Đông qua xuân đến

  •   Thứ ba - 02/01/2018 15:22
  •   3938
  •  0
1 hoa dao 1024x705
Ảnh: Internet
Cái thuở lắm mộng mơ, tôi yêu đến lạ sự thất thường, đỏng đảnh của tiết trời mùa đông. Mùa đông để tôi được khoác trên mình chiếc áo ấm màu vàng kiêu sa hay màu hồng rực rỡ, và cứ thế lang thang qua từng con phố nhỏ trong hoàng hôn màu tím sẫm. Mùa đông cho tôi ỡm ờ đôi bờ vai chiếc len choàng một mình đạp xe đến vùng ngoại ngắm nhìn những chùm hoa sữa cuối mùa, hít sâu vào lồng ngực hương của đất trời âm ẩm và nồng nàn rất lạ. Đi trong heo may, tôi ngước mắt đếm những chiếc lá vàng còn sót lại cuối thu gầy. Mùa đông cho tôi e ấp chiếc ô tròn nhỏ xinh màu ngọc bích đủ để làm duyên, làm dáng trong tấm rèm hơi sương thoáng hiện, thoáng mờ. Mỗi đêm đông về, tôi thích thú được rúc mình trong chăn ấm thả hồn cùng những bài hòa tấu êm đềm của đất trời, dịu ngọt, vẳng đâu đó tiếng chuông chùa thâm trầm ngân xa. Mùa đông cho tôi sự ấm êm, yên vui bên gia đình, những hôm trời rả rích tiếng mưa đêm, cả xóm dậy lên mùi thơm nức của bánh xèo, bánh vừa chín, mới được vớt ra đem biếu cho bà con hàng xóm khi còn nóng hổi, gửi trọn trong ấy tình thân xóm giềng. Mùa đông cho tôi cái cảm giác nhẹ nhàng, thư thả, không nóng bức, gắt gỏng như mùa hè đổ lửa… Tôi yêu đến vô cùng những ngày đông ấy… Cứ dịu dàng mãi như thế thì mùa đông thật đáng yêu biết chừng nào!

Nhưng rồi, mùa đông càng ngày càng trái tính trái nết, bà con quê tôi thở dài thườn thượt mà rằng: Thời tiết dạo này sao lạ, cứ hễ mưa là lũ lại tràn về, cứ hễ nắng là nắng cho đến tận cùng của nóng, của hạn. Người dân quê nghèo một nắng hai sương, bốn mùa bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, mùa hạ, cứ phải ngửa cổ lạy trời mưa xuống lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, mùa đông đến thì cầu trời sóng yên biển lặng, mưa thuận gió hòa, để đầy ắp cá tôm mỗi chuyến thuyền về. Vậy mà trời không nghe thấu, bao nhiêu mồ hôi trộn hòa nước mắt trong từng bữa ăn, trong mỗi giấc ngủ khắc khoải, khó được yên bình. Trên những con đường đi tìm con chữ, con trẻ nghiến răng bởi dốc đường trơn trượt. Bà con quê tôi quanh năm vất vả nhưng vẫn không giàu lên được, cứ đổ xô đến những miền quê khác, nơi được cho là miền đất hứa để làm ăn, lập nghiệp… chạnh lòng và xót xa!

Những người lớn tuổi quê tôi vẫn bảo, mùa tháng chín, tháng mười là phải mưa, phải lụt. Lụt là để bồi đắp phù sa từ các dòng sông, con suối đổ về cho ruộng vườn quanh năm đã vắt kiệt màu mỡ, chắt chiu thành hạt lúa, củ sắn rồi, cũng theo đó chuột bọ, sâu rầy cuốn trôi đi bớt, lụt là để “trao đổi chất” làm sạch ruộng vườn. Cứ sau mỗi mùa đông thuận hòa như vậy đất trời như được hồi sinh, mùa xuân về cây đâm chồi, cành nẩy lộc, nụ đơm hoa kết trái… Mỗi buổi mai thức dậy, mọi người thỏa thích thu trọn vào tầm mắt mình rực rỡ sắc hoa vạn thọ, hoa cúc vàng, mà trong từng cánh hoa vẫn còn đọng long lanh những hạt sương như hàng ngàn ánh sao lấp lánh. Tiết trời đầu xuân se lạnh, gió xuân mơn man thổi đẩy bầu trời lên như cao hơn, mây trắng dệt tơ trời óng mượt, nhuộm bầu trời như trong xanh hơn… mọi người đều dễ dàng cảm nhận được mùa xuân đang gõ cửa…

* * *

 Qua bao mùa gian nan thử thách bởi thời tiết khắc nghiệt, bởi sự khô cằn của mảnh đất oằn vai gánh hai đầu đất nước, sau bao nỗi muộn phiền, khó nhọc, bà con quê tôi rồi sẽ vượt qua, vươn mình đứng dậy sau bão giông. Sau hàng tháng trời những con thuyền dầm chân ngóng biển, trong màn sương mờ, những ngư dân cứng cỏi vươn vai, hít căng lồng ngực mùi biển mặn, tất tả chuẩn bị cho chuyến đánh bắt đầu tiên, những chuyến tàu căng buồm vượt sóng sẽ nối đuôi nhau vươn khơi bám biển, hải âu tung cánh sóng thổi tung ngọn buồm no gió, tôm cá óng ánh vảy bạc nhấp nhánh đầy kho­ang. Những mảnh ruộng nước bạc trắng đồng rồi sẽ thay bằng những ruộng lúa, bãi ngô trĩu hạt tỏa nắng, không gian sẽ ngập hương của ngàn hoa, chim én lại chao liệng kết thành những nốt nhạc hòa cùng âm thanh của nhịp sống quê tôi sôi động. Xuân đã về!

THỤY BÌNH

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 15

Tổng lượt truy cập: 5,221,061

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây