15 năm Ngày gia đình Việt Nam: Hãy lấp đầy ngôi nhà bằng tình yêu, nó sẽ trở thành một gia đình hạnh phúc
Thứ hai - 04/07/2016 09:54
1718
0
Đó là thông điệp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi gắm tới mọi gia đình, mọi người dân Việt Nam trong buổi lễ kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28/6/2001- 28/6/2016) do Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch tổ chức tối qua, 28/6, tại Hà Nội.
Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ Bộ Văn hóa- Thể thao & Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất tới các gia đình Việt Nam. Khẳng định gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm duy trì nòi giống, là thiết chế quan trọng để hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp chống lại tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Thủ tướng cho rằng, những giá trị truyền thống quý báu như: lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, hiếu nghĩa, thủy chung, hiếu học, cần cù sáng tạo, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách... đã được các thế hệ gia đình Việt Nam gây dựng và giữ gìn, vun đắp và phát huy, để lại cho chúng ta hôm nay và con cháu mai sau như một hành trang quý báu để tiếp tục phát triển.
Thủ tướng cũng chia sẻ, đối với mỗi cá nhân, gia đình luôn là cội nguồn yêu thương, là điểm xuất phát và là nơi nương tựa để mỗi người vượt qua mọi khó khăn, thành công trong công việc và cuộc sống, thúc đẩy mỗi cá nhân có trách nhiệm nhiều hơn với gia đình và Tổ quốc.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các ngành, các cấp và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc.
Phân tích những vấn đề đặt ra đối với gia đình Việt Nam trong bối cảnh chịu nhiều tác động của toàn cầu hóa và kinh tế thị trường hiện nay như: cấu trúc và quan hệ gia đình Việt Nam có những thay đổi, thậm chí có những thay đổi có thể làm mai một truyền thống; sự phát triển nhanh chóng và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đặt ra nhiều thách thức đối với đất nước Việt Nam nói chung và công tác giữ gìn, phát triển, xây dựng gia đình Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, Thủ tướng tin tưởng, giá trị cơ bản của gia đình vẫn luôn là điều thiêng liêng đối với mỗi con người Việt Nam chúng ta. Gia đình vẫn là thiết chế giữ được nhiều nhất những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Khẳng định, Ngày Gia đình Việt Nam là một ngày có ý nghĩa rất quan trọng nhằm nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp, những giá trị nhân văn cao quý của dân tộc, trở thành một nét đẹp văn hóa, nơi tình yêu thương và sự chia sẻ được tôn vinh, Thủ tướng nhấn mạnh, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc muốn phát triển đều phải biết chăm sóc và bảo vệ gia đình.
Thủ tướng đề nghị các Bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và từng gia đình, từng cá nhân cần có những hành động thiết thực để tôn vinh và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo chuyển biến quan trọng cho sự nghiệp phát triển gia đình của Việt Nam, đưa “Ngày gia đình” trở thành ngày hội lớn, mang ý nghĩa nhân văn cao cả, được lưu truyền tốt đẹp trong mỗi gia đình Việt Nam.
Để làm được điều đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về gia đình, triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp trong Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam 2020 tầm nhìn 2030, Chương trình hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, Chương trình giáo dục đời sống gia đình đến 2020. Cần nâng cao nhận thức về vai trò hết sức quan trọng của gia đình; tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý nhà nước về gia đình; tăng cường thông tin, truyền thông về giá trị gia đình, về tầm quan trọng của gia đình trong đời sống xã hội; chú trọng biểu dương những tấm gương tốt và phê phán những hành vi không phù hợp với thuần phong, mỹ tục, với giá trị gia đình; đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa; chú trọng nghiên cứu sự biến động của gia đình Việt Nam hiện đại, từ đó đề xuất xây dựng các chính sách phù hợp, hiệu quả về công tác gia đình.