Để hội viên phụ nữ “mặn mà” với Hội

  •   Thứ tư - 06/07/2016 09:26
  •   8312
  •  0
Việc thu hút hội viên luôn là thách thức lớn đối với bất kỳ tổ chức chính trị - xã hội nào. Từ thực tế đó, nhiều năm qua, các cấp Hội Phụ nữ TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cách làm, sáng kiến nhằm thu hút hội viên hiểu, tự nguyện tham gia và gắn bó lâu dài, tích cực công tác hội.
Mô hình dạy nghề kết cườm, tạo việc làm của Hội Phụ nữ phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bảo Hương
Mô hình dạy nghề kết cườm, tạo việc làm của Hội Phụ nữ phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Bảo Hương

"Đối tượng nào, mô hình đó"
Phụ nữ phường 4, quận Tân Bình trong nhiều năm luôn được xếp loại thi đua xuất sắc bởi có đội ngũ cán bộ hội nhiệt tình,trách nhiệm cao, lại có kỹ năng kinh nghiệm tập hợp hội viên. Nhưng dù nỗ lực, việc phát triển hội viên luôn là thách thức đối với cán bộ phụ nữ. Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4 Nguyễn Thị Thủy Tiên chia sẻ: Nhiều chị em dù rất muốn tham gia nhưng do mưu sinh, họ phải đi làm cả ngày, không có nhiều thời gian dành cho phong trào hội. Trên địa bàn phường còn có nhiều gia đình khó khăn về kinh tế, do vậy, tâm lý các chị ngại tham gia bởi sợ ảnh hưởng tới thu nhập và thời gian chăm sóc gia đình. Tình trạng chung ở các cấp hội hiện nay đó là phần lớn hội viên là cán bộ, công chức về hưu.
Tại các vùng ngoại thành, công tác phát triển hội viên lại gặp trở ngại khác. Đó là phụ nữ trong độ tuổi lao động đi làm tại các khu công nghiệp, khiến việc kết nạp hội viên trẻ càng gặp khó khăn hơn bao giờ hết. Hay như tại các quận đang trong quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhiều gia đình được các dự án đền bù đất đai, chuyển chỗ ở tới địa bàn khác sinh sống, việc phát triển hội viên không những khó mà còn “hao hụt”.
TP Hồ Chí Minh luôn được coi là mảnh đất năng động nhất của cả nước. Kinh tế càng phát triển, phụ nữ càng khẳng định được vị thế của mình. Chủ tịch Hội LHPN thành phố Tô Thị Bích Châu tâm sự: Chúng tôi nhận thấy, giờ đây, nếu hội phụ nữ chỉ làm tốt chức năng vay vốn, tạo việc làm cho hội viên thì quyền lợi mà hội mang tới cho chị em là chưa đủ hấp dẫn. Nếu cứ mãi dừng lại ở một chức năng đó, lâu dài, hội viên sẽ cảm thấy quyền lợi của họ sẽ “mất” nhiều hơn “được”. Nhận thức được điều này, Hội LHPN thành phố chỉ đạo các cấp hội vận động, thu hút hội viên với phương châm “đối tượng nào, mô hình đó”.
Bên cạnh đó, Hội LHPN thành phố luôn quan tâm công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Thực tế cho thấy, “cán bộ nào, phong trào ấy”. Nơi nào có đội ngũ cán bộ hội tâm huyết, có kỹ năng, kinh nghiệm, nơi đó sẽ xây dựng được các chương trình hoạt động hấp dẫn, thiết thực, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của chị em tốt nhất. Bên cạnh đó, cán bộ hội cần chứng tỏ năng lực hành động của mình tại địa phương để chính quyền cơ sở cùng phụ nữ vào cuộc, quan tâm, hỗ trợ đắc lực cho cán bộ hội triển khai được các nhiệm vụ, phong trào.
Giảm hội họp, đưa phong trào về cơ sở
Đã từng có thực trạng, việc thành lập quá nhiều mô hình, tổ, nhóm tràn lan, thậm chí một số ủy viên thường trực không nhớ hết tên CLB. Thực tế “ôm đồm” đó đã khiến các phong trào bị loãng đi. Khắc phục tình trạng này, Hội LHPN thành phố chỉ đạo các cấp hội rà soát lại, những CLB nào hoạt động có hiệu quả, có sức sống bền bỉ, lan tỏa cộng đồng thì kiện toàn lại, cho nhân rộng, “xóa” bớt những mô hình hoạt động hình thức, không hiệu quả. Điều đáng nói là trước khi thành lập, các mô hình phải được rà soát, khảo sát nắm bắt nhu cầu của hội viên và phải dựa vào thế mạnh của từng chi, tổ, hội phụ nữ.
Để các mô hình hoạt động có hiệu quả, dài hơi, kinh phí luôn là nỗi trăn trở của các cấp hội. Trong khi đó, kinh phí dành cho hoạt động ở dưới các chi tổ hội thường eo hẹp, muốn hội viên hào hứng tham gia các phong trào cần “có thực mới vực được đạo”, do vậy “bí quyết” thu hút hội viên tham gia là phải gắn chặt với nhu cầu, nguyện vọng của từng tầng lớp phụ nữ. Chi hội trưởng khu phố 6 (quận Tân Bình) Đặng Thị Kim Liên, đồng thời là tổ trưởng tổ vay vốn cho biết, trong khu dân cư khu phố 6, phần lớn là các gia đình sống nhờ buôn bán nhỏ, hội viên thường lớn tuổi, nhàn rỗi. Điều chị em quan tâm nhất là làm sao để cải thiện cuộc sống? Do vậy, muốn thu hút hội viên tham gia, chúng tôi phải tập trung vào việc hỗ trợ cho chị em vay vốn, đưa hội viên đi đào tạo nghề, giới thiệu việc làm bền vững để chị em có thu nhập thường xuyên ổn định. Chỉ khi hội viên trút bỏ gánh nặng kinh tế, họ mới dành thời gian tham gia công tác hội.
Xuất phát từ những đòi hỏi, bức xúc của thực tiễn địa phương, nguyện vọng chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh đã phát động hội thi “Giới thiệu ý tưởng về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hội”. Qua phát động, thu hút hàng chục đề tài với những ý tưởng thể hiện nét mới, đột phá trong cách nghĩ, cách làm, đề xuất được nhiều mô hình tập hợp mới, đáp ứng nhu cầu của phụ nữ trong giai đoạn mới. Điều này chứng tỏ sự nhạy bén, năng động của từng cấp hội trong việc giảm thời gian hội họp, lăn lộn và lắng nghe cơ sở lên tiếng. Có thể kể tới mô hình làm muối trải bạt tại ấp Thiềng Liềng (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ). Ấp Thiềng Liềng có 400 ha đất làm muối. Với nghề muối truyền thống vừa mất thời gian, sản lượng muối lại kém, tạp chất nhiều, giá thành cao, khó tiêu thụ.
Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thạnh An Nguyễn Thị Ngọc Nga cho biết, ban đầu khi triển khai ý tưởng, các chị đều từ chối bởi lâu nay đã quen cách làm muối truyền thống. Địa bàn ấp lại xa trung tâm xã bảy km đường sông, cho nên việc vận động, tuyên truyền ban đầu rất khó khăn. Tuy nhiên, sau một thời gian vận động, tuyên truyền, được Hội LHPN thành phố hỗ trợ kinh phí, tập huấn phương thức làm muối mới, các chị đã mạnh dạn tham gia. Đến nay, cả ấp đã có gần 50 hội viên tham gia làm muối sạch, góp phần cải thiện đáng kể kinh tế các hộ gia đình.

Với phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức hội”, nhiều năm qua, Hội LHPN TP Hồ Chí Minh đã tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm tập hợp các tầng lớp phụ nữ. Đến nay, toàn thành phố có 72 loại hình tập hợp phụ nữ theo sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp với gần 17.500 mô hình, thu hút 756 nghìn thành viên tham gia. Góp phần nâng tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi trở thành hội viên phụ nữ lên tới 75%.
Theo: Phúc Quân, http://www.nhandan.com.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11

Tổng lượt truy cập: 5,230,348

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây