Áp lực phải nuôi con béo khỏe của các bà mẹ trẻ

  •   Thứ sáu - 18/08/2017 08:37
  •   3327
  •  0

Thấy cháu trai tháng đầu chỉ tăng 900g, mẹ chồng Nhàn trách: "Mấy đứa cháu nhà này tăng ít nhất 1,2kg, cô chăm con kiểu gì vậy?". 

"Sao tháng đầu sau sinh với em dài như cả thế kỷ thế này? Mệt vì thức đêm, chăm con một thì stress vì sức ép từ nhà chồng mười", Nhàn than thở trên một diễn đàn các bà mẹ trẻ. 

Cô gái sinh năm 1991 ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết, cô sinh con vừa tròn một tháng. Bé chào đời nặng 3kg và hiện chưa đầy 4 kg. Mẹ chồng chê cô không biết chăm con, sữa nóng nên bé lên ít cân, đồng thời hay so sánh cô với người chị chồng có con béo khỏe, tháng đầu con tăng được gần 2 kg. 

"Hễ con khóc là ông bà vào cằn nhằn em không biết dỗ con, rồi bắt chồng em đi mua thêm sữa công thức về cho bé uống để tăng cân tốt. Em không đồng ý thì bị cả nhà xỉ vả và nói họ thừa khả năng để mua sữa tốt cho cháu, chứ để mẹ nó chăm thì chỉ có còi cọc", Nhàn ấm ức kể.

Dưới tâm sự của Nhàn, trong số 300 bình luận, nhiều chị em chia sẻ họ cũng từng chịu cảnh này. "Con mình lúc mới sinh được 4 kg, sau một tháng không tăng mà còn sụt vài lạng, ông bà nội bắt ngưng sữa mẹ, bú sữa bột nhưng mình nhất định không chịu, giờ bé 7 tháng đang phát triển bình thường", một bà mẹ trẻ bày tỏ.

ap-luc-phai-nuoi-con-beo-khoe-cua-cac-ba-me-tre
Ảnh minh họa: Breastfeeding Support.

 

Cũng như Nhàn, không ít mẹ trẻ cảm thấy stress trước áp lực của người thân, hàng xóm, thậm chí cả người lạ, về việc nuôi con, nhất là khi bé không bụ bẫm.

"Vừa dẫn con vào hàng tạp hóa, một bà khách hất hàm hỏi mình: 'Thằng cu này mấy tuổi, bao nhiêu cân rồi'. Nghe mình nói cháu 4 tuổi, gần 14 kg', bà kêu lên 'Khổ thân thằng bé, cháu bà bằng tuổi mà to gấp đôi cơ'. Nhà mày mẹ ăn hết phần con à, hay nuôi nấng kiểu gì mà ra thế'. Mình bực quá, chả mua bán gì nữa, kéo con đi luôn", chị Ngọc (Cầu Diễn, Hà Nội) kể. 

Tình huống như vậy không phải là lần đầu với chị. Nhiều người vô tâm hơn còn nói thẳng: "Con mẹ chỉ biết ăn cho đẫy thân, để thằng con giơ xương thế kia". Mỗi lần đưa con về quê chơi, chuyện cậu nhóc nhà chị bé nhất họ cũng bị mang ra mổ xẻ. Rồi các bác, các cô mỗi lần gửi chục trứng, con gà đều bồi thêm câu: "Cái này để bồi bổ cho thằng cu, chứ nhìn nó xót quá".

"Chẳng lẽ mình trả lại không lấy, họ làm như mình không chăm nổi con. Trộm vía, thằng bé chỉ gầy chứ vẫn khỏe mạnh, có vấn đề gì đâu", chị Ngọc nói. 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) cho biết, anh đã gặp vô số bà mẹ trẻ đưa con đến khám vì trẻ chậm lên cân. Đa số họ thấy sốt ruột, lo lắng khi bị sức ép từ mọi người hay khi so sánh bé với bạn cùng tuổi.

"Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, đừng so sánh bé này với bé khác. Muốn biết con có đang phát triển bình thường hay không, cần theo dõi bảng chuẩn chiều cao cân nặng, nhưng cũng cần lưu ý tình trạng bé lúc sinh. Trẻ đẻ non không thể nào so với bé chào đời đủ tháng, cân nặng tốt", bác sĩ Khanh chia sẻ.

Anh cho rằng, việc mẹ căng thẳng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới trẻ, nhất là nếu con đang bú mẹ. Nhiều người nhìn vào con người khác, rồi nghe người này người kia chê bai mình hay con mình thì cảm thấy lo lắng, cố ép con ăn. Khi bị ép, trẻ càng sợ và biếng ăn, khiến mẹ lại càng căng thẳng, tạo ra vòng tròn luẩn quẩn. 

Bác sĩ cho rằng, nếu chỉ số chiều cao, cân nặng nằm trong giới hạn cho phép thì không cần phải lo lắng gì. Nếu con dưới 2 tuổi nhưng suốt 3 tháng không tăng cân thì cần điều chỉnh chế độ ăn uống, ngủ, vận động hoặc đưa tới gặp bác sĩ để được khám và tư vấn cụ thể. Với những trẻ có bệnh lý như nôn trớ, kém hấp thu, gia đình cũng nên tư vấn ý kiến chuyên gia. 

Chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai, tổng đài tư vấn 1088 TP HCM, cho biết, bà từng tư vấn và gặp rất nhiều phụ nữ trẻ bị căng thẳng triền miênkhi liên tục phải chịu chỉ trích, bình phẩm về việc con mình không được béo, khỏe. 

Hay gặp nhất là các nàng dâu chịu sức ép từ nhà chồng. Bà Tuyết Mai cho rằng, người Việt có thói quen hay bình phẩm tùy tiện, nghĩ việc này là thể hiện sự quan tâm, trợ giúp, mà không để ý đến cảm xúc của người khác. Đặc điểm này khó thay đổi nên bạn chỉ có cách hoặc đừng bận tâm hoặc phản ứng lại một cách mềm mỏng nhưng kiên quyết để người khác nhận ra sự can thiệp quá mức của họ.

Theo nhà tâm lý, bản thân người mẹ trước khi có con cũng cần tìm hiểu kiến thức về chăm trẻ và chuẩn bị kỹ tâm lý để sẵn sàng cho vai trò mới. Khi được góp ý, bạn cũng nên lắng nghe, thể hiện tinh thần học hỏi, còn việc vận dụng thế nào đều vẫn do mình quyết định. Chống đối hay cãi vã chỉ làm mọi việc căng thẳng. Hơn nữa, trong việc chăm trẻ, việc kết hợp hợp lý giữa những kiến thức khoa học hiện đại với các kinh nghiệm truyền thống có thể mang lại nhiều lợi ích. 

Từng stress triền miên vì bị chê không biết nuôi con, chị Thu Cúc (quận 4, TP HCM) kể, con trai chị chào đời nặng 3,4kg nhưng suốt tuổi mẫu giáo luôn bị dọa suy dinh dưỡng vì bé cứ ăn vào lại nôn ra, dù mẹ bồi bổ nhiều. Bà ngoại xót cháu đã tự đi mua thuốc nam về cho cháu uống. Thấy con uống xong tăng cân vù vù, chị nghi ngờ, mang thuốc đi kiểm tra thì mới biết trong đó có chứa corticoid - gây kích ăn nhưng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như làm loãng xương, giảm sức đề kháng... Tới khi đó, bà mới dừng. 

Bỏ qua mọi lời chê bai hay so sánh, chị Cúc kiên trì cho con ăn đủ bữa, nếu bé không muốn thì cũng không ép. Tới giờ, con trai chị 15 tuổi đã cao 1,7m, rất khỏe khoắn, vui vẻ. 

"Mẹ dễ chạnh lòng trước lời ra tiếng vào của người khác, nhưng đôi khi vấn đề cũng nằm ở sự sĩ diện của mẹ. Nếu mình tin tưởng ở bản thân, ở con và nghĩ rằng nuôi con là một hành trình dài chứ không chỉ chăm cho béo khỏe ở vài năm đầu, cố gắng chăm lo về cả thể chất lẫn tinh thần cho con thì sẽ không bị chi phối nhiều bởi bình phẩm của người khác", chị Cúc chia sẻ. 

Vương Linh

Nguồn tin: vnexpress.net

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 16

Máy chủ tìm kiếm: 1

Khách viếng thăm: 15

Tổng lượt truy cập: 5,403,663

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây