Những phụ nữ góp sức xây dựng thôn, buôn

  •   Thứ ba - 05/09/2017 11:12
  •   1844
  •  0
Những phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) này không chỉ vượt khó nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, làm kinh tế giỏi mà còn tích cực trong công tác Hội, góp sức xây dựng cuộc sống mới yên vui, no ấm ở các buôn làng. Các chị em vừa được Hội LHPN tỉnh biểu dương khen thưởng tại hội nghị biểu dương phụ nữ DTTS tiêu biểu trên các lĩnh vực trong giai đoạn 2014-2017.
 
Làm kinh tế giỏi

Ho Thiet (1)Ở thôn 3, xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) nhiều người biết chị Ksor Hờ Thiết, người DTTS Ba Na điển hình làm kinh tế giỏi, xây dựng “gia đình 5 không, 3 sạch” nơi đây.
Hơn 20 năm trước, gia đình chị Ksor Hờ Thiết cũng khó khăn như nhiều bà con khác trong xã. Để có cái ăn, cái mặc và nuôi con, chị Ksor Hờ Thiết đã cùng chồng - anh Niê Y Nẽng, một người đàn ông người DTTS Ê Đê siêng năng, chăm chỉ khai hoang đất rẫy rừng trồng bắp, sắn, đậu… Nhớ lại những năm tháng khó khăn, chị Ksor Hờ Thiết tâm sự: “Hồi đó, cha mẹ hai bên đều nghèo, không có tài sản để cho con cái. Vì thế, vợ chồng tôi sau khi cưới nhau phải tự làm ăn, xoay xở”. Bằng sự cần cù, chịu khó với quyết tâm xóa đói giảm nghèo, vợ chồng chị Ksor Hờ Thiết ngày càng tạo lập được cuộc sống mới no đủ, khá giả.
Từ việc khai hoang đất rừng, tích góp tiền mua thêm đất trồng trọt, đến nay tổng diện tích đất sản xuất của gia đình chị gần đến 10 ha. Hai vợ chồng chị còn dành dụm mua được chiếc xe công nông để tiếp tục “đẻ” ra tiền. Hàng năm, vợ chồng chị Ksor Hờ Thiết còn canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ ngô trên diện tích 2 ha ruộng bán ngập, trồng rau chăn nuôi heo, trồng cỏ voi để nuôi trâu, bò. Qua việc sản xuất của gia đình, vợ chồng chị đã tạo công ăn việc làm cho 70 lao động thời vụ tại địa phương. Một năm trừ mọi khoản chi phí, gia đình Ksor Hờ Thiết thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Đó là số tiền lớn với bà con DTTS nơi đây.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, bản thân Ksor Hờ Thiết còn luôn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, cho chị em trong thôn mượn đất canh tác. Đồng thời, vận động chị em nuôi gia súc thả rong sang nuôi chăn dắt, nuôi nhốt tại thôn. Với sự nỗ lực, cần cù trong phát triển kinh tế và những đóng góp tích cực những phong trào phụ nữ tại địa phương, chị luôn nhận được sự tín nhiệm, yêu mến của bà con trong thôn. Nhiều năm liền gia đình chị đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, chị còn là Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã 12 năm liền từ năm 2005- 2017; là phụ nữ DTTS tiêu biểu các phong trào ở địa phương, thực hiện tốt các phong trào do Hội LHPN các cấp phát động.
Vượt khó nuôi con
chị Vuon (1)“Hồi ấy, cuộc sống ở Lạng Sơn quá khó khăn nên gia đình tôi quyết định chuyển vào thôn Lạc Đạo, xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa lập nghiệp”, chị Liễu Thị Vườn, 44 tuổi, một phụ nữ người dân tộc Tày bắt đầu câu chuyện với chúng tôi về những ngày tháng di cư bôn ba của gia đình. Đói, nghèo, bệnh tật là những gì mà chị và người thân thấm thía trong những ngày đầu định cư trên vùng đất mới. Cuộc sống khó khăn cộng với lao lực, chồng chị lâm trọng bệnh, mặc dù chị đã cố công vay mượn tiền đưa chồng đi chữa trị khắp nơi, nhưng vì bệnh tình quá nặng, anh không qua khỏi. Năm 2010, chồng chị Vườn qua đời để lại bao nỗi khó khăn cùng với hai con thơ dại. Ngày ấy, đứa con nhỏ của chị mới học mẫu giáo còn đứa con lớn mới bước vào lớp 5. Dù rất đau buồn, hoang mang nhưng chị Vườn không thể mãi ôm nỗi buồn mà buông xuôi, khi chị là chỗ dựa duy nhất của hai con và còn trách nhiệm phụng dưỡng mẹ chồng. Từ nỗi trăn trở làm sao để các con được ăn học, hàng ngày ngoài việc đồng áng, ruộng vườn, chị Vườn còn bươn chải làm đủ mọi việc để cải thiện đời sống kinh tế gia đình.
Nhờ được sự giúp đỡ của cấp uỷ, chính quyền địa phương, Chi hội Phụ nữ thôn Lạc Đạo, gia đình nội ngoại hai bên, chị Vườn dần vượt qua khó khăn để gầy dựng cuộc sống mới. Với diện tích 1,4 ha đất vườn, chị bắt tay vào trồng cây sắn với năng suất 105 tấn/ha, mỗi năm thu lãi trên 52 triệu đồng. Chị còn vay vốn Ngân hàng CSXH để đầu tư sản xuất, chăn nuôi gà để tăng thêm nguồn thu cho gia đình. Từ những nỗ lực ấy cùng với sự tích góp tằn tiện, đời sống của mẹ con chị ngày càng cải thiện, chị có thể mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy, có điều kiện cho con ăn học…
Tuy hàng ngày tất bật với công việc làm ăn, nhưng chị luôn quan tâm đến việc học hành, nuôi dạy các con nên người. “Tôi vừa làm mẹ, nhưng cũng vừa đóng vai trò người cha, dù yêu thương con nhưng tôi cũng phải nghiêm khắc mỗi khi các con mắc lỗi. Tôi luôn chọn cách nói mềm mỏng để dạy dỗ, uốn nắn nhắc nhở để con nhận ra đúng sai để sửa đổi”. Thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của mẹ, các con chị mỗi ngày một chăm ngoan, học giỏi, hiếu thảo. Người con lớn hiện nay đang học lớp 12, người con nhỏ đang học cấp 1.
            Dù cuộc sống gia đình còn nhiều vất vả, nhưng chị vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động của thôn, của chi hội phụ nữ phát động, tích cực đóng góp Quỹ “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo, ủng hộ làm đường bê tông nông thôn, tham gia CLB “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, các phong trào văn hoá, văn nghệ của thôn. Gia đình chị luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách  của Đảng, Nhà nước, các nghĩa vụ công dân ở địa phương, thực hiện tốt các quy ước, hương ước của thôn.
Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Thành Tây Lương Thị Hồng Na cho biết: Chị Vườn là một phụ nữ DYTS không chỉ tiêu biểu cho nghị lực vượt khó vươn lên, mà còn hăng hái tham gia công tác xã hội, góp phần tích cực cho sự phát triển của phong trào phụ nữ xã Sơn Thành Tây. Bản thân chị hàng năm đều đạt 3 tiêu chuẩn của phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, được Hội LHPN xã biểu dương, khen thưởng.
Cán bộ Hội nhiệt tình
Ho kham (1)Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Hội (huyện Phú Hòa) Nguyễn Thị Hải nói về chị Hờ Kham, người DTTS Chăm Hơ Roi, Chi hội trưởng Phụ nữ buôn Hố Hầm: Trong những năm qua, phụ nữ nói riêng và người dân DTTS ở buôn Hố Hầm đã phát huy tinh thần đoàn kết, tích cực chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Kết quả đó có được một phần nhờ sự đóng góp của chị Hờ Kham.
Gần 10 năm tham gia công tác Hội, Hờ Kham luôn được chị em trong buôn yêu mến bởi sự tận tâm, nhiệt tình với công tác Hội. Chị luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng chị em, vận động chị em xây dựng tình đoàn kết thân ái, giúp đỡ lẫn nhau lúc tắt lửa tối đèn, tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Chi Hội Phụ nữ buôn Hố Hầm còn xây dựng mô hình giúp đỡ hội viên phụ nữ trong buôn tìm hiểu luật pháp chính sách. Qua đó, chi hội đã tổ chức tuyên truyền về Hiến pháp năm 2013, các bộ luật liên quan đến phụ nữ; nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch gắn với việc học tập và làm theo gương Bác… Ngoài ra, Hờ Kham còn phối hợp với Ban công tác Mặt trận buôn và già làng tuyên truyền, vận động người dân nói chung, phụ nữ nói riêng giữ gìn, phát huy những giá trị, phong tục, bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc như: trống đôi, cồng 3 chiên 5; lễ cúng mừng lúa mới; vận động bà con tham gia hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu dân cư, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, không phù hợp như việc thách cưới, ma chay, mê tín dị đoan. Qua đó, góp phần giữ vững danh hiệu buôn văn hóa 5 năm liền.
Để nâng cao đời sông cho chị em trong buôn, Hờ Kham làm cầu nối cho chị em vay vốn làm ăn, giúp nhau giảm nghèo bền vững. Chị phấn khởi cho hay: Hiện tại, trong buôn có 85 hộ vay vốn phát triển kinh tế với tổng dư nợ trên 1,6 tỉ đồng. Ngoài ra, chị em còn tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng mía, trồng sắn, chăn nuôi bò sinh sản… để biết cách trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Chi hội Phụ nữ buôn còn thường xuyên tổ chức gặp gỡ, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm với Chi hội phụ nữ người Kinh trong xã để giúp chị em có thêm kinh nghiệm làm kinh tế, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Từ những nỗ lực của Hờ Kham và chi hội, đến nay cả buôn Hố Hầm chỉ còn 10 hộ phụ nữ nghèo, giảm 41 hộ so với năm 2014. Với Hờ Kham, đây chính là niềm vui không nhỏ khi bản thân chị đóng góp một phần công sức giúp cho đời sống của phụ nữ buôn ngày một phát triển, buôn làng ngày càng yên vui, no ấm.
NGỌC DUNG

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 12

Tổng lượt truy cập: 5,335,045

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây