Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Phú Yên lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 diễn ra từ ngày 10-12/10/2016 tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh (Thành phố Tuy Hòa), là sự kiện chính trị quan trọng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của cán bộ, hội viên, phụ nữ cả tỉnh, đánh dấu sự trưởng thành, phát triển và những đóng góp không nhỏ của các tầng lớp phụ nữ và tổ chức Hội thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước. Chủ đề “Phát huy vai trò, sức sáng tạo của phụ nữ, đoàn kết, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần thực hiện bình đẳng giới, tham gia xây dựng tỉnh Phú Yên phát triển bền vững”; với phương châm Đại hội: Đoàn kết, đổi mới, bình đẳng, phát triển.
I. Về chương trình, đại biểu, nội dung của Đại hội:
1. Chương trình: Đại hội tiến hành trong 4 buổi
Bắt đầu từ chiều ngày 10/10, Đại hội tổ chức phiên trù bị; Sáng ngày 11/10: Khai mạc Đại hội; đến trưa ngày 12/10: Bế mạc Đại hội.
2. Đại biểu dự Đại hội:
2.1 Đại biểu khách mời:
- Đại hội được vinh dự đón đồng chí Bùi Thị Hòa – Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và đ/c Lương Minh Sơn - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy đến dự và phát biểu chỉ đạo.
- Các đ/c lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy Ban MTTQ Việt Nam tỉnh; các đ/c nguyên lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các đ/c lão thành cách mạng, cán bộ Hội qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị Phưỡng và mẹ Lương Thị Phương đại diện 153 Mẹ Việt Nam anh hùng còn sống của tỉnh; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, các sở ban ngành đoàn thể tỉnh, các đ/c thường trực huyện/thị/thành ủy, Đảng ủy trực thuộc tỉnh ủy; lãnh đạo UBND các huyện/thị xã/thành phố; các đơn vị lực lượng vũ trang…
- Đoàn đại biểu Hội LHPN các tỉnh Khánh Hòa, Bình Định, Đắk Lắk.
2.2 Đại biểu chính thức
- 246/250 đại biểu triệu tập dự Đại hội, trong đó Đại biểu đương nhiên: 24; đại biểu bầu 197; ĐB chỉ định: 25 (vắng 4 đại biểu: 03 đương nhiên, 01 bầu)
* Đại diện các thành phần: Đại biểu là cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh, cấp huyện, xã: 145; Đại biểu là cán bộ nữ lãnh đạo các Sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện: 24; Đại biểu là nữ lực lượng vũ trang: 20; Đại biểu là nữ CNVC-LĐ: 18; Đại biểu là nữ doanh nhân: 02; Đại biểu là hội viên tiêu biểu: 37; Đại biểu là dân tộc thiểu số: 14; Đại biểu Tôn giáo: 05.
* Trình độ chuyên môn: Sau Đại học: 16; Đang học sau Đại học: 6; Cao đẳng, Đại học: 146; Đang học Đại học: 7; Trung cấp: 34; Sơ cấp: 04; Chưa qua đào tạo: 33.
* Trình độ lý luận chính trị: Cử nhân: 01; Cao cấp: 49; Đang học cao cấp: 04; Trung cấp: 117; Đang học trung cấp: 02; Chưa qua đào tạo: 73.
3. Nội dung cơ bản của Đại hội:
3.1. Đại hội thực hiện các nội dung theo quy định và tập trung thảo luận, đa số đại biểu thống nhất dự thảo văn kiện Đại hội do BCH Hội LHPN tỉnh nhiệm kỳ 2011 – 2016 trình Đại hội. Đoàn chủ tịch tổng hợp giải trình một số ý kiến góp ý tại Đại hội và thống nhất thông qua một số nội dung trọng tâm: Báo cáo của Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016; Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016; Báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022; Báo cáo tổng hợp ý kiến sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội khóa XI.
3.2. Về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2011 - 2016
Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, các tầng lớp phụ nữ đoàn kết, năng động, sáng tạo, tham gia phong trào thi đua“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, hưởng ứng CVĐ “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, rèn luyện phẩm chất đạo đức “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đóng góp vào thành tựu phát triển của tỉnh.
Phụ nữ ngày càng tham gia tích cực và có hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế, lao động và việc làm; giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, văn hóa-thông tin; lĩnh vực gia đình và lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh. Các tầng lớp phụ nữ nỗ lực phát huy phẩm chất tốt đẹp, nâng cao năng lực, trình độ, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước, chị em hăng hái tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Phong trào phụ nữ và hoạt động Hội ngày càng được xã hội hóa, hướng trọng tâm hoạt động về cơ sở, thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ đến với tổ chức Hội. Hội LHPN luôn giữ vững và phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ, chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mở rộng tính liên hiệp, đoàn kết tập hợp, vận động các tầng lớp phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương, Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Hội đã thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ. Đặc biệt, Ban chấp hành Hội LHPN tỉnh đã lãnh đạo và triển khai thực hiện hiệu quả phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Các cấp Hội đã hoàn thành đạt và vượt mức 6/7 chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XV nhiệm kỳ 2011- 2016 đề ra, góp phần không nhỏ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế:
Trong chỉ đạo còn nặng về hành chính, dàn trải, chưa tập trung, thiếu sự chủ động, linh hoạt; trong quá trình triển khai thực hiện, các cấp Hội có lúc còn chậm cụ thể hóa hoạt động phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị.
Việc cụ thể hóa phong trào thi đua cho từng nhóm đối tượng phụ nữ chưa thật sự phù hợp, hiệu quả chưa cao. Việc phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến chưa thường xuyên, kịp thời, nhất là ở cấp cơ sở.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ đôi khi chưa kịp thời. Việc đi cơ sở nắm bắt tình hình và tham mưu với cấp ủy đảng, chính quyền giải quyết các vấn đề xã hội bức xúc, vụ việc vi phạm nhân phẩm của phụ nữ hiệu quả chưa cao. BCH Hội LHPN tỉnh chưa kịp thời dự báo, nắm bắt tình hình và có giải pháp hiệu quả đối với tình trạng đơn thư, khiếu nại đông người có sự tham gia của phụ nữ.
Việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ một số cơ sở chưa kịp thời. Mô hình hoạt động Hội nhiều nhưng chưa hiệu quả và bền vững.
Cán bộ Hội có nơi, có lúc chưa sâu sát với cơ sở, có tình trạng dồn việc cho cán bộ chi Hội. Xây dựng lực lượng hội viên nòng cốt có nơi chưa hiệu quả, chất lượng chưa tương xứng với tỷ lệ hội viên nòng cốt; việc theo dõi, quản lý hội viên và tổ chức sinh hoạt ở chi Hội còn nhiều bất cập.
Việc thực hiện chức năng đại diện, vai trò nòng cốt của Hội còn hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng của phụ nữ. Thực hiện nhiệm vụ tham mưu, đề xuất chính sách và giám sát còn lúng túng; chưa thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội. Khai thác nguồn lực để triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động Hội còn khó khăn.
3.3. Thống nhất mục tiêu, phương hướng, chỉ tiêu và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
a/ Mục tiêu tổng quát: Đoàn kết, phát huy vai trò, sức sáng tạo, đổi mới nội dung phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức phụ nữ thời kỳ mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; phấn đấu vì mục tiêu bình đẳng giới, tiến bộ phụ nữ, xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần xây dựng Phú Yên phát triển nhanh, bền vững.
b/ Các chỉ tiêu cụ thể:
1. Chỉ tiêu về phong trào thi đua:
Hàng năm 100% Hội phụ nữ các cấp cụ thể hóa tiêu chí thực hiện phong trào thi đua. Phấn đấu hàng năm mỗi cơ sở Hội phát hiện, xây dựng, biểu dương, truyên truyền nhân rộng ít nhất 01 mô hình hiệu quả, 02 cá nhân phụ nữ điển hình tiêu biểu.
2. Chỉ tiêu về công tác tuyên truyền:
Hàng năm, mỗi cơ sở Hội có ít nhất 02 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức cho phụ nữ thiết thực; có ít nhất 5 tin/bài/ Hội LHPN cấp huyện về hoạt động Hội, phong trào phụ nữ, điển hình, mô hình hay được đăng tải trên báo Phú Yên, Tờ tin Phụ nữ, Website của Trung ương Hội và Tỉnh Hội.
3. Chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới:
Hàng năm, mỗi cơ sở Hội đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện ít nhất một công trình, phần việc hoặc một hoạt động thiết thực, phù hợp tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Hàng năm, có 100% Hội phụ nữ cấp huyện có kế hoạch triển khai hoạt động tham gia bảo vệ môi trường và đến cuối nhiệm kỳ có 100% Hội phụ nữ xã, phường, thị trấn ven biển thành lập mô hình Câu lạc bộ Phụ nữ Biển xanh – làm sạch bờ biển và tổ chức hoạt động có hiệu quả.
4. Chỉ tiêu về xây dựng gia đình hạnh phúc, 05 không 03 sạch:
Hàng năm, mỗi cơ sở Hội giúp được ít nhất 02 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí “Gia đình 5 không 3 sạch” (có địa chỉ cụ thể). Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 90% hộ gia đình hội viên trở lên được tiếp cận thông tin về giáo dục đời sống gia đình; có 95% hộ gia đình hội viên được công nhận gia đình văn hóa.
5. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có ít nhất 70% hộ gia đình phụ nữ có con từ 0-16 tuổi được cung cấp kiến thức và kỹ năng nuôi, dạy con cháu theo các giai đoạn phát triển của trẻ.
6. Chỉ tiêu giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo có địa chỉ:
Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ có 3.080 hộ phụ nữ nghèo và 2.002 hộ cận nghèo được Hội giúp. Trong đó, hàng năm mỗi cơ sở Hội giúp được ít nhất 01 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo (có địa chỉ cụ thể). Mỗi năm hỗ trợ ít nhất 80 phụ nữ khởi nghiệp hoặc khởi sự kinh doanh.
7. Chỉ tiêu về giám sát chính sách có liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới: Đến cuối nhiệm kỳ Hội cấp tỉnh tham mưu đề xuất được ít nhất 02 chính sách/chương trình/đề án liên quan đến phụ nữ. Hàng năm, Hội LHPN cấp tỉnh, huyện giám sát ít nhất 01 chính sách, luật pháp; đóng góp ý kiến phản biện xã hội ít nhất 01 văn bản dự thảo có liên quan.
8. Chỉ tiêu về cán bộ Hội: 100% cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, ngoại ngữ, tin học theo quy định; 100% cán bộ Hội cơ sở được bồi dưỡng nghiệp vụ ít nhất 02 lần trong nhiệm kỳ. 100% Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội LHPN cơ sở trực tiếp triển khai, phổ biến, báo cáo các nội dung công việc của Hội tại các buổi sinh hoạt hội viên định kỳ và sinh hoạt các mô hình câu lạc bộ phụ nữ.
9. Chỉ tiêu phát triển hội viên: Bình quân hàng năm toàn tỉnh tăng 2.300 hội viên, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ tăng thêm 11.500 hội viên; đảm bảo đến cuối nhiệm kỳ không có cơ sở Hội có tỷ lệ hội viên dưới 60% trên tổng số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên.
10. Chỉ tiêu xếp loại tổ chức cơ sở Hội: Hàng năm, tăng từ 05 cơ sở Hội trở lên được xếp loại vững mạnh, đảm bảo đến cuối nhiệm kỳ không có cơ sở Hội xếp loại trung bình.
c/ Các nhiệm vụ trọng tâm
Nhiệm vụ 1. Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển toàn diện góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Phú Yên phát triển toàn diện hướng đến chân - thiện - mỹ, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Nhiệm vụ 2: Vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững, tham gia bảo vệ môi trường
Nhiệm vụ 3: Xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội
d/ 6 nhóm giải pháp:
- Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động và nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền ở các cấp Hội
- Nâng cao chất lượng phong trào thi đua, các cuộc vận động của Hội.
- Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ Hội các cấp
- Tổ chức hoạt động tăng tỷ lệ hội viên, nhất là đơn vị HV thấp dưới 50%
- Phát huy tốt chức năng của Hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền
- Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý trong hệ thống Hội, khắc phục biểu hiện hành chính hóa, hình thức
3.4. Tham luận Đại hội: Gồm 12 bài tham luận đại diện cho các lĩnh vực phong trào phụ nữ và chuyên đề hoạt động của Hội.
3.5. Về kết quả bầu cử:
a/ Kết quả bầu cử BCH và các chức danh
Kết quả đại hội bầu BCH gồm 32 ủy viên đảm bảo đúng cơ cấu:
- Cán bộ Hội chuyên trách: 25 ủy viên, chiếm tỷ lệ 78,12%.
+ Cơ quan chuyên trách Hội LHPN tỉnh: 14 ủy viên
+ Chuyên trách các huyện/thị/thành Hội, Hội Phụ nữ Công an: 10 ủy viên
+ Chuyên trách cấp cơ sở: 01 ủy viên
Trong đó, cơ cấu kết hợp dân tộc thiểu số: 02; Cơ cấu các sở, ngành, đoàn thể và tiêu biểu: 07, chiếm 21,88%.
Tại phiên họp lần thứ nhất Ban chấp hành khóa XVI đã bầu Ban Thường vụ gồm 10 ủy viên, bầu các chức danh Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh. Đ/c Đặng Thị Hồng Nga tiếp tục tái cử Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; 3 đồng chí Phó Chủ tịch là: Đ/c Nguyễn Thị Phương Liên, đ/c Đỗ Thị Như Tình (tái cử) và đ/c Trần Thị Binh (UV BTV, Trưởng Ban gia đình xã hội Hội LHPN tỉnh).
b/ Kết quả bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội cấp trên:
Kết quả bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm 12 đồng chí đại biểu chính thức và 02 đồng chí đại biểu dự khuyết, đảm bảo đúng cơ cấu:
+ Đại biểu là nữ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: 01 đại biểu, chiếm tỷ lệ 8,33%.
+ Đại biểu là cán bộ Hội chuyên trách các cấp: 11 đại biểu, chiếm tỷ lệ 91,67% (Cấp tỉnh: 05 đại biểu, cấp huyện: 03 đại biểu, cấp cơ sở: 01 đại biểu, hội viên tiêu biểu: 02 đại biểu).
_______________
BAN TUYÊN GIÁO HỘI LHPN TỈNH PHÚ YÊN