Rèn luyện “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” để góp phần thực hiện bình đẳng giới và sự nghiệp giải phóng phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh 

  •   Thứ hai - 06/02/2017 15:22
  •   6921
  •  0
Bác Hồ trò chuyện với đại biểu phụ nữ dân tộc thiểu số tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III (1961) Ảnh: Theo: http://tuyengiao.haiduong.org.vn/
Một trong những nội dung lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ là giải phóng tâm lý tự ti, đầu óc phụ thuộc, bởi thân phận người phụ nữ trong chế độ cũ, phát huy phẩm chất truyền thống tốt đẹp phụ nữ Việt Nam trong điều kiện xã hội mới, thật sự giải phóng tư tưởng, giải phóng năng lực của phân nửa xã hội để người phụ nữ vươn lên làm chủ bản thân, gia đình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội. Tư tưởng này của Người đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong việc thực hiện bình đẳng giới và sự nghiệp giải phóng phụ nữ ở Việt Nam trong cả thời kỳ giải phóng dân tộc cũng như thời kỳ đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.



Giải phóng phụ nữ là sự nghiệp của chính bản thân phụ nữ
Trực tiếp chứng kiến cuộc sống cơ cực của người phụ nữ dưới chế độ thực dân, phong kiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hun đúc một hoài bão lớn là làm sao để phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ thế giới nói chung thoát khỏi sự áp bức bất công của xã hội, làm sao để phụ nữ được tôn trọng, được đặt đúng vị thế của mình và được bình đẳng như nam giới. Vì thế, suốt cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ và xem đó như là mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhìn thấy rõ bản tính nhút nhát, tự ti của phụ nữ, cũng như chưa có nhiều cơ hội để phụ nữ vươn lên tự giải phóng bản thân mình. Người đã nhiều lần khẳng định để giải phóng phụ nữ, phụ nữ không nên chỉ trông chờ vào việc thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi của phụ nữ mà trước hết phụ nữ phải tự vươn lên đấu tranh để khẳng định vị trí của mình. Tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn miền Bắc ngày 1/8/1960, Người đã nhấn mạnh: “Phụ nữ ta có một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ mà phải xóa bỏ tâm lý tự ti và ỷ lại, phải có ý chí tự cường, tự lập, phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa kỹ thuật”.
Hồ Chí Minh luôn quan tâm, thúc đẩy sự phát triển, sự tiến bộ của phụ nữ. Người khuyến khích phụ nữ phải cố gắng học tập để nâng cao trình độ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Người chỉ bảo từng đối tượng, từng công việc cụ thể: Chị em phụ nữ cố gắng thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội... Phụ nữ công nhân tích cực tham gia quản lý thật tốt nhà máy, công trường. Phụ nữ nông dân cần hăng hái tham gia phong trào tổ đổi công, hợp tác xã... Các tầng lớp phụ nữ ở thành phố cần chấp hành tốt các chính sách của Đảng và Chính phủ. Chị em làm nghề buôn bán cần giữ đức tính thật thà, đứng đắn, bài trừ tệ “mua rẻ bán đắt”, tệ “mặc cả nói thách”. Cùng với sự quan tâm tạo điều kiện đó, Người nhắc nhở: “Chị em phụ nữ ta phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm tròn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, xây dựng cuộc sống tươi vui hạnh phúc cho nhân dân ta, cho con cháu ta”.
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh không quên nhắc nhở chị em phụ nữ: “Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam phát động phụ nữ cả nước rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức cốt lõi của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước: Tự tin - Tự trọng - Trunghậu - Đảm đang. Chủ trương này đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi trong các cấp Hội Phụ nữ cả nước và được xác định chính là việc làm cụ thể học tập và làm theo gương Bác của phụ nữ, góp phần xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết TW 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí được xác định trong Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước” do Hội chủ trì thực hiện đã nhận được sự đồng thuận, nhất trí cao của lãnh đạo các tỉnh, sự hưởng ứng của các tầng lớp phụ nữ và người dân trong cộng đồng, bước đầu tạo được những chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành vi.
Đã có trên 30.000 tấm gương phụ nữ được biểu dương, tôn vinh qua cuộc thi viết “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trên địa bàn cả nước và 9.118 tập thể, 19.715 cá nhân điển hình phụ nữ tiêu biểu được biểu dương qua Đại hội thi đua và Hội nghị điển hình tiên tiến của các cấp Hội.
Những tấm gương sáng đó đại diện cho muôn vàn tấm gương phụ nữ tiêu biểu cả nước đang ngày đêm nỗ lực, lao động sáng tạo, học tập rèn luyện hoàn thiện bản thân, chăm lo xây dựng gia đình hạnh phúc, hưởng ứng, thực hiện các chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đối với phụ nữ, đưa vị thế xã hội của người phụ nữ lên một tầm cao mới, góp phần thực hiện bình đẳng giới và sự nghiệp giải phóng phụ nữ theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

 
Hương Giang- Ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam

Nguồn tin: hoilhpn.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 4

Tổng lượt truy cập: 5,389,347

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây