Đang truy cập: 32
Máy chủ tìm kiếm: 2
Khách viếng thăm: 30
Tổng lượt truy cập: 5,087,124
- Đang truy cập32
- Hôm nay4,208
- Tháng hiện tại65,011
- Tổng lượt truy cập5,087,124
Thực trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc là vấn nạn xã hội đã và đang xảy ra trong một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất, nhân phẩm của nạn nhân, đồng thời tác động không nhỏ đến năng suất lao động, hiệu quả công việc. Không chỉ có vậy, quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn kéo lùi các mục tiêu về bình đẳng giới, tạo ra sự bất công trong lao động.
Ở Việt Nam, để từng bước khắc phục tình trạng trên, ngày 18/6/2012, Bộ luật Lao động năm 2012 đã có một số quy định liên quan đến hành vi quấy rối tình dục trong lĩnh vực lao động[1]. Theo đó, hành vi quấy rối tình tại nơi làm việc là một trong những hành vi bị nghiêm cấm (Khoản 2, Điều 8).
Để cụ thể hóa các quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 về vấn đề này, lần đầu tiên, vào năm 2015 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nghiên cứu, xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc (Bộ quy tắc).
Đây là khuyến nghị chính thức của ba bên về chủ đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. Với tính chất khuyến nghị, hướng dẫn để tất cả các đơn vị sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, ở khu vực công và khu vực tư nhân, không kể quy mô có thể thực hành tốt phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Thông qua Bộ quy tắc, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện của người sử dụng lao động và tổ chức công đoàn giải quyết có hiệu quả tình trạng quấy rối tình dục, cũng như đưa ra khuyến nghị chung trong việc xây dựng, thi hành và giám sát chính sách tại nơi làm việc về quấy rối tình dục và khích lệ việc thúc đẩy xây dựng môi trường làm việc an toàn và lành mạnh, nơi tất cả người lao động, bất kể giới tính và địa vị, đều được đối xử một cách công bằng. Cũng thông qua Bộ quy tắc và các quy định của Bộ luật Lao động 2012, nhận thức của người lao động về quyền trong vấn đề phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được nâng cao.
Qua 7 năm thi hành Bộ luật Lao động năm 2012, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó có một số quy định mới về nội dung phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc[2]. Cụ thể, theo Khoản 9, Điều 3 Bộ luật Lao động năm 2019 “Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Để cụ thể hóa các nội dung liên quan đến nội dung này, Chính phủ đã xây dựng và ban hành Nghị định 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2019 về điều kiện lao động và quan hệ lao động, trong đó có một số quy định về phòng, chống quấy rồi tình dục tại nơi làm việc[3]. Năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng LĐLĐ Việt Nam và VCCI tiến hành hoàn thiện, cập nhật Bộ quy tắc hiện hành với tên gọi “Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc” (dự thảo Bộ quy tắc mới) trên cơ sở kế thừa các nội dung đã được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 và bám sát các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 145/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Xét dưới góc độ bình đẳng giới, dự thảo Bộ Quy tắc đã thể hiện được ý nghĩa và sự cần thiết của việc thực hành phòng, chống quấy rồi tình dục tại nơi làm việc là góp phần giải quyết sự phân biệt đối xử về giới, bất bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động và góp phần quan trọng xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, thúc đẩy năng suất lao động. Chúng ta biết rằng, nạn nhân của tình trạng quấy rối tình dục bao gồm cả lao động nam và lao động nữ, trong đó, nạn nhân chủ yếu là phụ nữ. Với những đặc điểm về tự nhiên, sinh học của mình, lao động nữ thường là đối tượng dễ bị tổn thương hơn trong quá trình tiếp xúc, làm việc và có nguy cơ cao hơn trong vấn đề quấy rối tình dục tại nơi làm việc
Mặc dù về bản chất, dự thảo Bộ quy tắc không có sự thay đổi nhiều so với Bộ quy tắc hiện hành (ban hành năm 2015) (vẫn chỉ mang tính chất khuyến nghị, thể hiện cam kết của 03 bên[4] nhằm thúc đẩy xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, không có quấy rối tình dục); tuy nhiên, để phù hợp với một số quy định mới của Bộ luật Lao động năm 2019, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, đồng thời đảm bảo phù hợp hơn với các tiêu chuẩn lao động quốc tế có liên quan, một số nội dung của dự thảo Bộ quy tắc được bổ sung vào để hoàn thiện, cập nhật các quy định mới. Cụ thể, việc mở rộng phạm vi áp dụng (bao gồm không chỉ doanh nghiệp mà có cả tất các đơn vị sử dụng lao động) và đối tượng áp dụng của Bộ quy tắc sẽ giúp nâng cao quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi bên khi tham gia vào công tác phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Thuật ngữ “nơi làm việc” cũng được giải thích rõ hơn[5], chi tiết hơn so với Bộ quy tắc hiện hành, giúp cho việc nhận diện và giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, việc thay đổi một số từ ngữ trong dự thảo Bộ quy tắc theo hướng nâng cao mức độ khuyến nghị (thay vì “nên” bằng “cần phải” trong nội dung về mô hình quản lý hiệu quả và mô hình làm việc hiệu quả), đã thể hiện mạnh mẽ hơn cam kết của Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực lao động nói chung và trong phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc nói riêng; cũng như góp phần thúc đẩy nhanh và sâu sắc hơn đối với việc thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới tại Việt Nam.
Với tư cách là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam mong muốn dự thảo Bộ quy tắc ứng xử phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc sớm được ban hành và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động quan tâm thực hiện nghiêm túc để đẩy lùi tình trạng quấy rồi tình dục tại nơi làm việc vẫn âm thầm xảy ra phía sau cánh cổng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
- Năm 2022, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Hiện nay, dự thảo đang trong quá trình xin ý kiến để hoàn thiện. - Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử Phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm 7 phần: 1. Mục tiêu của Bộ Quy tắc 2. Phạm vi, đối tượng áp dụng Bộ Quy tắc 3. Khái niệm và các hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc. 4. Vai trò, trách nhiệm của: Người sử dụng lao động; Người lao động; Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở; Tổ chức công đoàn cấp trên cơ sở; Tổ chức đại diện người sử dụng lao động; Cơ quan quản lý nhà nước về lao động. 5. Quy định của người sử dụng lao động lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc 6. Biện pháp thúc đẩy thực hiện phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm viêc, gồm: Tuyên truyền, phổ biến quy ddnihj của doanh nghiệp về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Tập huấn thường xuyên; Xử lý vi phạm đối với người có hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc; Bảo vệ danh tính của các bên liên quan; Mô hình quản lý hiệu quả; Mô hình nơi làm việc tốt.
|
[1] Khoản 2, Điều 8; Điểm c, Khoản 1, Điều 37; Khoản 4, Điều 182; Khoản 1, Điều 183.
[2] giải thích từ ngữ đối với thuật ngữ “quấy rồi tình dục” (khoản 9, Điều 3) và quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động (Điểm d, khoản 2, Điều 6)
[3] Điểm d, Khoản 2, Điều 69; Điểm b, Khoản 2, Điều 83; Điều 84, 85, 84, Khoản 1, Điều 87; Điểm b, Khoản 5, Điều 87; Điểm d1, Khoản 1, Điêu 89.
[4] Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng LĐLĐ Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
[5] “Nơi làm việc” trong Bộ quy tắc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.
Minh Quí, Ban CSLP TW Hội
Nguồn tin: hoilhpn.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết khác
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 32
Máy chủ tìm kiếm: 2
Khách viếng thăm: 30
Tổng lượt truy cập: 5,087,124