Đang truy cập: 15
Tổng lượt truy cập: 5,333,242
- Đang truy cập15
- Hôm nay3,844
- Tháng hiện tại81,172
- Tổng lượt truy cập5,333,242
Chị Thủy giới thiệu sản phẩm bột sen trong một chương trình kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Ảnh: NGỌC DUNG |
Vượt khó xóa nghèo
Ở thôn Thạch Chẩm, xã Hòa Xuân Tây (huyện Đông Hòa), chị Phạm Thị Bích Thủy là một tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phong trào khởi nghiệp ở địa phương. Sau khi sinh con, hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên chị Thủy quyết tâm cải thiện đời sống gia đình.
Năm 2016, nhờ vay 20 triệu đồng vốn Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh hội LHPN xã cùng với số tiền 10 triệu đồng gia đình dành dụm, chị Thủy đi thu mua hạt sen của người dân địa phương về lột vỏ rồi bán sen thành phẩm như hạt sen, bột sen.
Nhờ quen biết nhiều người cũng như nhanh nhạy trong việc ứng dụng công nghệ thông tin qua việc bán hàng online, chị Thủy bán hàng không chỉ cho người dân địa phương hay trong huyện, trong tỉnh, mà còn bán cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành như: Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Nội...
Hiện gia đình chị Thủy thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Cơ sở của chị thu hút được 15 nhân công, tạo công ăn việc làm cho những phụ nữ khó khăn ở địa phương với mức thu nhập 150.000 đồng/người/ngày.
Câu chuyện vượt khó xóa nghèo của chị Thủy là minh chứng góp phần khích lệ động viên phụ nữ trong thôn, trong xã nỗ lực sản xuất, kinh doanh. Chị Thủy chia sẻ: “Xác định phát triển kinh tế là công việc trọng tâm, thu hút hội viên vào hội, với vai trò là chi hội trưởng, không chỉ bản thân tôi nỗ lực làm kinh tế, mà còn tuyên truyền vận động chị em hội viên tích cực lao động sản xuất để nâng cao mức sống, cải thiện thu nhập thông qua việc thành lập các nhóm phụ nữ tiết kiệm, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế để hỗ trợ chị em khó khăn có điều kiện làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Đặc biệt trong việc kinh doanh, sản xuất, chi hội luôn vận động chị em hội viên sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng…”.
Hỗ trợ bằng nhiều phương thức
Khởi nghiệp là một trong những phong trào mà các cấp hội LHPN ở Phú Yên đã và đang tích cực triển khai ở các địa phương. Nói về hoạt động này, chị Dương Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN xã An Nghiệp chia sẻ: “Thực hiện đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”, trong thời gian qua, Hội LHPN xã An Nghiệp cũng như hội LHPN các địa phương khác trên địa bàn huyện Tuy An luôn tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp như tuyên truyền vận động chị em làm kinh tế, kết nối, giới thiệu quảng bá sản phẩm…
Việc tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp đã giúp hội viên phụ nữ tự tin, khẳng định bản thân, chung tay cùng với gia đình và địa phương phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, một trong những vấn đề mà chúng tôi trăn trở vẫn là nguồn vốn hỗ trợ cho chị em khởi sự, khởi nghiệp kinh doanh. Chúng tôi mong rằng, hội LHPN cấp trên và các ngành chức năng hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống”.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Phương Liên cho biết, để góp phần thực hiện hiệu quả đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ, các cấp hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều hoạt động phối hợp hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như: kết nối với các ngân hàng cho hội viên, phụ nữ vay vốn; vận động CLB Nữ doanh nhân tỉnh hỗ trợ hội viên, phụ nữ ở các địa phương có hoàn cảnh khó khăn khởi nghiệp kinh doanh.
Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi cho chị em; truyền thông, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập các tổ hợp tác, các tổ phụ nữ liên kết kinh doanh chế biến sản phẩm sạch; tổ chức các diễn đàn “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; “Phụ nữ khởi nghiệp - Sáng tạo và tương lai của nền kinh tế xanh”; vận động hội viên, phụ nữ hưởng ứng thực hiện sản xuất, kinh doanh an toàn, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thực hiện các nguyên tắc giảm thiểu rác thải trong sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt, chế biến.
Các cấp hội cũng tích cực vận động các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tăng cường tái sử dụng túi ni lông, sử dụng bao gói thân thiện với môi trường; tuyên truyền phụ nữ tham gia các phong trào bảo vệ môi trường một cách thiết thực, hiệu quả. Các hoạt động không những trợ giúp chị em phát triển kinh tế mà còn có trách nhiệm với môi trường, chung tay vì một nền kinh tế xanh.
Với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hội LHPN các cấp đã và đang khơi nguồn cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hoạt động này giúp phụ nữ các địa phương có những đóng góp tích cực trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại các địa phương. |
NGỌC DUNG
Nguồn tin: www.baophuyen.com.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Liên kết khác
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 15
Tổng lượt truy cập: 5,333,242