Cuộc chiến chống bất bình đẳng giới trong gia đình: Phụ nữ phải thuộc về gia đình chồng?

  •   Thứ ba - 29/11/2016 14:03
  •   2950
  •  0
Ẩnh minh họa bài Ảnh: St
Ở Việt Nam, phụ nữ vẫn được xem là thuộc về gia đình chồng. Chính vì quan niệm này, sự bất bình đẳng đối với phụ nữ vẫn còn tồn tại...

Quan niệm phụ nữ thuộc về gia đình chồng đã khiến nhiều chị em lâm vào cảnh thiệt thòi: không được tài sản thừa kế ở nhà bố mẹ đẻ khi xuất giá, không có quyền chia tài sản thừa kế ở nhà chồng. Để rồi họ phải cam chịu bất hạnh, không dám đấu tranh cho hạnh phúc của mình.


Luật pháp thua… lệ nhà?
Sụt sùi tại phòng tư vấn, chị Lê Mai Ngọc (trú tại Nam Từ Liêm, HN) kể về lý do khiến cuộc hôn nhân đang có nguy cơ đổ vỡ. Chị là con thứ hai trong gia đình có 4 anh chị em (3 trai, 1 gái). Đầu năm 2016, khi con út lập gia đình, bố mẹ đẻ chị quyết định chia tài sản cho các con. Mảnh đất 500m2 được ông bà cắt làm 4, ông bà một phần, 3 phần còn lại cho 3 người con trai. Tiền đền bù ruộng do dự án lấy đất, ông bà cũng chia hết cho con trai. Còn con gái, ông bà cho mấy chục triệu gọi là “lộc nhà ngoại”. Quan điểm của ông bà cho rằng con gái lấy chồng là… con của người ta, tài sản, phúc phận đều thuộc về nhà chồng. Do đó, việc chị Mai không được chia tài sản ở nhà bố mẹ đẻ khi đã lấy chồng là đương nhiên.
Nhưng chồng chị Mai thì cho rằng, hiện nay pháp luật quy định con trai và con gái có quyền được hưởng tài sản thừa kế như nhau. Vì vậy, chị Mai cũng có quyền được hưởng một phần tài sản ngang bằng như các anh/em trai trong nhà. Anh còn dẫn các điều luật ra cho vợ thấy và “xui” chị quay về đòi chia tài sản. Trước động thái gần như ép buộc của chồng, chị Mai đành phải về bên bố mẹ đẻ “đánh tiếng” đòi chia tài sản. Ai ngờ vừa nói ra, chị đã bị bố mẹ và các anh/em trai phản đối kịch liệt. Họ bảo chị không có quyền về đây đòi chia tài sản. Chị nghe chồng đưa luật pháp ra chứng minh quyền của mình nhưng bị bố mẹ phản đối rằng từ bao đời nay, con gái đi lấy chồng không có quyền hưởng tài sản ở nhà bố mẹ đẻ. Vì chuyện đó, cả gia đình chị mâu thuẫn với anh, khiến hôn nhân của họ đứng bên bờ vực.
Chị Nguyễn Thị Minh (Thanh Trì, HN) có hoàn cảnh tương tự như chị Mai còn bị đẩy vào tình cảnh oái oăm hơn. Trước hoàn cảnh khó khăn, nhà ở phải đi thuê trong khi hai anh trai được bố mẹ chia đất bán được tiền tỷ, lại còn dư đất xây nhà cho thuê, chồng chị Minh bàn với vợ quay về nhà ngoại kiện đòi quyền chia tài sản. Vụ kiện đòi tài sản của chị Minh được tòa thụ lý cũng đồng nghĩa với việc đẩy người thân đứng hai bờ chiến tuyến. Bên kia, bố mẹ chị già yếu, sống phụ thuộc vào con trai nên mọi quyết định đều do con trai định đoạt. Hai anh trai vì tiền cũng quyết liệt bảo vệ tài sản. Vụ kiện kéo dài gần 2 năm nay khiến tình thân tương tàn, cuộc sống của chị Minh như rơi vào địa ngục.

Không có quyền thừa kế tài sản...
Bước vào tuổi xế chiều, bà Ng.T.M (Phú Xuyên, HN) bị trắng tay sau hơn 40 năm tận tâm sống, chết với nhà chồng. Bà lấy chồng năm 25 tuổi, hiếu thảo chăm sóc bố mẹ chồng già yếu, vất vả nuôi 4 đứa con gái để chồng yên tâm công tác xa nhà. Năm đứa con gái út lên 8 tuổi, chồng bà vì khát con trai nối dõi đã âm thầm có vợ bé con riêng bên ngoài. Biết vợ lẽ có lợi thế sinh được con trai, lại không muốn các con mất bố, bà đành chấp nhận chung chồng. Bao năm qua, ông ở phố với vợ bé con riêng, bỏ mặc việc chăm sóc bố mẹ già và 4 đứa con cho bà lo liệu. Bà tảo tần làm lụng nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng cho đến ngày họ khuất núi.
Một năm sau ngày bố mẹ chồng mất, chồng và hai đứa con trai riêng về đòi chia tài sản. Bà ngỡ ngàng vì lâu nay, bố mẹ chồng gần như mặc định mảnh đất và ngôi nhà này là để cho 5 mẹ con bà sinh sống. Tuy nhiên việc để lại tài sản đó cho con dâu lại không được ông bà hợp thức hóa bằng giấy tờ mà chỉ nói bằng… miệng.
Người chồng bạc nghĩa muốn đòi lại toàn bộ tài sản cho hai đứa con trai, đuổi “vợ cả” về nhà con gái (lấy chồng gần đó) ở. Bà M bảo chết cũng phải làm ma nhà chồng nên không chịu. Không ngờ, chồng bà một mặt đòi ly hôn, một mặt gọi em trai và chị gái về bàn chuyện đòi lại mảnh mà bà M đang sống trên đó. Ông ta “giả vờ” nhường phần thừa kế tài sản của bố mẹ để lại cho hai người em. Về pháp lý, bố mẹ chồng bà M vẫn đứng tên sở hữu, khi họ mất đi ba người con được quyền thừa kế.
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng (Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển xã hội) thì đến nay ở Việt Nam, phụ nữ vẫn được xem là thuộc về gia đình chồng. Chính vì quan niệm này, sự bất bình đẳng đối với phụ nữ vẫn còn tồn tại. Phụ nữ đi lấy chồng không được chia tài sản ở nhà bố mẹ đẻ, trong khi đó ở nhà chồng thì con dâu không có quyền hưởng di sản thừa kế. Điều đó đẩy những người phụ nữ sống phụ thuộc chồng phải sống cam chịu bất bình đẳng trong hôn nhân. Họ không dám thoát ra, hay đấu tranh để bảo vệ quyền lợi, hạnh phúc của bản thân. Vì không có tài sản, phụ nữ bị ngược đãi, bạo hành cũng không dám ly hôn do sợ không biết lấy gì để sống, không biết ở đâu và đứng trước nguy cơ bị phía nhà chồng tranh chấp quyền nuôi con…”.
Luật sư Nguyễn Minh Long (Văn phòng Luật sư Daron, Đoàn LSHN) thừa nhận, dù hiện nay pháp luật đã có những quy định bình đẳng về quyền thừa kế tài sản của con trai, con gái trong gia đình. Nhưng sự ảnh hưởng tư tưởng phong kiến quá ăn sâu nên vẫn còn tình trạng “phép vua thua lệ làng” khi giải quyết các vấn đề về hôn nhân gia đình. Rất nhiều vụ kiện tranh chấp tài sản thừa kế trong gia đình đã biến tình cảm anh em, vợ chồng, cha mẹ, con cái tương tàn. Và, người chịu thiệt thòi nhất vẫn là phụ nữ.

 
Theo: Hạ Thi, http://baophunuthudo.vn/ (HM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 16

Tổng lượt truy cập: 5,222,564

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây