Người Phụ nữ vượt khó khởi nghiệp - Khởi nghiệp không phải là ước mơ xa vời
Thứ hai - 14/11/2022 15:46
195
0
Chị Lương Thị Huỳnh Triểm là hội viên Chi hội Phụ nữ thôn Phước Thành Nam, xã Hòa Phong, huyện Tây Hòa. Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bản thân chị từ bé đã biết tự lập, phụ giúp công việc gia đình, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ, thấu hiểu sự vất vả, công việc nặng nhọc ảnh hưởng đến sức khỏe mà bố mẹ phải gồng gánh vì con cái, từ đó chị luôn ấp ủ niềm hy vọng sau này có công việc ổn định lo cho gia đình có cuộc sống ấm no, đầy đủ, mong muốn các thành viên trong gia đình luôn có sức khỏe tốt. Đến khi lớn lên lập gia đình, kinh tế ổn định hơn, với mong muốn từ thuở bé, chị quyết tâm thực hiện, chị chọn các loại hạt được trồng tại địa phương xay làm bột ngũ cốc cho gia đình sử dụng. Khi uống bột ngũ cốc từ các loại đậu này cảm thấy mùi vị rất ngon, sức khỏe các thành viên trong gia đình cải thiện. Nhận thấy hiệu quả, chị tiếp tục làm nhiều lần nữa, mỗi lần như vậy có bổ sung các loại hạt để tăng chất lượng và thay đổi mùi vị của bột. Bột ngũ cốc chị Triểm làm thủ công, thơm ngon, được chị Triểm chia sẻ với người thân, bạn bè và nhiều người dân địa phương dùng thử, được nhiều người khen và nhu cầu sử dụng ngày càng nhiều.
Với sự góp ý, động viên của gia đình, người thân và nhờ tham gia các buổi truyền thông về thực hiện Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; các lớp tập huấn dành cho Phụ nữ có ý tưởng khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh, sự hỗ trợ vay vốn của Hội LHPN các cấp, với sự tự tin, niềm đam mê kinh doanh, sự khát khao đổi đời, chị đã tìm tòi nghiên cứu, học hỏi và quyết định chọn bột ngũ cốc là sản phẩm khởi nghiệp, chị cố gắng thực hiện và theo đuỗi niềm đam mê, phát triển kinh tế, tăng thu nhập, nâng cao sức khỏe, cải thiện cuộc sống gia đình, từ những suy nghĩ đó chị đã đi sâu vào tìm hiểu thành phần dinh dưỡng trong các loại hạt và quy trình làm như thế nào, với sự nổ lực, cố gắng ko ngừng, chị đã thành công ngoài sự mong đợi, hiện tại chị là chủ cơ sở sản xuất Bột ngũ cốc Faimy 9.
Khoảng giữa năm 2017, chị làm mẻ bột khoảng 100kg với 9 loại hạt ngũ cốc và bán hết trong thời gian ngắn. Từ những thành công ban đầu, chị Triểm đã mạnh dạn đầu tư hơn 100 triệu đồng để mua thiết bị, máy móc như máy xay, nghiền bột, máy rang, bóc hạt… Chị Triểm còn đầu tư thiết kế bao bì sản phẩm, đăng ký nhãn hiệu “Bột ngũ cốc Faimy 9”, đăng ký mã vạch, hoàn thành các thủ tục pháp lý, kiểm định chất lượng sản phẩm… để đảm bảo sản phẩm được lưu thông trên thị trường, tạo sự tin tưởng cho người tiêu dùng. Từ 9 loại hạt gồm: đậu nành, đậu xanh, gạo lứt, yến mạch, bắp, hạt sen…, để cho ra đời sản phẩm đầu tay “Bột ngũ cốc FaiMy 9”, đến 2021 chị cho ra đời thêm 5 dòng sản phẩm: Bột ngũ cốc dinh dưỡng FaiMy 9, Bột ăn dặm FaiMy 9, Cháo hạt vỡ FaiMy 9, Ngũ cốc cho mẹ bầu FaiMy 9, Ngũ cốc ăn kiêng FaiMy 9, và bột ngũ cốc với 17 loại hạt.
Nhận thức được sự cần thiết và tầm quan trọng của vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ngay từ đầu chị đã triển khai nghiêm túc việc đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP tại cơ sở sản xuất để đáp ứng điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm như: Bảo quản, sơ chế các loại đậu, máy móc và các loại bao bì đóng gói đúng quy định. Sản phẩm không sử dụng chất bảo quản nên các loại hạt đậu phải được chọn lọc thật kỹ, làm sạch qua nhiều công đoạn trước khi tạo bột.
Nguyên liệu hạt đều được cơ sở mua từ các hộ nông dân của các địa phương trong tỉnh, hoặc tự trồng. Bột ngũ cốc của cơ sở chị Triểm tích cực tham gia trưng bày tại các hội chợ triển lãm tổ chức tại huyện Tây Hòa, tham gia chương trình kết nối cung cầu do các sở, ngành tổ chức. Nhờ đó, lượng khách hàng ngày càng nhiều hơn và sản lượng bột ngũ cốc làm ra cũng liên tục tăng. Sản phẩm Bột ngũ cốc Faimy 9 cũng có mặt tại các cửa hàng, siêu thị uy tín. Đặc biệt, một số khách hàng từ việc tin dùng sản phẩm đã trở thành những đại lý bán hàng lớn, nhỏ ở các tỉnh, thành miền Trung, miền Nam. Bình quân mỗi tháng cơ sở chế biến và bán ra thị trường khoảng 400kg bột thành phẩm với giá từ 160.000 - 452.000 đồng/kg. Thu nhập bình quân hàng năm của chị đã trừ các chi phí là 200 triệu đồng/ năm. Cơ sở sản xuất của chị còn giúp giải quyết việc làm cho 3 lao động nữ tại địa phương có thu nhập kinh tế và việc làm ổn định.
Bản thân chị luôn học hỏi từ các bạn bè trong và ngoài tỉnh, cũng như từ công nghệ thông tin để trau dồi thêm kiến thức về dinh dưỡng từ các loại hạt để làm thế nào cho ra sản phẩm ngày càng chất lượng hơn, có uy tín và phù hợp với người tiêu dùng hơn. Thành công nối tiếp thành công, năm 2021 sản phẩm “Bột ngũ cốc Faimy 9” được công nhận là Sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Đầu năm 2022 có 3 sản phẩm đạt OCOP đó là: Bột ngũ cốc 17 hạt, Bột ăn dặm và cháo hạt vỡ.
Không chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế, chị còn tập trung chăm lo, xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi con khỏe, dạy con ngoan và bản thân chị luôn nhiệt tình với các phong trào của thôn, của Hội phụ nữ, luôn vận động các thành viên trong gia đình, bà con trong xóm chấp hành các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà Nước, hương ước thôn. Từ những đóng góp đó, gia đình chị được công nhận là gia đình văn hoá tiêu biểu nhiều năm liền ở thôn và được Uỷ ban nhân dân xã công nhận là Gia đình văn hoá tiêu biểu. Bản thân chị luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như tham gia sinh hoạt chi hội phụ nữ, tham gia làm vệ sinh đường làng ngõ xóm và công tác từ thiện do Hội LHPN xã tổ chức, luôn tuyên truyền vận động mọi người tích cực tham gia đóng góp ủng hộ để giúp đỡ cho những hoàn cảnh đặc biết khó khăn trong cuộc sống.
Với những kết quả trên, chị đã được Hội LHPN các cấp biểu dương, khen thưởng và gần đây nhất chị đã rất vinh dự nhận được Bằng khen của Đoàn Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tại Hội nghị Sơ kết Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” giai đoạn 2017 - 2027 và Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2017 – 2025.