LUẬT PHÁP, CHÍNH SÁCH: Tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Tài liệu giới thiệu nội dung cơ bản Luật Tố cáo năm 2018 (SỐ 25/2018/QH14) 

  •   Thứ ba - 09/10/2018 08:18
  •   1928
  •  0
 

Luật Tố cáo năm 2018 (số 25/2018/QH14) được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 12/6/2018 tại kỳ họp thứ 5, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019.

Luật có 09 chương, 67 điều, tăng 1 chương và 17 Điều so với Luật Tố cáo năm 2011. Luật Tố cáo năm 2018 đã cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người (khoản 1 Điều 30 Hiến pháp năm 2013). Đồng thời đảm bảo phù hợp với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản pháp luật có liên quan.

1. Những điểm mới của Luật Tố cáo năm 2018:
- Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo
+ Đối với người tố cáo: bố sung quyền rút tố cáo và bổ sung nghĩa vụ hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu. (Điều 9)
+ Đối với người bị tố cáo: Bổ sung quyền được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Bổ sung nghĩa vụ có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo (Điều 10)
+ Đối với người giải quyết tố cáo: Bổ sung quyền và nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo (yêu cầu người bị tố cáo đến làm việc; thông báo cho người tố cáo về việc thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo, việc chuyển vụ việc tố cáo đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo, kết luận nội dung tố cáo; thông báo cho người bị tố cáo về nội dung tố cáo, gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; gửi kết luận nội dung tố cáo cho người bị tố cáo) (Điều 11)

- Giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ
Về nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo: Luật Tố cáo 2018 bổ sung thêm một số nguyên tắc: tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; tố cáo đối với cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tố chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách; tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã bị giải thể; tố cáo cơ quan, tố chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ (Điều 12).
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo: bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan hành chính nhà nước (Điều 13). Bổ sung thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong cơ quan khác của Nhà nước (Điều 14, 15, 16, 17 Luật tố cáo 2018)
Luật cũng quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập (Điều 18) và thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệrn vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước (Điều 19). Luật cũng giao Cơ quan trung ương của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội (Điều 20).

- Về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo
Giảm thời gian xử lý ban đầu thông tin tố cáo: Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm vào sổ, phân loại, xử lý ban đầu thông tin tố cáo, kiểm tra, xác minh. Trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn này có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc (Điều 24). (Luật Tố cáo 2011 quy định trong thời hạn 10 ngày … có thể dài hơn nhưng không quá 15 ngày).

- Về trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo
+ Nếu như Luật Tố cáo năm 2011 quy định trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bắt đầu từ khâu tiếp nhận tố cáo thì Luật Tố cáo năm 2018 quy định trình tự, thủ tục này bắt đầu từ khâu thụ lý tố cáo. 
+ Bổ sung quy định về điều kiện thụ lý tố cáo (Khoản 1 Điều 29); 
+ Bổ sung nội dung: Kết thúc việc xác minh nội dung tố cáo, người được giao xác minh phải có văn bản báo cáo người giải quyết tố cáo về kết quả xác minh nội dung tố cáo và kiến nghị biện pháp xử lý..
+ Sửa đổi quy định về thời hạn giải quyết tố cáo. Theo đó, thời hạn giải quyết tố cáo là không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo. Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyêt tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày. Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày. 
+ Bổ sung quy định về rút tố cáo (Điều 33).
+ Bổ sung quy định về tạm đình chỉ giải quyết tố cáo, đình chỉ việc giải quyết tố cáo. Theo đó, Luật quy định cụ thể các căn cứ đế tạm đình chỉ hoặc đình chỉ (Điều 34).
+ Quy định cụ thể về việc tố cáo tiếp, việc xử lý đối vói tố cáo tiếp và các căn cứ để giải quyết lại vụ việc tố cáo (Điều 37). Bên cạnh đó, Luật quy định về việc giải quyết tố cáo trong trường hợp vụ việc quá thời hạn quy định mà không được giải quyết (Điều 38).

- Trách nhiệm tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo
Luật đã bổ sung Chương V về tổ chức thực hiện kết luận nội dung tố cáo, trong đó quy định về trách nhiệm của người giải quyết tố cáo; trách nhiệm của người bị tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tô chức, cá nhân có liên quan trong việc thực hiện kết luận nội dung tố cáo (từ Điều 44 đến Điều 46).

- Bảo vệ người tố cáo
Luật Tố cáo năm 2018 đã dành một chương (Chương VI) quy định về bảo vệ người tố cáo. Theo đó, Luật quy định cụ thể các vấn đề cơ bản như: Người được bảo vệ, bao gồm: người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (Điều 47); phạm vi bảo vệ, bao gồm: bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ (Điều 47); Bổ sung nội dung quy định về biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, tài sản, danh dự, nhân phẩm (đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn; yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm).

2. Những quy định liên quan đến trách nhiệm của tổ chức Hội
Luật quy định rõ trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội: “tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quản lý công tác giải quyết tố cáo; hằng năm gửi báo cáo về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức mình đến Chính phủ để tổng hợp báo cáo Quốc hội.

Tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, quản lý công tác giải quyết tố cáo; hằng năm gửi báo cáo về công tác giải quyết tố cáo trong phạm vi quản lý của cơ quan, tổ chức mình đến Ủy ban nhân dân cùng cấp để tổng hợp báo cáo Hội đồng nhân dân.

Căn cứ vào Luật này, cơ quan có thẩm quyền của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo trong phạm vi cơ quan, tổ chức mình phù hợp với đặc thù tổ chức, hoạt động của cơ quan, tổ chức mình” (Điều 60).

BAN CHÍNH SÁCH – LUẬT PHÁP

Nguồn tin: hoilhpn.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 11

Tổng lượt truy cập: 5,406,591

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây