc, hình ảnh, cảnh vật... gắn với kỷ niệm đẹp đẽ cùng những cảm xúc đầu đời khó phôi pha. Bài thơ bộc bạch niềm tiếc nuối; buồn đó nhưng là một nỗi buồn man mác, không ủy mị. Tôi bắt gặp sự đồng điệu cảm xúc từ cấu tứ của bài thơ. Thêm nữa, lời thơ chọn lọc, giàu hình ảnh, hàm súc, nhịp điệu bài thơ chỉ đọc thôi đã bật lên thành giai điệu...”. Chỉ trong một đêm, ông Mạnh Thắng đã thổi hồn âm nhạc vào bài thơ Đếm mùa qua ô cửa của tác giả Thụy Bình.
Không chỉ sáng tác thơ, chị Thụy Bình còn viết tản văn, truyện ngắn. Nhưng thơ luôn là người bạn tâm tình, đồng hành với chị qua những chặng đường.
Thơ là tiếng lòng của chị.
YÊN LAN