Hỗ trợ phụ nữ nông thôn thích ứng với biến đổi khí hậu

  •   Thứ ba - 29/10/2019 13:57
  •   1255
  •  0
Người dân ở xã Hòa Đồng phấn khởi tham gia mô hình trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả do Un Women hỗ trợ. Ảnh: CTV

Phú Yên là một trong những địa phương dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu (BĐKH) và rủi ro thiên tai. Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đang tích cực phối hợp với Hội LHPN Phú Yên triển khai mô hình “Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả” ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa để hỗ trợ phụ nữ nông thôn phát triển sinh kế bền vững thích ứng với BĐKH.

Báo Phú Yên phỏng vấn bà Elisa Fernandez, Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Bà Elisa Fernandez. Ảnh: NGỌC DUNG

* Điều mà UN Women hướng đến thông qua việc triển khai mô hình này ở Phú Yên là gì, thưa bà?

- Mô hình hỗ trợ phụ nữ ở Phú Yên nằm trong khuôn khổ chương trình Cải thiện sinh kế và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ nông thôn đối với khu vực BĐKH và thảm họa thiên tai ở 3 tỉnh Phú Yên, Lào Cai, Quảng Nam. Ở Phú Yên, UN Women chọn mô hình chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả bị ảnh hưởng lụt sang trồng sen để hỗ trợ cho phụ nữ.

Mô hình này giúp phụ nữ phát triển kinh tế bền vững vì sen không chỉ có khả năng chống chịu lụt lội mà còn có thể chịu hạn ở mức độ nhất định. Hơn nữa, sản phẩm từ sen rất đa dạng, không chỉ hạt sen mà cả hoa sen, lá sen, củ sen đều có thể bán ra thị trường. Chúng tôi hy vọng mô hình hợp tác giữa UN Women và Hội LHPN Phú Yên có thể nhân rộng trong tương lai để hỗ trợ nhiều phụ nữ nông thôn trong việc phát triển kinh tế thích ứng với BĐKH.

Đây chỉ là mô hình thí điểm và chúng tôi mới bắt đầu triển khai từ tháng 5 năm nay. Vì là thí điểm nên hiện chỉ có khoảng 30 hộ được hỗ trợ để chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng sen. Chúng tôi đang bàn với Hội LHPN tỉnh kế hoạch làm thế nào để có thể hỗ trợ cho nhiều hộ dân hơn trong thời gian tới.

Câu hỏi đặt ra là bao nhiêu hộ có thể nhận được hỗ trợ hay hỗ trợ bằng cách nào thì cần có thêm thời gian để thảo luận, bởi còn tùy thuộc vào nhu cầu của người dân, vào việc khảo sát địa hình và quy hoạch của tỉnh. Điều mà chúng tôi hướng đến ở đây không phải là chuyện người dân muốn trồng sen hay có thể tăng thu nhập của mình bao nhiêu mà người dân nhận được gì trong quá trình triển khai dự án này, họ học hỏi được điều gì và nâng cao năng lực ra sao, có thêm được những kỹ năng gì? Những bài học, kinh nghiệm mà chúng tôi rút ra hy vọng có thể nhân rộng trong tương lai để nhiều phụ nữ nông thôn được hưởng lợi từ mô hình này.

* Thưa bà, trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, phụ nữ nói chung và phụ nữ nông thôn nói riêng có vai trò thế nào trong việc nỗ lực thích ứng, tăng cường khả năng phục hồi và phát triển kinh tế bền vững tại địa phương?

- Sở dĩ chúng tôi hướng đến đối tượng là phụ nữ, vì phụ nữ chiếm hơn một nửa dân số thế giới. Hơn nữa, phụ nữ nằm trong nhóm dễ bị tổn thương nhất. Ngoài ra, tại Việt Nam hiện nay, lực lượng lao động chính ở nông thôn là phụ nữ, nam giới phần lớn đi làm ăn xa hoặc di cư ra thành phố tìm kiếm việc làm.

Trong bối cảnh BĐKH ngày càng diễn biến phức tạp, phụ nữ vừa là đối tượng dễ bị tổn thương, vừa là lực lượng lao động chính ở nông thôn, họ rất cần hỗ trợ phát triển kinh tế. Với sự hỗ trợ ấy, phụ nữ có thể theo kịp tình hình phát triển của đất nước và có thể được nâng tầm hơn nữa với những mô hình sinh kế bền vững, có thể chống chịu, thích ứng với BĐKH.

Mô hình “Trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả” ở xã Hòa Đồng hướng đến mục tiêu tăng cường sinh kế bền vững, nâng cao năng lực, khả năng chống chịu với BĐKH cho phụ nữ nông thôn. Trên cơ sở đó thúc đẩy vai trò, sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH tại cộng đồng.

* Bà đánh giá như thế nào về sự đồng hành của Hội Phụ nữ, các cơ quan chức năng và người dân thông qua mô hình này?

- Dự án mới triển khai cách đây vài tháng, và đến nay, người dân mới thu hoạch sen lứa đầu tiên. Người dân có thể thấy được một chút thành quả của chuyên gia và của mình sau một thời gian vất vả, bởi đây là năm hạn hán, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên có rất nhiều vấn đề kỹ thuật cần phải xử lý trong quá trình triển khai dự án.

Các cấp Hội Phụ nữ, cơ quan chức năng và người dân tham gia dự án luôn đồng hành cùng chúng tôi. Chúng tôi tập trung vào nâng cao năng lực và hỗ trợ kỹ thuật là chính. Thế nhưng đây là mô hình thí điểm, nên chúng tôi hỗ trợ một phần giống, phân bón, thuốc trừ sâu, về kỹ thuật chúng tôi áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; phần còn lại là người dân đối ứng để thể hiện cam kết của họ.

Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức nhiều đợt tập huấn từ tháng 6 đến nay, từ kỹ thuật trồng sen, canh tác, đến việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và sơ chế sau khi thu hoạch, đồng thời tập huấn kỹ năng kết nối thị trường, cách tiếp thị sản phẩm... Một điều thú vị của dự án này là chúng tôi hy vọng sự kết nối giữa Hội Phụ nữ với các cơ quan khuyến nông vừa mang kỹ thuật nông nghiệp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, vừa hướng đến việc tiếp cận tốt hơn về vấn đề bình đẳng giới. Chúng tôi tin rằng sự phối hợp giữa các bên sẽ góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy vai trò, sự tham gia và khả năng lãnh đạo của phụ nữ trong các hoạt động giảm thiểu rủi ro thiên tai, thích ứng với BĐKH tại địa phương.

* Xin cảm ơn bà!

NGỌC DUNG (thực hiện)

Nguồn tin: Theo http://www.baophuyen.com.vn/:

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 17

Tổng lượt truy cập: 5,221,808

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây