Khi chúng ta bình đẳng, chúng ta tự do hơn

  •   Thứ tư - 17/08/2016 03:28
  •   1878
  •  0
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận vợ mình đã chịu bất công, vừa chăm con vừa lo cho sự nghiệp để chồng yên tâm trên con đường chính trị - Ảnh: wikipedia
Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận vợ
mình đã chịu bất công, vừa chăm con vừa lo
cho sự nghiệp để chồng yên tâm trên con đường
chính trị - Ảnh: wikipedia
Tôi muốn tất cả trẻ em, dù gái hay trai, đều nhận ra đây là việc chúng cần kế thừa. Tôi muốn các em cùng góp phần để mai sau, mỗi đứa trẻ ra đời đều có quyền định đoạt cuộc sống của mình.

Những chia sẻ chân thành, suy nghĩ phóng khoáng và khát khao mãnh liệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong một bài viết vừa đăng trên tạp chí Glamour về bình đẳng giới đã thật sự tạo được sự đồng cảm và khơi dậy làn sóng ủng hộ nữ quyền.
Làm tổng thống là công việc rất khó khăn nhưng cũng có một số đặc quyền thú vị. Tôi có thể gặp những cá nhân kiệt xuất khắp đất nước, làm việc trong văn phòng mà nơi bạn có thể tạo sự khác biệt cho cả dân tộc mình, hay là ngồi trên chiếc chuyên cơ Air Force one.
Suốt nhiều năm trời, tôi miệt mài đi về từ nhà ở Chicago đến Illinois để đảm nhiệm vai trò thượng nghị sĩ tại tiểu bang Illinois. Rồi một chặng đường dài khác, từ Chicago đến thủ đô Washington D.C khi tôi trở thành thượng nghị sĩ Mỹ. Trọng trách với đất nước càng cao tôi càng phải làm việc chăm chỉ hơn rất nhiều để hoàn thành vai trò người chồng, người cha mà tôi tự đặt ra cho mình.
Nhưng gần bảy năm rưỡi vừa qua, tôi chỉ mất 45 giây đi từ nơi ở đến chỗ làm. Nhờ đó, tôi có nhiều thời gian để nhìn con gái của mình lớn lên, trở thành những cô gái thông minh, vui vẻ, tử tế và tuyệt vời hơn.
Làm cha không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhất là khi nhìn con gái chuẩn bị rời xa tổ ấm. Nhưng điều khiến tôi yên lòng là các con sống trong thời đại thực sự dành cho nữ giới. Đó là nỗ lực mà chúng ta theo đuổi trong 100 năm, 50 năm, thậm chí tám năm qua. Cuộc sống của con gái tôi tốt hơn thời của bà tôi rất nhiều. Tôi nói điều này không chỉ trên danh nghĩa là một tổng thống mà còn là một người ủng hộ bình quyền nam nữ.
Tôi từng đến khu chợ lao động, nơi phụ nữ chỉ biết chờ nhận công việc với mức lương rẻ mạt. Bây giờ, phụ nữ đóng góp một nửa lao động và nắm giữ những vị trí dẫn dầu trong nhiều ngành nghề, từ thể thao đến không gian vũ trụ, từ Hollywood đến tòa án tối cao. Tôi từng chứng kiến biết bao nhiêu phụ nữ giành lấy tự do, quyết định cuộc đời mình, tự chọn cách sống - về những gì liên quan đến cơ thể, học vấn, sự nghiệp, tài chính. Đã qua rồi thời có chồng mới có tấm thẻ tín dụng. Sự thật, chưa khi nào có nhiều phụ nữ kết hôn hay độc thân độc lập về tài chính như lúc này.
Vì thế, chúng ta đừng nên đánh giá thấp những gì chúng ta đạt được, như vậy là làm tổn thương những ai đã dành cả cuộc đời tranh đấu vì lẽ công bằng. Ngay lúc này, vẫn có rất nhiều việc chúng ta cần thay đổi nhằm thúc đẩy triển vọng của phụ nữ và trẻ em gái quanh ta, trên toàn thế giới. Trong khi đó, tôi vẫn cố gắng hiện thực hóa những chính sách tối ưu, từ việc trả lương công bằng đến tạo điều kiện làm việc bình đẳng nhằm bảo vệ quyền lợi nữ giới - bên cạnh đó có rất nhiều điều phải thay đổi nhưng không phải đến từ việc ban hành một luật mới nào.
Sự thay đổi quan trọng nhất, khó khăn nhất, là thay đổi chính mì nh. Một trong những người hùng trong mắt tôi là Hạ nghị sĩ của New York Shirley Chisholm, bà là người Mỹ gốc Phi đầu tiên chạy đua cho vị trí ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ vào năm 1972. Bà ấy từng phát biểu: “Sự rập khuôn về cảm xúc, giới tính, tâm sinh lý trói buộc phụ nữ từ khi bác sĩ siêu âm cho người mẹ và thông báo đó là con gái”. Chúng ta nhận ra điều này khi thấy sự rập khuôn ấy ảnh hưởng đến những bé gái như thế nào khi chúng còn rất nhỏ, khiến cho chúng cảm thấy nếu không xử sự theo chuẩn mực, chúng trở nên vô giá trị. Chuẩn mực về giới ảnh hưởng đến tất cả, bất kể giới tính và thiên hướng tình dục.
Những người quan trọng nhất trong cuộc đời tôi là phụ nữ. Mẹ tôi là người mẹ đơn thân, bà nuôi tôi khôn lớn và dành phần lớn sự nghiệp của mình để củng cố tiếng nói của phụ nữ ở các nước đang phát triển. Bà ngoại đỡ đần mẹ chăm sóc tôi. Vợ tôi, Michelle phải chu toàn công việc bận rộn, cân bằng với việc chăm sóc gia đình. Cô ấy đã phải để ý đến kỳ vọng và đánh giá về việc có làm tốt cả hai “nhiệm vụ” hay không. Khi con chúng tôi còn nhỏ, tôi thường không ở nhà vì lao vào công việc, lại vừa dạy thêm - việc bắt buộc khi học nâng cao về luật. Nhìn lại thời điểm ấy, mình chẳng giúp gì nhiều cho gia đình mà chỉ bận rộn với công việc, trách nhiệm, tôi thật bất công với Michelle.
Nhìn thấy những trở ngại thử thách với phụ nữ đã khiến tôi suy nghĩ nhiều và ủng hộ bình quyền nam nữ. Nhưng tôi phải thừa nhận, khi làm cha của hai con gái, tôi càng ý thức hơn về cái khuôn ràng buộc giới tính tràn ngập trong xã hội chúng ta nhiều như thế nào.
Ràng buộc ấy đã ảnh hưởng đến sự nhận thức của tôi thời thanh niên. Lớn lên không có cha, tôi dành rất nhiều thời gian suy nghĩ mình là ai, làm sao thế giới này thấu hiểu giá trị của mình, mình muốn trở thành ai. Nhưng khi chín chắn hơn, tôi nhận ra những ý niệm ràng buộc ấy không thích hợp với mình. Suy nghĩ ấy khiến tôi cảm thấy không an toàn. Cuộc sống trở nên dễ chịu hơn khi tôi bắt đầu là chính mình. Chúng ta cần phá vỡ giới hạn.
Chúng ta hãy thay đổi thái độ mà chúng ta áp đặt lâu nay rằng con gái phải đoan trang, con trai thì quyết đoán hay mọi người luôn chỉ trích khi nhìn thấy con gái ăn nói lớn tiếng còn con trai thì dễ dàng rơi nước mắt. Chúng ta cần chấm dứt việc đe nẹt phụ nữ chỉ vì họ sinh ra là phụ nữ trong khi tung hô nam giới vì họ chào đời trong hình hài ấy. Chúng ta cần tiếp tục thay đổi việc mặc nhiên cho phép tội quấy rối phụ nữ khi họ đi bộ dưới phố hay ở trên mạng. Chúng ta cần thay đổi cách giáo dục rằng nam giới cảm thấy bị đe dọa bởi sự thành công hay hiện diện của nữ giới.
Chúng ta cần thay đổi thái độ khen ngợi cánh mày râu khi họ thay tã cho con, trêu chọc những ông bố ở nhà chăm con và chỉ trích các bà mẹ lao vào công việc. Chúng ta phải tiếp tục thay đổi thái độ cho rằng chỉ nam giới mới có quyền thể hiện tự tin, cạnh tranh, tham vọng ở nơi làm việc, khiến những người phụ nữ lẽ ra rất thành đạt nhưng rồi họ bước lùi vì rào cản.
Chúng ta phải thay đổi cách suy nghĩ kỳ thị với phụ nữ, trẻ em gái da màu. Michelle từng khổ sở vì điều đó. Dù khi đã có được những thành công nhất định, cô ấy vẫn hồ nghi, lo lắng, không biết mình có thể hiện đúng, hiểu chuyện hay chưa.
Michelle và tôi dạy các con mạnh dạn nói ra những gì chúng thấy bất công về giới tính và màu da - hoặc khi chúng thấy điều đó xảy ra với ai khác. Phải để cho các con thấy những hình mẫu vượt qua mọi định kiến xã hội để đạt đến điều mình lựa chọn. Điều không kém phần quan trọng là người bố phải ủng hộ quyền bình đẳng giới, vì giờ đây, đó là điều các cô gái mong muốn ở tất cả nam giới.
Đó là trách nhiệm của nam giới trong nỗ lực chống lại phân biệt giới tính. Là chồng, là người yêu, đàn ông chúng ta phải làm việc siêng năng hơn, có trách nhiệm hơn nhằm tạo ra những mối quan hệ thật sự công bằng.
Tin tốt lành là khắp nơi trên đất nước này và cả những các quốc gia tôi đi qua, tôi thấy mọi người dần đẩy lùi định kiến về giới. Họ là những chàng trai trẻ cùng tham gia chiến dịch “It’s on Us” kêu gọi chấm dứt xâm phạm tình dục học đường; những phụ nữ đầu tiên trong quân đội, làm nên lịch sử nước Mỹ. Thế hệ của bạn đang nỗ lực từ chối bị trói buộc bằng định kiến. Bạn đang giúp mọi người đẩy lùi những tư duy lỗi thời. Lối suy nghĩ cứng nhắc về giới chỉ làm kềm hãm khả năng của mỗi người.
Chúng ta sắp bước vào kỳ bầu cử lịch sử. Sau 240 năm lập quốc và 100 năm kể từ khi phụ nữ có quyền bầu cử, lần đầu tiên chúng ta có một gương mặt nữ là ứng cử viên chính thức của một đảng. Bất kể bạn có quan điểm chính trị thế nào, đây vẫn là thời khắc của nước Mỹ. Thêm một điển hình cho chúng ta thấy rằng phụ nữ có thể đi xa đến đâu trong hành trình hướng đến bình đẳng giới.
Tôi muốn tất cả trẻ em, dù gái hay trai, đều nhận ra đây là việc chúng cần kế thừa. Tôi muốn các em cùng góp phần để mai sau, mỗi đứa trẻ ra đời đều có quyền định đoạt cuộc sống của mình.
Thế kỷ XXI: thế kỷ của tôn trọng nữ quyền. Khi chúng ta bình đẳng, chúng ta tự do hơn.
 
                                                                               Barack Obama, Tổng thống thứ 44 của Mỹ
Theo: Thiên Như (dịch từ Glamour), http://phunuonline.com.vn/(HM)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 6

Tổng lượt truy cập: 5,421,374

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây