Đang truy cập: 24
Tổng lượt truy cập: 5,333,518
- Đang truy cập24
- Hôm nay86
- Tháng hiện tại81,448
- Tổng lượt truy cập5,333,518
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 do Ðảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh lãnh đạo đã đánh đổ chế độ thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc và xây dựng nền cộng hòa dân chủ, mưu cầu tự do, hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam.
Thắng lợi đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin phù hợp đặc điểm, hoàn cảnh Việt Nam, xử lý đúng đắn những vấn đề căn bản của cách mạng dân tộc, dân chủ, mở đường đi lên chủ nghĩa xã hội, để lại những bài học có giá trị lý luận, thực tiễn đối với các thời kỳ cách mạng tiếp theo và sự nghiệp đổi mới hiện nay.
Ðảng nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, kết hợp đúng đắn đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, chống đế quốc và chống phong kiến. Chủ trương đó đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11/1939) và Hội nghị Trung ương 8 (5/1941). Nghị quyết Trung ương 8 nhấn mạnh: "Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được"(1). Quyết sách chiến lược đó đã khơi dậy khát vọng độc lập, tự do, tinh thần yêu nước và sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc làm nên kỳ tích của cuộc Cách mạng Tháng Tám.
Một sự sáng tạo nổi bật trong Cách mạng Tháng Tám là Ðảng chủ động thúc đẩy cao trào cách mạng của quần chúng, nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ. Thời cơ của Cách mạng Tháng Tám xuất hiện nửa cuối tháng 8/1945, khi cao trào cách mạng phát triển mạnh mẽ; quân phát-xít Nhật đầu hàng Liên Xô và đồng minh (15/5/1945); chính quyền phong kiến và chính phủ tay sai Nhật ở Việt Nam hoang mang cực điểm; các tổ chức đảng và Mặt trận Việt Minh quyết tâm đưa quần chúng vào hành động cách mạng. Nguy cơ lớn nhất là quân Pháp sau khi bị Nhật gạt khỏi Ðông Dương (ngày 9/3/1945) tìm cách quay lại. Hội nghị Ðảng Cộng sản Ðông Dương ngày 15/8/1945 đã quyết tâm "chống lại mưu mô của Pháp định khôi phục địa vị cũ ở Ðông Dương và mưu mô của một số quân phiệt Tàu định chiếm nước ta"(2). Cách mạng Tháng Tám đã thắng lợi khi có cơ hội tốt nhất và đẩy lùi nguy cơ khi quân Pháp chưa kịp quay lại và quân Ðồng minh chưa kéo vào.
Ðảng ra sức xây dựng và phát triển thực lực cách mạng trong nước đồng thời tranh thủ sự ủng hộ quốc tế, kết hợp yếu tố dân tộc và quốc tế. Thực lực cách mạng là sức mạnh của toàn dân tập hợp dưới ngọn cờ, đường lối của Ðảng và Mặt trận Việt Minh; là sức chiến đấu của Ðảng tiền phong trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm và giàu kinh nghiệm đấu tranh; là lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang rộng khắp trong toàn dân, vũ trang toàn dân. Tháng 8/1942 và tháng 1/1945, lãnh tụ Hồ Chí Minh sang Trung Quốc liên lạc với lực lượng đồng minh tranh thủ sự ủng hộ sự nghiệp giành độc lập của Việt Nam. Cổ vũ của quốc tế là quan trọng, song quyết định vẫn là chính lực lượng của ta. "Dù sao chỉ có thực lực của ta mới quyết định được sự thắng lợi"(3).
Chính quyền nhà nước là vấn đề cơ bản, chủ yếu của cách mạng. Từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 6 (11/1939) chủ trương cách mạng thành công sẽ xây dựng nhà nước dân chủ cộng hòa. Ðó là "hình thức chính phủ chung cho tất cả các tầng lớp dân chúng". Hội nghị Trung ương 8 (5/1941) xác định mục tiêu xây dựng Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám đã theo đúng quan điểm đó của Ðảng. Nhà nước cách mạng là tiêu biểu cho sự hòa hợp và đại đoàn kết dân tộc, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.
Trước Tổng khởi nghĩa và sau khi đã giành được chính quyền, cách mạng Việt Nam phải đối phó với những thế lực xâm lược, với những hành động và mưu đồ hiểm độc. Phải chống giặc ngoài, thù trong. Tình thế đó đòi hỏi Ðảng phải xử lý đúng quan hệ giữa mục tiêu chiến lược (độc lập chính quyền) với sách lược, phương pháp thích hợp. Triệt để lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ kẻ thù và nhân nhượng có nguyên tắc. "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Công cuộc đổi mới do Ðảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ Ðại hội VI (12/1986) đến nay đã giành được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Ðảng đã kế thừa và phát triển bài học sáng tạo của Cách mạng Tháng Tám.
Từ bài học "lấy dân làm gốc" được Ðại hội VI tổng kết, suốt quá trình đổi mới, Ðảng đã lắng nghe, tổng kết sáng kiến, nguyện vọng của nhân dân chăm lo đời sống nhân dân, vừa bổ sung phát triển đường lối vừa hiện thực hóa mục tiêu vì dân. Ðảng và Nhà nước luôn luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc và hạnh phúc của nhân dân lên trên hết, trước hết. Ðại hội XIII của Ðảng nhấn mạnh việc thực hiện có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Ðảng không ngừng đổi mới tư duy lý luận, tổng kết thực tiễn, nhận thức ngày càng rõ hơn chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, từng bước hiện thực hóa mục tiêu và những đặc trưng của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Quyết sách của Ðại hội XIII và bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định rõ xây dựng chủ nghĩa xã hội vì cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc của nhân dân. Nhân dân và con người là trung tâm, là chủ thể xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa và cũng thụ hưởng thành quả của chủ nghĩa xã hội, với một đất nước hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.
Trong đổi mới, phát triển đất nước, Ðảng chú trọng tận dụng cơ hội, khắc phục nguy cơ để bảo đảm đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cơ hội lúc này là tiềm lực đất nước đã lớn mạnh tạo sức bật mới, vị thế quốc tế đã được nâng cao; có hệ thống chính trị vững mạnh với sự lãnh đạo đúng đắn của Ðảng và quản lý có hiệu lực, hiệu quả của Nhà nước; niềm tin của nhân dân được củng cố, nâng cao, dân tộc đoàn kết và đồng thuận xã hội; hòa bình, độc lập, dân chủ, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cách mạng công nghiệp lần thứ tư có ảnh hưởng tích cực. Trong khi tận dụng các cơ hội phải quyết tâm đẩy lùi các nguy cơ nhất là nguy cơ tham nhũng, lãng phí; nguy cơ "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.
Lãnh đạo cách mạng đòi hỏi Ðảng nhận thức rõ và xử lý đúng đắn các mối quan hệ. Ðổi mới thành công cũng nhờ xử lý tốt các mối quan hệ lớn như Ðại hội XIII đã xác định. "Ðó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Ðảng ta"(4).
Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo. Không sáng tạo không thể thành công. Ðương nhiên sáng tạo phải dựa trên nguyên lý lý luận khoa học và thấu hiểu thực tiễn và hiện thực lịch sử. Trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng và niềm tin bảo đảm sự sáng tạo thành công và thúc đẩy sự phát triển.
PGS. TS. Nguyễn Trọng Phúc
Nguồn: Nhân dân
--------------------------------------------------
(1) (2) (3) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb. Chính trị q quốc gia, H, 2000, t.7, trang 113, 427, 427.
(4) Ðảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.1, tr. 39.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết khác
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 24
Tổng lượt truy cập: 5,333,518