Đang truy cập: 26
Máy chủ tìm kiếm: 1
Khách viếng thăm: 25
Tổng lượt truy cập: 5,330,813
- Đang truy cập26
- Hôm nay1,415
- Tháng hiện tại78,743
- Tổng lượt truy cập5,330,813
Vừa qua, UN Women đã công bố báo cáo “Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019: Qua kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam” và báo cáo “Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam”. Hội đồng Khoa học cơ quan TW Hội xin điểm qua một số kết quả nổi bật của 2 báo cáo này:
Nhóm DTTS đã có nhiều cải thiện trong vấn đề kết hôn, tuy nhiên có sự chênh lệch giữa tốc độ cải thiện của nam và nữ DTTS: Tuổi kết hôn trung bình lần đầu năm 2019 của 53 DTTS là 22,7 tuổi – thấp hơn 2,5 tuổi so với tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nước nhưng đã tăng 1,7 tuổi so với năm 2015. Tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết có xu hướng giảm (năm 2018 giảm lần lượt 4,7 và 0,9 điểm phần trăm so với năm 2014). Tuy nhiên, so với năm 2014, tỷ lệ tảo hôn và kết hôn cận huyết của nam giới đã giảm lần lượt là 5,9 và 1,26 điểm phần trăm, cao hơn so với mức giảm ở nữ (lần lượt là 3,6 và 0,5 điểm phần trăm).
Mức sinh của phụ nữ DTTS giảm nhưng vẫn cao và thường sinh nở sớm, tỷ lệ giới tính khi sinh của nhóm DTTS mặc dù thấp hơn so với trung bình chung cả nước nhưng vẫn cao hơn mức cân bằng.: Mức sinh của phụ nữ DTTS (2,35 con/phụ nữ) dù giảm nhưng vẫn cao hơn mức bình quân cả nước (2,09 con/phụ nữ) và mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ). Phụ nữ DTTS có mô hình sinh sớm hơn rất nhiều so với mô hình sinh chung, tập trung phần lớn ở độ tuổi từ 20 – 24 (so với cả nước là nhóm 25 – 29 tuổi). Tỷ số giới tính khi sinh hiện nay của nhóm DTTS là 110,2 bé trai/100 bé gái – thấp hơn trung bình cả nước (111,5 bé trai/100 bé gái) nhưng cao hơn cân bằng sinh học (104-106 bé trai/100 bé gái) – như vậy tồn tại tình trạng lựa chọn giới tính khi sinh cả ở vùng đồng bao DTTS.
Chất lượng cuộc sống của nhóm DTTS ngày càng có nhiều cải thiện nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so trung bình cả nước: Trung bình, năm 2019, khoảng cách đến chợ/trung tâm thương mại cũng giảm 0,2 km so với năm 2015. So với năm 2014, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu/tháng của người DTTS năm 2018 đã tăng mạnh 1,8 lần (năm 2014 là 1.161 nghìn đồng/người/tháng), nhưng vẫn chỉ bằng 49% so với trung bình cả nước.
Hộ gia đình DTTS do nữ làm chủ mặc dù vẫn chiếm tỷ lệ thấp nhưng có xu hướng cải thiện về chất lượng cuộc sống nhanh hơn hộ DTTS do nam làm chủ: Số lượng hộ gia đình DTTS do nữ làm chủ chỉ là 740 nghìn hộ, chiếm 21,2% tổng số hộ DTTS – thấp hơn tỷ trọng hộ gia đình do nữ làm chủ chung là 26,5%. Tình trạng nhà ở của hộ DTTS do nữ làm chủ có xu hướng tốt lên – tỷ lệ nhà thiếu kiên cố và đơn sơ năm 2019 giảm 4,8 điểm phần trăm so với năm 2015 và thấp hơn tỷ lệ tương ứng của hộ gia đình DTTS do nam làm chủ (17,1% so với 14,1%). Hộ gia đình do nữ làm chủ cũng có tỷ lệ sử dụng máy vi tính và điện lưới cao hơn hộ gia đình DTTS do nam làm chủ, mặc dù tỷ lệ sử dụng xe máy lại thấp hơn. Đồng thời, thu nhập bình quân 1 nhân khẩu tháng của hộ gia đình do nữ làm chủ cũng cao gấp 1,5 so với hộ gia đình DTTS do nam làm chủ - mức chênh này còn cao hơn mức chênh tương ứng của hộ gia đình người Kinh là 1,1 lần.
Giáo dục có nhiều sự cải thiện, có sự đảo ngược về khoảng cách giới trong tiếp cận giáo dục giữa trẻ em trai và gái DTTS: Tỷ lệ biết đọc, biết viết năm 2019 của nhóm DTTS cũng đã tăng 5,1 điểm phần trăm so với năm 2015. Trung bình, năm 2019, khoảng cách đến trường của trẻ em DTTS là 2,2 km (đối với Tiểu học), 3,7 km (đối với THCS) và 10,9 km (đối với THPT). Tỷ lệ trẻ em DTTS đi học đúng tuổi năm 2019 cũng tăng so với năm 2015, ở mọi cấp học.
Mặc dù phụ nữ và trẻ em gái DTTS biết đọc, biết viết chữ phổ thông ít hơn đáng kể so với nam giới DTTS và phụ nữ người Kinh, tuy nhiên trẻ em gái DTTS có tỷ lệ đi học đúng tuổi cao hơn và tỷ lệ ngoài nhà trường thấp hơn trẻ em trai DTTS ở tất cả các cấp học.
Cải thiện trong lao động – việc làm của DTTS diễn ra chậm, nhóm phụ nữ DTTS đang làm những công việc dễ bị tổn thương hơn: Mặc dù trình độ chuyên môn và cơ cấu việc làm đã có sự cải thiện, tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật của nhóm DTTS vẫn thấp hơn đáng kể so với trung bình cả nước (10,3% so với 22,8%) và phần lớn việc làm vẫn gắn với nông – lâm nghiệp (73,3%). Tỷ lệ nữ DTTS đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật chỉ là 8,9%, thấp hơn nam giới DTTS và phụ nữ dân tộc Kinh.
Lao động nữ DTTS so tỷ lệ làm việc trong nông – lâm nghiệp (76,4%) và các công việc “lao động gia đình không được trả lương” (52%) cao hơn nhiều so với tỷ lệ tương ứng ở lao động nam DTTS (70,5% và 26,6%) và so với lao động nữ cả nước (35,9% và 19,4%). Có nhiều rào cản đối với lao động nữ DTTS trong dịch chuyển việc làm ra khỏi nông-lâm nghiệp và tiếp cận công việc làm công ăn lương tại các nhà máy, doanh nghiệp tại địa phương, các khu công nghiệp trong nước hoặc đi làm việc ở nước ngoài, đẩy phụ nữ DTTS tới lựa chọn tìm việc làm bất hợp pháp ngoài biên giới.
Phụ nữ DTTS bất lợi hơn nam giới trong tiếp cận tín dụng chính thức để phát triển sinh kế, hoạt động sản xuất – kinh doanh – dịch vụ với chỉ 15,8% chủ hộ DTTS là nữ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH năm 2019 (so với 20,7% ở hộ DTTS do nam làm chủ). Tỷ trọng chủ hộ DTTS là nữ được vay vốn với số tiền từ 20 triệu trở xuống là 35%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ tương ứng của chủ hộ DTTS là nam được vay là 27,1%. Mức độ tiếp cận với các cơ hội hỗ trợ phát triển sinh kế, tạo thu nhập của phụ nữ DTTS hạn chế hơn nam DTTS do họ phải chịu bất lợi đan xen có nguyên nhân từ yếu tố dân tộc và giới.
Chăm sóc sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng ho phụ nữ DTTS đã có nhiều tiến bộ trong thời gian qua, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách đáng kể so với phụ nữ Kinh-Hoa: Trung bình, năm 2019, khoảng cách trung bình tới bệnh viện của hộ gia đình DTTS là 14,7 km; giảm 2km so với năm 2015 (16,7 km). Tỷ lệ phụ nữ DTTS từ 10 – 49 tuổi dử dụng biện pháp tránh thai đã tăng nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với tỷ lệ chung cả nước (51,1% so với 64,6%). Tuy nhiên, đã có sự cải thiện trong thăm khám thai - tỷ lệ phụ nữ DTTS được khám thai tại cơ sở y tế chỉ còn thấp hơn -2,7% so với tỷ lệ chung của cả nước (năm 2018 là 90,7%), và tỷ lệ sinh con tại cơ sở y tế năm 2019 cũng tăng 22,8 điểm phần trăm so với năm 2015.
Bạo lực ở phụ nữ DTTS dưới dạng kiểm soát hành vi và bạo lực kinh tế nhiều hơn so với phụ nữ Kinh, nhưng có tỷ lệ bị bạo lực thể xác, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần thấp hơn: Cụ thể, có đến 33,8% phụ nữ DTTS bị kiểm soát hành vi và 24,1% phụ nữ DTTS bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời, trong khi tỷ lệ tương ứng ở nhóm phụ nữ Kinh chỉ là 26% và 19,9%. Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực thể xác/bạo lực tình dục hay bạo lực tinh thần do chồng/bạn tình gây ra trong đời lần lượt là 29,4% và 43,7%, thấp hơn phụ nữ Kinh (32,7% và 47,7%).
Nguồn:
UNWomen; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc. (2021). Số liệu về phụ nữ và nam giới các dân tộc ở Việt Nam giai đoạn 2015 – 2019: Qua kết quả Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
UNWomen; Viện Khoa học Lao động và Xã hội; Vụ Dân tộc thiểu số - Ủy ban Dân tộc. (2021). Tóm tắt chính sách: Các vấn đề giới trong các dân tộc thiểu số ở Việt Nam
Hội đồng Khoa học cơ quan TW Hội
Nguồn tin: hoilhpn.org.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết khác
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 26
Máy chủ tìm kiếm: 1
Khách viếng thăm: 25
Tổng lượt truy cập: 5,330,813