Hậu phương của những người bám biển

  •   Thứ tư - 05/10/2016 14:26
  •   2145
  •  0
Hội Phụ nữ thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên vừa ra mắt câu lạc bộ (CLB)"Phụ nữ hướng về biển đảo". Đây là "mái nhà chung" của những người vợ, người mẹ có chồng, con đang có mặt trên những con tàu đánh bắt xa bờ, vừa làm ăn phát triển kinh tế, vừa bảo vệ chủ quyền, an ninh vùng biển đảo của đất nước.
 
12
Lễ ra mắt CLB "Biển xanh - Làm sạch bờ biển" tại xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa.
ẢNH: THANH HÀ
Hòa nhịp sóng Biển Đông
 
Hội trường UBND thị trấn Hòa Hiệp Trung như bừng dậy những cảm xúc dạt dào trong buổi chiều hội tụ những trái tim cùng hướng về biển đảo. "Nơi anh đến là biển xa, nơi anh đến là đảo xa", những giai điệu thiết tha, trầm hùng mang dư âm tiếng sóng của những khúc ca về biển đảo, về Hoàng Sa, Trường Sa đã thực sự làm lay động niềm tự hào và tình cảm yêu thương của người ở đất liền hướng về biển khơi ngàn trùng sóng vỗ.
 
39 hội viên phụ nữ tham gia vào CLB "Phụ nữ hướng về biển đảo" của Hòa Hiệp Trung là những người vợ, người mẹ có chồng con đang rong ruổi trên những tàu cá đánh bắt xa bờ. Hơn ai hết, họ thấu hiểu giá trị mà biển, đảo đã mang lại cho cuộc sống các thế hệ trong gia đình, dòng họ của mình.
 
"Ngày trước, nơi này chỉ toàn nhà tranh, vách bằng cót ép, xóm làng bốn mùa gió cát phủ ngập nền nhà. Quanh năm đói nghèo đeo bám. Từ khi bước vào công cuộc vươn khơi bám biển, bà con đã có của ăn, của để, có tiền tích góp để xây nhà cửa, sắm xe máy, mua ti vi, tủ lạnh rồi đóng góp tiền làm đường bê tông, xây dựng xóm làng khang trang, nuôi con cái ăn học đàng hoàng"- chị Nguyễn Thị Son, Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Hòa Hiệp Trung chia sẻ niềm phấn khởi.
 
Thấu hiểu giá trị của biển, người dân Hòa Hiệp Trung càng tự hào khi nhìn lại những đổi mới từ công cuộc chinh phục biển khơi của các thế hệ ngư dân trong làng. Theo chị Lê Thị Nhanh, một phụ nữ có chồng là thuyền trưởng một tàu đánh bắt xa bờ, ngày trước cả làng biển này chỉ có đôi ba chiếc thuyền từ 30 đến 45CV đi đánh lưới rút, lưới mành ở tuyến lộng, còn giờ đây có cả trăm chiếc từ 90CV trở lên, vươn ra khơi xa cách bờ 300 đến 400 hải lý, đi thẳng ra Hoàng Sa, Trường Sa đánh bắt.
 
"Ngư dân mình không còn thấp thỏm nhìn trời, nhìn mây, rụt rè mỗi mùa mưa bão tới bởi đã có nhiều máy móc hiện đại để theo dõi thông tin. Trong chuyện làm ăn, cách nghĩ cũng đã khác trước, đó là liên kết bền vững để cùng làm ăn, phát triển. Anh em ra khơi luôn chia sẻ cho nhau thông tin về ngư trường, khi có hoạn nạn, cùng giúp nhau vượt qua" - chị Nhanh tự hào kể.
 
Có mặt tại lễ ra mắt CLB "Phụ nữ hướng về biển đảo", nhiều chị em tâm sự, từ khi biết Trung Quốc thể hiện ý đồ độc chiếm Biển Đông, cũng như bà con ngư dân trên cả nước, không ngày nào, người dân Hòa Hiệp Trung không dõi theo tin tức biển đảo. Với chị em làng biển này, dù không lên tàu ra biển nhưng trong lòng họ, ý thức chủ quyền và quyết tâm bảo vệ biển đảo quê hương luôn cháy bỏng trong lòng.
 
"Biển đảo của nước mình do cha ông để lại, nguồn sống của chính gia đình, dòng họ, ngư dân quê hương, đất nước mình từ bao đời, giờ đang có nguy cơ bị lấn chiếm, chúng tôi nóng lòng lắm. Dù khó khăn thế nào ngư dân nước mình cũng phải ra biển, phải có mặt ở đó để thể hiện chủ quyền đất nước mình. Phải kiên quyết bảo vệ nguồn tài nguyên, bảo vệ cuộc mưu sinh mà cha ông bao đời nay truyền lại cho con cháu hôm nay, rồi thế hệ ngày mai sẽ tiếp nối" - chị Nguyễn Thị Mỹ Dung ở khu phố Phú Thọ 1 bày tỏ.
 
Điểm tựa vươn khơi
 
Những thành viên trong CLB "Phụ nữ hướng về biển đảo" của Hòa Hiệp Trung hơn ai hết đã thấu hiểu trách nhiệm của mình trong vai trò làm trụ cột gia đình để chồng, con yên tâm bám biển.
 
Chị Trần Thị Kim Hồng, vợ Thuyền trưởng Nguyễn Ngọc Toại hành nghề lưới rút trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa tâm sự: "Ngày xưa ghe thuyền nhỏ, nghề biển chỉ đi quanh quẩn ven bờ. Buổi sáng chồng ra biển, chiều đã có mặt ở nhà. Mọi chuyện lớn, nhỏ, trong nhà đã có chồng lo. Bây giờ sắm tàu to, máy lớn, chồng lên tàu là vươn thẳng khơi xa, lênh đênh trên ở biển hàng tháng trời. Phụ nữ không chỉ nội trợ, mà còn phải thay chồng làm trụ cột gia đình. Cha mẹ già hay con cái ốm đau phải đảm đương. Vào mùa gió bão, phải tự tay mình chằng chống nhà cửa.
 
Rồi xe cộ, máy móc trong nhà hư hỏng phải tự đưa đi sửa. Cả chuyện đóng mới tàu thuyền, khi cần cũng phải chạy lo từng tấm ván, từng con ốc, cái vít, coi như tất thảy mọi chuyện gia đình. Giờ đây phụ nữ phải vững vàng, có hiểu biết thì mới xử lý tốt mọi chuyện, giúp cho chồng, con yên tâm vươn khơi, bám biển".
 
CLB "Phụ nữ hướng về biển đảo" ra đời đã thực sự đáp ứng niềm mong mỏi của đông đảo phụ nữ Hòa Hiệp Trung. Khẳng định điều này, chị Phạm Thị Tuyết Sương, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Hòa Hiệp Trung còn cho biết, chương trình hoạt động của CLB "Phụ nữ hướng về biển đảo" của thị trấn Hòa Hiệp Trung sẽ được xây dựng với mục tiêu trang bị cho chị em những kiến thức thiết thực, bổ ích để thực hiện vai trò làm hậu phương vững chắc, tiếp sức cho chồng con mình đang trên những con tàu vươn khơi, bám biển.
 
Trước mắt, Ban chủ nhiệm CLB sẽ mời Chính trị viên Đồn BPCK cảng Vũng Rô tham gia truyền thông, góp phần định hướng tư tưởng cho cán bộ, hội viên. Chị em sẽ được nghe giới thiệu các nội dung về Luật Biển Quốc tế, Luật Biển Việt Nam, các thông tin, diễn biến tình hình thời sự về Biển Đông, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển.
 
Qua đó, giúp cán bộ, hội viên nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên định hưởng ứng các giải pháp đấu tranh của Đảng và Nhà nước; nâng cao tinh thần cảnh giác không bị các thế lực thù địch lôi kéo kích động; biết thể hiện lòng yêu nước đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng pháp luật; động viên chồng con yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội.
 
CLB cũng sẽ tổ chức cho hội viên tham gia trao đổi, chia sẻ kỹ năng làm vợ, làm mẹ để chị em tự tin hơn với việc chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, tạo nền tảng vững chắc để chồng, con yên tâm bám biển, vừa đánh bắt hải sản, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
 
Ngoài ra, CLB sẽ tiếp tục triển khai nhiều mô hình để chị em tương trợ nhau cùng phát triển, như góp vốn để cùng giúp nhau nâng cấp tàu thuyền, mở rộng quy mô làm ăn; xây dựng quỹ để thăm hỏi động viên lẫn nhau, nhất là đối với những chị em có chồng, con gặp ốm đau hay rủi ro hoạn nạn trên đường làm ăn.
 
PHƯƠNG OANH

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 62

Tổng lượt truy cập: 4,284,860

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây