Phụ nữ làng biển nỗ lực cải thiện cuộc sống

  •   Thứ sáu - 16/09/2016 09:30
  •   2351
  •  0
Bây giờ, phần lớn phụ nữ làng biển đã thoát khỏi cái bóng “vọng phu”, sống dựa dẫm vào chồng. Khi những người đàn ông vươn khơi, chị em ở nhà cũng tảo tần mưu sinh lo toan cuộc sống, trở thành điểm tựa để chồng con yên tâm bám biển.
 
Chị TRần Thị Tuyết Hạnh bia trai đang vá lưới thuê ảnh Ngọc Dung HO TRO PHU NU DON THAN CAI THIEN CUOC SONG
Chị Trần Thị Tuyết Hạnh (bìa trái) đang vá lưới thuê - Ảnh: Ngọc Dung

Bám bờ mưu sinh
 Chúng tôi đến cảng cá phường 6 (TP Tuy Hòa) vào một buổi sáng tinh mơ, khi những con tàu vừa cập bến. Trong tiếng cười nói rộn ràng, những người phụ nữ khiêng cá thuê tại cảng đã nhanh nhẹn tiến về phía những con tàu “bạn hàng” của mình. Một tốp khiêng cá dưới bến vào bờ, tốp còn lại khiêng cá từ bờ vào kho đông lạnh. Chị Ngô Thị Mỹ Xuân, một người kh­iêng cá lâu năm, vui vẻ cho biết: “Nghề này thu nhập vô chừng. Trung bình mỗi ngày, chủ tàu cá trả công trên 100.000 đồng. Hôm nào chuyến biển trúng cá, chủ tàu phấn khởi cho thêm chút ít, còn những khi biển đói có ngày chỉ vài chục ngàn đồng thậm chí là không có đồng nào bỏ túi. Khiêng con cá nặng cả trăm ký chạy vài chục mét cả ngày, chân tay đau nhức, cả người mỏi nhừ là chuyện thường. Nhưng vì miếng cơm manh áo nên chị em chúng tôi gắn bó với nghề này”.
 Trước đây, kinh tế của hầu hết các hộ làng biển hoàn toàn phụ thuộc vào chuyến ra khơi của những người đàn ông trong gia đình. Những khi trời yên biển lặng, cá tôm được mùa thì thu nhập khấm khá. Nhưng khi biển động, tàu thuyền phải nằm bờ dài ngày thì cuộc sống sinh hoạt vô cùng túng thiếu. Bởi vậy, phụ nữ làng biển bây giờ không như ngày trước, phần lớn chị em đều tìm cho mình một công việc nhất định, người thì khiêng cá, người thì nhặt lông tổ yến, vá lưới thuê… để san sẻ gánh nặng cơm áo cùng chồng con.
 Chị Bùi Thị Hiệp, 32 tuổi, có hơn 10 năm làm nghề vá lưới thuê ở phường 6 cho hay, chồng chị đi bạn cho các tàu đánh bắt xa bờ. Chị ở nhà, ngoài việc trông nom nhà cửa, chăm lo con cái, hàng ngày còn tranh thủ đi vá lưới thuê để kiếm chút tiền mua cá mắm, sách vở cho hai đứa con. Chị nói: “Tôi không thể cứ ăn không ngồi rồi mà chờ đợi những chuyến biển may rủi. Tuy thu nhập mỗi ngày chỉ trên 100.000 đồng, nhưng tôi cảm thấy vui khi chung tay với chồng đảm đương gánh nặng kinh tế cho cả nhà”.
 
Điểm tựa vững chắc
 Ngày ra mắt Câu lạc bộ “Biển xanh”, chị Hiệp và nhiều phụ nữ ở phường 6 xôn xao niềm vui, bởi lẽ câu lạc bộ như là “ngôi nhà chung” để chị em chia sẻ các kỹ năng làm vợ, làm mẹ, tự tin hơn với việc chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, làm điểm tựa vững chắc để chồng, con yên tâm bám biển.
 Có cùng cảm xúc với phụ nữ phường 6, chị Trần Thị Kim Hồng, một thành viên của Câu lạc bộ “Phụ nữ hướng về biển đảo” ở thị trấn Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), chia sẻ: Những năm trước đây, thuyền nhỏ, đàn ông Hòa Hiệp Trung chỉ đánh bắt cá tôm quanh quẩn gần bờ. Buổi sáng đi biển, chiều đã có mặt ở nhà. Hầu như chuyện gì trong gia đình đều có mặt chồng cáng đáng. Còn bây giờ, sắm tàu thuyền lớn hơn vươn thẳng ra khơi xa, những chuyến biển thường kéo dài hàng tháng trời. Bởi vậy, mọi việc lớn nhỏ trong nhà đều do một tay phụ nữ lo liệu, vun vén. Những người phụ nữ cùng cảnh ngộ như chúng tôi trong câu lạc bộ luôn dựa vào nhau cùng vượt qua khó khăn.
 Biết được khó khăn của phụ nữ vùng biển, từ nhiều năm nay các cấp Hội LHPN ở các địa phương ven biển trong tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ vốn, tạo việc làm, chăm sóc sức khỏe sinh sản, hướng dẫn chị em tăng gia sản xuất, nuôi dạy con tốt. Theo Hội LHPN tỉnh, đến nay, các cơ sở Hội trên địa bàn huyện Đông Hòa, Tuy An, TX Sông Cầu và TP Tuy Hòa đã thành lập trên 10 Câu lạc bộ “Biển xanh”, “Phụ nữ hướng về biển, đảo” với trên 200 thành viên tham gia. Các câu lạc bộ ra đời không chỉ giúp chị em trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, thực hiện tốt vai trò hậu phương, tạo nền tảng vững chắc tiếp sức cho chồng, con vươn khơi bám biển, mà còn nâng cao hiểu biết về đường lối, quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Chị Nguyễn Thị Bé, Chủ tịch Hội LHPN phường 6, cho biết: Bên cạnh những mục đích, ý nghĩa đó, Câu lạc bộ “Biển xanh” cũng sẽ triển khai mô hình chị em tương trợ nhau cùng phát triển như góp vốn giúp nhau nâng cấp tàu thuyền, mở rộng quy mô làm ăn; xây dựng quỹ để thăm hỏi động viên lẫn nhau, nhất là đối với những chị em có chồng, con gặp ốm đau hay rủi ro hoạn nạn trên đường làm ăn.
 
Nghề đi biển luôn nguy hiểm, bất trắc đã làm cho phụ nữ các làng biển ngày càng cứng cỏi, vững vàng hơn trong vai trò “hậu phương”. Họ rất cần được tiếp sức để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống trong cuộc mưu sinh còn lắm nhọc nhằn này.
 
Theo NGỌC QUỲNH, http://www.baophuyen.com.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 21

Tổng lượt truy cập: 5,329,373

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây