Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để nâng cao vị thế của phụ nữ và bình đẳng giới
Thứ năm - 23/02/2017 14:52
1333
0
Phỏng vấn đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
HỎI: Trong không khí rộn ràng của một mùa xuân mới, ngoài niềm vui chung của đất trời, phụ nữ trên khắp mọi miêng Tổ quốc có thêm một niềm vui mới – chào đón Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII – nơi hội tụ của các tầng lớp phụ nữ tiêu biểu trong cả nước… Xin đồng chí cho biết ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội lần này?
CHỦ TỊCH NGUYỄN THỊ THU HÀ:
Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII là sự kiện chính trị quan trọng, ngàu hội lớn của các tầng lớp phụ nữ cả nước. Đây là Đại hội đánh dấu sự trưởng thành của phụ nữ và tổ chức Hội trong giai đoạn mới – giai đoạn cùng đồng hành với sự phát triển và hội nhập của đất nước sau 30 năm đổi mới. Đồng thời cũng định hướng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của các cấp Hội; vận động, động viên phụ nữ phát huy truyền thống, sức sáng tạo của phụ nữ Việt Nam, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
HỎI: Xin Chủ tịch cho biết một vài net nổi bật trong hoạt động Hội 5 năm qua?
CHỦ TỊCH NGUYỄN THỊ THU HÀ
Có thể nói 5 năm qua, phong trào phụ nữ Việt Nam và hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tạo điều kiện của Chính phủ, sự hỗ trợ, ủng hộ tích cực của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam đã đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn và đã đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được cụ thể hóa thành những cuộc vận động và đợt thi đua sát hợp với nhiệm vụ chính trị của đất nước, địa phương, đơn vị. Nổi bật là Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với thực hiện Xây dựng Nông thôn mới, sau 1 nhiệm kỳ triển khai với nhiều kết quả tích cực, đã được Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Có thể nói, Cuộc vận động đã tác động đa chiều vào đơn vị hộ gia đình, phát huy vai trò chủ động và mang lại lợi ích trực tiếp cho hội viên, phụ nữ, đóng góp tích cực vào xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Hội tiếp tục hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm, thiết thực chăm lo, bảo vệ lợi ích của phụ nữ. Đáng chú ý là các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động ủy thác, hỗ trợ tiếp cận vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các hoạt động tài chính vi mô, các cấp Hội đã giúp gần 2 triệu lượt hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, trong đó 400 nghìn hộ đã thoát nghèo. Hội được đánh giá là tổ chức đi đầu với 5 điểm nhất trong hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội (dư nợ cao nhất, nợ quá hạn thấp nhất, số tổ/hộ vay vốn nhiều nhất, số dư tiết kiệm cao nhất và xâm tiêu chiếm dụng thấp nhất). Con số hơn 8 ngàn tỷ đồng do hội viên, phụ nữ cả nước tiết kiệm để tạo nguồn vốn vay tại chỗ, tương đương 1/10 nguồn vốn từ các ngân hàng là minh chứng cho việc người nghèo cũng có thể tiết kiệm và giúp nhau phát triển kinh tế.
Một mảng hoạt động có tính chiến lược và đã thu hút được nhiều kết quả đáng khích lệ trong nhiệm kỳ qua là các hoạt động giám sát, đề xuất chính sách và phản biện xã hội của các cấp Hội. 119 chính sách được các cấp Hội tham mưu, đề xuất thành công, trong đó có những chính sách tác động tới đời sống của phụ nữ, góp phần hiện thực hóa chủ trương của Đảng về công tác bình đẳng giới và công tác phụ nữ.
Với việc thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, sau 5 năm đã có 8,4 triệu bà mẹ, 2,9 triệu ông bố có con dưới 16 tuổi và hơn 3,7 triệu trẻ vị thành niên được tiếp cận những kiến thức và kỹ năng quan trọng trong cuộc sống gia đình.
Phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và tinh thần “tương thân, tương ái”, các cấp Hội đã vận động được trên 1.200 tỷ đồng để thường xuyên chăm lo các gia đình chính sách, gia đình các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo; thăm hỏi kịp thời các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai; vận động, xây dựng, sửa chữa gần 20.000 mái ấm tình thương (vượt 97% chỉ tiêu Nghị quyết đề ra).
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế được mở rộng. Hội tiếp tục duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với trên 300 tổ chức trên thế giới, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động đối ngoại nhân dân của Việt Nam, tiếp tục khẳng định vai trò đại diện của tổ chức Hội và tăng thêm nguồn lực cho hoạt động Hội.
HỎI:Theo ý kiến Chủ tịch, những thách thức lớn nhất đang đặt ra đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hiện nay là gì?
CHỦ TỊCH NGUYỄN THỊ THU HÀ
Nhiệm kỳ tới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi vẫn còn nhiều vấn đề trong nước, khu vực và quốc tế đang tác động không nhỏ đến đời sống của các tầng lớp phụ nữ. Tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp. Trong nước, đời sống của một bộ phận nhân dân, trong đó có phụ nữ, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, phụ nữ di cư, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật… còn nhiều khó khăn; còn tồn tại tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; đạo đức gia đình có dấu hiệu xuống cấp; bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng; tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi; bình đẳng giới chưa đạt so với mục tiêu đề ra… là những vấn đề Hội đang rất trăn trở. Trình độ tay nghề, chuyên môn nghiệp vụ, năng suất lao động còn thấp dẫn đến khả năng cạnh tranh của phụ nữ trên thị trường lao động, cơ hội tiếp cận việc làm bền vững, tiếp cận các nguồn vốn và phương tiện hỗ trợ phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận, chưa chủ động vượt khó vươn lên.
Là một tổ chức có chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tầng lớp phụ nữ, những khó khăn trên của phụ nữ cũng là những thách thức lớn đối với việc thực hiện vai trò nòng cốt trong công tác vận động phụ nữ của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Bên cạnh đó, với riêng tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, những thách thức đặt ra cũng đã và đang rất lớn. Một bộ phận cán bộ Hội chưa nhận thức đầy đủ về yêu cầu của đổi mới công tác phụ nữ, công tác Hội, về chức năng, vai trò của Hội và trách nhiệm của mình; trình độ, năng lực phát hiện vấn đề tham mưu, đề xuất chính sách và giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế. Ở một số nơi, việc đổi mới nộng dung, phương thức hoạt động của Hội còn chậm; công tác nghiên cứu dự báo tình hình để làm cơ sở đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động Hội và đề xuất các chính sách cho phụ nữ chưa đáp ứng yêu cầu.
Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở nhiều địa phương, đơn vị về bình đẳng giới, về vai trò, năng lực của phụ nữ còn hạn chế; thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác vận động phụ nữ. Định kiến về giới còn tồn tại dai dẳng trong nhận thức chung của xã hội. Hệ thống văn bản pháp luật về bình đẳng giới, chính sách để tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển còn thiếu đồng bộ, chưa theo đúng tinh thần của Nghị quyết 11-NQ/TW, Luật Bình đẳng giới về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ. Chính sách chăm lo, bảo vệ bà mẹ, trẻ em, xây dựng gia đình còn nhiều bất cập.
HỎI:Chủ tịch có thể chia sẻ những điểm mới trong phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ tới?
CHỦ TỊCH NGUYỄN THỊ THU HÀ
Thời gian tới, vấn đề bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ tiếp tục là mối quan tâm toàn cầu. Chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trường, phát triển nền kinh tế tri thức trong quá trình hội nhập tạo ra nhiều cơ hội và cả thách thức cho phụ nữ. Trong bối cảnh đó, việc phát huy nội lực, tinh thần làm chủ của hội viên, phụ nữ sẽ được Hội chú trọng hàng đầu. Các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng sẽ tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện để phụ nữ phát triển về nhân cách, nhận thức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Hội sẽ đẩy mạnh các phong trào thi đua, khích lệ, động viên chị em phát huy tiềm năng, ý chí tự lực, tinh thần khởi nghiệp, liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, chủ động tham gia giải quyết những vấn đề của chính mình, của gia đình cũng như toàn xã hội như: sản xuất, kinh doanh bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội từ trong gia đình.
Để đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động và thu hút đông đảo phụ nữ tham gia hoạt động Hội, công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn sẽ được tiếp tục chú trọng theo hướng đảm bảo hài hòa nghiên cứu chiến lược, nghiên cứu dự báo với nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn của phong trào phụ nữ và hoạt động Hội; tập trung nghiên cứu, tổng kết, đánh giá các mô hình hoạt động có hiệu quả trong thu hút phụ nữ theo nhóm đặc thù, nhóm sở thích; các cách thức chỉ đạo đối với những vấn đề mới nảy sinh như phụ nữ trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thay đổi cơ cấu gia đình hiện nay…
Đồng thời, Hội cũng sẽ tạo các diễn đàn để chị em trực tiếp tham gia hiệu quả vào việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thông qua giám sát, phản biện xã hội gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Việc giám sát, phản biện sẽ gắn kết nhiều hơn với giám sát thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, các khung hành động của Chính phủ, các chương trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em trước các vấn nạn bạo lực, xâm hại sẽ được quan tâm hơn nữa với sự lên tiếng mạnh mẽ của hệ thống Hội và huy động sự tham gia của toàn xã hội. Xin cám ơn Chủ tịch!
TTPN (thực hiện)
Trích nguồn: Thông tin Phụ nữ - Hội LHPN Việt Nam, số 8-3-2017