Cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam đã kết thúc từ lâu nhưng chúng ta vẫn chứng kiến những hậu quả nghiêm trọng mà nó để lại, trong đó có chất da cam (CĐDC)/dioxin – là một trong những hóa chất độc hại nhất mà loài người từng biết đến. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam, từ năm 1961-1971, quân đội Mỹ đã rải gần 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó 61% là CĐDC (chứa 366 kg dioxin), xuống diện tích 3,06 triệu ha, gần bằng 1/4 tổng diện tích Miền Nam Việt Nam, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với con người và môi trường tại Việt Nam.
I. Hậu quả của thảm họa da cam ở Việt Nam
1. Hậu quả đối với môi trường
Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, chức năng giữ nước chống lụt của rừng bị suy giảm; đa dạng sinh học bị suy thoái và trở nên nghèo nàn. Một số loài động thực vật quý hiếm bị tuyệt chủng; các loài gặm nhấm và loài cỏ dại phát triển. Hệ thống rừng ngập mặn ở Miền Nam, nhất là rừng Sác, phía Đông Bắc thành phố Hồ Chí Minh và ở huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau bị phá hủy nặng nề; vai trò rừng ngập mặn trong giữ đất, lấn biển bị giảm sút. Tại các sân bay quân sự Mỹ đã từng dùng để lưu giữ pha trộn, tiêu huỷ chất độc hóa học, nồng độ dioxin vẫn còn cao hay rất cao, đặc biệt là các sân bay Đà Nẵng, Biên Hòa và Phù Cát.
2. Hậu quả đối với con người
Theo các nhà khoa học trên thế giới, chỉ phần tỷ gram dioxin có thể lập tức gây chết người. Các Viện sỹ Hàn lâm khoa học, viện Hàn lâm y học Hoa Kỳ đã thừa nhận nhiều loại bệnh liên quan tới CĐDC/dioxin ở Việt Nam. CĐDC/dioxin có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh...; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu của nạn nhân CĐDC là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc....
Theo số lượng điều tra, tổng hợp của Trung tâm nghiên cứu về quyền con người của Trường đại học Colombia (Mỹ) về con người, thảm họa da cam đã khiến cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin, hơn 3 triệu người là nạn nhân. Hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo. Dioxin đã khiến cho nhiều cặp vợ chồng không được làm cha, làm mẹ và hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 7 người con đều bị dị dạng, tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn. Có gia đình cả 15 người con đều là nạn nhân. Ở Việt Nam, di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4. Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến năm 2016 cả nước có hơn 130.000 nạn nhân (7.100 đã chết, 122.900 còn sống) thuộc thế hệ thứ 2; 44.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ 3 (1.400 đã chết, 42.600 còn sống)[1].
Đời sống vật chất, tinh thần của nạn nhân rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là những gia đình có nhiều nạn nhân, nạn nhân bị bệnh nặng, không còn khả năng sản xuất, không có nguồn thu. Tỷ lệ hộ nghèo nạn nhân CĐDC ở Việt Nam chiếm khoảng 50-60%, vùng sâu, xa chiếm 70%, mức chi phí nuôi dưỡng, chữa bệnh lớn, vượt ra ngoài khả năng thanh toán của gia đình.
Ảnh hưởng của CĐDC đối với phụ nữ
Cho đến nay, Việt Nam chưa có báo cáo số liệu tách biệt về giới của những người bị ảnh hưởng bởi CĐDC. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phụ nữ là những người chịu nhiều đau khổ hơn ai hết không chỉ từ chất độc để lại trên chính cơ thể họ, mà còn chồng họ, và các thế hệ mai sau của họ. Lời kêu gọi của Hội nghị quốc tế nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam lần thứ II (2011) đã khẳng định: “Tỉ lệ người cao tuổi, phụ nữ và trẻ em những người dễ chịu ảnh hưởng của dioxin nhất, đặc biệt cao ở Việt Nam”. Phụ nữ bị nhiễm chất độc dioxin thường mắc các bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú và nếu có thai thì dioxin sẽ qua nhau thai vào thai nhi và qua sữa mẹ khi con bú gây nhiễm độc cho con. Mặc dù hiện nay, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, phương pháp chẩn đoán sớm trước sinh (sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh ) đã giúp phát hiện sớm các bệnh, dị tật di truyền của thai nhi; tuy nhiên, đa số phụ nữ bị nhiễm hoặc ảnh hưởng bởi CĐDC sống ở khu vực nông thôn, trong đó, nhiều phụ nữ không có điều kiện tiếp cận các phương tiện khoa học hiện đại chẩn đoán trước sinh hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chẩn đoán trước sinh nên nguy cơ có con bị ảnh hưởng bởi CĐDC rất cao. Đặc biệt, có những trẻ em là nạn nhân của CĐDC không có biểu hiện ngay từ lúc mới sinh ra mà có thể phát bệnh trong những năm đầu đời hoặc muộn hơn. Không chỉ những phụ nữ bị nhiễm chất độc dioxin phải chịu những hậu quả nặng nề về tâm lý, sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản mà có rất nhiều phụ nữ tuy không bị nhiễm chất độc dioxin nhưng lấy chồng hoặc có ông, bà, bố, mẹ bị nhiễm chất độc dioxin cũng có thể sinh ra những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi chất độc dioxin. Trong những gia đình có nạn nhân CĐDC, phụ nữ thường phải gánh gánh nặng chăm sóc và phải sống trong sự nghèo túng về kinh tế và đau khổ về tinh thần.
II. Những nỗ lực trong việc giải quyết hậu quả do CĐDC để lại
1. Về phía Mỹ
Trong giai đoạn trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ (1975 – 1995), vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh nói chung chưa được đề cập tới do Mỹ sử dụng chính sách cấm vận đối với Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay, phía Mỹ đã có những hành động tích cực bước đầu trong việc giải quyết hậu quả của CĐDC/dioxin tại Việt Nam như: làm sạch dioxin ở 3 sân bay ưu tiên là điểm nóng về ô nhiễm dioxin: Đà Nẵng, Biên Hòa (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định); hỗ trợ Phòng phân tích về dioxin trị giá 6,75 triệu USD; thực hiện chương trình đào tạo nhân lực về phục hồi các vùng đất bị ảnh hưởng do chất độc hóa học tại Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế, hỗ trợ người khuyết tật do CĐDC. Tính đến ngày 01/01/2016, tổng số tiền Chính phủ Mỹ được phê chuẩn chi để tham gia khắc phục hậu quả CĐDC ở Việt Nam là 173 triệu đô la Mỹ, trong đó chi để tẩy độc môi trường là 138,7 triệu đô la Mỹ, chi cho dịch vụ y tế là 34,3 triệu đô la Mỹ.
Ngoài ra, một số tổ chức phi chính phủ của Mỹ như Quỹ Ford, Bill & Melinda Gates và Atlantic Philanthropies đã triển khai các dự án để xử lý môi trường ô nhiễm dioxin và hỗ trợ cho các nạn nhân CĐDC. Nhiều cá nhân và tổ chức Mỹ đã lên tiếng ủng hộ cuộc đấu tranh vì công lý và đạo lý cho nạn nhân CĐDC. Đã diễn ra hai phiên điều trần tại Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương và Môi trường toàn cầu thuộc Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa kỳ về chủ đề “Trách nhiệm bị lãng quên – Chúng ta có thể làm gì giúp các nạn nhân CĐDC (năm 2008) và “Hoàn thành nghĩa vụ của mình, chúng ta cần làm gì để đề cập đến ảnh hưởng của CĐDC tại Việt Nam?” (năm 2009). Bà Merle Ratner – nhà hoạt động xã hội của Mỹ, đồng Điều phối viên chiến dịch cứu trợ và trách nhiệm với nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam (Mỹ) khẳng định: “Vụ kiện đã nhận được sự ủng hộ chưa từng thấy của công chúng cả ở Mỹ và trên thế giới đòi công lý và đòi bồi thường cho các nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi cho các nạn nhân và đòi dọn sạch những “điểm nóng chất da cam” còn tồn đọng ở Việt Nam…”.
Mặc dù Hoa Kỳ đã tham gia khắc phục hậu quả da cam, nhưng chưa thấm gì so với hậu quả hết sức to lớn mà họ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam. Đặc biệt, Chính phủ Mỹ và các công ty sản xuất ra CĐDC/dioxin trong nhiều năm đã chối bỏ trách nhiệm pháp lý của mình[2], không đền bù, chăm sóc sức khỏe, cuộc sống cho nạn nhân CĐDC/dioxin (trong khi các quân nhân Mỹ tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam bị phơi nhiễm CĐDC/dioxin thì được các công ty hóa chất Mỹ bồi thường).
2. Về phía Việt Nam
Thảm họa da cam ở Việt Nam đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là một vấn đề cấp bách, lâu dài. Việc chăm sóc chữa bệnh, phục hồi chức năng cho nhiều triệu nạn nhân, việc tẩy độc ở các điểm nóng, việc khôi phục môi trường sinh thái đòi hỏi những khoản chi phí khổng lồ từ ngân sách nhà nước, là một gánh nặng về chính trị, xã hội, kinh tế của đất nước và là nỗi đau của hàng triệu gia đình Việt Nam.
Trước vấn đề nghiêm trọng đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm và có nhiều nỗ lực nhằm giải quyết hậu quả của thảm họa da cam. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thường xuyên thăm hỏi, động viên các nạn nhân CĐDC và gia đình họ. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và dành hơn 10.000 tỷ đồng/năm để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân CĐDC. Tính đến năm 2016, 320.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm CĐDC được hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, có nạn nhân được chỉnh hình, phục hồi chức năng[3]. Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo hoạt động khoa học và nỗ lực hợp tác nghiên cứu tẩy độc, khắc phục ô nhiễm CĐDC/dioxin tại các điểm nóng như: Sân bay Đà Nãng, Sân bay Biên Hòa, Sân bay Phù Cát...
Để kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân chung tay khắc phục hậu quả thảm họa da cam ở Việt Nam, ngày 10 tháng 8 hằng năm được lấy là “Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”[4].
Bên cạnh nỗ lực của Chính phủ, các đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước không ngừng chung tay góp sức làm giảm nhẹ nỗi đau da cam ở Việt Nam.
Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam được thành lập ngày 10-1-2004, với chức năng bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân CĐDC/dioxin và là đại diện pháp lý cho nạn nhân trong quan hệ với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước. Ngay sau khi thành lập, Hội đã lập đề án “Giúp đỡ nạn nhân CĐDC/dioxin trong cuộc sống” và đã có nhiều hình thức hoạt động thiết thực, như: ra tuyên bố kêu gọi nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế ủng hộ Hội và các nạn nhân trong các hoạt động vì hòa bình, công bằng, công lý; tổ chức thu thập hồ sơ, chứng cứ, tiến hành khởi kiện dân sự các công ty Mỹ sản xuất CĐDC/dioxin để quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam... Hội kêu gọi sự ủng hộ trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ cho các gia đình nạn nhân CĐDC như xây nhà ở, hỗ trợ tìm việc làm, vốn sản xuất, khám chữa bệnh,..
Hội LHPN các cấp cũng đã có những hoạt động thiết thực để hỗ trợ các nạn nhân CĐDC, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
TW Hội đã tích cực lên tiếng tại các diễn đàn, sự kiện quốc tế mà Hội tham gia. Trong “Lời kêu gọi của Hội LHPN Việt Nam ủng hộ nạn nhân CĐDC ở Việt Nam” (năm 2004) đã kêu gọi lương tâm của phụ nữ và nhân dân Mỹ, sự công bằng của tòa án Mỹ và trách nhiệm của các công ty Mỹ đối với hậu quả mà các sản phẩm của họ đã gây ra; kêu gọi phụ nữ và nhân dân thế giới - những người đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam trước đây - lên tiếng ủng hộ nạn nhân CĐDC ở Việt Nam. Hội đấu tranh trên diễn đàn quốc tế, liên tục tại các kỳ hội nghị và đại hội của Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế – tổ chức Phụ nữ quốc tế thành lập từ năm 1945, đấu tranh cho hoà bình và dân chủ. Mỗi kỳ họp Liên đoàn đều có nghị quyết lên án chiến tranh Mỹ sử dụng CĐDC ở Việt Nam và kêu gọi ủng hộ nạn nhân CĐDC. Tại Diễn đàn nữ thanh niên của Đại hội Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế lần thứ 15 (tháng 4/2012), bộ phim “Những nẻo đường công lý” của Việt Nam đã được trình chiếu nhằm tiếp tục kêu gọi toàn thế giới ủng hộ nạn nhân CĐDC, gây xúc động sâu sắc tới các đại biểu và phóng viên tham dự Diễn đàn. Tại Đại hội Liên đoàn lần thứ 16 tại Colombia vào tháng 9/2016, đoàn đại biểu của Hội LHPNVN đã đề xuất Đại hội ra Nghị quyết ủng hộ nạn nhân CDDC/dioxin của Việt Nam– nội dung chính sau đó đã được tiếp thu, thể hiện trong Nghị quyết chung của Đại hội.
Hội đã vận động sự hỗ trợ của các nhà tài trợ quốc tế thông qua các dự án hỗ trợ nhân đạo như Đại sứ quán Pháp tại Hà Nội hỗ trợ Trung tâm phục hồi chức năng (TTPHCN) tại cộng đồng cho trẻ khuyết tật vì CĐDC tại xã Bình Hoà, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Các hoạt động của dự án bao gồm hỗ trợ trang thiết bị cho Trung tâm, tập huấn cho cán bộ của TTPHCN, cán bộ Hội, cha mẹ có con bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh cách thức chăm sóc, nuôi dưỡng và chế độ tập luyện, thuốc men cho con em bị di chứng; tổ chức các hoạt động cho trẻ bị di chứng bởi chiến tranh. Quỹ TYM – tổ chức tài chính vi mô của Hội đã hỗ trợ vốn vay cho các chị em có chồng, con là nạn nhân của CĐDC...
TW Hội LHPN Việt Nam đã ủng hộ 30 nhà “Mái ấm tình thương”, trị giá 450 triệu đồng cho nữ chiến sỹ bộ đội Trường Sơn, nữ thanh niên xung phong đã từng tham gia chiến tranh bị ảnh hưởng và nhiễm CĐDC, hiện có hoàn cảnh khó khăn; ủng hộ 10 triệu đồng vào Quỹ vì nạn nhân CĐDC của Hội Nạn nhân CĐDC Việt Nam khi quỹ vừa thành lập.
TW Hội LHPN và 63 tỉnh thành Hội thường xuyên tổ chức các đoàn thăm hỏi động viên và hỗ trợ vật chất các gia đình chính sách, gia đình các nạn nhân CĐDC, các trung tâm bảo trợ xã hội nhân dịp các ngày lễ, tết.
Tổ chức lấy hàng triệu chữ ký, ký tên vào bản kiến nghị ủng hộ vụ kiện tập đoàn sản xuất chất độc hóa học tại Mỹ sản xuất CĐDC cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh Việt Nam.
Phát động hội viên và tổ chức các buổi mít tinh, ca nhạc, lễ phát động nhằm quyên góp tiền ủng hộ nạn nhân CĐDC.
Tổ chức dạy nghề cho phụ nữ khuyết tật, nạn nhân CĐDC.
III. Đề xuất đối với các cấp Hội
Khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là công việc lâu dài và cần sự chung tay của toàn xã hội. Với chức năng chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trong đó có nhóm phụ nữ yếu thế bị ảnh hưởng bởi CĐDC, các cấp Hội cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành chức năng, Hội nạn nhân CĐDC các cấp trong việc hỗ trợ nạn nhân CĐDC, cụ thể:
Đối với nạn nhân CĐDC và gia đình:
- Tổ chức tập huấn các kiến thức và kỹ năng chăm sóc cho phụ nữ có con hoặc người thân bị nhiễm CĐDC.
- Hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, có điều kiện chăm sóc nạn nhân tốt hơn.
- Định hướng và dạy nghề phù hợp cho các nạn nhân.
Đối với chị em phụ nữ nói chung, cộng đồng và các đối tác:
- Tổ chức các buổi truyền thông, tư vấn, tập huấn tại cộng đồng và qua các phương tiện thông tin đại chúng về chăm sóc, ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân CĐDC.
- Tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ thuộc các đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi sự phơi nhiễm dioxin, nhất là những phụ nữ đã có những bất thường sinh sản nhận thức được tầm quan trọng của việc thăm khám sức khỏe thai kỳ, đặc biệt là tư vấn di truyền trước khi muốn có thai, được khám sức khỏe chẩn đoán trước sinh để giảm thiểu các tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh khi có thai.
- Vận động phụ nữ có thai, đặc biệt những thai phụ trước đó đã có tiền sử bất thường thai sản, đã có con bị tật và ở vùng có phơi nhiễm chất độc thực hiện sàng lọc trước sinh để xác định người có nguy cơ cao sinh con bất thường.
- Tiếp tục vận động sự ủng hộ, hỗ trợ về tinh thần và vật chất từ cộng đồng quốc tế.
Đối với cán bộ Hội:
Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ Hội các kiến thức, kỹ năng chăm sóc, tổ chức các hoạt động vì nạn nhân CĐDC và phụ nữ bị ảnh hưởng bởi CĐDC.
Năm 2017, cả nước kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2017). Nhân dịp này, các cấp Hội cần tăng cường hơn nữa các hoạt động đền ơn đáp nghĩa nói chung, trong đó có chăm sóc, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam và những người tham gia chiến đấu bị ảnh hưởng bởi da cam nói riêng thông qua các hoạt động riêng và phối hợp với các cơ quan, tổ chức tại địa phương.
Ban Quốc tế, TW Hội LHPN VN tổng hợp (tháng 7/2017)
Nguồn tham khảo: Tài liệu từ Hội Nạn nhân CĐDC, tài liệu của Hội về hỗ trợ nạn nhân CĐDC và một số trang thông tin điện tử.
[1] Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, năm 2016
[2] Đơn kiện của các nạn nhân CĐDC/dioxin của Việt Nam bị các Tòa án Mỹ bác bỏ với lý do là CĐDC/dioxin rải ở Việt Nam đặc trưng vẫn là chất diệt cỏ, không phải chất độc và việc sử dụng chất độc của Mỹ không cố ý gây thiệt hại cho con người Việt Nam.
[3] 55 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961 – 10/8/2016); http://tuyengiaohungyen.vn/bai-viet/de-cuong-tuyen-truyen-tom-tat-55-nam-tham-hoa-da-cam-o-viet-nam-1081961-1082011.aspx
[4] Ngày 25-6-2004, đại diện 32 tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam họp Hội nghị “Vì các nạn nhân CĐDC/Dioxin Việt Nam”, nhất trí đề nghị lấy ngày 10 tháng 8 hằng năm là “Ngày Vì nạn nhân CĐDC Việt Nam”. Ngày 10-8-1961 là ngày đầu tiên quân đội Mỹ rải hoá chất độc xuống miền Nam Việt Nam ở Bắc Kon Tum