Hỗ trợ địa phương và doanh nghiệp tiếp cận nhanh tiến trình chuyển đổi xanh
Thứ tư - 06/11/2024 10:58
51
0
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 4/11, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Tham gia thảo luận, đại biểu Lê Đào An Xuân, Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên bày tỏ quan tâm tới các định hướng tăng trưởng xanh. Đại biểu cho biết, trong bài phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị Trung ương 10 vừa qua cho thấy, trong 8 vấn đề lớn về phương hướng giải pháp chiến lược nêu tại dự thảo văn kiện, nội dung chuyển đổi xanh được xác định là một trong những động lực chính cho phát triển.
Đại biểu nhấn mạnh, ở góc độ trung ương đã xác định rõ các mục tiêu, chỉ tiêu về định hướng xanh. Tuy nhiên ở cấp độ địa phương và cấp độ doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng trưởng xanh dường như vẫn là một xu hướng của tương lai.
Đại biểu Lê Đào An Xuân nêu một số khó khăn gặp phải như: nhận thức về tăng trưởng xanh chuyển đổi xanh chưa đồng đều; có sự xung đột, hoặc trùng lặp nhau khi triển khai các chiến lược có liên quan đến xanh như là chiến lược phát triển bền vững, chiến lược ứng phó biến đổi khí hậu, chiến lược tăng trưởng xanh… gây bối rối cho các địa phương khi thực hiện dẫn đến dàn trải, thiếu trọng tâm; nguồn lực thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh chưa rõ ràng, phần lớn là lồng ghép hoặc từ các nguồn tài trợ; doanh nghiệp vừa nhỏ và siêu nhỏ chưa tiếp cận được các thông tin, chưa nhận được các hỗ trợ cụ thể để chuyển đổi xanh.
Để các địa phương và doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với tiến trình chuyển đổi xanh, đại biểu kiến nghị: Thứ nhất, phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt của nhà nước trong chuyển đổi xanh thông qua các quy định về Mua sắm công xanh. Sớm ban hành các quy định về mua sắm công xanh trong năm 2025.
Trước mắt ưu tiên xây dựng quy định tỉ lệ chi tiêu cho mua sắm công xanh trong tổng chi mua sắm công, ưu tiên triển khai cho một số nhóm sản phẩm công xanh như: tỉ lệ bắt buộc mua sắm các loại xe công phải sử dụng nhiên liệu sạch, bắt buộc mua sắm các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, bắt buộc xây dựng công trình xanh khi xây mới các trụ sở. Thứ hai, Chính phủ cần khẩn trương rà soát, xây dựng các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về chuyển đổi xanh trên từng ngành, lĩnh vực. Đồng thời, xây dựng đầy đủ các quy định pháp luật để đảm bảo việc hỗ trợ, khuyến khích áp dụng cũng như thực thi, kiểm soát, giám sát việc tuân thủ. Đây là bước đầu để xác định sản phẩm, doanh nghiệp đã “xanh” hay chưa. Thứ ba, tranh thủ các nguồn lực, bởi hiện nay việc thực hiện chuyển đổi xanh ở các địa phương chủ yếu dựa trên hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ. Trong bối cảnh chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng hệ thống tín dụng xanh, tài chính xanh, thì việc tận dụng các nguồn vốn viện trợ, tài trợ là rất cần thiết. Tuy nhiên, thủ tục để tiếp nhận các nguồn lực này hiện khá phức tạp.
Có những dự án tài trợ thí điểm trong lĩnh vực sản xuất nhỏ, ở quy mô cấp xã, huyện nhưng thủ tục không khác gì dự án có quy mô cấp tỉnh. Do vậy, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nghị định liên quan đến sử dụng vốn viện trợ, hỗ trợ để tạo điều kiện cho các địa phương khai thác tốt nguồn lực phục vụ chuyển đổi xanh.