Giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa để góp phần xây dựng một Việt Nam xanh

  •   Thứ sáu - 03/11/2023 14:11
  •   527
  •  0

Đoàn ĐBQH Phú Yên do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham dự phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, chiều 31/10, Quốc hội thảo luận các nội dung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và các nội dung quan trọng khác.

Đoàn ĐBQH Phú Yên do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham gia phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Đào An Xuân tham gia một số ý kiến về vấn đề giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Đại biểu cho rằng, đây không phải là chủ đề mới, nhưng rất cần sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các bộ ngành để đạt được mục tiêu đề ra. Theo số liệu mới nhất được công bố chưa chính thức trong khuôn khổ xây dựng Báo cáo hiện trạng chất thải nhựa năm 2022 do Bộ TN&MT thực hiện, lượng rác thải nhựa phát sinh hằng năm là 2,9 triệu tấn, gồm 1,55 triệu tấn ở đô thị và 0,85 triệu tấn ở nông thôn, nhưng chỉ 0,77 triệu tấn được tái chế.

Thực tế, rác thải nhựa đã và đang trở thành vấn nạn lớn, đặc biệt đối với các tỉnh ven biển. Để giải quyết vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Quyết định 1316/QĐ-TTg phê duyệt đề án Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam.

Ngoài các văn bản trên, còn có Chiến lược quốc gia về quản lý chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050 ban hành năm 2018, Kế hoạch hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững ban hành năm 2020, đều có các nội dung liên quan chất thải nhựa. Các văn bản này đã tạo hành lang pháp lý và thể hiện sự quyết liệt trong triển khai các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa.

Ngay từ lúc được ban hành, Kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đã nhận được sự ủng hộ cao của người dân, cộng đồng trong nước và quốc tế. Tại thời điểm đó, phong trào thay thế các sản phẩm nhựa dùng một lần được nhiều tổ chức, cá nhân hưởng ứng; điển hình là các cơ quan nhà nước đồng loạt chuyển từ sử dụng chai nước nhựa sang sản phẩm thay thế là chai thủy tinh sử dụng nhiều lần. Các chương trình truyền thông, phong trào làm sạch bờ biển cũng được triển khai rầm rộ.

Đại biểu Lê Đào An Xuân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Nhiều dự án khởi nghiệp dựa trên việc tạo ra sản phẩm thay thế nhựa dùng một lần và nhựa khó phân hủy được thực hiện. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp du lịch đã chuyển đổi sang cung cấp, sử dụng các vật dụng xanh hơn, như một cách xây dựng và định vị thương hiệu… Dù đã có nhiều chuyển biến nhưng theo quan điểm của đại biểu thì nước ta có thể làm nhiều hơn thế, nhất là về mặt chính sách nhưng thực tế vẫn còn khá hạn chế.

Theo đại biểu Lê Đào An Xuân, chúng ta nhắc nhiều đến phân loại tái chế rác thải nhựa, nhưng đến nay vẫn chưa có đầy đủ các hướng dẫn về phân loại rác thải, công nghệ tái chế, tái sử dụng vẫn còn rất thô sơ. Chúng ta đề nghị sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường nhưng chính sách khuyến khích sáng tạo, sản xuất, hỗ trợ sản phẩm mới thay thế chưa được hữu hiệu, các nhà sản xuất mới vẫn loay hoay tìm cách sống sót giữa quá nhiều sản phẩm nhựa khó phân hủy giá rẻ.

Các hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn những sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm chứa vi nhựa… vẫn chưa đầy đủ, và người tiêu dùng quan ngại liệu khi dừng sử dụng sản phẩm khó phân hủy thì đã sử dụng đúng sản phẩm thân thiện môi trường hay chưa. Thực tiễn thành công trong việc cấm dùng sản phẩm nhựa một lần tại vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) hay đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam) cho thấy, nếu tiếp cận và có giải pháp đúng, chúng ta hoàn toàn có thể cấm/hạn chế sử dụng nhựa một lần.

Đại biểu Lê Đào An Xuân đề nghị các bộ ngành khẩn trương thực hiện đúng, đủ các nội dung mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo. Đồng thời đề nghị Quốc hội chỉ đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội trong năm 2024 tổ chức giám sát trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định về giảm thiểu rác thải nhựa đã quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 để đồng hành cùng Chính phủ; kịp thời xem xét, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc, sớm hoàn thành mục tiêu và góp phần xây dựng một Việt Nam xanh.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Tại phiên thảo, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng tham gia phát biểu nội dung liên quan đến những khó khăn, vướng mắc và giải pháp phát triển văn hóa trong thời gian đến.

Theo Phú Yên Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 9

Tổng lượt truy cập: 5,176,282

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây