Nuôi thỏ- Hướng thoát nghèo bền vững

  •   Thứ năm - 01/08/2024 14:11
  •   578
  •  0
Nhờ chịu khó học hỏi và thành công với mô hình nuôi thỏ, nên đến nay vợ chồng chị Trương Thị Hồng Giang và anh Trần Hàn Vinh ở thôn Chứ Sai- xã EaTrol- huyện Sông Hinh đã có thu nhập ổn định và vươn lên thoát khỏi cuộc sống nghèo khó.
 
mô hinh tho
 
Tâm sự với chúng tôi, trước đây, vợ chồng anh chị làm thuê ở các công ty trong Thành phố Hồ Chí Minh nhưng công việc bấp bênh, kinh tế của vợ chồng anh chị chủ yếu dựa vào các khoản làm thuê nên đời sống của vợ chồng anh chỉ vẫn lẩn quẩn với cảnh nghèo khó. Vợ chồng chị Giang quyết định về quê lập nghiệp và được Hội LHPN xã EaTrol chia sẻ về định hướng thoát nghèo. Năm 2023, vợ chồng chị Giang đã tìm mua 3 con thỏ giống về nuôi thử nghiệm. Anh Vinh chồng chị Giang chia sẻ: “Trong quá trình nuôi, tôi nhận thấy thỏ là con vật dễ nuôi, kỹ thuật nuôi khá đơn giản, chi phí đầu tư và nguồn thức ăn thấp, tập tính sinh trưởng nhanh, thị trường tiêu thụ ổn định, nên hiệu quả kinh tế mang lại cũng khá cao… Vì vậy, gia đình tôi đã quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại để phát triển nuôi thỏ theo mô hình trang trại”.
Theo anh Vinh nuôi thỏ có nhiều ưu điểm như: không đòi hỏi diện tích nuôi lớn; thời gian nuôi ngắn, trung bình từ 1,5-2 tháng là có thể cho xuất chuồng nên mau thu hồi vốn; nguồn thức ăn chủ yếu là rau muống, lúa và thức ăn gia súc nên rất dễ tìm. Mặc dù có nhiều ưu điểm nổi bật so với những vật nuôi khác nhưng khi nuôi thỏ, người nuôi cần phải thường xuyên vệ sinh chuồng cho sạch sẽ, khô thoáng, vừa khử được mùi hôi vừa giúp thỏ tăng sức đề kháng, ít bệnh.
 Khu vực chăn nuôi được vợ chồng chị thiết kế từ các gian chuồng cho đến việc thu gom, xử lý chất thải được thực hiện một cách bài bản và khá khoa học, nên chuồng nuôi sạch sẽ, không gây ô nhiễm đến môi trường xung quanh. Để thuận lợi trong việc quản lý, theo dõi và chăm sóc, ngoài khu vực dành riêng cho thỏ giống hiện có, vợ chồng chị còn chia các khu dành riêng cho từng loại thỏ như: thỏ con sau khi tách mẹ, thỏ thương phẩm và thỏ hậu bị. Song song với việc mở rộng chuồng trại, để đảm bảo nguồn thức ăn cho thỏ, vợ chồng anh chị còn tận dụng đất trống xung quanh nhà trồng cỏ làm thức ăn cho thỏ.
 Để đàn thỏ luôn khỏe mạnh, ngoài làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, xử lý chất thải, vấn đề phòng bệnh cho đàn thỏ cũng được vợ chồng chị Giang chú trọng. Do thường xuyên chủ động áp dụng quy trình phòng bệnh, thỏ giống (thỏ bố, mẹ) phải được tiêm vắc xin định kỳ 6 tháng/lần, chủ yếu tiêm phòng vắc-xin xuất huyết thỏ…, nên đàn thỏ không xảy ra dịch bệnh.
Sau 2 năm gây dựng, đến nay mô hình trang trại thỏ của vợ chồng chị Giang phát triển rất tốt với khoảng 10 con thỏ đực giống, 100 thỏ cái sinh sản. Với tập tính sinh trưởng nhanh, trung bình mỗi năm thỏ đẻ 6 lứa, mỗi lứa khoảng 8 con. Sau 3 tháng nuôi, thỏ đạt trọng lượng từ 2,5 - 3 kg/con là có thể xuất bán. Bình quân mỗi năm xuất bán ra thị trường 4 lần, mỗi lần khoảng 100 con thỏ thương phẩm, với giá dao động 100.000 - 120.000 đồng/kg đã mang về lợi nhuận cho gia đình anh chị trên 80 triệu đồng/năm. Ngoài bán thỏ con, thỏ thịt, vợ chồng chị Giang còn bán thỏ giống cho thương lái trong và ngoài tỉnh. Theo chị Giang nuôi thỏ cần ít vốn và cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với một số loại vật nuôi khác. Thỏ có nhiều ưu điểm về khả năng sinh trưởng, thịt thơm ngon được người tiêu dùng ưa chuộng…
Chị Bùi Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND xã EaTrol cho biết: Thời gian qua, xã đã có nhiều chính sách khuyến khích người dân trên địa bàn tận dụng tối đa các điều kiện về đất đai, khí hậu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Chị Nay Hờ Nhơn- chủ tịch Hội LHPN huyện Sông Hinh có nhận xét: “Qua tham quan, tôi thấy mô hình nuôi thỏ của vợ chồng chị Giang rất hiệu quả. Hiện nhu cầu về thỏ thịt khá cao, thị trường tiêu thụ rộng. Mô hình nuôi thỏ đã mở ra hướng lựa chọn mới trong chăn nuôi cho phụ nữ  có thêm thu nhập, góp phần giải quyết việc làm, thoát nghèo ở địa phương”.
Thành công từ mô hình nuôi thỏ của vợ chồng chị Giang đã mở ra hướng chăn nuôi phù hợp cho người dân tại xã với nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào việc xoá đói giảm nghèo ở địa phương. Đồng thời chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tạo công ăn việc làm cho người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo ở địa phương.
 
Ngọc Ly

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 14

Tổng lượt truy cập: 5,329,028

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây