QUY CHẾ
Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề
“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2015 - 2020
(ban hành kèm theo Quyết định số 2922-QĐ/BTGTW, ngày 17/12/2015)
CHƯƠNG I - QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, ý nghĩa
Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện. Giải thưởng được xét chọn và trao giải hai lần trong một nhiệm kỳ (5 năm/ 2 lần trao giải thưởng). Đây là hoạt động quan trọng, thiết thực nhằm đẩy mạnh tuyên truyền việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng nhân cách con người, đề cao các giá trị chân- thiện- mỹ; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; động viên, khen thưởng các văn nghệ sỹ, nhà báo, cán bộ, đảng viên và nhân dân có thành tích xuất sắc trong sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Điều 2. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh
1. Giải thưởng xét tặng các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, sưu tầm văn nghệ dân gian, xuất bản phẩm, công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật, gồm:
a. Văn học
b. Âm nhạc
c. Sân khấu
d. Mỹ thuật
đ. Điện ảnh
h. Nhiếp ảnh
k. Múa
m. Kiến trúc
n. Văn nghệ dân gian
p. Văn học các dân tộc thiểu số
q. Báo chí (Báo in, tạp chí in, báo chí điện tử, phát thanh, truyền hình)
2. Khen thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, gồm:
a. Báo chí (Cơ quan báo chí đăng, phát tác phẩm báo chi)
b. Xuất bản (in sách, quảng bá, phát hành sách)
c. Phát hành phim và chiếu phim
d. Đơn vị biểu diễn nghệ thuật
đ. Ca sỹ, nghệ sỹ thể hiện nhiều và thành công tác phẩm về chủ đề này.
Điều 3. Đối tượng áp dụng
- Người có quốc tịch Việt Nam ở trong nước và sinh sống, lao động, học tập ở ngoài nước có tác phẩm, hồ sơ gửi tham dự Giải thưởng đúng các quy định của Quy chế.
- Người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài có tác phẩm tốt, phù hợp với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, được Đảng ủy Ngoài nước xét chọn, gửi dự Giải thưởng theo quy định của Quy chế.
Điều 4. Cơ cấu Giải thưởng
1. Giải thưởng:
- Tặng giải A, B, C, khuyến khích gồm Bằng của Ban Chỉ đạo chứng nhận giải thưởng đối với tác phẩm, công trình, cá nhân (kèm theo tiền thưởng).
2. Khen thưởng:
- Bằng chứng nhận mức khen thưởng A, B, C của Ban Chỉ đạo Giải thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động quảng bá (kèm theo tiền thưởng).
3. Số lượng:
- Đối với mỗi loại hình nghệ thuật (điều 2, mục 2), chọn 01 giải A, từ 01- 03 giải B, từ 01- 05 giải C và một số giải khuyến khích.
- Đối với tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động quảng bá: chọn 01- 03 tập thể (đối với lĩnh vực xuất bản); 5- 10 tập thể (đối với lĩnh vực báo chí); 01- 03 tập thể và 01- 03 cá nhân (đối với lĩnh vực nghệ thuật).
Điều 5. Kinh phí Giải thưởng
1. Từ ngân sách Nhà nước cấp.
2. Có thể huy động hỗ trợ từ nguồn chính đáng khác.
CHƯƠNG II - TIÊU CHÍ, QUY TRÌNH, THỦ TỤC XÉT CHỌN GIẢI THƯỞNG
Điều 6. Tiêu chí xét chọn
1. Đối với tác phẩm
Tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được tặng giải thưởng cần đạt một trong các yêu cầu sau:
- Đúng chủ đề; có tính phát hiện, tính sáng tạo; đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật; góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hăng hái thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; quảng bá, nâng cao vị thế, hình ảnh Việt Nam trên thế giới.
- Có tác dụng tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, giá trị thiết thực của việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bồi đắp nền tảng tư tưởng, đạo đức, văn hóa trong Đảng và toàn xã hội; phát hiện, cổ vũ, nêu gương, góp phần nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Xây dựng nhân cách con người Việt Nam trước yêu cầu mới; đấu tranh, phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, các quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực; tác động tích cực đối với cộng đồng, xã hội; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, ngành, địa phương, đơn vị.
- Các tác phẩm dự giải thưởng là tác phẩm mới sáng tác, sưu tầm đã được in thành sách, báo, CD, VCD, DVD (văn học, nghệ thuật, báo chí, văn nghệ dân gian); được dựng thành phim, sân khấu (tác phẩm điện ảnh, sân khấu); công trình nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã được Hội đồng cấp ban, bộ, ngành nghiệm thu; tác phẩm đã được tặng giải thưởng trong nước, quốc tế, có chủ đề phù hợp với tiêu chí và trong thời gian quy định của Quy chế này; không đưa các chương trình mang tính lễ hội, giao lưu, lễ kỷ niệm, các tác phẩm viết lời cho làn điệu dân ca vùng, miền (chèo, quan họ, cải lương, vọng cổ, bài chòi, ví giặm, đồng giao…) vào xét giải.
2. Đối với hoạt động quảng bá
Tập thể, cá nhân được khen thưởng về thành tích nổi bật trong hoạt động biểu diễn, quảng bá tác phẩm về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có phẩm chất chính trị và đạo đức tốt; không tham gia các tổ chức trái với quy định của pháp luật Nhà nước và quy định của Đảng; không phát ngôn, đăng tải, tán phát thông tin, quan điểm sai trái trên báo chí, mạng xã hội, trang thông tin cá nhân; không bị xử lý hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên trong vòng 3 năm tính đến thời điểm xét giải.
Điều 7. Quy trình xét chọn
1. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam; Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Đảng ủy Ngoài nước; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Xuất bản Việt Nam; các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, thành lập Ban Sơ khảo xét chọn tác phẩm theo số lượng quy định ở Điều 4, mục 3, gửi về các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam theo từng lĩnh vực chuyên ngành; gửi danh sách đề nghị khen thưởng đối với đơn vị nghệ thuật, đội chiếu phim và cá nhân văn nghệ sỹ có thành tích quảng bá về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; gửi danh sách đề nghị khen thưởng đối với đơn vị xuất bản về Hội Xuất bản Việt Nam, đơn vị báo chí và cá nhân về Hội Nhà báo Việt Nam.
2. Các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam thành lập Hội đồng sơ khảo (từ 5 đến 7 thành viên) của từng Hội để xét, chọn tác phẩm, xuất bản phẩm do các Ban Sơ khảo của tỉnh, thành ủy; Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Đảng ủy Ngoài nước; Ban Sơ khảo các Hội gửi về để xét, chọn giải A, B, C, khuyến khích theo cơ cấu giải thưởng ghi ở Điều 4 của Quy chế này.
3. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng Sơ khảo (từ 5 đến 7 thành viên) xét tặng thưởng đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong quảng bá lĩnh vực nghệ thuật, biểu diễn do các tỉnh, thành ủy, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng cục Chính trị Công an nhân dân; Đảng ủy Ngoài nước gửi về để xét chọn, đề nghị Hội đồng Chung khảo, Ban Chỉ đạo Giải thưởng xem xét, khen thưởng theo cơ cấu giải thưởng ghi ở Điều 4 của Quy chế này.
4. Ban Chỉ đạo Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thành lập Hội đồng Chung khảo (từ 17 đến 19 người) để thẩm định kết quả xét chọn của Hội đồng Sơ khảo các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Xuất bản Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
5. Việc xét chọn của Hội đồng Chung khảo được tiến hành bằng cách bỏ phiếu kín theo các tiêu chí đã nêu ở Điều 6 của Quy chế này. Người dự họp thay cho thành viên chính thức của Hội đồng Chung khảo không được bỏ phiếu. Tác phẩm, tập thể, cá nhân có từ 2/3 thành viên Hội đồng trở lên đồng ý thì được đưa vào danh sách đề nghị Ban Chỉ đạo xét giải thưởng.
6. Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo ghi biên bản ý kiến của các thành viên phân tích, đánh giá các tác phẩm, tác giả tại cuộc họp, kết luận của Chủ tịch Hội đồng, kết quả bỏ phiếu giải thưởng và khen thưởng, chữ ký của từng thành viên, đóng dấu của cơ quan gửi Hội đồng cấp trên, Ban Chỉ đạo xem xét, quyết định.
Các ý kiến đề nghị của thành viên Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo phải được thể hiện bằng văn bản và được sự đồng ý (biểu quyết bằng bỏ phiếu nếu thấy cần thiết) của đa số (2/3 trở lên) các thành viên Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo.
7. Thời hạn, địa chỉ nhận tác phẩm, hồ sơ
Hạn cuối cùng nhận tác phẩm của Hội đồng Chung khảo là: đợt I, ngày 01/03/2018; đợt II, ngày 01/3/2020.
Địa chỉ nhận tác phẩm xét Chung khảo: Tổ Thư ký Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Trung ương, Số 2B Hoàng Văn Thụ, Ba Đình, Hà Nội
Điều 8. Hồ sơ đề nghị xét tặng Giải thưởng
1. Tác phẩm dự Giải phải ghi rõ: họ và tên tác giả, đồng tác giả, nhóm tác giả (cả tên khai sinh và bút danh); tên tác phẩm, thể loại; cơ quan (đơn vị); địa chỉ; điện thoại của tác giả, tập thể tác giả khi cần liên lạc; ngày, tháng, năm sáng tác, sưu tầm, công diễn, biểu diễn, công trình kiến trúc đã xây dựng, trưng bày, xuất bản, tái bản, đăng báo, tạp chí hoặc phát sóng…, được đóng trong túi niêm phong. (Tác phẩm của người nước ngoài gửi dự Giải phải có bản chuyển ngữ (tác phẩm văn học, báo chí, lời ca khúc, lời tựa…)).
2. Hồ sơ của tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng về thành tích quảng bá: ngoài những yêu cầu về thông tin như đối với tác phẩm, phải có báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể về hoạt động quảng bá, số lần, số buổi biểu diễn, trưng bày, triển lãm, giới thiệu…, quy mô, địa điểm, thời gian, được cơ quan, đơn vị, địa phương xác nhận.
3. Những tác phẩm, hồ sơ bị coi là phạm quy (bị loại) do vi phạm các điểm sau đây:
- Gửi không đúng quy trình, không đúng thời gian như Điều 8 nêu.
- Không đủ thông tin như Điều 8, mục 1, mục 2 nêu; ghi chép không rõ ràng, mờ, thiếu, lỗi kỹ thuật hoặc không rõ các phần nối tiếp.
- Tổ Thư ký của Ban Chỉ đạo không gửi lại cơ quan, đơn vị, tác giả, nhóm tác giả những tác phẩm, hồ sơ… phạm quy, gửi không đúng quy trình.
Điều 9. Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức trao Giải thưởng
1. Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng ban.
Thành viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện các cơ quan có liên quan.
2. Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Giải thưởng:
Giúp Ban Bí thư Trung ương Đảng, trực tiếp là Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Bộ phận chuyên trách 03 triển khai các công việc:
- Xây dựng chương trình, kế hoạch, dự toán kinh phí tổ chức Giải thưởng trình Thường trực Ban Bí thư duyệt.
- Xây dựng Quy chế Giải thưởng; Hướng dẫn triển khai; kế hoạch kiểm tra, đôn đốc hoạt động sáng tác, quảng bá, xét chọn tác phẩm, tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động quảng bá, công tác tuyên truyền về Giải thưởng.
- Thành lập Ban Tổ chức Giải thưởng.
Điều 10. Tổ chức trao giải thưởng, khen thưởng
1. Kế hoạch trao giải thưởng, khen thưởng do Ban Tổ chức Giải thưởng quyết định. Kết quả xét tặng giải thưởng, khen thưởng sẽ được đăng trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Lễ công bố, trao giải thưởng, khen thưởng được tổ chức hai đợt. Đợt I vào dịp kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2018); Đợt II vào dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890- 19/5/2020).
CHƯƠNG III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; Hội Nhà báo Việt Nam; Hội Xuất bản Việt Nam, các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm quán triệt, hướng dẫn cụ thể để thực hiện Quy chế này.
2. Bộ phận chuyên trách 03, Ban Tuyên giáo Trung ương xây dựng kế hoạch hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, chương trình, kịch bản tổ chức trao giải thưởng, khen thưởng, trình Ban Chỉ đạo Giải thưởng quyết định thành lập Tổ Thư ký, Tổ Giúp việc.
3. Vụ Tổ chức Cán bộ, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Ban Chỉ đạo Giải thưởng quyết định tặng giải thưởng.
Điều 12. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với hành vi vi phạm Quy chế Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được thực hiện theo quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại.
Điều 13. Sửa đổi, bổ sung Quy chế
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị tổ chức, cá nhân có liên quan phản ánh về Bộ phận chuyên trách 03 của Ban Tuyên giáo Trung ương (địa chỉ: 2B Hoàng Văn Thụ, quận Ba Đình, Hà Nội; điện thoại 08045013 hoặc 08045697) để tổng hợp, báo cáo Ban Tổ chức, Ban Chỉ đạo xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.
Hội NSSKVN