Đang truy cập: 11
Tổng lượt truy cập: 5,340,773
- Đang truy cập11
- Hôm nay2,945
- Tháng hiện tại88,703
- Tổng lượt truy cập5,340,773
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi cuộc thi
Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Đảng đoàn Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức để lựa chọn, trao giải cho các tác phẩm báo chí xuất sắc viết về các tấm gương “Dân vận khéo” (sau đây gọi tắt là Cuộc thi) được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng do Bộ Thông tin - Truyền thông cấp phép; đồng thời, trao thưởng cho các cơ quan báo chí, ban dân vận cấp ủy xuất sắc trong tuyên truyền, triển khai Cuộc thi; phát hiện, tôn vinh các tấm gương điển hình “Dân vận khéo”.
Điều 2. Mục đích, ý nghĩa
1. Thiết thực hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/1930 - 15/10/2020), kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận” (15/10/1949 - 15/10/2019) và 20 năm “Ngày dân vận của cả nước” (15/10/1999 - 15/10/2019), tạo đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa - xã hội sâu rộng, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác dân vận trong thời kỳ đất nước đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Qua đó nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cả hệ thống chính trị về dân vận và trách nhiệm thực hiện công tác dân vận theo tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng.
2. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao hiệu quả công tác dân vận, đảm bảo thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận; góp phần củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước; tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; phát huy dân chủ và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Khuyến khích, phát huy vai trò, trách nhiệm và ghi nhận, tôn vinh đội ngũ nhà báo, các cơ quan báo chí, các cấp hội nhà báo, ban dân vận các cấp, cộng tác viên và công dân trong việc phát hiện, phản ánh, tuyên truyền những tấm gương, mô hình, điển hình “Dân vận khéo”, tôn vinh những tác phẩm báo chí xuất sắc về đề tài Dân vận, tạo hiệu ứng tích cực, bồi đắp những giá trị tốt đẹp, bền vững trong xã hội.
4. Thông qua Cuộc thi, phát hiện các tấm gương điển hình “Dân vận khéo” để tổ chức gặp mặt, tuyên dương vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng.
Điều 3. Phạm vi, đối tượng áp dụng
1. Thể lệ này quy định về tên gọi, mục đích, ý nghĩa, tiêu chuẩn, điều kiện, thể loại, tiêu chí xét chọn, cơ cấu giải thưởng, hồ sơ, quy trình, thủ tục, Hội đồng chấm giải, cách thức, kinh phí tổ chức Cuộc thi.
2. Công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước, có tác phẩm báo chí phù hợp với các quy định của Cuộc thi đều có quyền gửi tác phẩm tham dự.
3. Tác phẩm/chùm tác phẩm (sau đây gọi chung là tác phẩm) tham dự Cuộc thi phải được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép và bảo đảm đúng các quy định của Thể lệ này.
CHƯƠNG II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Quy định về tác giả, số lượng tác phẩm tham dự
1. Mỗi tác giả hoặc nhóm tác giả được gửi tối đa 03 tác phẩm phù hợp với quy định của Cuộc thi.
2. Tác giả có tác phẩm dự thi không được vi phạm các quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, không vi phạm Luật Báo chí và các quy định khác của pháp luật hiện hành.
3. Thành viên Ban Tổ chức và Hội đồng chấm giải không tham dự Cuộc thi.
Điều 5. Tiêu chí xét trao giải
I. Đối với tác phẩm
1. Tiêu chí chung
a. Tác phẩm dự thi được thể hiện bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc được dịch ra tiếng Việt), được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng, đáp ứng các quy định của Thể lệ.
b. Tác phẩm dự thi phải bảo đảm tính chân thực, chính xác, khách quan, có định hướng tư tưởng, chính trị, có tính phát hiện; phương pháp thể hiện sáng tạo, hấp dẫn.
Đối tượng được phản ánh thực sự là những tấm gương tập thể và cá nhân tiêu biểu, những kinh nghiệm hay, mô hình tốt trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” do Ban Dân vận Trung ương phát động trên các lĩnh vực: Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị…, có tính bền vững, sức lan tỏa và đóng góp tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở các địa phương, đơn vị trên phạm vi cả nước.
c. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ, công bố ở các thời điểm khác nhau, không có tên loạt bài. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh).
d. Các loại hình và thể loại báo chí được xét trao Giải:
- Loại hình: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình.
- Thể loại: Bài phản ánh, ghi chép, phóng sự, bút ký, ký sự, phim tài liệu, các chương trình phát thanh, truyền hình.
e. Những tác phẩm đã được trao thưởng các cuộc thi khác vẫn được quyền tham dự Giải, nhưng cần ghi rõ mức giải đã đoạt, đơn vị và thời gian tổ chức.
g. Tác phẩm dự Giải phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền. Ban tổ chức không hoàn trả tác phẩm dự giải và được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để tuyên truyền.
2. Tiêu chí riêng đối với từng loại hình báo chí
a. Báo in
- Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 03 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một sự kiện, cùng một đề tài.
b. Báo điện tử
- Tác phẩm tham dự phải là tác phẩm sáng tạo lần đầu, thực hiện riêng cho báo điện tử, thể hiện được đặc trưng của báo điện tử về thông tin văn bản, âm thanh, hình ảnh...; không xét những tác phẩm lấy từ các loại hình báo chí khác; Mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 03 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên, về cùng một chủ đề.
c. Báo nói
- Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt phóng sự (không quá 03 phóng sự), một hoặc một loạt chương trình phát thanh (không quá 03 chương trình) về một cùng một chủ đề.
- Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo nói là âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc bảo đảm chất lượng, hấp dẫn. Thời lượng: Tối đa 60 phút/tác phẩm.
d. Báo hình
- Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt phóng sự (không quá 03 phóng sự), một hoặc một loạt chương trình truyền hình (không quá 03 chương trình) về cùng một chủ đề.
- Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo hình; Kỹ thuật hình ảnh, âm thanh, phải đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn. Thời lượng: Tối đa 90 phút/tác phẩm.
II. Đối với cơ quan báo chí và ban dân vận cấp ủy
Cơ quan, đơn vị, tổ chức được trao Giải báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo” phải đạt các tiêu chí sau:
+ Được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực báo chí, truyền thông (đối với cơ quan báo chí).
+ Tổ chức phát động hưởng ứng Cuộc thi một cách bài bản, sáng tạo, thu hút nhiều cán bộ, công chức, viên chức, phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên tham gia.
+ Tích cực triển khai tuyên truyền, hướng dẫn tham dự Cuộc thi trong hệ thống dân vận, trên phương tiện thông tin đại chúng.
+ Là cơ quan, đơn vị, tổ chức có số lượng tác giả, tác phẩm dự thi trong nhóm các địa phương, đơn vị tham dự nhiều nhất.
+ Tập hợp, giới thiệu được nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của địa phương, đơn vị cung cấp cho báo chí (đối với ban dân vận cấp ủy).
Điều 6. Cơ cấu giải thưởng và hình thức khen thưởng
1. Cơ cấu giải
a. Đối với tác phẩm: Giải thưởng chung kết Cuộc thi gồm các loại giải A, B, C và Giải khuyến khích, được trao cho các tác phẩm báo chí xuất sắc thuộc các loại hình báo chí.
Tổng số Giải thưởng: 06 giải A; 15 giải B; 15 giải C; 30 giải Khuyến khích.
b. Đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức: 10 Giải đồng hạng “xuất sắc” cho các cơ quan báo chí và ban dân vận cấp ủy có thành tích tiêu biểu.
c. Ngoài ra, để động viên, khuyến khích tác giả, Ban Tổ chức trao thưởng cho tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo hằng năm (2018, 2019, 2020).
2. Giá trị giải thưởng:
a. Giải A: 30 triệu đồng
b. Giải B: 20 triệu đồng
c. Giải C: 15 triệu đồng
d. Giải Khuyến khích: 10 triệu đồng
e. Giải đồng hạng xuất sắc (cho tập thể): 10 triệu đồng
g. Thưởng tác phẩm được chọn vào vòng chung khảo: 5 triệu đồng
3. Hình thức khen thưởng
- Đối với tác giả, tác phẩm đoạt giải: Tặng tiền thưởng, giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi.
- Đối với cơ quan báo chí, ban dân vận xuất sắc: Tặng tiền thưởng và Bằng khen của Ban Dân vận Trung ương.
- Đối với 90 tấm gương “Dân vận khéo” tiêu biểu của các tác phẩm báo chí được lựa chọn vào vòng chung khảo qua các năm: Tặng tiền thưởng và được mời tham dự Lễ tổng kết Cuộc thi.
- Hằng năm, tổ chức sơ kết, trao thưởng cho các tác phẩm báo chí chất lượng được chọn vào vòng chung khảo Cuộc thi vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng (15/10).
Điều 7. Ban Tổ chức Cuộc thi
1. Ban Tổ chức Cuộc thi do Ban Dân vận Trung ương ra quyết định thành lập, có nhiệm vụ thành lập Hội đồng chấm Giải, bộ phận giúp việc và tổ chức các hoạt động liên quan đến Giải.
2. Ban Tổ chức được sử dụng con dấu của Ban Dân vận Trung ương trong quá trình hoạt động.
3. Ban Tổ chức được quyền sử dụng tác phẩm đoạt giải để phục vụ công tác tuyên truyền.
Điều 8. Cơ quan thường trực Cuộc thi
Cơ quan thường trực Cuộc thi là Tạp chí Dân vận thuộc Ban Dân vận Trung ương và Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam. Cơ quan thường trực có trách nhiệm:
1. Phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Thể lệ Cuộc thi tới các đơn vị, cá nhân liên quan.
2. Làm đầu mối tiếp nhận các tác phẩm báo chí do các tác giả gửi về tham dự Cuộc thi.
3. Chịu trách nhiệm về cơ sở vật chất phục vụ quá trình làm việc của Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Cuộc thi và Hội đồng chấm giải.
4. Phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp nhận, đề xuất sử dụng kinh phí tài trợ từ các tổ chức, cá nhân phục vụ cho quá trình tổ chức Giải, chấm Giải, sơ kết Giải và tổ chức tổng kết Cuộc thi.
Điều 9. Hội đồng chấm giải
1. Hội đồng chấm giải gồm Hội đồng Chung khảo và Hội đồng Sơ khảo, do Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi ra quyết định thành lập trên cơ sở đề nghị của cơ quan thường trực Cuộc thi vào thời điểm thích hợp.
2. Giúp việc cho Hội đồng chấm giải có Ban Thư ký do Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi ra quyết định thành lập.
3. Quy chế chấm giải do Ban Tổ chức Cuộc thi ban hành.
Điều 10. Quy trình xét, công bố và trao giải
1. Sơ khảo
Hằng năm, Hội đồng Sơ khảo tiến hành chấm sơ khảo, lựa chọn tác phẩm chất lượng, tiêu biểu để đưa vào vòng chung khảo và khen thưởng vào dịp sơ kết Cuộc thi gắn với kỷ niệm Ngày truyền thống công tác dân vận (15/10).
2. Chung khảo
Dựa trên kết quả tuyển chọn hằng năm của Hội đồng Sơ khảo, Hội đồng Chung khảo sẽ đánh giá, thẩm định, lựa chọn những tác phẩm xuất sắc nhất trình Ban Tổ chức Cuộc thi quyết định trao giải.
Việc lựa chọn tác phẩm xuất sắc để trao giải không nhất thiết phải đủ số lượng theo cơ cấu giải.
3. Thời gian xét, công bố và trao Giải
- Các năm 2018, 2019 tổ chức chấm sơ khảo, chọn các tác phẩm tiêu biểu nhất vào vòng chung khảo; sơ kết, trao thưởng cho tác phẩm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10).
- Năm 2020 tổ chức chấm sơ khảo của năm; sau đó tổ chức chấm chung khảo, trao giải thưởng chung cuộc và tổng kết Cuộc thi vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15/10/2020).
Điều 11. Kinh phí hỗ trợ Cuộc thi
1. Kinh phí tổ chức Cuộc thi do hoạt động tài trợ, hỗ trợ, quảng bá thương hiệu tự nguyện, hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
2. Các khoản kinh phí tài trợ, hỗ trợ, quảng bá thương hiệu được sử dụng công khai, đúng quy định về tài chính hiện hành trong toàn bộ quá trình vận hành chấm xét, tôn vinh và trao giải thưởng hằng năm.
Điều 12: Hồ sơ dự giải
1. Về tác giả
Thông tin về tác giả gồm: Họ và tên, bút danh (nếu có), địa chỉ hiện tại hoặc đơn vị công tác, số điện thoại, E-mail.
2. Về tác phẩm
a. Mỗi tác phẩm dự Giải phải sao, chụp làm 02 bộ (ghi rõ đã đăng, phát trên báo, đài nào, ngày đăng và có xác nhận của cơ quan báo chí) kèm giới thiệu khái quát về tác phẩm (loại hình, thể loại, nội dung chính, nêu bật tính phát hiện, sức lan tỏa, hấp dẫn, hiệu quả xã hội… của tác phẩm) và bảo đảm các yêu cầu sau:
- Đối với tác phẩm báo in, báo điện tử: Phải là bản in chính hoặc sao chụp từ báo in, báo điện tử, nhưng phải sạch, đẹp, rõ ràng. Nếu tác phẩm có sự tiếp nối nhỏ, lẻ, phải cắt dán phần tiếp nối trên giấy trắng khổ A4 hoặc A3 và đánh số trang rõ ràng phần tiếp nối. Tác phẩm viết bằng tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng Việt. Tác phẩm báo điện tử: in giấy khổ A4, ghi rõ tên báo, thời gian đăng tải (kèm giao diện và đường link tác phẩm).
- Đối với tác phẩm phát thanh: ghi lên đĩa CD hoặc USB, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng, kèm theo văn bản phần lời của tác phẩm. Nếu là tiếng dân tộc phải có bản dịch ra tiếng Việt.
- Đối với tác phẩm truyền hình: ghi lên đĩa VCD, DVD hoặc USB, mỗi đĩa chỉ ghi 01 tác phẩm và trên nhãn đĩa ghi rõ tên đơn vị, tên tác phẩm, tác giả, thể loại, thời lượng và thời gian phát sóng; kèm theo bản thuyết minh. Nếu là truyền hình tiếng dân tộc phải có phụ đề tiếng Việt.
b. Những tác phẩm không đáp ứng các quy định nêu trên bị coi là phạm quy (bị loại).
3. Thời gian, địa chỉ nhận tác phẩm
a. Thời gian
- Nhận bài dự thi của năm 2018: Các tác phẩm được công bố từ ngày 15/10/2017 đến 10/9/2018. Thời hạn cuối cùng nhận bài dự thi: Chậm nhất là ngày 20/9/2018.
- Nhận bài dự thi của năm 2019: Các tác phẩm được công bố từ ngày 11/9/2018 đến 10/9/2019. Thời hạn cuối cùng nhận bài dự thi: Chậm nhất là ngày 20/9/2019.
- Nhận bài dự thi của năm 2020: Các tác phẩm được công bố từ ngày 11/9/2019 đến 20/8/2020. Thời hạn cuối cùng nhận bài dự thi: Chậm nhất là ngày 31/8/2020.
(Ngày kết thúc nhận bài dự thi hằng năm nói trên được căn cứ theo dấu của Bưu điện).
b. Địa chỉ nhận tác phẩm
Cơ quan thường trực Cuộc thi:
- Tạp chí Dân vận, Ban Dân vận Trung ương, số 105B Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 080.43339; 080.43338; 080.44171.
Email: thidanvankheo@gmail.com.
- Ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam, số 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Điện thoại: 024.38246530; 024.39351071; hoặc 097.262.8386
Email: bannghiepvu.hnb@gmail.com.
Hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì cần ghi rõ: Tham dự Cuộc thi Báo chí viết về tấm gương “Dân vận khéo”.
Điều 13. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại về kết quả xét, tặng giải và những vi phạm quy định, trình tự, thủ tục xét, tặng giải. Đơn khiếu nại phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ và lý do khiếu nại và gửi cho Cơ quan thường trực Cuộc thi.
Cơ quan thường trực có trách nhiệm xem xét và trả lời đơn khiếu nại, báo cáo kết quả giải quyết khiếu nại lên Ban Tổ chức Cuộc thi. Không xem xét đơn không có tên, địa chỉ không rõ ràng hoặc mạo danh.
2. Tác phẩm báo chí tham dự giải nếu vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Báo chí, các quy định của Nhà nước có liên quan và Thể lệ này, Ban Tổ chức sẽ thu hồi giải thưởng, thông báo cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật hiện hành./.
BAN TỔ CHỨC CUỘC THI
Nguồn tin: danvan.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Liên kết khác
Thống kê truy cập
Đang truy cập: 11
Tổng lượt truy cập: 5,340,773