Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

  •   Thứ hai - 22/05/2017 13:59
  •   2334
  •  0

Hôm nay ngày 19/5/2017, tại Khu di tích Nhà thờ Bác Hồ (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh long trọng tổ chức mit tinh kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2017) để tưởng nhớ người cha già vĩ đại của dân tộc. Trong giờ phút thiêng liêng đầy xúc động này, chúng ta thành kính tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, người cha thân yêu của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, là anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, người đã suốt đời phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Trước khi đi xa, Người đã để lại cho Đảng ta, nhân dân ta một di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ mãi mãi tỏa sáng, là kim chỉ nam cho mọi hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân ta.

Đồng chí Huỳnh Tấn Việt đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm - Ảnh: MINH NGUYỆT
 

Thực hiện Di chúc của Người “Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay”, từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đảng ta đã luôn kiên định Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giành được những thắng lợi to lớn. Có thể khẳng định, sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, toàn diện và có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu đó chứng tỏ đường lối đổi mới do Đảng ta đề ra là đúng đắn, sáng tạo và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta do Bác Hồ, Đảng ta và nhân dân ta lựa chọn là phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam...

Ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, hưởng thọ 79 tuổi. Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9/9/1969 nêu rõ: “Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng đã để lại cho chúng ta những di sản tinh thần vô giá, đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người. Quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của đường lối chính trị, tư tưởng, đạo đức, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh. Đại hội toàn quốc lần thứ VII, Đảng ta đã trân trọng ghi vào Cương lĩnh và Điều lệ của mình: “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”.

Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta làm nên những thành tựu hết sức kỳ diệu, đó là: thực hiện thắng lợi sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước ta trở thành một nước độc lập, thống nhất, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng được một đảng cộng sản kiên định, mang bản chất giai cấp công nhân, đại diện cho lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam; một nhà nước của dân, do dân, vì dân với nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng được lực lượng vũ trang cách mạng, trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội; một Mặt trận Dân tộc thống nhất tiêu biểu cho sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. “Việt Nam - Hồ Chí Minh” thật sự đã trở thành biểu tượng của niềm tin, ý chí, lương tâm và phẩm giá của dân tộc Việt Nam và nhân loại trên toàn thế giới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại những di sản vô giá cho Đảng ta, nhân dân ta, mà còn để lại cho nhân dân thế giới, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế tinh thần dân tộc và tinh hoa văn hóa của thời đại mang tính nhân văn sâu sắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa truyền thống văn hóa cổ - kim, đông - tây, đặc biệt là tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin - đỉnh cao tư tưởng nhân văn của nhân loại, nhờ đó đã kết tinh ở Người những giá trị văn hóa vừa dân tộc, vừa hiện đại, vừa nhân văn. Là chiến sĩ tiên phong của nền văn học - nghệ thuật, báo chí cách mạng, đấu tranh cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cho công bằng, tình thương và lẽ phải trên thế giới. Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Người được tỏa sáng trong từng việc làm, từng cử chỉ, từng mối quan hệ với đồng chí, đồng bào và bạn bè quốc tế. Điểm cốt lõi trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh là lòng yêu nước, thương dân, thương yêu con người và niềm tin đối với con người hết sức bao la, sâu sắc, tất cả vì con người, tất cả do con người. Đó là một nhân sinh quan, một triết lý sống rất nhân văn, là đạo đức cách mạng của người cộng sản. Người quan niệm: “Nghĩ cho cùng... mọi vấn đề là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại...”. Chính vì vậy, suốt cuộc đời, Người đã đấu tranh chống áp bức, bất công, đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân, cho dân tộc, cho nhân loại. Như vậy, Hồ Chí Minh không chỉ là một nhà tư tưởng lỗi lạc, mà còn là một nhà hoạt động thực tiễn đầy tài năng; không chỉ là một nhà chính trị vĩ đại, mà còn là nhà văn hóa kiệt xuất. Ngay từ năm 1923, nhà thơ Nga O-xíp Man-đen-xtan đã nhận xét rằng: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một nền văn hóa, không phải là văn hóa châu Âu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai”.

Với những cống hiến xuất sắc cho dân tộc và nhân loại, Đại Hội đồng UNESCO (tháng 11/1987) đã thông qua Nghị quyết về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Nghị quyết nêu rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội...”; “những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam; và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc”. Đây chính là sự ghi nhận của một tổ chức quốc tế lớn thuộc Liên Hợp Quốc về những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc đấu tranh chung của dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; đồng thời là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam và của cả bạn bè quốc tế...

Ở Phú Yên, từ tháng 10/1930 sau khi thành lập được chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên thì ảnh hưởng của Đảng đã lan rộng nhanh chóng trong toàn tỉnh. Tổ chức Đảng không ngừng lớn mạnh và đã lãnh đạo giành chính quyền toàn tỉnh trong Cách mạng Tháng Tám và sau đó cùng cả nước tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đầy hy sinh gian khổ. Đảng bộ và nhân dân Phú Yên đã một lòng đi theo ngọn cờ của Đảng và Bác Hồ, cùng với cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố bạn, Đảng bộ và nhân dân Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, tự lực tự cường, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh phát triển sản xuất, ổn định đời sống, từng bước vươn lên giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... Nền kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định và tăng trưởng khá; các kết cấu hạ tầng quan trọng ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Văn hóa - xã hội nhiều mặt phát triển, quốc phòng - an ninh ngày càng được củng cố và tăng cường, đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới, khởi sắc hơn. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt nhiều tiến bộ.

Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là thời điểm tỉnh ta vừa tổ chức sơ kết một năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và sơ kết 3 năm thực hiện Kế hoạch 68 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai mô hình “Cơ quan, đơn vị giúp đỡ xã, thôn (buôn) khó khăn và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức giúp đỡ hộ nghèo”. Kết quả qua triển khai thực hiện cho thấy, việc học tập và làm theo gương Bác đã trở thành công việc thường xuyên của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Nhiều mô hình, hoạt động, cách làm hay, thiết thực, sáng tạo, phong phú trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, qua đó góp phần thúc đẩy việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Chúng ta khẳng định rằng, thực hiện tốt việc học tập và làm theo gương Bác chính là sự thể hiện quyết tâm kế tục sự nghiệp và bày tỏ tấm lòng biết ơn của chúng ta đối với Bác Hồ kính yêu.

Kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để chúng ta thành kính tưởng nhớ Người, cùng nhau ôn lại thân thế và sự nghiệp của Người, nguyện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong niềm phấn khởi, tin tưởng trước những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Yên tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; xây dựng và phát triển quê hương Phú Yên ngày càng văn minh, giàu đẹp, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.

------------------------------

* Tựa đề do tòa soạn đặt

 

Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 24

Tổng lượt truy cập: 5,086,795

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây