ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN Hội Người cao tuổi Việt Nam 25 năm xây dựng và phát triển (10/5/1995 - 10/5/2020)

  •   Thứ ba - 25/02/2020 10:28
  •   1744
  •  0

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN

Hội Người cao tuổi Việt Nam 25 năm xây dựng và phát triển

(10/5/1995 - 10/5/2020)
 
 Kế thừa Hội Phụ lão cứu quốc, Hội Bảo thọ, Hội Vui tuổi già, Quĩ Thọ… đã hình thành và phát triển ở cơ sở trong cả nước, ngày 10 tháng 5 năm 1995, Hội Người cao tuổi (NCT) Việt Nam được thành lập, đã trở thành mốc son lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển tổ chức Hội.
Trải qua 25 năm, với 5 nhiệm kì Đại hội, Hội NCT Việt Nam được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các Bộ, ban, ngành, đoàn thể các cấp, tổ chức Hội NCT các cấp từng bước phát triển, luôn làm nòng cốt trong chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi cùng cả nước đi lên trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Có tổ chức Hội như hiện nay, các thế hệ NCT Việt Nam đã trải qua các thời kỳ: Thời kỳ vận động thành lập hội; hoạt động của Hội qua các nhiệm kỳ, đã khẳng định vai trò của tổ chức Hội,cống hiến của đội ngũ cán bộ Hội các cấp trong 25 năm qua với công tác NCT.
I. THỜI KÌ VẬN ĐỘNG THÀNH LẬP HỘI
1. Hội Phụ lão cứu quốc, tổ chức tiền thân của Hội Người cao tuổi Việt Nam:
“Trọng lão” là truyền thống của dân tộc Việt Nam, ghi nhận công lao đóng góp của lớp người cao tuổi với gia đình và xã hội; thể hiện lòng biết ơn của thế hệ sau với thế hệ trước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” trọng nhân nghĩa của nhân dân ta.
Điển hình của truyền thống “Trọng lão” trong lịch sử dân tộc là cuộc tập hợp các cụ phụ lão tại Điện Diên Hồng, Nhà Trần tổ chức năm 1284 để hỏi ý kiến các cụ nên “đánh” hay “hoà” khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ 2; tầng lớp phụ lão trong cả nước, tiêu biểu cho ý chí của nhân dân đã khẳng định quyết tâm chiến đấu, giúp Triều đình Nhà Trần vững vàng lãnh đạo, tổ chức kháng chiến chống quân xâm lược, giành thắng lợi.
Sự kiện lịch sử “Hội nghị Diên Hồng” được đồng chí Nguyễn Ái Quốc trân trọng, chỉ rõ vị trí, vai trò to lớn của lớp NCT đối với nhiệm vụ cách mạng, ngay từ những ngày đầu về nước, trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. Tháng 6 năm 1941, Người viết thư gửi các cụ phụ lão trong cả nước, khẳng định:“Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức.Nước bị mất, phụ lão cứu.Nước suy sụp phụ lão phù trì.Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề...Nước nhà lo,các cụ cùng phải lo.Nước nhà vui,các cụ đều cùng được vui”. Người cho rằng, đoàn kết NCT trong một tổ chức là một yêu cầu cấp thiết. Do đó, ngày 21/9/1945, trong bộn bề công việc của những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng, với cương vị là Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Người gửi thư tới các cụ phụ lão kêu gọi:“Chúng ta là bậc phụ lão,cần phải tinh thần đoàn kết trước để làm gương cho con cháu ta. Vậy tôi mong các vị phụ lão ở Hà Thành ra xung phong tổ chức“Phụ lão cứu quốc Hội”để cho các phụ lão cả nước bắt chước và để hùn sức giữ  gìn nền độc lập của nước nhà”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Phụ lão cứu quốc đã được tổ chức ở các địa phương trong cả nước để góp phần tích cực toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiến hành kháng chiến chống thực dân xâm lược thắng lợi và thực hiện nhiệm vụ kiến quốc.
Sau ngày 30/4/1975, đất nước đã hoàn toàn thống nhất; NCT cả nước hăng hái tham gia thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Hội Phụ lão cứu quốc ở các địa phương đã chuyển sang những hình thức mới, như: “Hội thọ”,“Quỹ thọ”… để có điều kiện thực hiện các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò NCT, hoạt động tình nghĩa, quan tâm giúp đỡ lẫn nhau lúc ốm đau, hoạn nạn; tổ chức chúc, mừng thọ, lo toan lễ tang chu đáo cho NCT khi qua đời; đem lại hiệu quả thiết thực, đoàn kết gắn bó tầng lớp NCT trong từng địa phương, cơ sở; góp phần tạo nên cuộc sống ấm áp trong tình làng nghĩa xóm, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Sang thời kỳ đổi mới, thực hiện CNH, HĐH đất nước, với mục tiêu “Dân giầu, nước mạnh, xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, NCT cả nước có nhu cầu tập hợp, đoàn kết NCT trong một tổ chức để được đóng góp tài lực, kinh nghiệm vào sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc tạo nên tính cấp thiết tiến tới thành lập Hội.
2. Quá trình vận động thành lập, Đại hội thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam:
Đáp ứng nguyện vọng của NCT trong cả nước, theo sáng kiến của một số vị lão thành cách mạng, Viện Lão khoa Việt Nam, sự chỉ đạo của đồng chí Vũ Oanh - Uỷ viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Dân vận, Ban Dân vận TW, đầu năm 1993, cuộc Hội thảo về xây dựng hệ thống tổ chức của NCT trong cả nước được tổ chức tại Hà Nội. Nhiều ý kiến khẳng định: Cần sớm ra đời Hội NCT Việt Nam, xây dựng thành một hệ thống thống nhất trong cả nước để đáp ứng nguyện vọng thiết tha, chính đáng của các thế hệ có nhiều cống hiến cho đất nước, tiếp tục đóng góp cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, là việc có lợi cho đất nước, đã đến lúc chín muồi.
Để thực hiện nguyện vọng trên, Ban Vận động thành lập Hội NCT Việt Nam được hình thành gồm 15 vị: Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch danh dự Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam làm Trưởng ban; Giáo sư, bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Khuê, Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam làm Phó Trưởng ban và 13 Uỷ viên. Thay mặt Ban Vận động, Giáo sư Phạm Khuê đã kí Tờ trình đề nghị Đảng đoàn UBTW MTTQ Việt Nam xem xét, công nhận Ban Vận động thành lập Hội NCT Việt Nam.
Được UBTW MTTQ Việt Nam đồng ý, ngày 27/9/1993, Ban Vận động đã họp phiên thứ nhất để bàn về nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động, các mối quan hệ công tác của Ban Vận động.
Ngày 26/02/1994, Giáo sư Phạm Khuê, thay mặt Ban Vận động báo cáo với lãnh đạo các cơ quan bảo trợ (Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH, UBTW MTTQ Việt Nam), đại diện các cơ quan liên quan (Vụ Đoàn thể Nhân dân, Ban Dân vận TW; Vụ Văn xã, Ban Tổ chức TW Đảng; Vụ Tổ chức, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ), các chuyên viên cao cấp (Văn Phòng TW Đảng, Văn phòng Chính phủ) tham dự Hội nghị về việc chuẩn bị Dự thảo “Điều lệ Hội” “Chương trình hành động của Hội”. Đầu tháng 3/1994, Ban Vận động trình Chính phủ Hồ sơ xin thành lập Hội NCT Việt Nam.
Ngày 24/9/1994, Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh kí Quyết định số 523/TTg, về việc quyết định cho phép thành lập Hội NCT Việt Nam.
Sau khi các công việc chuẩn bị đã hoàn tất, Ban Vận động quyết định triệu tập Đại hội thành lập Hội NCT Việt Nam vào ngày 09/5/1995.
II. CÁC NHIỆM KỲ ĐẠI HỘI HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM  25 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
 25 năm xây dựng và phát triển, Hội Người cao tuổi Việt Nam trải qua 5 nhiệm kì Đại hội:
  1. Nhiệm kì Đại hội I (từ ngày 10/5/1995 - 12/7/2001):

Đại hội thành lập Hội NCT Việt Nam được tổ chức từ ngày 09-10/5/1995 tại thủ đô Hà Nội, với 215 đại biểu. Tổng Bí thư Đỗ Mười đã gửi thư chúc mừng Đại hội thành lập Hội. Các đồng chí: Vũ Oanh, UV BCT, Chủ tịch Hội đồng Công tác quần chúng TW; Nguyễn Khánh, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Quang Đạo, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam đã đến dự và phát biểu ý kiến tại Đại hội. Đại hội đã thông qua “Điều lệ Hội”,“Chương trình hành động toàn khoá”, “Thư gửi NCT Việt Nam”; quyết định lấy ngày 10/05/1995 là Ngày thành lập Hội NCT Việt Nam; bầu BCH Trung ương Hội gồm 73 vị.
Hội nghị BCH Trung ương Hội lần thứ nhất bầu BTV Trung ương Hội gồm 20 vị; bầu Giáo sư, bác sỹ, Nhà giáo Nhân dân Phạm Khuê làm Chủ tịch Hội NCT Việt Nam và 4 Phó Chủ tịch Hội là Trịnh Văn Lễ - kiêm Tổng Thư kí, Ung Ngọc Ky, Tôn Thất Hanh, Nguyễn Phước Đại.
Hội NCT Việt Nam được thành lập đã mở ra thời kì mới trong sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT trên phạm vi cả nước, đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu NCT Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu mới thành lập, Hội NCT Việt Nam được Đảng, Nhà nước quan tâm, hỗ trợ các cấp Hội hoạt động.
 Ngày 27/9/1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị 59/CT- TW về “Chăm sóc NCT”; khẳng định: “Chăm sóc và phát huy tốt NCT là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và đạo đức người Việt Nam, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh”.
 Ngày 27/02/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 117/TTg về “Chăm sóc NCT và hỗ trợ hoạt động cho Hội NCT Việt Nam”; trong đó nêu rõ: “Đảng và Nhà nước ta coi việc quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của NCT là đạo lí của dân tộc, là tình cảm và trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và các cấp chính quyền và đã đề ra nhiều chính sách thể hiện sự quan tâm đó”…
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương Hội, của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ; NCT trong các Hội Phụ lão, Hội Bảo thọ, Quỹ thọ đã tự nguyện cùng dự Đại hội thành lập Hội NCT ở các xã, phường, thị trấn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Hội NCT cơ sở đã được thành lập ở gần 70% xã, phường, thị trấn trong cả nước.
Vào giai đoạn này, Cơ quan TW Hội được hình thành để giúp việc cho BTV, Thường trực TW Hội triển khai nhiệm vụ đến các Hội cơ sở. BTV Trung ương Hội Quyết định thành lập 4 Ban chuyên môn và Văn phòng TW Hội do các đồng chí Uỷ viên Ban Thường vụ kiêm nhiệm phụ trách, sau đó bổ sung chuyên viên từ các bộ, ban, ngành về công tác. Trụ sở, phương tiện làm việc nhờ Viện Lão khoa giúp đỡ và được bổ sung dần phương tiện làm việc, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Báo Người cao tuổi, sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, đã được thành lập và phát hành số báo đầu tiên vào Ngày Quốc tế NCT 01/10/1995.
Các Hội cơ sở đã đề ra “Chương trình hoạt động” theo 5 nội dung: Hoạt động tình nghĩa; Chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh, chữa bệnh; Phát huy vai trò đối với gia đình và xã hội; Nâng cao trình độ hiểu biết; Vui chơi, giải trí phù hợp với lứa tuổi. Cùng với việc hoàn thiện tổ chức mới, Hội NCT cơ sở đã đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Nhiều Hội cơ sở đã phát huy được trí tuệ tập thể, tiềm năng, kinh nghiệm công tác của NCT; năng động, sáng tạo trong chỉ đạo, hướng dẫn hội viên NCT thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần hoàn thành các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương, được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ ở địa phương đánh giá cao về vai trò của Hội.
Đầu năm 1996, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị về Kỉ niệm 50 năm ngày Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, BCH Trung ương Hội đã phát động phong trào thi đua trong các Hội cơ sở, phấn đấu đạt danh hiệu “Người cao tuổi mẫu mực”.Cùng với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo” tại các Hội cơ sở đã tạo nên sức sống mạnh mẽ cho hoạt động công tác Hội. Phong trào NCT ngày càng đi vào chiều sâu, làm phong phú thêm nội dung  hoạt động của các Hội cơ sở, góp phần tích cực tham gia thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội của địa phương được các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể ghi nhận, tin tưởng, đánh giá cao.
Sau hơn một năm hoạt động (ngày 23/9/1996), Hội nghị lần thứ 2 BCH
Trung ương Hội NCT Việt Nam đã được triệu tập. Hội nghị bàn chủ trương tiếp tục kiện toàn tổ chức và đẩy mạnh các hoạt động công tác Hội và bầu đồng chí Vũ Oanh, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, làm Chủ tịch danh dự Hội NCT Việt Nam. Hội nghị nêu rõ khó khăn trong việc thông tin hai chiều giữa Trung ương Hội và các Hội cơ sở, đề nghị cần có một bộ phận thường trực “gọn nhẹ” của Hội ở hai cấp tỉnh, huyện. Trên cơ sở đó, BTV Trung ương Hội đã báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ xin được thành lập Ban Đại diện Hội NCT (BĐD) cấp tỉnh, cấp huyện (Công văn số 188/NCT-TV, ngày 11/11/1996 và số 26/NCT, ngày 01/3/1999).
Được sự nhất trí của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Ban Cán bộ Chính phủ có Công văn số 32/TCCP-TCPCP, ngày 08/5/1999 trả lời: “Đồng ý để Hội NCT Việt Nam được thành lập BĐD của Hội NCT tại cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh để tạo điều kiện cho Hội triển khai các chương trình hành động của Hội ở địa phương. Nhiệm vụ của BĐD do Trung ương Hội quy định theo pháp luật và Điều lệ Hội”.
Do vậy, ngày 14/6/1999 BTV Trung ương Hội ban hành Hướng dẫn số 37/NCT về thành lập BĐD Hội NCT Việt Nam ở cấp tỉnh, cấp huyện.
Ngày 20/7/1997, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Phạm Khuê được cử tri tín nhiệm bầu là Đại biểu Quốc hội khoá X; được Quốc hội phân công là Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội (Kì họp thứ nhất từ ngày 18 đến 29/9/1997).
Dịp này,Trung ương Hội NCT Việt Nam vui mừng đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đến thăm Trung ương Hội.
Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, tháng 8/1998, Chính phủ ban hành Quyết định giao cho Hội NCT Việt Nam ngôi nhà Số 12, phố Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, TP Hà Nội làm Trụ sở của Cơ quan Trung ương Hội. Ngày 02/9/1998 Cơ quan TW Hội chính thức làm việc tại Trụ sở mới.
Hưởng ứng Năm Quốc tế NCT 1999, Uỷ ban năm Quốc tế NCT Việt Nam được thành lập với Chương trình hoạt động thiết thực có sự tham gia của nhiều Bộ, Ban, ngành, cơ quan, đoàn thể. Được sự hỗ trợ tích cực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp, Hội NCT từ Trung ương đến cơ sở, đã tích cực tham gia thực hiện Chương trình hành động của Uỷ ban năm Quốc tế NCT đề ra. TW Hội đã phối hợp với Bộ VHTT tổ chức Triển lãm ảnh “NCT Việt Nam vinh quang và trách nhiệm” tại Hà Nội, thu hút  hàng vạn người đến xem; phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức hội thi "Tiếng hát NCT trên làn sóng phát thanh". Hội thi thành công tốt đẹp, trong đó hàng ngàn NCT tuyển chọn từ cơ sở đến Trung ương đã tham gia, 50 NCT được được tặng thưởng Huy chương các loại, hàng trăm NCT đạt giải khuyến khích.
Để thực hiện chủ trương của Thường vụ BCT, Kế hoạch của Ban Dân vận TW về sơ kết thực hiện Chỉ thị 59/CT –TW của Ban Bí thư TW Đảng gắn với sơ kết thực hiện Chỉ thị 117/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tháng 2/1999, Trung ương Hội đã hướng dẫn các cấp Hội phối hợp với UBMTTQ cùng cấp, tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền tổ chức thực hiện nhiệm vụ sơ kết. Kết quả đánh giá bước đầu nhấn mạnh: “Hội NCT thực sự làm nòng cốt, chủ động tham mưu, tham gia triển khai sáng tạo các mặt hoạt động chăm sóc và phát huy NCT. Công tác chăm sóc và phát huy NCT phù hợp với đạo lí, truyền thống của dân tộc, đáp ứng sự nghiệp đổi mới của đất nước”; đồng thời, chỉ ra những khó khăn, yếu kém, tồn tại trong Công tác chăm sóc và phát huy NCT; đề xuất một số kiến nghị, như: “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động NCT và Hội NCT”,“Công tác chăm sóc và phát huy NCT là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là nghĩa vụ của từng gia đình, từng cộng đồng, của toàn xã hội”;“Công tác chăm sóc và phát huy NCT được thực hiện bằng hệ thống pháp luật, chính sách của Nhà nước kết hợp với giải pháp xã hội hoá và sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân”;“Đề nghị công nhận“Hội NCT Việt Nam là đoàn thể chính trị - xã hội”; “Chính phủ có Quyết định để kiện toàn tổ chức đẩy mạnh hoạt động của Hội NCT Việt Nam”…
Cùng với sự tham gia tích cực của các cấp Hội NCT, ngày 28/4/2000, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành “Pháp lệnh NCT”, có hiệu lực từ 01/ 7/2000. Pháp lệnh NCT là văn bản pháp lí cao nhất về NCT Việt Nam; khẳng định vị thế, vai trò của NCT, thể hiện rõ quan điểm cơ bản của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Pháp lệnh NCT là chuẩn mực đạo đức xã hội đối với NCT, khẳng định trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò NCT trước hết là của gia đình, xã hội và Nhà nước.
Như vậy, Nhiệm kì I của Hội NCT Việt Nam là nhiệm kì “vận động thành lập Hội và bước đầu củng cố Hội từ cơ sở”. Hoạt động “Chăm sóc và phát huy vai trò NCT” đã được đề cao, đồng thời đạt được những thành tích đáng khích lệ. Tuy nhiên, đang còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình xây dựng và phát triển, Hội NCT tiếp tục phấn đấu, tháo gỡ trong các nhiệm kì tiếp theo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
          2. Nhiệm kì Đại hội II (từ ngày 12/7/2001 – 30/12/2006):
Được sự đồng ý của Ban Bí thư TW Đảng (Thông báo số 12/TB-TW, ngày 13/6/2001), Đại hội toàn quốc lần thứ II của Hội NCT Việt Nam được tổ chức từ ngày 10,12/7/2001, tại Hà Nội. Tới dự có 332 đại biểu thay mặt 6 triệu hội viên Hội NCT cả nước và 65 khách mời đến dự Đại hội. Đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng đến dự; Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội. Đồng chí Trương Quang Được, Uỷ viên Bộ Chính trị, thay mặt BCH Trung ương Đảng đến dự và có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội; đồng thời trao tặng Hội NCT Việt Nam Bức trướng của BCH Trung ương Đảng với 18 chữ vàng: “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đại hội thảo luận và nhất trí thông qua “Báo cáo chính trị của BCH Trung ương Hội về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình hành động nhiệm kì; thông qua Biểu trưng của Hội là hình tượng “cây đa Tân Trào lịch sử, có Quốc kì Việt Nam và dòng chữ Hội NCT Việt Nam”; thông qua Điều lệ Hội bổ sung, sửa đổi; bầu BCH Trung ương Hội, gồm 85 vị.
Hội nghị BCH Trung ương Hội lần thứ nhất đã bầu BTV Trung ương Hội gồm 17 uỷ viên; bầu đồng chí Vũ Oanh làm Chủ tịch Hội và 5 Phó Chủ tịch Hội, gồm các đồng chí: Đỗ Trọng Ngoạn - kiêm Tổng Thư kí, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Thị Thân, Đinh Văn Tư, Phùng Thanh Sơn.
Đại hội II Hội NCT đã xác định rõ vị trí, vai trò của Hội NCT Việt Nam trong giai đoạn mới. Nghị quyết Đại hội thể hiện rõ 4 nhiệm vụ cơ bản đã nêu trong “Pháp lệnh NCT” được các cấp Hội hưởng ứng, quán triệt và tích cực triển khai thực hiện. “Điều lệ Hội bổ sung, sửa đổi” xác định rõ vị trí, vai trò  NCT, Hội NCT Việt Nam; tính chất, mục đích, biểu trưng, nhiệm vụ của Hội; hội viên, hệ thống tổ chức Hội gồm: BCH Trung ương Hội; BĐD Hội NCT cấp tỉnh, thành phố; BĐD Hội NCT cấp huyện, quận; BCH Hội NCT xã, phường, thị trấn.
Như vậy, từ sau Đại hội II, Hội NCT Việt Nam, được thành lập BĐD NCT cấp tỉnh, thành phố; cấp huyện, quận (Theo thông báo 12/TB-TW ngày 13/6/2001 của Ban Bí thư Trung ương).
Để giúp BCH Trung ương Hội triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội, BTV Trung ương Hội đã quan tâm xây dựng Cơ quan Trung ương Hội phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ mới. Một số cán bộ đã nghỉ hưu tại các cơ quan Trung ương và địa phương (các Ban Đảng, MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế, Hội Nông dân…, hoặc từ Hội NCT một số tỉnh, thành phố nhiệt tình, có kinh nghiệm công tác đoàn thể, dân vận, phù hợp với yêu cầu công tác Hội), được tiếp nhận về Cơ quan Trung ương Hội, tổ chức thành 7 ban và Văn phòng Trung ương Hội.
Ngày 19/5/2002, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Đỗ Trọng Ngoạn đại diện cho NCT, Hội NCT Việt Nam được bầu làm Đại biểu Quốc hội khoá XI (nhiệm kì 2002 đến 2007).
Để triển khai thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội, BCH Trung ương Hội tổ chức tổng kết phong trào thi đua “Người cao tuổi mẫu mực”, đồng thời phát động phong trào thi đua “Nêu gương sáng”, thực hiện 18 chữ vàng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” do Ban Chấp hành Trung ương Đảng trao tặng. Phong trào thi đua “Nêu gương sáng” đã được các cấp Hội hưởng ứng, đăng kí thi đua, tích cực triển khai thực hiện. BĐD Hội NCT các địa phương, nhất là các Hội cơ sở đã có nhiều hoạt động phong phú, sáng tạo như: Xây dựng phong trào giúp nhau vay vốn, giúp nhau làm kinh tế xoá đói, giảm nghèo; xây dựng Quỹ khuyến học, khuyến tài. Hội NCT nhiều nơi đã phối hợp với Hội Khuyến học và ngành Giáo dục - Đào tạo xây dựng Trung tâm học tập cộng đồng; tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”; tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh… Nhiều hội viên NCT là thành viên các tổ chức Thanh tra Nhân dân, Tổ hoà giải ở khu dân cư vv… góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở.
Câu lạc bộ NCT ở cơ sở được tổ chức rộng rãi, hoạt động sôi nổi, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, có nhiều loại hình như: Câu lạc bộ Sức khoẻ ngoài trời, Thể dục dưỡng sinh, Cầu lông, Cờ tướng, Thơ, ca, Thời sự, Chính sách NCT vv… thu hút hàng chục vạn hội viên, góp phần nâng cao sức khoẻ, kiến thức, chất lượng cuộc sống, kéo dài tuổi thọ NCT; làm phong phú thêm đời sống tinh thần, tình cảm của NCT. Hàng năm, BĐD Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện của nhiều địa phương đã tổ chức các cuộc hội thao, thi đấu các môn thể thao NCT, hội diễn nghệ thuật, hội thi tiếng hát NCT. Với phương châm:“Sống khoẻ, sống vui, sống tình nghĩa, sống văn hoá, sống có ích cho gia đình và xã hội” do Đại hội đề ra, Hội NCT đã thực sự có sức sống mạnh mẽ, thiết thực, hấp dẫn, thu hút NCT vào Hội; tham gia các câu lạc bộ NCT ngày càng đông.
Năm 2002, đầu năm 2003, BTV Trung ương Hội chỉ đạo tổ chức hội thảo về “Tư tưởng Hồ Chí Minh với NCT và tổ chức NCT” trong các cấp Hội. Cuộc Hội thảo do BTV Trung ương Hội tổ chức tại Hà Nội, được đồng chí Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cùng nhiều nhà khoa học tới dự. Hội thảo khẳng định chủ trương đúng đắn, thiết thực của Hội NCT về tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, hoàn thành tốt Chương trình hành động của Hội.
Nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Hội, Hội nghị BTV Trung ương Hội tháng 10/2003 đã bầu bổ sung đồng chí Nguyễn Tấn Trịnh, Uỷ viên BTV, giữ  chức Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội NCT Việt Nam.
Phong trào thi đua “Nêu gương sáng”do BCH Trung ương Hội phát động, đã phát triển sâu rộng, đạt hiệu quả thiết thực. Để đánh giá đúng kết quả phong trào, kịp thời biểu dương NCT nêu gương sáng trên các lĩnh vực, BCH Trung ương Hội báo cáo lãnh đạo Đảng, Nhà nước được tổ chức các Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT tiêu biểu trên từng lĩnh vực hoạt động.
Ngày 7, 8/10/2003, Trung ương Hội NCT tổ chức “Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT làm kinh tế giỏi lần thứ nhất”tại Thủ đô Hà Nội, với gần 300 đại biểu đại diện cho hàng vạn NCT làm kinh tế giỏi của các ngành nghề trong cả nước, được các cấp Hội lựa chọn về dự Hội nghị. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, thay mặt Đảng, Nhà nước đến dự, phát biểu chỉ đạo Hội nghị; Chủ tịch nước Trần Đức Lương tiếp các đại biểu tham dự Hội nghị tại Văn phòng Chủ tịch nước. Hội nghị ghi nhận, biểu dương NCT trên mọi miền đất nước đã nêu gương sáng, tích cực xoá đói, giảm nghèo, làm giàu hợp pháp, đem lại lợi ích cho bản thân, cho gia đình, quê hương, góp phần tích cực vào nhiệm vụ an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước. Một số mô hình và cách làm hay đem lại hiệu quả thiết thực đã được đánh giá cao tại Hội nghị như: NCT làm trang trại, trồng rừng, nuôi tôm, thả cá, mở trại chăn nuôi, đánh bắt hải sản, làm ngành nghề truyền thống, chế biến nông, hải sản...
Ngày 05/8/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Uỷ ban Quốc gia về NCT Việt Nam, do Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm làm Chủ tịch, Bộ trưởng Bộ LĐTB & XH làm Phó Chủ tịch Thường trực; Phó Chủ tịch Thường trực Hội NCT Việt Nam Nguyễn Tấn Trịnh làm Phó Chủ tịch; đại diện lãnh đạo UBTW MTTQ Việt Nam, một số Bộ, ngành, đoàn thể làm Uỷ viên, để phối hợp liên ngành, giúp Đảng, Nhà nước trong việc chỉ đạo các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT.
Ngày 19, 20/10/2004, Trung ương Hội NCT Việt Nam tổ chức “Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT tiêu biểu trên lĩnh vực giáo dục - khoa học công nghệ - y tế” tại Hà Nội. Với 220 NCT tiêu biểu có những đóng góp xuất sắc trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế, ứng dụng những tiến bộ khoa học kĩ thuật trong phát triển kinh tế - xã hội, được các cấp Hội phối hợp với các ngành chức năng ở địa phương trong cả nước chọn cử từ cơ sở.  Các đại biểu được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tiếp tại Trụ sở Văn phòng Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước Trương Mĩ Hoa, Phó Thủ tướng kiêm Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về NCT Việt Nam Phạm Gia Khiêm, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển, Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong phát biểu với Hội nghị. Từ Hội nghị này, giúp cho NCT hoạt động trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học công nghệ, y tế phấn khởi, tự hào, nhiệt tình công tác, có thêm nhiều kinh nghiệm quý, tiếp tục cống hiến khả năng, kinh nghiệm cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Ngày 10, 11/5/2005 Trung ương Hội NCT Việt Nam tổ chức “Hội nghị toàn quốc biểu dương NCT tiêu biểu trong sự nghiệp ổn định chính trị - xã hội ở cơ sở” tại Hà Nội. Với 350 NCT tiêu biểu, đại diện cho hàng triệu NCT góp phần vào sự nghiệp ổn định chính trị - xã hội ở cơ sở, từ khắp mọi miền trong cả nước về dự Hội nghị. Đó là những NCT tiêu biểu tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; tuy tuổi cao, sức yếu nhưng sẵn sàng nhận các nhiệm vụ Đảng, nhân dân tín nhiệm giao cho, như: Bí thư, phó bí thư chi bộ Đảng, trưởng thôn, trưởng bản, chủ tịch, phó chủ tịch MTTQ, trưởng, phó các đoàn thể.., góp phần quan trọng vào sự bình yên của làng, bản, xã, phường, khu phố, tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực hiện Kế hoạch Đại hội thi đua yêu nước các cấp, tiến tới Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ III, ngày 20/8/2005, Trung ương Hội NCT Việt Nam tổ chức Đại hội thi đua yêu nước “Nêu gương sáng” toàn quốc lần thứ nhất tại Hà Nội. Về dự Đại hội có gần 300 đại biểu NCT là những Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng là NCT được phong tặng trong thời kì đổi mới, đại biểu tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trong phong trào thi đua “Nêu gương sáng” từ khắp mọi miền của Tổ quốc. Đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, các Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và  một số lãnh đạo tỉnh, thành phố đã đến dự Đại hội. Đại hội biểu dương 60 tổ chức Hội, 130 cán bộ , hội viên NCT xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước “Nêu gương sáng” từ năm 2001 đến tháng 8/2005.
Ngày 16,17/3/2006, Trung ương Hội NCT Việt Nam tổ chức “Hội nghị sơ kết 5 năm các hoạt động chăm sóc NCT, 2001 - 2005” tại Hà Nội. Với trên 300 NCT tiêu biểu, những người trực tiếp hoặc đại diện các đơn vị tiên tiến xuất sắc trong hoạt động chăm sóc NCT ở cơ sở về dự. Thủ tướng Phan Văn Khải, Bộ trưởng Bộ LĐTB& XH Nguyễn Thị Hằng thay mặt Đảng, Nhà nước đã đến dự, phát biểu ý kiến chỉ đạo. Hội nghị đánh giá thành tích, ưu điểm các hoạt động chăm sóc NCT, chỉ rõ những khó khăn, thiếu xót cần khắc phục; biểu dương 146 tập thể, 10 cá nhân, quyết định nhân rộng những mô hình, điển hình tiên tiến, tăng cường phổ biến những kinh nghiệm hay và xác định phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác chăm sóc, nâng cao chất lượng cuộc sống NCT trong giai đoạn mới.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam luôn quan tâm tới các hoạt động của NCT và Hội NCT Việt Nam, tháng 4/2004, tháng 4/2006, Thủ tướng Phan Văn Khải cùng lãnh đạo các Bộ, ngành làm việc với BTV Trung ương Hội: Nghe báo cáo về tình hình hoạt động của Hội NCT Việt Nam, chỉ đạo các Bộ, ngành về nghiên cứu, giải quyết kiến nghị của Trung ương Hội.
Ngày 21/11/2005, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 301/2005/QĐ- TTg về “Chương trình hành động Quốc gia về NCT giai đoạn 2005 -2010”. Đây là văn bản pháp quy giúp cho hoạt động của NCT và Hội NCT Việt Nam có hiệu quả hơn trong thời gian tới khi tỷ lệ NCT của Việt Nam đạt 10% và nước ta trở thành nước già hoá dân số.
Thực hiện nhiệm vụ đối ngoại của Hội, đồng chí Đỗ Trọng Ngoạn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Trung ương Hội đã tham gia Đoàn đại biểu Chính phủ nước ta đi dự Hội nghị Quốc tế lần thứ II về NCT, tổ chức tại thành phố Madrid, thủ đô nước Cộng hoà Tây Ban Nha từ ngày 08-12/4/2002. Hội nghị đã ra “Tuyên bố chính trị Madrid”, Quyết định thông qua “Kế hoạch hành động Quốc tế về NCT năm 2002”. Đoàn Việt Nam cam kết thực hiện Tuyên bố chính trị Madrid và Kế hoạch hành động Quốc tế về NCT.
Để góp phần thực hiện nhiệm vụ “Chăm sóc và phát huy vai trò NCT” có hiệu quả hơn, Hội NCT Việt Nam tiếp tục củng cố các mối quan hệ công tác, phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Hỗ trợ NCT Quốc tế (viết tắt: HAI) trong việc hỗ trợ NCT Việt Nam triển khai thực hiện các dự án xoá đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT, tham gia phòng, chống, giảm thiểu tác hại của HIV/AIDS... Tháng 11/ 2004, theo đề nghị của tổ chức HAI, Trung ương Hội NCT Việt Nam nhận đăng cai, cùng phối hợp tổ chức “Hội nghị thường niên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về NCT”, để trao đổi kinh nghiệm công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT, thực hiện “Tuyên bố chính trị Madrid” và xây dựng “Chương trình hành động Quốc gia về NCT” ở mỗi nước. Hội nghị có hơn 60 đại biểu, của 29 tổ chức phi chính phủ thuộc 19 nước và vùng lãnh thổ tham dự.                                                                                                                                         Hội NCT Việt Nam đã cử các đoàn đại biểu đi dự các hội nghị liên quan đến NCT của khu  vực Châu Á như: Ma Cao,Thượng Hải (Trung Quốc), Chiềng Mai (Thái Lan), PNôngpênh (Campuchia); Thăm Hiệp hội Lão niên Trung Quốc..
Hoạt động của Hội NCT Việt Nam nhiệm kì II đạt được nhiều kết quả tích cực; phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” của Hội đã thu hút hàng triệu hội viên tham gia, góp phần tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giữ vững sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Tổ chức các cấp Hội từng bước được củng cố, nêu cao tinh thần vượt khó, sáng tạo, năng động, đổi mới phương thức hoạt động để triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hoạt động của Hội. Công tác Hội trong giai đoạn này vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, đó là chưa đồng bộ về tổ chức và cơ chế chính sách; cơ sở vật chất của các cấp Hội còn thiếu thốn, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phải từng bước tháo gỡ trong nhiệm kì tới.
           3. Nhiệm kì Đại hội III (từ 30/12/2006 - 11/11/2011)
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội lần thứ III Hội NCT Việt Nam, Hội nghị BCH Trung ương Hội lần thứ 5 (12/01/2005), lần thứ 6 (11/01/2006) nêu rõ: “Tập trung chuẩn bị tốt việc tiến hành Đại hội toàn quốc lần thứ III của Hội NCT Việt Nam, thành lập các tiểu ban soạn thảo Báo cáo chính tri, sửa đổi và bổ sung Điều lệ Hội, công tác nhân sự”. Tại các địa phương, các cấp Hội gấp rút triển khai thực hiện các công việc tiến tới Đại hội toàn quốc Hội NCT Việt Nam lần thứ III.
Để tiến tới Đại hội toàn quốc, Ngày 21-22/12/2006, Hội NCT tỉnh Đắk Nông được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đồng ý, đã tiến hành Đại hội đại biểu NCT toàn tỉnh: Đại hội đã thảo luận, thông qua phương hướng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động nhiệm kì 2006 – 2011, bầu BCH Hội NCT tỉnh Đắk Nông. Đây là tỉnh đầu tiên được kiện toàn về tổ chức, có đủ  BCH Hội NCT cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở.
Thời gian này, BTV Trung ương Hội đã gửi báo cáo Ban Bí thư TW Đảng, Thủ tướng Chính phủ  xin chủ trương Đại hội; ngày 18/10/2006, BTV Trung ương Hội báo cáo trực tiếp với Ban Bí thư TW Đảng, các cơ quan liên quan về công tác chuẩn bị Đại hội nhiệm kì III của Hội. Ngày 13/12/2006, Ban Bí thư TW Đảng ban hành Thông báo số 45-TB/TW về “Tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III Hội NCT Việt Nam”.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng, BCH Trung ương Hội triệu tập Đại hội toàn quốc lần thứ III Hội NCT Việt Nam từ ngày 28-30/12/2006, tại Hà Nội. Với gần 500 đại biểu NCT được lựa chọn từ Hội NCT các tỉnh, thành phố và các cơ quan, đơn vị thuộc TW Hội; các đồng chí Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Phạm Thế Duyệt Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam tới dự Đại hội. Đồng chí Nguyễn Minh Triết, thay mặt Đảng, Nhà nước phát biểu ý kiến chỉ đạo Đại hội. Đại hội đã đánh giá cao kết quả hoạt động tích cực của toàn Hội trong thực hiện nhiệm vụ chăm sóc và phát huy vai trò NCT; phong trào thi đua “Nêu gương sáng”, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của sự nghiệp đổi mới. Đồng thời, xác định phương hướng nhiệm vụ; đề ra Chương trình hành động khoá III; thông qua Điều lệ sửa đổi và bầu BCH Trung ương Hội gồm 121 vị.  BCH Trung ương Hội, họp lần thứ nhất bầu BTV Trung ương Hội gồm 18 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Tấn Trịnh được bầu làm Chủ tịch Hội, kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về NCT . Đại hội đã bầu 4 Phó Chủ tịch Hội gồm: Đinh Văn Tư, PCT Thường trực, Cao Sĩ Kiêm, Đỗ Nguyễn Phương, Phạm Thị Sơn; bầu Ban Kiểm tra gồm 5 Uỷ viên; thông qua Quy chế làm việc, Chương trình hành động toàn khoá của BCH Trung ương Hội.
Sau Đại hội III, BCH, BTV Trung ương Hội đã cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội, xây dựng Chương trình công tác năm 2007, hướng dẫn triển khai công tác  tổ chức tuyên tuyền kết quả Đại hội; triển khai cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với việc xây dựng nếp sống văn hoá NCT ở các cấp Hội; sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc; từng bước kiện toàn bộ máy tổ chức, cải tiến công tác quản lí, chỉ đạo, lề lối làm việc; phối hợp với Ban Dân vận TW, Bộ Nội vụ chuẩn bị nội dung tổng kết Chỉ thị 59/CT-TW về công tác chăm sóc NCT theo sự chỉ đạo của Ban Bí thư TW Đảng. Đồng thời, xây dựng Dự án về “Dự thảo Luật NCT” để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
 Ngày 20/5/2007, Chủ tịch Hội NCT Việt Nam Nguyễn Tấn Trịnh được cử tri tín nhiệm bầu là Đại biểu Quốc hội khóa XII, nhiệm kì 2007 – 2011.
Tháng 07/2007, BTV Trung ương Hội tiến hành khảo sát, kiểm tra công tác NCT tại Hội NCT một số tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ; họp Ban Thường vụ, đồng thời tổ chức tập huấn cho 268 cán bộ Hội trong toàn quốc tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Hội nghị BTV đã quyết định nhiều nội dung quan trọng về xây dựng tổ chức Hội; sắp xếp, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ các ban của  Trung ương Hội (gồm 7 Ban + Văn phòng); đổi mới nội dung phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”,  (gọi  tắt) “Tuổi cao - Gương sáng”; định hướng và giải quyết những tồn tại, chấn chỉnh tổ chức, nhân sự của Báo Người cao tuổi.
Năm 2008, các cấp Hội tập trung triển khai thực hiện Dự án xây dựng Luật Người cao tuổi; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện tốt các chương trình công tác của Hội, như: Phối hợp cùng với ngành LĐTB&XH triển khai và giám sát thực hiện chế độ hỗ trợ của Nhà nước đối với NCT theo Nghị định 67/NĐ-CP ngày13/4/2007 của Chính phủ; Phối hợp với UBTW MTTQ Việt Nam triển khai Cuộc vận động “Xoá nhà tạm cho hộ có NCT nghèo”; Triển khai các hoạt động vận động toàn xã hội xây dựng Quỹ “Chăm sóc NCT”, tổ chức Lễ phát động quyên góp ủng hộ Quỹ Chăm sóc NCT nhân kỉ niệm 67 năm Ngày truyền thống NCT (06/6/2008) được trên 4 tỉ đồng.
Ngày 18, 19/8/2008, Trung ương Hội tổ chức “Hội nghị toàn quốc biểu dương, trao cúp Diên Hồng cho NCT làm kinh tế giỏi lần thứ hai”, tại Thủ đô Hà Nội, với trên 200 đại biểu NCT tiêu biểu về dự.
Được sự nhất trí của Ban Bí thư TW,Thủ tướng Chính phủ, đầu năm 2009 Trung ương Hội NCT phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Bộ Quốc phòng, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Gia Lai, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 (Bộ Quốc phòng) tổ chức “Hội nghị biểu dương già làng tiêu biểu khu vực Tây Nguyên” tại Binh đoàn 15, từ ngày 29-31/3/2009. 241 già làng tiêu biểu đại diện cho già làng các dân tộc thiểu số của 5 tỉnh Tây Nguyên và 6 tỉnh phụ cận đã về dự. Hội nghị vinh dự đón Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến dự và phát biểu chỉ đạo. Các đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư TW Đảng, Trưởng ban Dân vận TW; Huỳnh Đảm, Uỷ viên TW Đảng, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các tỉnh Tây Nguyên đã đến dự. Hội nghị thông qua “Quyết tâm thư” gửi Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, UBTW MTTQ Việt Nam, cấp uỷ, chính quyền địa phương cam kết phát huy tốt vai trò của già làng các dân tộc trong cộng đồng dân cư, quyết tâm xây dựng Tây Nguyên giàu về kinh tế, vững về an ninh chính trị, mạnh về quốc phòng, phát triển bền vững.
 Năm 2009, Hội NCT Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ soạn thảo Dự thảo Luật Người cao tuổi. Ngày 23/11/2009, tại Kì họp thứ sáu của Quốc hội (khoá XII),Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật NCT với số phiếu 437/440 đại biểu tham gia biểu quyết (đạt tỷ lệ 99% ). Luật Người cao tuổi ra đời là sự kiện chính trị quan trọng, mốc son trong công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT, xây dựng và phát triển Hội NCT Việt Nam; xác định rõ vai trò, quyền và trách nhiệm của NCT, Hội NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thời gian này, Trung ương Hội phát động, tổ chức cuộc vận động “Một triệu áo ấm tặng NCT nghèo” trong cả nước, đạt kết quả tốt.
Để kịp thời bổ sung cán bộ lãnh đạo của Hội, Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Hội, ngày 12,13/01/2010, bầu bổ sung 7 vị vào BCH Trung ương Hội; bầu Anh hùng lao động Cù Thị Hậu, Uỷ viên BCH Trung ương Hội vào Uỷ viên BTV Trung ương Hội, đảm nhiệm chức danh Phó Chủ tịch Hội NCT Việt Nam.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị BCH,Trung ương Hội tổ chức 2 lớp tập huấn bồi dưỡng cán bộ Hội NCT các tỉnh, thành phố, báo cáo viên các địa phương  về quán triệt, triển khai thực hiện Luật NCT, Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật NCT của Chính phủ, tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Mĩ Tho (tỉnh Tiền Giang). Các địa phương triển khai tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội NCT cấp huyện và Hội cơ sở.
Từ ngày 01- 03/6/2010, Trung ương Hội NCT tổ chức trọng thể Đại hội Thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” toàn quốc lần thứ II, tại Thủ đô Hà Nội. Về dự Đại hội có 350 đại biểu, đại diện cho 8,6 triệu NCT và tổ chức Hội cả nước, trong đó có 190 NCT tiêu biểu và đại biểu đại diện 64 tập thể NCT tiêu biểu, các đại biểu NCT là Anh hùng Lao động trong thời kì đổi mới, Mẹ Việt Nam anh hùng, thành viên UBQG về NCT, các vị Uỷ viên BTV Trung ương Hội và lãnh đạo Hội NCT 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Đại hội khẳng định những ưu điểm và kết quả nổi bật trong phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” 5 năm (2001-2006), đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện, chỉ ra giải pháp cần khắc phục để đưa phong trào phát triển đồng đều, vững chắc.
Tại Đại hội này, các đại biểu vinh dự được thay mặt NCT cả nước, các thế hệ NCT Việt Nam, đón nhận Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của Đảng, Nhà nước, trao tặng các thế hệ NCT Việt Nam; đồng thời, đón nhận 6 Bằng khen của Chính phủ trao tặng 4 tập thể, 2 các nhân. Các đại biểu đã được Trung ương Hội trao tặng Kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT” và Bằng khen của Trung ương Hội NCT Việt Nam.
Thực hiện phong trào trồng cây, trồng rừng do Nhà nước phát động; Trung ương Hội phát động phong trào “Mỗi NCT trồng, chăm sóc một cây và tham gia trồng một hàng cây, vườn cây, đồi cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Hội đã phối hợp với Hội NCT tỉnh Tuyên Quang tổ chức cung cấp cây giống “Cây đa Tân Trào” tới Hội NCT các địa phương trồng tại nơi trang trọng. 
Trung ương Hội đã cùng với các cơ quan chức năng kí kết một số chương trình phối hợp mới. Ngày 08/6/2010, kí với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc phòng Chương trình phối hợp “ NCT tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo” đồng thời triển khai thực hiện chương trình này tới các cấp Hội địa phương.
Công tác xây dựng tổ chức Hội: Theo chỉ đạo của BTV Trung ương Hội, được sự đồng ý của của Tỉnh uỷ, Ủy ban nhân dân tỉnh; BĐD Hội NCT 12 tỉnh, thành phố đã chuyển đổi mô hình tổ chức Hội từ BĐD thành BCH Hội NCT, hoặc tổ chức Đại hội bầu BCH Hội NCT cấp tỉnh, thành phố, gồm: Kiên Giang, Bình Phước, Tiền Giang, Bình Dương, Hà Tĩnh, Vĩnh Long, Hải Phòng, Nghệ an, Thanh Hóa, Lai Châu, Hòa Bình, Bắc Giang.
  Năm 2011, các cấp Hội NCT tiếp tục tuyên truyền, học tập Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Luật NCT, góp phần đưa Luật NCT vào cuộc sống; tổ chức nghiên cứu, quán triệt và thực hiện Thông báo số 305-TB/TW của Ban Bí thư TW Đảng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 59-CT/TW về Chăm sóc NCT; tổ chức tuyên truyền và các hoạt động nhân các ngày kỉ niệm trong năm; tổ chức trọng thể Lễ kỉ niệm 70 năm Ngày truyền thống NCT Việt Nam; chuẩn bị tốt và tổ chức thành công Đại hội IV Hội NCT Việt Nam vào cuối Quý IV/ 2011.
 Ngày 22/5/2011, Phó Chủ tịch Hội NCT Cù Thị Hậu, đại biểu của NCT Việt Nam, được bầu là Đại biểu Quốc hội (khóa XIII), nhiệm kì 2011 -2016; tại Kì họp thứ nhất, đồng chí được Quốc Hội phân công là Uỷ viên Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Như vậy, “Nhiệm kì III và nhìn lại hơn 16 năm xây dựng, phát triển tổ chức và hoạt động, Hội NCT Việt Nam thu được những kết quả to lớn, đáng trân trọng, đã cơ bản thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội III Hội NCT Việt Nam, bước đầu góp phần hình thành, khẳng định được một số vấn đề lí luận, quan điểm, chủ trương, chính sách về NCT, tham mưu đề xuất việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; đã định hình được những nội dung chủ yếu của hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với điều kiện thực tế, nhiều nơi đã trở thành nề nếp, đi vào cuộc sống; tổ chức Hội tiếp tục được xây dựng, kiện toàn, củng cố mang tính chất hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, tập hợp được 86% NCT vào Hội, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và nhiệm vụ chính trị cụ thể ở địa phương.
Kết quả đó càng khẳng định vị trí, vai trò, uy tín xã hội của NCT, Hội NCT trong tiến trình đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước; chứng tỏ sự trưởng thành của tổ chức và hoạt động của Hội, tạo điều kiện mới cho phát triển tiếp theo trong thời gian tới”.
         4. Nhiệm kì Đại hội IV (từ 11/11/2011- 07/11/2016):
Sau khi được Ban Bí thư TW, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về tổ chức Đại hội nhiệm kỳ IV (Thông báo kết luận số 58-TB/TW), Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội NCT Việt Nam được tiến hành trong 2 ngày 10 – 11/11/2011, tại Thủ đô Hà Nội. Về dự Đại hội có 345 đại biểu đại diện cho 7,4 triệu hội viên và trên 8,6 triệu NCT cả nước. Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận TW; Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Phó Thủ tướng Chính Phủ, Chủ tịch UBQG về NCT Việt Nam; Đồng chí Huỳnh Đảm, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu với Đại Hội. Đại hội thông qua báo cáo “Tổng kết công tác nhiệm kì III, phương hướng, nhiệm vụ công tác Hội nhiệm kì IV với 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá:
Một là,lấy hội viên làm trung tâm; lấy chi hội, tổ hội, câu lạc bộ để tổ chức các hoạt động; lấy nội dung thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng” làm mục tiêu phấn đấu.
Hai là,ổn định và nâng cao chất lượng các hoạt động chăm sóc, phụng dưỡng gắn với định hình các hoạt động phát huy vai trò NCT có sự lựa chọn phù hợp, giúp cho NCT sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc, sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ba là,khai thác, phát huy các nguồn lực nội sinh NCT, Hội NCT; nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội và quốc tế, tạo ra sức mạnh tổng hợp, động lực thúc đẩy xây dựng và phát triển Hội vững mạnh toàn diện trong giai đoạn mới.
Hai chương trình lớn gồm: “Mắt sáng cho NCT”;“NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”.
Thông qua Điều lệ Hội NCT Việt Nam; Bầu BCHTW Hội gồm 103 uỷ viên, Bầu Ban Kiểm tra Trung ương Hội với 5 uỷ viên. Giao cho BCH Trung ương Hội xây dựng chương trình hành động cụ thể cho từng thời kì để tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IV.
Sau Đại hội, BCH Trung ương Hội đã họp phiên đầu tiên  bầu BTV Trung ương Hội gồm 14 đồng chí; thông qua quy chế làm việc và chương trình hành động toàn khoá của BCH Trung ương Hội. Họp BTV Trung ương Hội lần thứ nhất phân công nhiệm vụ, bầu đồng chí Cù Thị Hậu giữ chức Chủ tịch Hội NCT Việt Nam – Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về NCT Việt Nam và 3 Phó Chủ tịch: Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch Thường trực; Đinh Văn Tư; Phạm Thị Sơn.
Tại Hội nghị lần thứ III BCHTW Hội ngày 09, 10/01/2013 đã tiến hành bầu bổ sung 04 Uỷ viên BCHTW Hội, 4 Uỷ viên BTV, 01 Phó Chủ tịch Hội để bảo đảm số lượng, chất lượng theo Nghị quyết Đại hội. Đồng chí Ngô Trọng Vịnh được bầu Phó Chủ tịch Trung ương Hội.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội, Chương trình công tác toàn khóa của BCH Trung ương Hội, Hội nghị BTV Trung ương Hội lần thứ II ngày 27/3/2012 đã quyết định: Sắp xếp lại tổ chức cơ quan Trung ương Hội gồm 6 Ban và Văn phòng Trung ương Hội; xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quy chế làm việc của cơ quan; triển khai các chương trình, kế hoạch hành động toàn nhiệm kì của BCH Trung ương Hội.
Cùng với tiếp tục duy trì Chương trình phối hợp đã kí với Bộ NN và PTNT, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Bộ VH, TT và DL; Hội đã kí chương trình phối hợp mới với các đơn vị: Bộ TN và MT; Bộ GD và ĐT, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức; Bộ LĐ, TB và XH.
Về Chương trình “Mắt sáng cho NCT” giai đoạn 2012-2015, BTV Trung ương Hội ban hành kế hoạch số 163/KH-BTV và công văn số 164/HD-BTV hướng dẫn Hội NCT các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện. Sau gần 3 năm thực hiện, đã có 2.248.469 NCT được khám, tư vấn các bệnh về mắt; 296.015 NCT được chữa các bệnh về mắt và mổ thay thủy tinh thể với tổng trị giá trên 339 tỷ đồng. Chương trình tập trung giúp đỡ NCT có hoàn cảnh khó khăn ở các huyện nghèo, vùng biên giới, hải đảo, góp phần tích cực thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
Trong nhiệm kì Đại hội đã triển khai đồng bộ từ Trung ương Hội đến Hội NCT 63 tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành và toàn xã hội về NCT, Hội NCT; ở TW Hội công tác tuyên truyền được giao cho Văn phòng TW Hội, ở cơ sở công tác tuyên truyền được các cấp Hội phối hợp hiệu quả với các cơ quan chức năng và báo, đài địa phương, liên kết với Trang Điện tử tổng hợp TW Hội, Báo NCT, Tạp chí NCT, Báo Ngày mới onlines… để phản ánh kịp thời kết quả công tác Hội và hoạt động của NCT trong cả nước; tổ chức truyền hình trực tiếp Chương trình “Giao lưu nghệ thuật  Mắt sáng cho NCT”; được Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ngành Y tế phối hợp, vào cuộc; các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, từ thiện và nhân dân hưởng ứng.
Chương trình “NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”, ngay sau khi chương trình phối hợp được kí kết, Bộ NN và PTNT, Bộ TN và MT, Hội NCT Việt Nam đã có công văn hướng dẫn các cấp, các địa phương triển khai thực hiện. Từ đầu năm 2012 đến cuối nhiệm kì Đại hội, đã có 60/63 Hội NCT tỉnh, thành phố kí Chương trình phối hợp với Sở NN và PTNT; 54/63 Hội NCT tỉnh, thành phố kí kết chương trình phối hợp với Sở TN và MT. Trung ương Hội phối hợp tổ chức 12 lớp tập huấn cho cán bộ Hội NCT tỉnh, huyện và cơ sở tại 9 cụm thi đua với gần 2.400 đại biểu; các cấp Hội tổ chức tập huấn cho cán bộ Hội cơ sở tại từng địa phương cho 2,5 triệu  lượt NCT; NCT và gia đình tự nguyện hiến trên 1.000 ha đất, trên 5 triệu ngày công; trên 3.000 tỷ đồng cho chương trình “NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”.
Thực hiện Nghị quyết số 38/2012/QH13, ngày 23/11/2012 của Quốc Hội và Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 28/12/2012 của BCT về tham gia thảo luận, góp ý kiến bổ sung về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, BTV Trung ương Hội đã có công văn 03/TV-HNCT, ngày 02/01/2013  chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội triển khai thực hiện. Tham gia ý kiến bổ sung, sửa đổi Hiến pháp là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, trong đó được các cấp Hội và NCT cả nước tích cực hưởng ứng. Các cấp Hội đã tổ chức 4.013 hội nghị, hội thảo với trên 2 triệu lượt NCT tham gia, có 165.819 ý kiến đóng góp, bổ sung vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được Ủy ban soạn thảo Hiến pháp của Quốc Hội nghiên cứu, tiếp thu, tổng hợp trình Quốc hội. Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được thông qua tại kì họp thứ VI Quốc hội khóa XIII ngày 28/11/2013, có ý nghĩa rất quan trọng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kì mới.
 Hiến pháp đã xác định vị trí, vai trò NCT và chính sách đối với NCT: Khoản 3, Điều 37 Hiến pháp 2013 nêu rõ: “NCT được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” và khoản 2, Điều 59 quy định: “Nhà nước tạo bình đẳng về cơ hội để công dân thụ hưởng phúc lợi xã hội, phát triển hệ thống an sinh xã hội, có chính sách trợ giúp NCT, người khuyết tật, người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn khác”.
Trong nhiệm kỳ, Hội NCT Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo sơ kết từ cơ sở thực hiện Chương trình phối hợp “Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ gìn an ninh, trật tự khu vực biên giới, vùng biển giai đoạn 2011 – 2015 ” (Văn bản số 1033/CTPH-HNCT-BĐBP ngày 8/6/2011), tiến tới tổ chức Hội nghị “Biểu dương NCT tiêu biểu tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo” toàn quốc. Hội nghị được tiến hành ngày 11,12/ 12/2013, tại Hà Nội. Có 230 đại biểu đại diện cho NCT của 230 huyện, thị xã, thành phố ở 44 tỉnh, thành phố có biên giới đất liền, bờ biển, hải đảo và đại diện 15 đơn vị Bộ đội Biên phòng. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Các đại biểu được Tổng Bí thư BCHTW Đảng Nguyễn Phú Trọng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tiếp thân mật tại trụ sở TW Đảng, Văn phòng Chủ tịch  nước. Hội nghị ghi nhận, biểu dương NCT của 230 huyện có đường biên giới đất liền, vùng biển đã tích cực tham gia tổ tự quản quản lí đường biên, cột mốc, bảo vệ, giữ gìn biên giới hòa bình, hữu nghị, quản lí bến bãi, tàu thuyền an toàn, xây dựng tổ đoàn kết  giúp nhau đánh bắt hải sản, sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, và xây dựng an ninh trật tự thôn, bản góp phần tích cực cùng toàn dân bảo vệ vững chắc biên giới, biển đảo của Tổ quốc.
Hội các cấp đã triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 1781/QĐ-TTg, ngày 22/11/2012  phê duyệt “Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020”, Quyết định nêu rõ “Phát huy vai trò của NCT; nâng cao chất lượng chăm sóc NCT; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò NCT phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”. BTV Trung ương Hội đã kịp thời hướng dẫn Hội NCT các tỉnh, thành phố phối hợp với Ban Công tác NCT triển khai thực hiện. Đến nhiệm kỳ IV, đã có 62/63 tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch hành động cụ thể; nhiều địa phương tập trung  chỉ đạo và triển khai xây dựng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau; xây dựng, củng cố, phát triển Qũy Chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở cơ sở.
Trong những kết quả đã đạt được, Chương trình “Mắt sáng cho NCT”, Chương trình “NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng”, Chương trình “NCT tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo”, triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phong trào xây dựng và phát triển các loại hình câu lạc bộ NCT, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của các cấp Hội NCT ở cơ sở… đã được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.
Công tác xây dựng tổ chức Hội, kiểm tra, giám sát của các cấp Hội có nhiều đổi mới, tạo niềm tin tưởng của NCT đối với tổ chức Hội; Công tác Đối ngoại; Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở cơ sở có bước phát triển mới; các chương trình phối hợp của Hội với một số bộ, ngành đem lại hiệu quả thiết thực.
Kết quả hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IV Hội NCT Việt Nam và phong trào của Hội đã có bước tiến mới, đạt nhiều thành tựu đã góp phần xứng đáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
          5. Nhiệm kì Đại hội V (từ 9/11/2016 - đến nay):
Được sự đồng ý của Ban Bí thư TW Đảng (Công văn số 2484-CV/VPTW, ngày 24 tháng 10 năm 2016 ) về tổ chức Đại hội Hội Người cao tuổi Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2016 – 2021, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội NCT Việt Nam được tổ chức trọng thể 02 ngày 8 – 9 tháng 11 năm 2016 tại Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Đại hội có 336 đại biểu đại diện cho hơn 8,6 triệu hội viên và trên 9,4 NCT cả nước. Đại hội vinh dự được đón đồng chí Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; một số đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc; đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam; các đồng chí Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội khóa XIV của một số tỉnh, thành phố; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể đến dự.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước  phát biểu chỉ đạo Đại hội.
Đại hội đã thông qua những nội dung cơ bản về đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Hội NCT Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2011 – 2016 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cơ bản nhiệm kỳ V (2016 – 2021).
Đại hội nhất trí phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội nhiệm kì V (2016 – 2021): Xây dựng tổ chức Hội NCT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực hoạt động, tập trung  xây dựng nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, phát huy vai trò NCT, hướng về cơ sở, lấy hội viên làm trung tâm, lấy chi hội, tổ hội, các loại hình CLB là nơi tổ chức các hoạt động của NCT. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nâng cao vị trí, vai trò của NCT, Hội NCT trong đời sống xã hội; tập hợp đoàn kết NCT tham gia sinh hoạt, xây dựng Hội, làm nòng cốt trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò NCT”, phấn đấu để NCT được sống vui, sống khỏe, sống hạnh  phúc trong gia đình và xã hội.
Đại hội đã đề ra 3 nhiệm vụ trong tâm, 2 chương trình công tác lớn và 9 giải pháp chủ yếu:
  • Ba nhiệm vụ trọng tâm của Hội: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh;

nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc NCT; phát huy vai trò NCT.
  • Hai chương trình công tác lớn: “NCT tham gia xây dựng, phát triển

Quĩ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở cơ sở”; “NCT tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.
  • 9 giải pháp chủ yếu: Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội V và chủ trương công tác Hội; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” nhiệm kỳ V (2016 – 2021); nâng cao chất lượng công tác tổ chức, công tác cán bộ và  phát triển hội viên; đa dạng nội dung, hình thức chăm sóc NCT, đẩy mạnh xã hội hóa các lĩnh vực hoạt động, tích cực phát triển nguồn lực của Hội; phát triển Quĩ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT ở Hội cơ sở; phát huy mạnh mẽ vai trò NCT tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền của Hội; đẩy mạnh công tác nghiên cứu lý luận về Hội NCT; đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của Hội.

Thông qua Điều lệ Hội NCT Việt Nam bổ sung, sửa đổi; bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa V gồm 98 ủy viên; bầu Ban Thường vụ gồm 15 ủy viện; bầu Ban Kiểm tra Trung ương Hội khóa V gồm 5 ủy viên.
Đồng chí Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội được bầu làm Chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam khóa V, nhiệm kì 2016 – 2021.
Ngay sau Đại hội thành công,Trung ương Hội đã ban hành Chương trình công tác toàn khóa của Ban Chấp hành và tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết Đại hội tại thành phố Đà Nẵng cho cán bộ Hội trong toàn quốc. Căn cứ chương trình công tác toàn khóa, Ban Thường vụ đã ban hành kế hoạch công tác hàng năm làm cơ sở để Hội các cấp triển khai cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương; tiếp tục chỉ đạo phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng”.
Đến khoảng giữa nhiệm kỳ, dịp Đánh giá kết quả ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội V, Trung ương Hội đã phát động phong trào, tổ chức Hội các cấp đã động viên NCT, đồng thời báo cáo cấp có thẩm quyền và Thủ tướng Chính phủ, đã được sự đồng ý chủ trì và phố hợp với các cơ quan liên quan triển khai các Hội nghị nhằm biểu dương NCT có cống hiến: Ngày 26/10/2017 – Hội nghị biểu dương NCT tiêu biểu các tỉnh khu vực Tây Bắc tại tỉnh Tuyên Quang. Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã tới dự và chỉ đạo Hội nghị với sự tham gia của trên 105 đại biểu đại diện các dân tộc khu vực Tây Bắc; ngày 19/3/2019 – Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của Già làng các dân tộc Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc đã đến dự và chỉ đạo hội nghị với sự tham gia của 224 đại biểu Già làng đại diện các dân tộc khu vực Tây Nguyên đã được biểu dương khen thưởng; ngày 28/9/2018 – Hội nghị Biểu dương NCT tiểu biểu làm kinh tế giỏi toàn quốc giai đoạn 2012 – 2018 tổ chức tại Hà Nội. Hội nghị đã được Thủ tướng Chính phủ gửi lẵng hoa chúc mừng, Chủ tịch nước gửi quà tặng đại biểu NCT dự Hội nghị, đồng chí Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và chỉ đạo Hội nghị với sự tham gia của 242 đại biểu tiêu biểu cả nước làm kinh tế giỏi. Các Hội thảo “Vai trò NCT trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Vai trò Hội NCT tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở” và Chương trình chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ phát động được chỉ đạo của các cấp Hội tổ chức hội thảo và phong trào tham gia của NCT ở các địa phương; phối hợp với các cơ quan Nhà nước liên quan đến công tác NCT và Hội NCT ký các chương trình phối hợp với 7 bộ, ngành để triển khai các nhiệm vụ của Hội và nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao; tổ chức 15.000 lớp tập huấn cho hơn 800.000 người tham gia; tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm với nhiều chuyên đề khác nhau (Hướng dẫn thành lập CLB Liên Thế hệ tự giúp nhau, “NCT với bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo”, “NCT tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”, hưởng ứng Chương trình chống rác thải nhựa, Già hóa dân số và thích ứng với già hóa dân số…
Đến cuối năm 2019, Hội các cấp đã triển khai đồng bộ, cơ bản hoàn thành tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm,  2 chương trình công tác lớn do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội NCT Việt Nam đề ra:
  •  Công tác chăm sóc NCT: Tổ chức Hội từ Trung ương đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để triển khại các chính sách của Nhà nước, qui định của cấp ủy chính quyền địa phương đối với NCT. Đến cuối năm 2019, cả nước có 97 bệnh viện cấp Trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa; 86 cơ sở bảo trợ xã hội, chăm sóc NCT; 1,7 triệu NCT hàng tháng được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội theo Luật NCT; 1,9 triệu lượt NCT được tuyên truyền, phổ biến kiến thức CSSK; 3 triệu NCT được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe; gần 4 triệu NCT được khám sức khỏe định kỳ; 96% NCT có thẻ Bảo hiểm y tế, đa số các bện được thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho NCT từ 80 tuổi trở lên. Để tạo sự phối hợp và triển khai có hiệu quả, sâu rộng ở các cấp Hội, Trung ương Hội đã kí chương trình phối hợp với Bộ Y tế về chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2018 – 2022; tiếp tục tham mưu, đề xuất với Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu giảm độ tuổi NCT hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống 75 tuổi, nâng mức trợ cấp xã hội so với hiện nay; chủ trì tổ chức Hội thảo “Đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCT”... góp phần hoàn thiện chính sách, pháp luật, xây dựng cơ chế chính sách đối với chăm sóc NCT.

Từ đầu năm 2017 đến cuối năm 2019, có 3.312.664 lượt NCT được chúc thọ, mừng thọ, bình quân mỗi năm có 1,1 triệu NCT được chúc thọ, mừng thọ theo độ tuổi qui định; cả nước đã có 19.500 NCT thọ 100 tuổi được Chủ tịch nước gửi quà mừng và thiếp chúc thọ; hiện cả nước còn 18.350 NCT sống thọ từ 100 tuổi trở lên. Cùng với việc chúc thọ, mừng thọ, một số địa phương đã có nhiều cố gắng nâng mức trợ cấp cho NCT được hưởng trợ cấp xã hội cao hơn với mức qui định.
Thăm hỏi, động viên NCT có hoàn cảnh khó khăn, các đồng chí lão thành cách mạng, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo… được quan tâm, nhất là vào các dịp Tết cổ truyền, Ngày truyền thống NCT, Ngày Thương binh, Liệt sĩ, ngày Quốc tế NCT…Từ năm 2017 đến cuối năm 2019, Trung ương Hội đã trích gần 2,5 tỷ đồng từ nguồn Quĩ Chăm sóc NCT tặng 4.096 suất quà cho NCT có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều Hội các tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác xã hội hóa có nguồn ngân sách để thăm hỏi, động viên NCT.
Tổ chức Hội các cấp đã làm tốt hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho NCT:  Ngày 19/4/2017 Trưng ương Hội đã kí chương trình phối hợp đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao NCT giai đoạn 2017 – 2021, từ đó tạo phong trào thể dục thể thao NCT ở khắp các địa phương, làm cơ sở cho lựa chọn thi đấu của NCT từ cơ sở đến cấp Quốc gia; năm 2017, giải Bóng Chuyền hơi toàn quốc được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình có sự tham gia của 61 đội tuyển NCT, đến năm 2019 giải được tổ chức ở 2 khu vực (phía Bắc tại tỉnh Vĩnh Phúc, phía Nam tại tỉnh Bến Tre) số đội tuyển NCT đã tăng lên 105 đội; giải cờ tướng, năm 2017 được tổ chức tại Quảng Ninh có 142 kì thủ tham gia, đến năm 2018 được tổ chức tại Bắc Ninh đã tăng lên 200 kì thủ; giải Cầu lông NCT, năm 2018 được tổ chức tại Quảng Ngãi có 270 vận động viên, đến năm 2019 được tổ chức tại Lâm Đồng số vận động viên đã tăng lên 450 vận động viên tham gia. Tính đến tháng 11/2019, Ban Tổ chức cấp Quốc gia các giải thể thao NCT đã trao tặng 2.918 bộ huy chương, trong đó có 653 huy chương vàng, 653 huy chương bạc và 1.602 huy chương đồng cho các cá nhân và đoàn NCT các tỉnh, thành, ngành tham gia phong trào thể thao NCT.
- Công tác Phát huy vai trò NCT:Đến tháng 11/2019, cả nước có 680 nghìnNCT thamgia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể; trên 781 nghìn NCT tham gia công tác khuyến học, phòng chống tội phạm, hòa giải ở cơ sở địa phương. Nhiều NCT đảm nhiệm chức bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ đảng – trưởng thôn, trưởng bản, tổ bảo vệ đưởng biên, cột mốc biên giới.
  • Công tác xây dựng tổ chức Hội, kiểm tra, giám sát của các cấp Hội có nhiều đổi mới, tạo niềm tin tưởng của NCT đối với tổ chức Hội: Đến cuối năm 2019, cả nước có 9,83 triệu NCT, trong đó hơn 9,4 triệu hội viên; 10.966 Hội cơ sở, 98.976 chi hội. Công tác Đối ngoại, Quỹ Chăm sóc và phát huy vai trò NCT ở cơ sở có bước phát triển mới; các chương trình phối hợp của Hội với một số bộ, ngành đem lại hiệu quả thiết thực, được các cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao.

- Hai Chương trình công tác: Chương trình “NCT tham gia xây dựng, phát triển Quĩ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT ở cơ sở” đã có 63/63 tỉnh, thành phố triển khai xây dựng thành lập Quĩ với 9.951 xã, phường, thị trấn có Quĩ Toàn dân chăm sóc NCT và Quĩ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT, chiếm 89% tổng số cơ sở, trong đó có 7.743 xã chiếm 69% là Quĩ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT theo qui định; Chương trình “NCT tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”, Hội đã kí Chương trình phối hợp với Bộ NN&PTNT về thực hiện “Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2017 – 2020, ký Chương trình phối hợp với Bộ TN&MT “Thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2017 – 2022” và ban hành các hướng dẫn cho các cấp Hội thực hiện.
  • Thực hiện 2 nhiệm vụ do Chính phủ giao đạt nhiều kết quả:

+ Triển khai Tháng hành động vì NCT Việt Nam. Trung ương Hội đã tổ chức Lễ phát động cấp Quốc gia Tháng hành động vì NCT Việt Nam ngày 28/9/2017 tại Thủ đô Hà Nội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị , Chủ tịch Quốc Hội đã đến dự và tặng quà cho NCT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của thành phố Hà Nội, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước chung tay chăm sóc, phát huy vai trò NCT Việt Nam; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức chương trình Giao lưu nghệ thuật với các doanh nhân, doanh nghiệp nhằm vận động nguồn lực chăm sóc NCT, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đến dự và giao lưu với chủ đề vận động. Hội các cấp đã chủ động phối hợp với  cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội thực hiện tốt kế hoạch do Ban Chỉ đạo Tháng hành động vì NCT Việt Nam của Ủy ban Quốc gia. Tổng hợp 3 năm nhiệm kỳ V, các cấp Hội tổ chức 155.477 buổi tuyên truyền, với 7,4 triệu lượt NCT tham gia; vận động nguồn lực được 487,8 tỷ đồng (gồm cả hiện vật), gần 90.000 NCT cô đơn không nơi nương tựa, NCT có hoàn cảnh khó khăn được thăm hỏi, tặng quà; hơn 1,4 triệu lượt NCT được khám, tư vấn sức khỏe; gần 3,1 triệu lượt NCT tham gia các giải thi đầu TDTT NCT do Hội NCT các cấp phối hợp với ngành thể thao và địa phương tổ chức; một số địa phương tổ chức NCT đã phối hợp với các đoàn thể vận động xây nhà tình nghĩa cho NCT khó khăn.
         + Phát triển, nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau: Quyết định số 1533/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nhân rộng mô hình CLBLTHTGN giai đoạn 2016 – 2020 đã được Trung ương Hội tổ chức triển khai có hiệu quả. Đến cuối năm 2019, cả nước có 56/63 tỉnh, thành phố được UBND tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện ở địa phương, tổng số hiện có 1.800 CLB trên cả nước đang hoạt động nề nếp, là chỗ dựa cho NCT có hoàn cảnh khó khăn.                      
Đến hết năm 2019, qua sơ kết kết quả 3 năm  hoạt động nhiệm kỳ Đại hội V Hội NCT Việt Nam, phong trào của Hội đã tiếp tục phát huy, đạt nhiều thành tựu, góp phần xứng đáng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
         6. Những bài học kinh nghiệm qua 25 năm xây dựng, phát triển Hội Người cao tuổi Việt Nam:
Chặng đường xây dựng và phát triển của Hội NCT Việt Nam 25 năm qua đã đạt được những thành quả to lớn, rất đáng trân trọng, tự hào. Từ các hoạt động thực tiễn phong phú, Trung ương Hội rút ra một số kinh nghiệm chủ yếu sau:
6.1 Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với NCT; không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp và sức mạnh to lớn của lớp NCT, bám sát nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể, lựa chọn nhiệm vụ sát, đúng là bảo đảm cho hoạt động của Hội có hiệu quả, không xa rời tôn chỉ, mục đích của Hội.
6.2 Coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp chăm sóc, phát huy vai trò NCT, tạo sự đồng thuận trong xã hội về vị trí, vai trò NCT, Hội NCT đối với đời sống xã hội hiện nay.
6.3 Vì quyền lợi và lợi ích hợp pháp của NCT, tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, không ỷ lại, chờ đợi; chủ động tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền những chủ trương, chính sách, giải pháp về công tác NCT; phải có quyết tâm cao, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện cụ thể; có biện pháp tổ chức hoạt động, chăm sóc và phát huy vai trò NCT bằng phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao – Gương sáng” gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp với các tổ chức liên quan, tạo sức mạnh tổng hợp trong các lĩnh vực hoạt động của Hội.
6.4 Quán triệt quan điểm: “Chăm sóc, phát huy vai trò NCT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”, tích cực tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, nhất là chương trình có liên quan đến NCT, thực hiện xã hội hóa, tăng cường phối hợp liên ngành và giữ vai trò nòng cốt trong phong trào “Toàn dân chăm sóc, phụng dưỡng, phát huy vai trò NCT”; biết phát huy khả năng của NCT: Tự vận động, tự phát triển, tự chăm sóc, tự chịu trách nhiệm.
6.5 Khắc phục khó khăn, tập trung xây dựng Hội vững mạnh. Công tác tổ chức, cán bộ luôn luôn đi trước một bước; phải đa dạng hóa các hình thức tập hợp NCT, coi trọng việc lựa chọn cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp Hội; quan tâm đến chính sách và tạo điều kiện cần thiết cho các hoạt động của Hội”.
          7. Những phần thưởng cao quý:
           - Ngày 10/ 7/ 2001, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng Hội NCT Việt Nam Bức trướng thêu 18 chữ vàng “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
- Ngày 02/ 6/ 2010, Đảng, Nhà nước tặng Huân chương Sao vàng cho các thế hệ NCT Việt Nam.
         III. PHÁT HUY KẾT QUẢ VÀ KINH NGHIỆM BƯỚC ĐẦU TRONG XÂY DỰNG HỘI, PHẤN ĐẤU XÂY DỰNG HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM NGÀY CÀNG VỮNG MẠNH, HOÀN THÀNH TỐT CÁC NHIỆM VỤ ĐƯỢC ĐẢNG, NHÀ NƯỚC GIAO:
           Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội NCT Việt Nam đã nhất trí đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp công tác Hội nhiệm kỳ V (2016 – 2021): “ Xây dựng tổ chức Hội NCT vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đẩy mạnh xã hội hóa trong các lĩnh vực hoạt động, tập trung xây dựng nguồn lực nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, phát huy vai trò NCT, hướng về cơ sở, lấy hội viên làm trung tâm, lấy chi hội, tổ hội, các loại hình CLB là nơi tổ chức các hoạt động của NCT. Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước “ Tuổi cao – Gương sáng” đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nâng cao vị trí, vai trò của NCT, Hội NCT trong đời sống xã hội; tập hợp đoàn kết NCT tham gia sinh hoạt, xây dựng Hội, làm nòng cốt trong phong trào “ Toàn dân chăm sóc, phát huy vai trò NCT”, phấn đấu để NCT được sống vui, sống khỏe, sống hạnh phúc trong gia đình và xã hội”.
Tiếp tục xây dựng, củng cố tổ chức Hội NCT Việt Nam vững mạnh, chủ động tham gia tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật NCT, cụ thể hóa các chính sách để nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT; đồng thời, tạo điều kiện cho NCT tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của xã hội, xây dựng môi trường xã hội có nếp sống văn hóa, ý thức tôn trọng và biết chăm lo cho nhu cầu cuộc sống NCT; tham gia thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về NCT giai đoạn 2012 – 2020; bảo đảm cho NCT được chăm sóc tốt và được phát huy vai trò của mình trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân tạo nền tảng đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đồng thời chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước chuẩn bị tốt để nước ta bước vào giai đoạn già hóa dân số; giải quyết tốt các vấn đề xã hội liên quan đến NCT trong thời kì công nghiệp hóa.
          Thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm, hai chương trình công tác lớn của Hội và 9 giải pháp chủ yếu do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V Hội Người cao tuổi Việt Nam đề ra.
          Chủ động nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến để hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật NCT, nhất là chính sách bảo trợ xã hội đối với NCT nghèo, NCT vùng có khó khăn; chính sách về chăm sóc sức khỏe NCT.
 Tổ chức kỉ niệm 25 năm thành lập Hội (10/5/1995 – 10/5/2020) và Hội nghị Biểu dương cán bộ Hội tiêu biểu toàn quốc cùng dịp Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội NCT Việt Nam.
 Chuẩn bị và tiến tới Đại hội lần thứ VI Hội NCT Việt Nam vào Quý IV năm 2021.
           Tiếp tục tham gia thực hiện “Chương trình hành động Quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020”, các chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia NCT Việt Nam trong những năm tiếp theo bằng nhiệm vụ cụ thể để NCT thực hiện nghĩa vụ và được hưởng các quyền lợi theo quy định của pháp luật./.
                                                  HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM
 
                                            KHẨU HIỆU

              Tuyên truyền 25 năm thành lập Hội NCT Việt Nam

                  tại nơi công cộng, làm việc của Hội NCT các cấp
                                           _______________
 
        1. Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (10/5/1995 - 10/5/2020).
         2. Hội viên, người cao tuổi nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua "Tuổi cao - Gương sáng", góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
          3. Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
        4. Người cao tuổi đẩy mạnh phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng”, hiến kế, hiến công vì quê hương, đất nước.
       5. Người cao tuổi sống vui, sống khoẻ, sống hạnh phúc; phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống trong xã hội và gia đình.
        6. Hội viên người cao tuổi tiếp tục phát huy truyền thống của Hội qua 25 năm xây dựng và phát triển.
 
                                                    HỘI NGƯỜI CAO TUỔI VIỆT NAM
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Nguồn tin: www.tuyengiao.phuyen.gov.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 47

Tổng lượt truy cập: 4,878,520

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây