Phụ lục 1: Hướng dẫn góp ý một số nội dung liên quan đến lao động nữ và Bình đẳng giới trong dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi)

  •   Thứ năm - 06/12/2018 08:47
  •   4391
  •  0
Phụ lục 1.
HƯỚNG DẪN GÓP Ý MỘT SỐ NỘI DUNG LIÊN QUAN ĐẾN LAO ĐỘNG NỮ VÀ BÌNH ĐẲNG GIỚI TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT LAO ĐỘNG (SỬA ĐỔI)
Ghi chú: Các điều luật đang theo dự thảo 0, khi có dự thảo 2 sẽ chỉnh sửa, bổ sung
       Nội dung 1:  Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
          Bộ luật lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động quản lý nhà nước về lao động.
        Hướng dẫn góp ý:
         + Phạm vị điều chỉnh có cần được mở rộng hơn, bao gồm cả khu vực lao động có quan hệ lao động và khu vực không có quan hệ lao động? Lý do?
      Nội dung 2: Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
       ....
2. Ngược đãi người lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc, cưỡng bức lao động.
      .....
      Hướng dẫn góp ý:
     + Có cần bổ sung cụ thể thế nào là hành vi quấy rối tình dục trong dự thảo Bộ luật Lao động?Lý do?
     + Nêu cụ thể những hành vi quấy rối tình dục?
     Nội dung 3:  Điều 35. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng của người lao động
Phương án 1: Giữ như hiện hành (có lý do + thời hạn báo trước)
1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:
a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;
c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;
d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;
đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;
g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ mà khả năng lao động chưa được hồi phục.
e)Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 Điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:
a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g Khoản 1 Điều này;
b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 05 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ Khoản 1 Điều này;
c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 Điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 117 của Bộ luật này.
3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại Điều 117của Bộ luật này.
Phương án 2: Người lao động có quyền chấm dứt HĐLĐ bất kể thời điểm nào, không vì lý do gì mà chỉ cần thời hạn báo trước (để tạo cơ hội tìm kiếm việc làm tốt hơn cho người lao động và để phòng ngừa, xóa bỏ lao động cưỡng bức)
1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động bất cứ thời điểm nào với điều kiện phải báo trước:
a) Ít nhất 45 ngày đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với người lao động làm việc theo hợp đồng xác định thời hạn;
c) Ít nhất 05 ngày làm việc đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ.
2. Người lao động không cần báo trước theo quy định tại Khoản 1 Điều này trong những trường hợp sau:
a) Người lao động không được bố trí theo đúng công việc, địa điểmlàm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thống nhất giữa các bên;
b) Người lao động không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn như đã thống nhất giữa các bên;
c) Người lao động bị ngược đãi, quấy rối tình dục hoặc cưỡng bức lao động.
d) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền.
           Hướng dẫn góp ý:
           + Đưa ra phương án lựa chọn và nêu lý do cụ thể?

Nội dung 4: Điều 73. Tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm

Phương án 1:
1. Người lao động làm thêm giờ được trả tiền lương làm thêm giờ tính theo tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn như sau:
a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150%;
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200%;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300%.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm mỗi giờ ít nhất bằng 30% tiền lương của giờ làm việc tiêu chuẩn vào ban ngày.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 Điều này, người lao động còn được trả thêm mỗi giờ ít nhất bằng 50% tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn vào ban ngày.
Phương án 2:
1. Người lao động làm thêm giờ được trả tiền lương làm thêm giờ tính theo tiền lương giờ làm việc bình thường như sau:
a) Vào ngày thường: ít nhất bằng 150% cho giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho các giờ làm thêm tiếp theo.
b) Vào ngày nghỉ hằng tuần: ít nhất bằng 200% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 300% cho các giờ làm thêm tiếp theo;
c) Vào ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 02 giờ làm thêm đầu tiên, 400% cho các giờ làm thêm tiếp theo.
2. Người lao động làm việc vào ban đêm, thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương của ngày làm việc bình thường.
3. Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm thì ngoài việc trả lương theo quy định tại Khoản 1 Điều này, người lao động còn được trả thêm mỗi giờ ít nhất bằng 50% tiền lương giờ làm việc tiêu chuẩn vào ban ngày.
           Hướng dẫn góp ý:
           + Đưa ra phương án lựa chọn và nêu lý do cụ thể?

Nội dung 5: Điều 82. Thời giờ làm thêm

1. Thời giờ làm thêm là khoảng thời gian làm việc mà người lao động làm việc ngoài thời giờ làm việc tiêu chuẩn được quy định trong pháp luật, thỏa ước lao động tập thể hoặc theo nội quy lao động.
2. Người sử dụng lao động chỉ được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
a) Được sự đồng ý của người lao động;
b) Bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc tiêu chuẩn của người lao động không quá 12 giờ trong 01 ngày và tổng số giờ làm thêm của người lao động trong 01 năm không vượt quá 400 giờ.
c) Trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động theo quy định tại Điều 73 của Bộ luật này.
3. Chính phủ quy định chi tiết Khoản 2 Điều này.
           Hướng dẫn góp ý:
+ Quy định số giờ làm thêm tối đa không vượt quá 400 giờ đã hợp lý chưa? Lý do cụ thể? Có cần bổ sung, sửa đổi gì không?

Nội dung 6: Điều 84. Nghỉ trong giờ làm việc

1. Người lao động làm việc 08 giờ hoặc 06 giờ theo quy định tại Điều 80 của Bộ luật này, sau tối đa 4 giờ làm việc liên tục được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục hoặc ít nhất 45 phút liên tục nếu làm việc ban đêm.
2.
Phương án 1:
Đối với người lao động làm việc theo ca thì thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại Khoản 1 Điều này được tính để trả lương như thời giờ làm việc bình thường.
Phương án 2: Bỏ Khoản này, Điều này chỉ bao gồm Khoản 1 và Khoản 3.
3. Ngoài thời gian nghỉ giữa giờ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động phải bố trí cho người lao động nghỉ giải lao với tổng thời gian ít nhất 30 phút. Số lần và thời điểm nghỉ giải lao cụ thể do người sử dụng lao động quyết định và ghi vào nội quy lao động.
           Hướng dẫn góp ý:
+ Có cần bổ sung nội dung như phương án 1, khoản 2 không? Lý do vì sao?
Nội dung 7: Chương IX. Những quy định riêng đối với lao động nữ

Điều 114. Chính sách của Nhà nước đối với lao động nữ

1. Bảo đảm quyền làm việc bình đẳng của lao động nữ.
2. Khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để người lao động có việc làm thường xuyên, áp dụng rộng rãi chế độ làm việc theo thời gian biểu linh hoạt, làm việc không trọn thời gian, giao việc làm tại nhà.
3. Có biện pháp tạo việc làm, cải thiện điều kiện lao động, nâng cao trình độ nghề nghiệp, chăm sóc sức khoẻ, tăng cường phúc lợi về vật chất và tinh thần của lao động nữ nhằm giúp lao động nữ phát huy có hiệu quả năng lực nghề nghiệp, kết hợp hài hoà cuộc sống lao động và cuộc sống gia đình.
4. Có chính sách giảm thuế đối với người sử dụng lao động có sử dụng nhiều lao động nữ theo quy định của pháp luật về thuế.
5. Mở rộng nhiều loại hình đào tạo thuận lợi cho lao động nữ có thêm nghề dự phòng và phù hợp với đặc điểm về cơ thể, sinh lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ.
          6. Nhà nước có kế hoạch, biện pháp tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo ở nơi có nhiều lao động nữ.

Điều 115. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với lao động nữ

1. Bảo đảm thực hiện bình đẳng giới và các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, tiền lương và các chế độ khác.
2. Tham khảo ý kiến của lao động nữ hoặc đại diện của họ khi quyết định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ.
3. Bảo đảm có đủ buồng tắm và buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc.
4.Giúp đỡ, hỗ trợ xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho lao động nữ.

Điều 116. Bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

1. Người sử dụng lao động phải điều chỉnh công việc đối với người lao
động mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi nếu công việc đang làm rõ
ràng gây nguy hiểm tới sức khỏe của họ và cần có các biện pháp bảo vệ để bảo
vệ sức khỏe cho họ trong một thời hạn nhất định.
Trường hợp không thể làm giảm nguy cơ gây nguy hiểm đối với người
lao động đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi tới mức chấp nhận
được thì người sử dụng lao động phải chuyển người lao động làm công việc
khác mà không giảm lương hoặc lợi ích của người lao động trong một thời gian nhất định.
2. Người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đang trong thời gian mang thai,nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi,thì người sử dụng lao động có nghĩa vụ chứng minh rằng hành động của ngườisử dụng lao động không liên quan tới việc người lao động mang thai,nghỉ thai sản hoặc đang nuôi con nhỏ.
3. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.
4. Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

Điều 117. Quyền đơn phương chấm dứt, tạm hoãn hợp đồng lao động của lao động nữ mang thai

Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.

Điều 118. Nghỉ thai sản

1. Lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con là 06 tháng.
Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
2. Trong thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
3. Hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, lao động nữ có thể nghỉ thêm một thời gian không hưởng lương theo thoả thuận với người sử dụng lao động.
4. Trước khi hết thời gian nghỉ thai sản theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu có nhu cầu, có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc đi làm sớm không có hại cho sức khỏe của người lao động và được người sử dụng lao động đồng ý, lao động nữ có thể trở lại làm việc khi đã nghỉ ít nhất được 04 tháng.
          Trong trường hợp này, ngoài tiền lương của những ngày làm việc do người sử dụng lao động trả, lao động nữ vẫn tiếp tục được hưởng trợ cấp thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 119. Bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản

  Lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 118 của Bộ luật này mà không bị cắt giảm các quyền, lợi ích và điều kiện làm việc so với trước khi người lao động nghỉ thai sản; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.

Điều 120. Trợ cấp khi nghỉ để chăm sóc con ốm, khám thai, thực hiện các biện pháp tránh thai

   Thời gian nghỉ việc khi khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, phá thai bệnh lý, thực hiện các biện pháp tránh thai, chăm sóc con dưới 07 tuổi ốm đau, nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi, lao động nữ được hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Điều 121. Sử dụng lao động nữ trong một số trường hợp đặc biệt

Việc sử dụng lao động nữ trong một số trường hợp đặc biệt phải đảm bảo không ảnh hưởng tới chức năng sinh sản của lao động nữ. Công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành sau khitham khảo ý kiến của Bộ Y tế.
Hướng dẫn góp ý:
        + Các quy định tại chương IX về lao động nữ có phù hợp không? Tính khả thi của các quy định như thế nào?
       + Cần bổ sung, sửa đổi cụ thể những nội dung nào để bảo đảm quyền bình đẳng về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của lao động nam và nữ trong công việc và trong gia đình?
Nội dung 8: Điều 148. Tuổi nghỉ hưu
1. Tuổi nghỉ hưu của người lao động bình thường làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi. Từ 01/01/2021, cứ mỗi năm tăng 03 tháng đối với nam, tăng 04 tháng đối với nữ cho đến khi cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
2. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc, nghề nghiệp đặc thù có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 năm so với quy định tại khoản 1 Điều này.
Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1, Khoản 2 và Khoản 3 Điều này.
Hướng dẫn góp ý:
         + Việc quy định tuổi hưu theo lộ trình đã phù hợp cho các đối tượng lao động chưa? Các nội dung cần bổ sung, sửa đổi? Lý do cụ thể
       Nội dung 9: Những vấn đề góp ý khác (tiền lương, hợp đồng lao động, tổ chức đại diện của người lao động…) trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
                

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 7

Tổng lượt truy cập: 5,382,095

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây